lcp

Hướng dẫn xử trí khi bị dị ứng thuốc kháng sinh tại nhà

4.6

Ngày cập nhật

Chia sẻ:

doctor avatar

BS.CKI TRƯƠNG VĨNH THÁI

Đã kiểm duyệt ngày 08/03/2024

Chuyên khoa: Đa khoa-Nội tổng quát-Thận tiết niệu

Kháng sinh là một trong những loại thuốc phổ biến và được sử dụng trong nhiều loại bệnh lý nhiễm trùng khác nhau. Một trong những tác dụng không mong muốn của kháng sinh đó là dị ứng. Tuy nhiên, tình trạng triệu chứng như thế nào mới gọi là dị ứng? Sau đây, Medigo app sẽ giúp bạn tìm hiểu về dị ứng thuốc kháng sinh là gì? Cách phòng ngừa dị ứng và biện pháp xử trí hiệu quả?

1. Dị ứng thuốc kháng sinh là gì?

Kháng sinh là một loại thuốc được điều chế từ các chủng vi sinh vật có tác dụng kháng khuẩn nhờ cơ chế kìm khuẩn hoặc diệt khuẩn. 

Dị ứng là một phản ứng miễn dịch (quá mẫn qua trung gian IgE) đối với thuốc. Đó là khi hệ thống miễn dịch tạo ra phản ứng quá mức mà bình thường không xảy ra ở hầu hết những người khác. Nó có thể dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng, thường tái phát và cũng có thể xảy ra với các loại thuốc khác có liên quan đến cấu trúc của thuốc bị dị ứng (dị ứng chéo). 

Dị ứng có thể giảm dần theo thời gian hoặc có thể tồn tại suốt đời. Các triệu chứng và dấu hiệu thường khởi phát nhanh chóng, tức là trong vòng từ một đến hai giờ sau khi dùng thuốc hoặc cũng có thể xuất hiện muộn hơn sau vài ngày bao gồm:

  • Nổi mày đay (nổi mề đay)
  • Phù mạch
  • Co thắt phế quản
  • Sốc phản vệ

Phản ứng dị ứng xảy ra qua các chất trung gian miễn dịch. Khi chất trung gian miễn dịch là kháng thể đặc hiệu IgE thì phản ứng dị ứng xảy ra nhanh. Ngược lại, khi tế bào T hoặc chất trung gian non-IgE thì phản ứng dị ứng (phản ứng quá mẫn) xảy ra muộn hơn (có thể là vài ngày).

Trong một số trường hợp, bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh có thể gặp phải nguy cơ bị dị ứng. Các phản ứng dị ứng có thể xảy ra nhanh, chỉ vừa sau khi bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh hoặc cũng có thể xảy ra muộn hơn từ vài giờ đến vài tuần sau khi sử dụng thuốc. Không phải trường hợp dị ứng nào cũng xuất hiện ngay từ lần đầu tiên sau khi sử dụng thuốc, dị ứng kháng sinh có thể xuất hiện từ lần thứ hai sử dụng thuốc kháng sinh.

2. Dấu hiệu và triệu chứng khi dị ứng thuốc kháng sinh

Một số triệu chứng phổ biến nhất khi bạn bị dị ứng kháng sinh bao gồm:

  • Phát ban, ngứa, sưng hoặc bong tróc, da bị mẩn đỏ
  • Khó thở hoặc thở khò khè, căng tức cổ họng
  • Có triệu chứng đau bụng hoặc bị tiêu chảy
  • Chảy nước mắt, nước mũi
Dấu hiệu và triệu chứng khi dị ứng thuốc kháng sinh

Hình ảnh dị ứng thuốc kháng sinh: Phát ban, da mẩn đỏ

Một triệu chứng vô cùng nguy hiểm khi bạn bị dị ứng với kháng sinh đó là sốc phản vệ. Sốc phản vệ xảy ra đột ngột, nhanh chóng nếu không được cấp cứu xử lý kịp thời có thể dẫn đến nguy cơ gây tử vong. Các triệu chứng của sốc phản vệ thường gặp bao gồm:

  • Toàn thân nổi ban đỏ hoặc mày đay, ngứa 
  • Đường thở bị phù nề gây ra khàn giọng, thở rít, khó nuốt
  • Khó thở, tức ngực
  • Co giật, chóng mặt, mê sàng hoặc có thể ngất
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Sưng phồng cổ họng và lưỡi
  • Chóng mặt
Dị ứng thuốc kháng sinh

Triệu chứng sốc phản vệ: Nổi ban đỏ toàn thân, đường thở phù nề, sưng phồng lưỡi, họng

Các phản ứng dị ứng thường xuất hiện sớm (chỉ sau vài phút hoặc vài giờ). Nếu xuất hiện các triệu chứng trên hoặc nghi ngờ bị dị ứng kháng sinh, bạn phải ngừng ngay việc sử dụng kháng sinh, liên hệ với bác sĩ để được xử lý, nếu tình trạng triệu chứng nặng phải đến ngay cơ sở y tế để được điều trị cấp cứu kịp thời.

3. Những ai dễ bị dị ứng thuốc kháng sinh?

3.1 Khi nào thì dễ gây ra tình trạng dị ứng kháng sinh?

Dị ứng với kháng sinh xảy ra sau khi bạn đã tiếp xúc lần đầu với kháng sinh (có thể bao gồm cả phơi nhiễm trong tử cung) và trở nên nhạy cảm. Do đó, khả năng dung nạp kháng sinh trước đó không cung cấp bằng chứng cho thấy bạn không bị dị ứng với kháng sinh.

Khi bạn đã có phản ứng dị ứng qua trung gian IgE với một loại kháng sinh (ví dụ như phát ban, nổi mề đay…) thì có khả năng khi tái tiếp xúc với kháng sinh bạn sẽ gặp lại phản ứng này và có thể phản ứng sẽ xảy ra nghiêm trọng hơn (ví dụ như sốc phản vệ).

Một số yếu tố dễ gây ra tình trạng dị ứng:

  • Penicillin là kháng sinh thường gây ra phản ứng dị ứng nhất (và penicillin G là thuốc gây ra phản ứng dị ứng thường gặp nhất trong số các penicillin), tiếp theo là Sulfonamid và Tetracyclin. 
  • Dùng kháng sinh qua đường tiêm có nguy cơ bị dị ứng cao hơn so với dùng bằng đường uống. 
  • Dị ứng với kháng sinh thường xảy ra nhất ở độ tuổi từ 20 – 49 tuổi.
  • Dị ứng kháng sinh beta-lactam được báo cáo ở nữ giới nhiều gấp đôi so với nam giới (mặc dù điều này có thể được giải thích là do phụ nữ ở độ tuổi này sử dụng kháng sinh nhiều hơn). 

3.2 Bạn có thể kiểm tra dị ứng kháng sinh?

Nếu bạn có tiền sử dị ứng với kháng sinh thì không cần xét nghiệm để kiểm tra dị ứng kháng sinh.

Nếu bạn không chắc chắn, hoặc không biết mình có bị dị ứng với loại kháng sinh nào không thì có thể kiểm tra test dị ứng để biết cơ địa của mình có dị ứng không.

Chẩn đoán dị ứng thuốc kháng sinh khá phức tạp, đòi hỏi cần phối hợp nhiều phương pháp với nhau để đưa ra được kết quả chính xác: Khai thác kĩ tiền sử lâm sàng và kết hợp xét nghiệm in vivo như test nội bì, test kích thích hoặc  test lẩy da Tuy nhiên không phải lúc nào chúng cũng cho kết quả chính xác, đôi khi sẽ xuất hiện tình trạng âm tính giả, dương tính giả…

4. Xử trí khi dị ứng thuốc kháng sinh

Ngừng sử dụng thuốc kháng sinh ngay lập tức khi bạn có triệu chứng hoặc nghi ngờ bạn bị dị ứng. 

Sau đó, bạn có thể được chỉ định điều các triệu chứng dị ứng bằng cách sử dụng một số nhóm thuốc bao gồm:

  • Thuốc kháng histamin (cetirizin, fexofenadin, astemizol,loratadin).
  • Thuốc chống viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch corticoid (prednisolon, methylprednisolon). 

Khi được kê đơn những thuốc này, bạn cần tuân thủ điều trị theo đúng liều lượng, cách dùng, thời gian mà bác sĩ đã chỉ định để có thể đạt hiệu quả tốt nhất.

Đối với những người dị ứng nặng hơn, tình trạng nguy hiểm hơn như sốc phản vệ cần phải được xử lý kịp thời bởi các chuyên gia y tế, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Nếu bạn đang ở quá xa cơ sở y tế, dụng cụ tiêm epinephrine tự động vô cùng hữu ích trong trường hợp khẩn cấp này. Người bệnh cần được tiêm ngay lập tức epinephrin (adrenalin) và sau đó cần đưa ngay đến bệnh viện để cấp cứu kịp thời.

Vì một số kháng sinh có nguy cơ dị ứng chéo những thuốc cùng nhóm nên bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn thuốc kháng sinh thay thế phù hợp và không có nguy cơ dị ứng chéo với thuốc kháng sinh cũ mà bạn đã bị dị ứng.

5. Cách phòng ngừa nguy cơ dị ứng kháng sinh

Để phòng ngừa nguy cơ bị dị ứng kháng sinh bạn cần ghi nhớ những thông tin sau đây:

  • Không nên tùy tiện mua và sử dụng thuốc, đặc biệt là các thuốc kê đơn ví dụ như kháng sinh.
  • Nên kiểm tra chất lượng, bao bì, thành phần thuốc của trước khi sử dụng. Nếu có gì bất thường (ví dụ như thuốc bảo quản không đúng cách bị ẩm mốc, chảy nước hay bị biến dạng thì tuyệt đối không dùng).
  • Chuẩn bị dụng cụ để điều trị dị ứng khẩn cấp, luôn mang theo bút tiêm epinephrine để phòng ngừa khi gặp dị ứng nghiêm trọng.
  • Liên hệ ngay cho bác sĩ khi bạn có triệu chứng hay nghi ngờ xảy ra phản ứng dị ứng kháng sinh.

Medigo app vừa chia sẻ nội dung Dị ứng thuốc kháng sinh là gì? Cách phòng ngừa dị ứng và biện pháp xử trí hiệu quả. Hy vọng với nội dung bài viết, bạn sẽ có thêm thông tin hữu ích về tình trạng dị ứng thuốc kháng sinh và biện pháp để phòng ngừa, xử lý hiệu quả, an toàn để gia đình bạn có một sức khỏe tốt hơn.

Đánh giá bài viết này

(8 lượt đánh giá).
4.6
1 star2 star3 star4 star5 star

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm