Thông tin sản phẩm
1. Thành phần của Vitamin E 400IU OPC
Thành phần hoạt chất:
Vitamin E 400 IU
Thành phần tá dược: Gelatin, glycerin, nipasol M, nước tinh khiết.
2. Công dụng của Vitamin E 400IU OPC
Điều trị thiếu vitamin E trong các trường hợp:
Chế độ ăn thiếu vitamin E, trẻ em bị xơ nang tuyến tụy hoặc kém hấp thu mỡ do teo đường dẫn mật hoặc thiếu betalipoprotein huyết, trẻ sơ sinh thiếu tháng rất nhẹ cân khi đẻ; các bệnh cơ và thần kinh như giảm phản xạ, dáng đi bất thường, giảm nhạy cảm với rung động và cảm thụ bản thân, liệt cơ mắt, bệnh võng mạc nhiễm sắc tố, thoái hóa sợi trục thần kinh.
Chống oxy hóa kết hợp với vitamin C, vitamin A và selenium.
Phụ trị gan nhiễm mỡ, tăng cholesterol máu, vô sinh, giảm sản xuất tinh trùng ở nam giới.
Phòng ngừa sự thiếu hụt vitamin E.
3. Liều lượng và cách dùng của Vitamin E 400IU OPC
Cách dùng
Thuốc dùng đường uống.
Liều dùng
Uống mỗi lần 1 viên, ngày uống 1 lần: dùng cho cả phòng ngừa và điều trị thiếu hụt Vitamin E; hoặc theo hướng dẫn của thầy thuốc.
4. Chống chỉ định khi dùng Vitamin E 400IU OPC
Không dùng cho bệnh nhân mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
5. Thận trọng khi dùng Vitamin E 400IU OPC
Thận trọng khi sử dụng trên bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu.
6. Sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai và cho con bú
Thời kỳ mang thai
Trong thời kỳ mang thai, thiếu hoặc thừa vitamin E đều không gây biến chứng cho mẹ hoặc thai nhi. Ở người mẹ được dinh dưỡng tốt, lượng vitamin E có trong thức ăn là đủ và không cần bổ sung. Nếu chế độ ăn kém, nên bổ sung cho đủ nhu cầu hàng ngày khi có thai.
Thời kỳ cho con bú
Vitamin E vào sữa. Sữa người có lượng vitamin E gấp 5 lần sữa bò và có hiệu quả hơn trong việc duy trì đủ lượng vitamin E trong huyết thanh cho trẻ đến 1 năm tuổi. Nhu cầu vitamin E hàng ngày trong khi cho con bú là 12 mg. Chỉ cần bổ sung cho mẹ khi thực đơn không cung cấp đủ lượng vitamin E cần cho nhu cầu hàng ngày.
7. Khả năng lái xe và vận hành máy móc
Thuốc không ảnh hưởng lên khả năng lái xe và vận hành máy móc.
8. Tác dụng không mong muốn
Thường gặp, ADR >1/100
Chưa có báo cáo.
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Chưa có báo cáo.
Không xác định tần suất
Tiêu hóa: Liều cao có thể gây tiêu chảy, đau bụng và các rối loạn tiêu hóa khác.
Toàn thân: Mệt mỏi, yếu (dùng liều cao).
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.
9. Tương tác với các thuốc khác
Vitamin E đối kháng với tác dụng của vitamin K, nên làm tăng thời gian đông máu. Nồng độ vitamin E thấp ở người bị kém hấp thu do thuốc (như kém hấp thu khi dùng cholestyramin).Vitamin E làm tăng tác dụng của thuốc chống đông, warfarin, aspirin.
10. Dược lý
Dược lực học
Vitamin E làm mất các triệu chứng thiếu vitamin E và được sử dụng làm chất chống oxy hóa thông qua các cơ chế: Ngăn cản oxy hóa các thành phần thiết yếu trong tế bào; ngăn cản tạo thành các sản phẩm oxy hóa độc hại như các sản phẩm peroxy hóa do chuyển hóa các acid béo chưa bão hòa; phản ứng với các gốc tự do (nguyên nhân gây tổn hại màng tế bào do oxy hóa), mà không tạo ra các gốc tự do khác trong quá trình đó.
Vitamin E giúp tăng hấp thu vitamin A qua ruột, bảo vệ vitamin A khỏi bị thoái hóa do oxy hóa làm cho nồng độ vitamin A trong tế bào tăng lên, đồng thời bảo vệ chống lại tác dụng của chứng thừa vitamin A.
Dược động học
Để vitamin E hấp thu qua đường tiêu hóa, mật và tuyến tụy phải hoạt động bình thường. Lượng vitamin E hấp thu giảm khi liều dùng tăng lên. Thuốc vào máu qua vi thể dưỡng chấp trong bạch huyết, rồi được phân bố rộng rãi vào tất cả các mô và tích lại ở mô mỡ.
Một ít vitamin E chuyển hóa ở gan thành các glucuronid của acid tocopheronic và gamma - lacton của acid này, rồi thải qua nước tiểu, còn hầu hết liều dùng thải trừ chậm vào mật. Vitamin E vào sữa, nhưng rất ít qua nhau thai.
11. Quá liều và xử trí quá liều
Chưa có báo cáo.
12. Bảo quản
Nơi khô mát, nhiệt độ dưới 30°C, tránh ánh sáng.