lcp

Sốt xuất huyết: triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

4.9

Ngày cập nhật

Chia sẻ:

Sốt xuất huyết (SXH) Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút Dengue gây nên. Vi rút Dengue có 4 typ huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Vi rút truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. Tham khảo bài viết dưới về các triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa bệnh.

Triệu chứng của sốt xuất huyết

Nếu bạn mắc sốt xuất huyết, triệu chứng thường bắt đầu sau thời gian ủ bệnh khoảng 4 đến 7 ngày. Trong nhiều trường hợp, triệu chứng sẽ nhẹ và có thể nhầm lẫn với triệu chứng của cúm hoặc nhiễm trùng khác. 

Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Trẻ nhỏ và người chưa từng nhiễm có thể có triệu chứng nhẹ hơn so với trẻ lớn và người lớn. Các triệu chứng phổ biến giai đoạn sốt thường kéo dài trong 3 ngày đầu bao gồm:

  • Sốt cao đột ngột, liên tục.
  • Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.
  • Da xung huyết.
  • Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.
  • Nghiệm pháp dây thắt dương tính.
  • Thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.

Giai đoạn nguy hiểm: thường vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đă giảm sốt.

Có thể có các biểu hiện sau:

  • Đau bụng nhiều: đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan.
  • Vật vã, lừ đừ, li bì.
  • Gan to > 2cm dưới bờ sườn, có thể đau.
  • Nôn ói.
  • Tràn dịch màng phổi, mô kẽ (có thể gây suy hô hấp), màng bụng, phù nề mi mắt. Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp, da lạnh, tiểu ít.
  • Xuất huyết: xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài (tiêu) phân đen hoặc máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu.
  • Rối loạn tri giác (sốt xuất huyết Dengue thể não).
  • Viêm cơ tim, suy tim, hoặc suy chức năng các cơ quan khác.

Một số triệu chứng phổ biến của sốt xuất huyết 

Hãy liên hệ Bác sĩ để được tư vấn khi gặp những triệu chứng nghiêm trọng như trên

Điều trị bệnh sốt xuất huyết

Hiện không có thuốc hoặc điều trị đặc trị cho nhiễm sốt xuất huyết nên việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và xử lý biến chứng nếu có.

Nếu bạn nghi ngờ mình bị sốt xuất huyết, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt paracetamol để giảm sốt, đau đầu và đau khớp. Tuy nhiên, tránh dùng aspirinibuprofen vì chúng có thể gây chảy máu nhiều hơn.

Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra y tế và việc quan trọng là bạn nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước. Nếu bạn cảm thấy tồi tệ hơn sau 24 giờ đầu tiên của bệnh — khi sốt đã giảm — bạn nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt để kiểm tra.

Phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại cơ sở y tế, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm để xử trí kịp thời.

Xem xét chỉ định nhập viện trong các trường hợp sau:

  • Sống một mình.
  • Nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng.
  • Gia đình không có khả năng theo dõi sát.
  • Trẻ nhũ nhi.
  • Dư cân, béo phì.
  • Phụ nữ có thai.
  • Người lớn tuổi (≥60 tuổi).
  • Bệnh mạn tính đi kèm (thận, tim, gan, hen, COPD kém kiểm soát, đái tháo đường, thiếu máu tan máu...).

Sốt xuất huyết rất nguy hiểm, vì vậy nên được tư vấn và điều trị từ bác sĩ

>> Sốt xuất huyết làm gì cho nhanh khỏi?

Phân độ và biến chứng của sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết Dengue được chia làm 3 mức độ (theo Tổ chức Y tế thế giới năm 2009).

  • Sốt xuất huyết Dengue.
  • Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo.
  • Sốt xuất huyết Dengue nặng.

Các biến chứng của sốt xuất huyết chủ yếu liên quan đến thoát huyết tương dẫn đến sốc, trụy mạch. Ngoài ra, các biến chứng nguy hiểm như chảy máu, suy tạng ( suy hô hấp, suy gan, suy thận,..), hôn mê (thể não),..và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.

>> Xem thêm: Sốt xuất huyết Dengue: Nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa

biến chứng của sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết dengue là dạng biến chứng nghiêm trọng hơn của sốt xuất huyết

Cách phòng ngừa sốt xuất huyết

Vaccine

Hiện đã có vắc xin dengue mới tên là Dengvaxia được FDA phê duyệt vào năm 2019. Nó có sẵn ở một số quốc gia và yêu cầu ba liều cách nhau 6 tháng.

Tại Việt Nam, tin đáng mừng là Bộ y tế vừa phê duyệt vacxin sốt xuất huyết là Vacxin Qdenga. Vaccine Qdenga phòng sốt xuất huyết do hãng dược phẩm Takeda sản xuất, có hiệu lực bảo vệ hơn 80% và chống lại cả 4 nhóm huyết thanh virus sốt xuất huyết. Vaccine dành cho trẻ từ 4 tuổi trở lên, với lịch tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng.

Dự kiến, vaccine SXH sẽ có mặt tại một số trung tâm tiêm chủng trong cả nước bắt đầu từ tháng 9-2024. Vaccine SXH mà Việt Nam phê duyệt cũng đã được cấp phép ở hơn 30 quốc gia, bao gồm Liên minh châu  u, Vương quốc Anh, Indonesia, Thái Lan và Malaysia... Vaccine cũng đã được phê duyệt và sử dụng cho chương trình tiêm chủng quốc gia tại Brazil và Argentina. 

Phòng ngừa lây nhiễm

  1. Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
  2. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
  3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
  4. Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
  5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
  6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Sử dụng thuốc đuổi muỗi cả trong nhà và ngoài trời

Một số cách phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết

Kết luận

Sốt xuất huyết là một bệnh do virus gây ra, lây truyền qua muỗi Aedes aegypti. Bệnh có thể gây ra nhiều triệu chứng từ nhẹ đến nặng, và trong một số trường hợp, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như sốt xuất huyết dengue. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời là rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ biến chứng. Tuy không có thuốc đặc trị cho bệnh sốt xuất huyết, việc sử dụng các biện pháp giảm đau, nghỉ ngơi và uống nhiều nước có thể giúp giảm triệu chứng.

Nếu bạn có thắc mắc gì về tình trạng sức khỏe cần được giải đáp, liên hệ ngay đội ngũ bác sĩMEDIGO để được tư vấn online 24/7 cùng Bác sĩ hiện đang công tác tại các bệnh viện lớn. Nhận thức và hiểu biết về sốt xuất huyết cùng với các biện pháp phòng ngừa đúng đắn sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. 

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt ngày 06/06/2024

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tốt nghiệp khoa dược tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược. Hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung tại ứng dụng MEDIGO.

Đánh giá bài viết này

(9 lượt đánh giá).
4.9
1 star2 star3 star4 star5 star

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm


Nguồn tham khảo