lcp
OPT
Medigo - Thuốc và Bác Sĩ 24h

Đặt thuốc qua tư vấn ngay trên app

MỞ NGAY
Thuốc điều trị tăng huyết áp Nebivolol 5 (Dược 3/2) hộp 100 viên

Thuốc điều trị tăng huyết áp Nebivolol 5 (Dược 3/2) hộp 100 viên

Danh mục:Thuốc trị tăng huyết áp
Thuốc cần kê toa:
Hoạt chất:Nebivolol
Dạng bào chế:Viên nén
Thương hiệu:F.T.Pharma
Số đăng ký:VD-25598-16
Nước sản xuất:Việt Nam
Hạn dùng:24 tháng kể từ ngày sản xuất.
Vui lòng nhập địa chỉ của bạn, chúng tôi sẽ hiện thị nhà thuốc gần bạn nhất
Lưu ý: Sản phẩm này chỉ bán khi có chỉ định của bác sĩ. Mọi thông tin trên website và app chỉ mang tính chất tham khảo. Vui lòng liên hệ với bác sĩ, dược sĩ hoặc nhân viên y tế để được tư vấn thêm.

Thông tin sản phẩm

1. Thành phần của Nebivolol 5 (Dược 3/2)

Cho 1 viên nén Nebivolol HCI tương ứng Nebivolol 5 mg;
Tá dược: Mamnitol, Microcrystalline cellulose, Povidon K30, Lutrol F68, Croscarmellose natri, Aerosil, Magnesi stearat.

2. Công dụng của Nebivolol 5 (Dược 3/2)

Điều trị tăng huyết áp.

3. Liều lượng và cách dùng của Nebivolol 5 (Dược 3/2)

Nebivolol được dùng bằng đường uống, kèm hoặc không kèm theo thức ăn.
Điều trị tăng huyết áp
Liều dùng nên được điều chỉnh cho từng bệnh nhân.
Người lớn: Liều khởi đầu được khuyến cáo là 5 mg, mỗi ngày một lần. Ở những bệnh nhân có huyết áp không được kiểm soát đầy đủ với liều lượng nebivolol ban đầu, có thể tăng liều mỗi 2 tuần lên đến 40 mg/ngày. Liều tối đa 40 mg/ngày.
Bệnh nhân suy thận: Đối với những bệnh nhân suy giảm chức năng thận nặng (độ thanh thải creatinin Clcr < 30ml/phút), liều khởi đầu được khuyến cáo là 2,5 mg, mỗi ngày một lần. Nếu cần thiết, liều có thể được tăng lên một cách thận trọng.
Bệnh nhân suy gan: Đối với bệnh nhân suy gan mức độ trung bình (Child-Pugh loại B), liều khởi đầu khuyến cáo của nebivolol là 2,5 mg, mỗi ngày một lần. Nếu cần thiết, liều có thể được tăng lên một cách thận trọng. Chống chỉ định cho bệnh nhân suy gan nặng (Child-Pugh loại C).
Người cao tuổi: không cần chỉnh liều.
Người có chuyển hóa cơ chất của CYP2D6 kém: không cần chỉnh liều.
Trẻ em dưới 18 tuổi: Chưa có nghiên cứu đối với trẻ em dưới 18 tuổi. Do đó, không đề nghị dùng thuốc cho trẻ em dưới 18 tuổi.

4. Chống chỉ định khi dùng Nebivolol 5 (Dược 3/2)

- Quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc.
- Suy gan nặng.
- Suy tim cấp tính, sốc tim hoặc đợt suy tim mất bù.
- Ngoài ra, cũng giống như các thuốc ức chế beta khác, chống chỉ định dùng nebivolol trong các trường hợp:
- Hội chứng suy nút xoang bao gồm blốc xoang-nhĩ.
- Blốc tim độ hai hoặc độ ba (không được đặt máy điều hòa nhịp).
- Tiền sử co thắt phế quản hoặc hen phế quản.
- U tủy thượng thận không được điều trị.
- Nhiễm acid chuyển hóa.
- Nhịp tim chậm (nhịp tim < 60 nhịp/phút trước khi bắt đầu điều trị).
- Hạ huyết áp (huyết áp tâm thu < 90 mmHg).
- Rối loạn tuần hoàn ngoại vi nặng.
- Trẻ em dưới 18 tuổi.

5. Thận trọng khi dùng Nebivolol 5 (Dược 3/2)

Thuốc gây mê: Duy trì việc điều trị bằng thuốc chẹn beta làm giảm nguy cơ bị loạn nhịp trong quá trình gây cảm ứng chuẩn bị cho gây mê và nội soi. Nếu phải ngưng thuốc chẹn beta để chuẩn bị phẫu thuật thì nên ngưng ít nhất trước 24 giờ. Cần theo dõi thận trọng đối với một vài thuốc gây mê có thể gây suy cơ tim. Bệnh nhân được bảo vệ chống lại phản ứng thần kinh phó giao cảm bằng cách tiêm tĩnh mạch atropin.
Tim mạch:
- Nhìn chung, các thuốc ức chế beta không nên được sử dụng cho những bệnh nhân Suy tim sung huyết chưa được điều trị, trừ phi tình trạng suy tim đã được ổn định.
- Ở những bệnh nhân thiếu máu tim cục bộ, điều trị với thuốc chẹn beta nên ngưng thuốc từ từ (1-2 tuần). Nếu cần, điều trị thay thế nên bắt đầu cùng thời điểm để ngăn ngừa tăng đau thắt ngực.
- Thuốc chẹn beta-adrenergic có thể gây nhịp tim chậm: trong quá trình điều trị nếu tốc độ mạch giảm dưới 50-55 nhịp/phút lúc nghỉ ngơi và/hoặc bệnh nhân có những dấu hiệu liên quan đến bệnh nhịp tim chậm, cần phải giảm liều.
Nên dùng thuốc chẹn beta-adrenergic thận trọng:
- Ở những bệnh nhân có những rối loạn tuần hoàn ngoại biên (bệnh hoặc hội chứng Raynaud, chứng khập khiễng cách hồi) vì có thể làm nặng thêm các rối loạn này.
- Ở những bệnh nhân blốc tim độ 1 vì tác dụng làm chậm thời gian dẫn truyền của các thuốc ức chế beta.
- Ở những bệnh nhân bị chứng đau thắt ngực Prinzmetal do không đối kháng thụ thể alpha gián tiếp gây co động mạch vành, thuốc chẹn beta-adrenergic có thể làm tăng số lần và khoảng thời gian của các cơn đau thắt ngực.
Không khuyến cáo sử dụng phối hợp nebivolol với thuốc chẹn kênh calci như verapamil và diltiazem, với thuốc chống loạn nhịp nhóm I, hoặc với thuốc hạ huyết áp tác động lên trung ương.
Chuyển hóa/nội tiết: Nebivolol không ảnh hưởng đến nồng độ glucose ở bệnh nhân đái tháo đường. Tuy nhiên, nên dùng thận trọng vì nebivolol có thể che lấp một vài triệu chứng hạ đường huyết (nhịp tim nhanh, đánh trống ngực).
Thuốc chẹn beta-adrenergic có thể che lấp triệu chứng nhịp tim nhanh ở bệnh nhân cường giáp. Ngừng thuốc đột ngột có thể làm tăng triệu chứng nhịp tim nhanh.
Hô hấp: Ở những bệnh nhân bị rối loạn tắc nghẽn phổi mạn tính, thuốc chẹn beta adrenergic được dùng thận trọng vì có thể làm tăng thêm sự co thắt đường thở.
Khác:
Bệnh nhân có tiền sử bệnh vảy nến chỉ nên dùng thuốc chẹn beta-adrenergic sau khi đã cân nhắc cẩn thận.
Thuốc chẹn beta-adrenergic có thể làm tăng nhạy cảm với tác nhân gây dị ứng và tăng mức độ trầm trọng của các phản ứng phản vệ.

6. Sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai và cho con bú

Phụ nữ có thai: Nebivolol có thể gây hại đối với thai kỳ và/hoặc thai nhi/trẻ sơ sinh. Nhìn chung, các thuốc ức chế beta làm giảm lưu lượng tuần hoàn qua nhau thai, nên làm bào thai kém phát triển, thai chết lưu, sẩy thai hoặc chuyển dạ sớm.
Các tác dụng phụ không mong muốn khác (ví dụ hạ huyết áp và nhịp tim chậm có thể xảy ra đối với thai nhi và trẻ sơ sinh. Nếu việc điều trị bằng các thuốc ức chế beta là cần thiết thì nên dùng các thuốc ức chế chọn lọc trên thụ thể beta 1.
Không nên sử dụng nebivolol khi mang thai trừ khi thực sự cần thiết. Nếu việc điều trị với nebivolol là cần thiết thì phải theo dõi sát lưu lượng máu đến tử cung-nhau và sự phát triển của bào thai. Trong trường hợp gây tác hại cho người mẹ và thai nhi thì nên cân nhắc sử dụng thuốc khác. Trẻ sơ sinh phải được theo dõi chặt chẽ. Các triệu chứng của hạ huyết áp và nhịp tim chậm thường xảy ra trong 3 ngày đầu tiên.
Phụ nữ cho con bú: Những nghiên cứu trên động vật cho thấy nebivolol được tiết qua sữa. Chưa biết thuốc này có tiết qua sữa mẹ hay không. Vì vậy, không nên dùng thuốc nebivolol khi cho con bú.

7. Khả năng lái xe và vận hành máy móc

Chưa có nghiên cứu sự ảnh hưởng trên khả năng lái xe và vận hành máy móc. Những nghiên cứu dược lực học cho thấy nebivolol không ảnh hưởng đến chức năng tâm thần vận động. Cần thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc do thuốc đôi khi có thể gây choáng váng và mệt mỏi.

8. Tác dụng không mong muốn

- Tác dụng phụ thông thường đã được báo cáo như: nhức đầu, choáng váng, dị cảm, khó thở, táo bón, buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi và phù.
- Các tác dụng không mong muốn đã được báo cáo, hầu hết các trường hợp là nhẹ đến trung bình.
Thường gặp (≥ 1/100 - < 1/10)
- Rối loạn hệ thần kinh: đau đầu, hoa mắt, dị cảm.
- Rối loạn ngực, trung thất, hệ hô hấp: khó thở.
- Rối loạn tiêu hóa: táo bón, buồn nôn, tiêu chảy.
- Các rối loạn chung: mệt mỏi, phù.
Ít gặp (≤ 1/1000 - < 1/100)
- Rối loạn tâm thần: ác mộng, trầm cảm.
- Rối loạn thị giác: giảm thị lực.
- Rối loạn nhịp tim: nhịp tim chậm, suy tim, bloc nhĩ - thất, chậm dẫn truyền nhĩ - thất.
- Rối loạn mạch: hạ huyết áp (tăng khập khiễng cách hồi).
- Rối loạn ngực, trung thất, hệ hô hấp: co thắt phế quản.
- Rối loạn tiêu hóa: khó tiêu, đầy hơi, nôn mửa.
- Rối loạn tuyến vú và hệ sinh sản: bất lực.
Hiếm gặp (≤ 1/10000)
- Rối loạn hệ thần kinh: ngất.
- Rối loạn da và mô dưới da: bệnh vẩy nến nặng thêm.
- Không biết.
- Rối loạn hệ miễn dịch: Phù mạch thần kinh, phản ứng quá mẫn.

9. Tương tác với các thuốc khác

Tương tác về dược lực học
Không nên phối hợp
- Các thuốc chống loạn nhịp nhóm l (quinidin, hydroquinidin, cibenzolin, flecainid, disopyramid, lidocain, mexiletin, propafenon): tác dụng làm chậm thời gian dẫn truyền nhĩ - thất và giảm sức co bóp của cơ tim.
- Các thuốc chẹn kênh calci thuộc nhóm verapamil/diltiazem: tác dụng âm tính trên sự co bóp và dẫn truyền nhĩ - thất. Tiêm tĩnh mạch verapamil trên bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc chẹn beta có thể dẫn đến trụy tim và blốc nhĩ-thất.
- Thuốc hạ huyết áp tác động lên trung ương (clonidin, guanfacin, moxonidin, methyldopa, rilmenidin): dùng đồng thời với thuốc hạ huyết áp tác động lên trung ương có thể làm xấu đi tình trạng suy tim do làm giảm trương lực thần kinh giao cảm trung ương (giảm nhịp tim và công suất tim, giãn mạch). Ngưng sử dụng đột ngột, đặc biệt nếu trước đó có ngừng sử dụng thuốc chẹn beta, có thể gây tăng nguy cơ "tăng huyết áp dội ngược".
Thận trọng khi phối hợp:
- Các thuốc chống loạn nhịp tim nhóm III (amiodaron): tăng tác động lên thời gian dẫn truyền nhĩ-thất.
- Các thuốc gây mê bay hơi dẫn xuất halogen: dùng đồng thời thuốc chẹn beta và thuốc gây mê có thể làm giảm phản xạ tim nhanh và làm tăng nguy cơ hạ huyết áp. Về nguyên tắc chung nên tránh ngừng đột ngột thuốc chẹn beta. Thông báo cho chuyên viên gây mê khi bệnh nhân đang dùng nebivolol.
Lưu ý khi phối hợp
- Các glycosid digitalis: Sử dụng đồng thời có thể làm tăng thời gian dẫn truyền nhĩ - thất.
- Thuốc chẹn calci nhóm dihydropyridin (amlodipin, felodipin, lacidipin, nifedipin, nicardipin, nimodipin, nitrendipin): việc dùng đồng thời có thể làm tăng nguy cơ hạ huyết áp và không loại trừ sự gia tăng nguy cơ làm hư hỏng chức năng bơm máu của tâm thất ở những bệnh nhân suy tim.
- Thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm (3 vòng, barbiturat và phenothiazin): dùng đồng thời có thể làm tăng tác dụng hạ huyết áp của thuốc chẹn beta (tác động hiệp lực).
- Thuốc giống giao cảm: dùng đồng thời có thể trung hòa tác dụng của thuốc chẹn
beta-adrenergic. Các thuốc chẹn beta-adrenergic có thể không chống lại hoạt tính alpha-adrenergic của thuốc giống giao cảm có cả hai tác động alpha và beta adrenergic (nguy cơ cao huyết áp, nhịp tim chậm trầm trọng và blốc tim).
Tương tác dược động học:
- Do cơ chế chuyển hóa của nebivolol liên quan đến isoenzym CYP2D6 nên việc dùng đồng thời với các thuốc ức chế men này, đặc biệt là paroxetin, fluoxetin, thioridazin và quinidin có thể dẫn đến làm tăng nồng độ huyết tương của nebivolol kết hợp với tăng nguy cơ làm chậm nhịp tim quá mức và các tác dụng phụ khác.
- Sử dụng kết hợp với cimetidin làm tăng nồng độ trong huyết tương của nebivolol nhưng không làm thay đổi tác dụng lâm sàng.
- Sử dụng đồng thời nebivolol và nicardipin làm tăng nhẹ nồng độ trong huyết tương của cả hai thuốc nhưng không làm thay đổi tác dụng lâm sàng.

10. Dược lý

Nebivolol là một hỗn hợp racemic gồm hai dạng đồng phân SRRR-nebivolol (hay d-nebivolol) và RSSS-nebivolol (hay I-nebivolol).
Thuốc phối hợp cả hai tác động dược lý:
- Nebivolol là thuốc chẹn thụ thể beta chọn lọc và cạnh tranh: tác động này do SRRR-enatiomer (d-enatiomer).
- Nebivolol có khả năng gây giãn mạch bằng cơ chế nội mạc thông qua con đường L-arginine/Nitric oxide.

11. Quá liều và xử trí quá liều

Chưa có những dữ liệu về quá liều nebivolol.
Triệu chứng: Những triệu chứng của quá liều thuốc chẹn beta là: chậm nhịp tim, hạ huyết áp, co thắt phế quản và suy tim cấp tính.
Điều trị: Trong trường hợp quá liều, bệnh nhân cần được giám sát chặt chẽ và điều trị dưới sự chăm sóc đặc biệt. Nên kiểm tra nồng độ glucose trong máu. Có thể ngăn chặn sự hấp thu của các phần còn lại của thuốc vẫn còn hiện diện trong đường tiêu hóa bằng phương pháp rửa dạ dày, dùng than hoạt tính và một thuốc nhuận tràng. Cần hô hấp nhân tạo. Chậm nhịp tim hoặc phản ứng phó giao cảm quá mức cần được điều trị bằng cách dùng atropin hoặc methylatropin. Hạ huyết áp và sốc nên điều trị bằng huyết tương/chất thay thế huyết tương và nếu cần thiết, dùng các catecholamin. Tác dụng của thuốc chẹn beta có thể giảm bằng cách tiêm tĩnh mạch chậm isoprenalin hydrochlorid, bắt đầu với liều khoảng 5 mg/phút hoặc dobutamin bắt đầu với liều 2,5 mg/phút cho đến khi đạt hiệu quả mong muốn. Trong những trường hợp dai dẳng, isoprenalin có thể được kết hợp với dopamin. Nếu vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn, có thể tiêm tĩnh mạch glucagon 50-100 mg/kg. Nếu cần thiết, nên lặp lại tiêm tĩnh mạch trong vòng một giờ, tiếp theo-nếu cần thiết - truyền glucagon 70 mg/kg/giờ. Trong những trường hợp nhịp tim chậm quá mức đề kháng với việc điều trị, có thể sử dụng thêm máy điều hòa nhịp.

12. Bảo quản

Nơi khô mát, nhiệt độ dưới 30°C, tránh ánh sáng.

Xem đầy đủ

Đánh giá sản phẩm này

(5 lượt đánh giá)
1 star2 star3 star4 star5 star

Trung bình đánh giá

4.2/5.0

1
4
0
0
0