Thông tin sản phẩm
1. Thành phần của Partamol Codein Stella
Mỗi viên nén Paratamol Codein Tab. có chứa những thành phần chính như là:
Paracetamol 500 mg
Codeine phosphate hemihydrate 30 mg
Tá dược vừa đủ 1 viên
(Microcrystallin cellulose, tinh bột natri glycolat, povidone K90, magnesi stearate)
2. Công dụng của Partamol Codein Stella
Giảm đau cấp tính ở mức độ trung bình khi các thuốc giảm đau khác như paracetamol hay ibuprofen (đơn độc) không có hiệu quả ở bệnh nhân trên 12 tuổi.
3. Liều lượng và cách dùng của Partamol Codein Stella
Người lớn: Uống 1 hoặc 2 viên mỗi 6 giờ với liều tối đa là 8 viên trong 24 giờ. Khoảng thời gian điều trị giảm đau nên giới hạn dưới 3 ngày và trong trường hợp không đạt được hiệu quả giảm đau, bệnh nhân người chăm sóc bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn.
Người cao tuổi: Nên giảm liều.
Suy gan: Nên giảm liều.
Trẻ em từ 12 - 18 tuổi: Liều khuyến cáo nên dùng cho trẻ em ≥ 12 tuổi là 1 hoặc 2 viên mỗi 6 giờ với liều tối đa là 8 viên trong 24 giờ.
Trẻ em dưới 12 tuổi: Partamol Codein eff, không được khuyến cáo để điều trị giảm đau do nguy cơ ngộ độc opioid bởi các thay đổi không thể dự đoán trước trong quá trình chuyển hóa codeine thành morphin (xem phần Cảnh báo và thận trọng khi dùng thuốc).
Liều dùng nên được điều chỉnh cho phù hợp với mức độ nghiêm trọng của các cơn đau và đáp ứng của bệnh nhân. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng khả năng dung nạp codeine có thể tiến triển khi sử dụng liên tục và tỷ lệ mắc phải các tác dụng không mong muốn phụ thuộc vào liều dùng. Liều codeine hơn 60 mg không mang lại tác dụng giảm đau tương xứng mà chỉ kéo dài thời gian giảm đau và làm tăng đáng kể tỷ lệ mắc phải các tác dụng không mong muốn.
4. Chống chỉ định khi dùng Partamol Codein Stella
Bệnh nhân quá mẫn hay có cơ địa dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc.
Bệnh nhân suy chức năng gan hoặc thận.
Bệnh nhân nghiện rượu.
Bệnh nhân thiếu hụt glucose-6-phosphat dehydrogenase.
Trẻ em từ 0 đến 18 tuổi vừa thực hiện thủ thuật cắt amiđan và/hoặc nạo VA để điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ liên quan đến tắc nghẽn đường thở do các bệnh nhân này có nguy cơ cao xảy ra các phản ứng có hại nghiêm trọng và đe dọa tính mạng.
Phụ nữ cho con bú (xem phần Sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai và cho con bú).
Những bệnh nhân mang gen chuyển hóa thuốc qua CYP2D6 siêu nhanh.
5. Thận trọng khi dùng Partamol Codein Stella
Tổn thương đầu và tăng áp lực nội sọ: Ảnh hưởng ức chế hô hấp của các thuốc gây nghiện và khả năng tăng áp lực dịch não tủy có thể làm gia tăng rõ rệt tổn thương đầu, những tổn thương trong não khác hoặc gia tăng áp lực nội sọ trước đó. Hơn nữa, các thuốc gây nghiện gây ra các tác dụng không mong muốn có thể che đậy quá trình diễn tiến lâm sàng của những bệnh nhân bị tổn thương đầu.
Các bệnh cấp ở bụng: Việc dùng thuốc này hoặc các thuốc gây nghiện khác có thể che lấp chẩn đoán hoặc quá trình diễn tiến lâm sàng của những bệnh nhân bị các bệnh cấp ở bụng.
Những bệnh nhân có nguy cơ đặc biệt: Thuốc này nên dùng thận trọng cho một số bệnh nhân lớn tuổi hoặc sức yếu và bệnh nhân bị suy chức năng gan hoặc thận nặng, thiểu năng tuyến giáp, bệnh Addison và phì đại tuyến tiền liệt hoặc nghẽn niệu đạo.
Thận trọng khi dùng paracetamol cho những bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận. Nồng độ huyết tương của paracetamol và dạng liên hợp glucuronid và sulfat của nó tăng ở những bệnh nhân suy thận vừa và ở bệnh nhân đang thấm phân.
Codeine có thể gây lệ thuộc thuốc như nhóm morphin và do đó có khả năng lạm dụng thuốc. Sự lệ thuộc về tinh thần lẫn thể chất và sự dung nạp có thể tiến triển do dùng thuốc thường xuyên, thuốc nên được kê đơn và sử dụng thận trọng tương tự như việc sử dụng các thuốc chứa chất gây nghiện đường uống khác. Những bệnh nhân đang dùng các thuốc giảm đau gây nghiện khác, thuốc trị loạn thần kinh, thuốc an thần, hoặc các thuốc ức chế thần kinh trung ương (bao gồm rượu) dùng đồng thời với thuốc này có thể gây tăng ức chế thần kinh trung ương. Khi dự định dùng liệu pháp phối hợp trên nên giảm liều của một hoặc cả hai thuốc.
Codeine chỉ nên được sử dụng ở liều thấp nhất mà có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất.
Không khuyến cáo sử dụng codeine cho trẻ em có các vấn đề liên quan đến hô hấp (ví dụ: khó thở hoặc thở khò khè khi ngủ...).
Bác sĩ cần cảnh báo bệnh nhân về các dấu hiệu của phản ứng trên da nghiêm trọng như hội chứng Stevens-Johnson (SJS), hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN) hay hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP).
Chuyển hóa qua CYP2D6:
Codeine được chuyển hóa thành morphin (chất chuyển hóa có hoạt tính) qua enzym gan CYP2D6 tại gan. Nếu thiếu hụt một phần hoặc toàn bộ enzym này, bệnh nhân sẽ không đạt được hiệu quả điều trị phù hợp. Ước tính có đến 7% dân số da trắng có thể thiếu hụt enzym này. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân mang gen chuyển hóa chuyển hóa mạnh hoặc siêu nhanh, sẽ tăng nguy cơ xảy ra các phản ứng có hại do ngộ độc opioid ngay cả ở liều kê đơn thường dùng. Những bệnh nhân này có khả năng chuyển hóa codeine thành morphin nhanh hơn, dẫn đến nồng độ morphin trong huyết thanh cao hơn so với dự kiến.
Các triệu chứng thường gặp của ngộ độc opioid bao gồm rối loạn ý thức, buồn ngủ, thở nông, có đồng từ, buồn nôn, nôn, táo bón và chán ăn. Trong các trường hợp nghiêm trọng, có thể xuất hiện các triệu chứng của suy giảm tuần hoàn và hô hấp, có thể đe dọa tính mạng và rất hiếm khi gây tử vong.
Bệnh nhân suy giảm chức năng hô hấp:
Codeine không được khuyến cáo sử dụng ở những trẻ em có suy giảm chức năng hô hấp, bao gồm rối loạn thần kinh cơ, bệnh lý nặng về tim hoặc hô hấp, nhiễm trùng đường hô hấp trên và phổi, đa chấn thương hay vừa trải qua phẫu thuật lớn. Các yếu tố này có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng của ngộ độc morphin.
Sử dụng sau phẫu thuật cho trẻ em:
Đã có báo cáo trong các y văn được công bố rằng việc sử dụng Codeine được dùng sau phẫu thuật cho trẻ em vừa thực hiện thủ thuật cắt amiđan và/hoặc nạo V.A để điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ liên quan đến tắc nghẽn đường thở có thể gây ra các phản ứng có hại hiếm gặp nhưng đe dọa tính mạng, thậm chí tử vong. Tất cả bệnh nhi này đều sử dụng codeine trong mức liều quy định, tuy nhiên, đã có bằng chứng cho thấy những trẻ này mang gen chuyển hóa codeine sang morphin mạnh hoặc siêu nhanh. Partamol Codein eff. có chứa natri benzoat, có thể gây bệnh vàng da (vàng da và mắt) ở trẻ sơ sinh (đến 4 tuần tuổi).
6. Sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai và cho con bú
Thời kỳ mang thai
Paracetamol là thuốc giảm đau thường được lựa chọn dùng cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, việc sử dụng paracetamol thường xuyên vào giai đoạn cuối thai kỳ có liên quan đến vấn đề thở khò khè dai dẳng của trẻ sơ sinh. Không nên dùng paracetamol thường xuyên đối với phụ nữ có thai.
Chưa rõ codeine phosphate có thể gây hại cho bào thai khi dùng cho phụ nữ có thai hoặc có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay không. Căn cứ vào tiền sử dụng Codeine phosphate trong các giai đoạn của thai kỳ, không thấy có nguy cơ bất thường ở bào thai. Codeine phosphate chỉ nên dùng cho phụ nữ có thai nếu thật sự cần thiết. Viên chứa paracetamol và codeine phosphate chỉ nên dùng trong thai kỳ nếu lợi ích cao hơn nguy cơ tiềm ẩn cho bào thai.
Thời kỳ cho con bú:
Không được khuyến cáo dùng cho phụ nữ đang cho con bú (xem phần Chống chỉ định).
Ở liều điều trị thông thường, codeine và chất chuyển hóa có hoạt tính có thể có mặt trong sữa mẹ ở liều rất thấp và dường như không gây ảnh hưởng bất lợi đến trẻ bú mẹ. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân là người mang gen chuyển hóa thuốc qua CYP2D6 siêu nhanh, morphin (chất chuyển hóa có hoạt tính của codeine) có thể có trong sữa mẹ với nồng độ cao hơn và trong những trường hợp rất hiếm gặp, có thể dẫn đến các triệu chứng ngộ độc opioid ở trẻ sơ sinh, có thể gây tử vong.
7. Khả năng lái xe và vận hành máy móc
Codeine có thể làm suy giảm những khả năng thuộc về tinh thần và/hoặc thể chất cần thiết cho việc thực hiện các công việc có thể gây nguy hiểm như lái xe hoặc vận hành máy móc. Nên tránh làm những công việc trên khi dùng thuốc này.
8. Tác dụng không mong muốn
Tác dụng không mong muốn thường gặp nhất gồm: Choáng váng, chóng mặt, an thần, thở ngăn, buồn nôn và nôn. Các tác dụng không mong muốn này thường gặp ở bệnh nhân ngoại trú hơn so với bệnh nhân nội trú, và một số các tác dụng không mong muốn này có thể nhẹ bớt nếu người bệnh nằm nghỉ. Các tác dụng không mong muốn khác gồm phản ứng dị ứng, hưng phấn, khó chịu, táo bón, đau bụng và ngứa. Ở liều cao, codeine có hầu hết các tác dụng bất lợi của morphin bao gồm cả sự ức chế hô hấp.
9. Tương tác với các thuốc khác
Rượu: Dùng rượu quá mức và lâu dài có thể làm tăng nguy cơ gây độc gan của paracetamol, đặc biệt khi kết hợp cùng với các thuốc giảm đau/hạ sốt không kê đơn khác (như aspirin, salicylat, ibuprofen,..).
Thuốc chống co giật và isoniazid: Dùng đồng thời paracetamol với isoniazid hoặc thuốc chống co giật làm tăng nguy cơ gây độc cho gan.
Codeine có thể làm tăng nồng độ amylase trong huyết thanh.
Thuốc chống đông đường uống: Dùng lâu dài liệu cao paracetamol bằng đường uống làm tăng nhẹ tác dụng của coumarin và các thuốc chống đông dân xuất Indardion.
Dùng đồng thời các thuốc kháng cholinergic với codeine có thể gây liệt tắc ruột.
10. Dược lý
Dược lực học:
Paracetamol là dẫn xuất tổng hợp không gây nghiện của p-aminophenol. Paracetamol làm giảm đau và hạ sốt theo cơ chế tương tự với salicylat. Ở cùng liều lượng, paracetamol cho tác dụng giảm đau và hạ sốt tương tự như aspirin. Paracetamol giúp giảm thân nhiệt ở người bị sốt nhưng hiếm khi làm hạ thân nhiệt ở người bình thường. Paracetamol là chất ức chế không chuyên biệt, thuận nghịch, yếu trên cyclooxygenase ở liều 1 gam mỗi ngày. Ở liều điều trị, paracetamol ít tác động trên hệ tim mạch và hô hấp, tuy nhiên, ở liều độc, paracetamol có thể gây tổn thương hệ tuần hoàn và thở nhanh, nông.
Codeine là một thuốc giảm đau trung ương có tác dụng yếu. Codeine có tác dụng thông qua các thụ thể µ opioid, mặc dù vậy Codeine có ái lực thấp đối với các thụ thể này và tác dụng giảm đau của thuốc có được là do codeine được chuyển hóa thành morphin. Codeine, đặc biệt khi phối hợp với các thuốc giảm đau khác như paracetamol, đã được chứng minh là có hiệu quả trong giảm đau do cảm thụ thần kinh cấp tính.
Viên chứa paracetamol và codeine phosphate phối hợp tác động giảm đau trên trung ương của codeine với tác động giảm đau ở ngoại biên của paracetamol.
Dược động học:
Paracetamol: Paracetamol được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa với nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt khoảng 10 - 60 phút sau khi uống. Paracetamol được phân bổ vào hầu hết các mô của cơ thể. Thuốc qua được nhau thai và hiện diện trong sữa mẹ. Sự gắn kết của thuốc với các protein huyết tương không đáng kể ở nồng độ điều trị thông thường nhưng tăng lên khi nồng độ thuốc tăng. Thời gian bán thải dao động khoảng 1 - 3 giờ, Paracetamol chuyển hóa hầu hết qua gan và thải trừ qua nước tiểu chủ yếu dưới dạng liên hợp glucuronid và sulfat. Dưới 5% thuốc được đào thải dưới dạng paracetamol không thay đổi. Một lượng rất nhỏ những chất chuyển hóa hydroxyl hóa (N-acetyl-p-benzoquinonimin) thường được sinh ra trong gan và thận. Chất chuyển hóa này thường được khử độc tính bằng cách kết hợp với glutathion nhưng cũng có thể tích lũy do quá liều paracetamol và gây tổn thương mô.
Codeine:
Codeine được hấp thu qua đường tiêu hóa. Codeine phosphate được ghi nhận là hấp thu qua trực tràng. Nồng độ đỉnh trong huyết tương của codeine phosphate đạt trong vòng 1 giờ sau khi uống. Codeine được chuyển hóa nhờ sự khử methyl ở vị trí O và N Ở gan tạo thành morphin, norcodeine và các chất chuyển hóa khác gồm normorphin và hydrocodon. Codeine và các chất chuyển hóa của nó được bài tiết hầu như hoàn toàn qua thận, chủ yếu ở dạng liên hợp với acid glucuronic. Thời gian bán thải trong huyết tương là khoảng 3 - 4 giờ sau khi uống.
11. Bảo quản
Bảo quản trong bao bì kín, nơi khô, tránh ánh sáng và tránh ẩm. Nhiệt độ không quá 30°C.