lcp

Trầm cảm ở tuổi thanh thiếu niên: Liệu có đáng lo sợ?

4.7

Ngày cập nhật

Chia sẻ:

Trầm cảm ở thanh thiếu niên là một trong những vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, gây ra cảm giác buồn dai dẳng, “tụt mood” và mất hứng thú với hầu như tất cả các hoạt động. Điều này gây ra những thay đổi về cách suy nghĩ, cảm nhận và ứng xử, và cũng gây ra các vấn đề về cảm xúc, chức năng và thể chất. Mặc dù trầm cảm có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong cuộc đời của mỗi người, tuy nhiên các triệu chứng giữa thanh thiếu niên và người lớn có thể khác nhau.

Triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng trầm cảm của thanh thiếu niên thể hiện ở sự thay đổi về thái độ và hành vi so với trước đây, có thể bị gây ra do đau khổ và các vấn đề nghiêm trọng xảy ra ở trường hoặc ở nhà, trong các hoạt động xã hội hoặc trong các lĩnh vực khác của cuộc sống.

Các triệu chứng trầm cảm có thể khác nhau về mức độ nghiêm trọng, nhưng những thay đổi trong cảm xúc và hành vi của con bạn có thể bao gồm các ví dụ sau:

  • Thay đổi cảm xúc
  • Hãy chú ý đến những thay đổi về cảm xúc, chẳng hạn như:
  • Cảm giác buồn bã, có thể có khóc lóc mà không rõ lý do
  • Thất vọng hoặc cảm thấy tức giận, ngay cả đối với những vấn đề nhỏ
  • Cảm thấy tuyệt vọng hoặc trống rỗng
  • Tâm trạng khó chịu hoặc bực bội
  • Mất hứng thú hoặc xung đột với gia đình và bạn bè
  • Lòng tự trọng thấp
  • Cảm giác tội lỗi và thấy bản thân vô dụng
  • Luôn mặc cảm về những thất bại trong quá khứ, hoặc tự đổ lỗi hoặc tự phê bình bản thân quá mức
  • Cực kỳ nhạy cảm với việc bị từ chối hoặc thất bại, và cần sự đảm bảo quá mức
  • Gặp các vấn đề trong việc suy nghĩ, tập trung, đưa ra quyết định và ghi nhớ
  • Liên tục cảm giác rằng cuộc sống và tương lai thật nghiệt ngã và ảm đạm
  • Thường xuyên nghĩ đến cái chết, sắp chết hoặc tự sát
  • Thay đổi về hành vi
  • Quan tâm về những thay đổi trong hành vi chẳng hạn như:
  • Mệt mỏi và mất năng lượng
  • Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
  • Thay đổi cảm giác thèm ăn – chán ăn và sụt cân, hoặc rất thèm ăn và tăng cân
  • Sử dụng rượu hoặc ma túy
  • Kích động hoặc bồn chồn – ví dụ: đi lại, vắt tay hoặc không thể ngồi yên
  • Suy nghĩ, nói chuyện hoặc di chuyển chậm chạp
  • Thường xuyên phàn nàn về việc cơ thể bị đau nhức và đau đầu không rõ nguyên nhân, có thể bao gồm việc thường xuyên đến gặp y tá ở trường
  • Cô lập với xã hội
  • Học lực kém hoặc thường xuyên nghỉ học
  • Ít chú ý đến vệ sinh cá nhân hoặc ngoại hình
  • Sự tức giận bộc phát mãnh liệt, hành vi gây rối hoặc các hành động tương tự khác
  • Tự gây hại cho bản thân – ví dụ: cắt, đốt, xỏ lỗ hoặc xăm quá nhiều
  • Lên kế hoạch tự sát hoặc cố gắng tự sát

Tram-cam-o-tuoi-thanh-thieu-nien (3).jpg

Một điều cũng quan trọng không kém khi nhận thấy những bất thường về tâm lý của trẻ thành niên là biết được điều gì là bình thường và bất thường. Có thể rất khó để phân biệt được đâu là sự khác biệt giữa những “cảm xúc thất thường” là một phần tất yếu khi trẻ bước vào giai đoạn thành niên hay là những dấu hiệu của trầm cảm. Nhưng điều chúng ta có thể làm được là nói chuyện với những đứa trẻ của mình một cách tích cực. Cố gắng xác nhận xem liệu chúng có các khả năng để quản lý và giải quyết những cảm giác khó khăn hay những lúc cuộc sống dường như trở nên quá sức với chúng.

Nguyên nhân

Người ta không biết chính xác điều gì gây ra trầm cảm, nhưng có thể trầm cảm liên quan đến các vấn đề sau:

Các “hóa chất” ở não. Hay còn được gọi là các chất dẫn truyền thần kinh là các chất hóa học tự nhiên của não, với nhiệm vụ mang tín hiệu đến các bộ phận khác của não và cơ thể. Khi các chất hóa học này có những vấn đề bất thường hoặc bị suy giảm, sẽ tác động đến các quá trình hoạt động của hệ thần kinh (do ảnh hưởng đến chức năng của các thụ thể và hệ thống dây thần kinh), khiến nó trở nên “bất ổn” và có khả năng dẫn đến trầm cảm.

Nội tiết tố. Những thay đổi trong việc cân bằng nội tiết tố của cơ thể có thể liên quan đến việc gây ra hoặc góp phần vào việc gây ra bệnh trầm cảm.

Đặc điểm di truyền. Trầm cảm phổ biến hơn ở những người có quan hệ huyết thống – chẳng hạn như cha mẹ hoặc ông bà – cùng mắc bệnh này.

Những “sang chấn tâm lý” thời thơ ấu. Những sự kiện đau thương trong thời thơ ấu, chẳng hạn như bị lạm dụng thể chất hoặc tình cảm, hoặc mất cha hoặc mẹ, có thể gây ra những thay đổi trong não khiến một người dễ bị trầm cảm hơn khi đối mặt với cuộc sống.

Tiếp xúc quá nhiều với những suy nghĩ tiêu cực. Trầm cảm ở thanh thiếu niên có thể liên quan đến việc phải nghe và phải học cách cảm thấy bất lực “một cách thụ động” – thay vì học cách lạc quan và cảm thấy những “điều có thể” khi giải quyết những việc “không thể”.

Chẩn đoán

Khi nghi ngờ có trầm cảm ở thanh thiếu niên, bác sĩ thường sẽ làm các xét nghiệm và một số bài kiểm tra.

Khám sức khỏe. Bác sĩ có thể khám sức khỏe và hỏi kỹ về sức khỏe của con bạn để xác định nguyên nhân có thể gây ra trầm cảm là gì. Trong một số trường hợp, trầm cảm có thể liên quan đến một số vấn đề về sức khỏe thể chất tiềm ẩn.

Xét nghiệm. Đôi khi bác sĩ có thể cho các chỉ định để xét nghiệm máu gọi là công thức máu toàn phần hoặc kiểm tra chức năng tuyến giáp của con bạn để đảm bảo rằng các bộ phần này đang hoạt động một cách bình thường

Đánh giá về tâm lý. Bác sĩ hoặc các chuyên gia về sức khỏe tâm thần có thể trò chuyện với con bạn về những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi, và có thể bao gồm một bảng câu hỏi để con bạn trả lời. Những điều này sẽ giúp xác định chính xác chẩn đoán đã đưa ra trước đó và kiểm tra các tình trạng liên quan.

Các dạng của trầm cảm

Các triệu chứng gây ra do trầm cảm có thể khác nhau ở mỗi người. Để làm rõ việc con bạn đang gặp phải dạng trầm cảm nào, bác sĩ có thể sử dụng một hoặc nhiều đặc điểm cụ thể. Một vài ví dụ có thể là:

  • Lo lắng – trầm cảm với cảm giác bồn chồn bất thường hoặc lo lắng về các sự kiện có thể xảy ra hoặc mất kiểm soát.
  • U uất – trầm cảm nghiêm trọng biểu hiện bằng việc không phản ứng với bất cứ thứ gì, kể cả đối với những thứ đã từng mang lại niềm vui trước đó; và liên quan đến việc thứ dậy vào sáng sớm, tâm trạng tồi tệ hơn vào buổi sáng, thay đổi lớn về sự thèm ăn và cảm giác tội lỗi, kích động hoặc uể oải.
  • Các đặc điểm không điển hình – trầm cảm bao gồm khả năng được cổ vũ tạm thời bởi các sự kiện vui vẻ, tăng cảm giác thèm ăn, ngủ nhiều, nhạy cảm với sự từ chối và cảm giác tay chân nặng nề.

Phương pháp điều trị

Việc điều trị phụ thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng trầm cảm ở các bạn thanh thiếu niên. Sự kết hợp giữa trò chuyện (liệu pháp tâm lý) và sử dụng thuốc có thể rất hiệu quả đối với hầu hết các bạn trẻ đang bị trầm cảm.

Nếu con bạn có các triệu chứng trầm cảm nặng hoặc có nguy cơ tự làm hại bản thân, trẻ có thể cần nằm viện hoặc có thể phải tham gia các chương trình điều trị ngoại trú cho đến khi các triệu chứng được cải thiện.

Dưới đây là một các nhìn chi tiết hơn về các lựa chọn điều trị đối với bệnh trầm cảm

Thuốc

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt hai loại thuốc điều trị trầm cảm ở thanh thiếu niên – fluoxetine và escitalopram. Hãy trao đổi với bác sĩ về các lựa chọn thuốc và các tác dụng phụ có thể xảy ra, cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro mà thuốc có thể mang lại.

Cảnh báo của FDA

Hầu hết các loại thuốc chống trầm cảm nói chung là an toàn khi sử dụng, nhưng FDA yêu cầu tất cả các loại thuốc chống trầm cảm phải có các “black box” – cảnh báo hộp đen, đây là cảnh báo nghiêm ngặt nhất đối với các đơn thuốc. Nguyên do là vì trong một số trường hợp, trẻ em, thanh thiếu niên và thanh nhiên dưới 25 tuổi có thể gia tăng suy nghĩ về việc tự sát khi dùng thuốc chống trầm cảm, đặc biệt là trong vài tuần đầu sau khi bắt đầu dùng thuốc hoặc khi bắt đầu thay đổi liều lượng.

Bất kỳ ai đang dùng thuốc chống trầm cảm đều phải được theo dõi chặt chẽ để phát hiện kịp thời khi tình trạng trầm cảm trở nên trầm trọng hơn hoặc xuất hiện các hành vi bất thường, đặc bệt là khi mới bắt đầu sử dụng thuốc mới hoặc khi thay đổi liều lượng của thuốc. Nếu con bạn có ý định tự tử ngay khi đang dùng thuốc chống trầm cảm, hãy liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đề nghị sự trợ giúp khẩn cấp.

Đối với hầu hết thanh thiếu niên, lợi ích của việc dùng thuốc chống trầm cảm có thể lớn hơn bất kỳ rủi ro nào. Lưu ý rằng thuốc chống trầm cảm có khả năng làm giảm nguy cơ tự tử trong thời gian dài bằng cách kết hợp với việc cải thiện tâm trạng.

Tìm kiếm đúng loại thuốc

Mọi người đều khác nhau, vì vậy việc tìm ra loại thuốc hoặc liều lượng phù hợp cho bệnh nhân có thể trải qua quá trình “thử và sai”. Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn do một số loại thuốc cần vài tuần hoặc lâu hơn để “phát huy tác dụng” một cách tối đa và giảm bớt các tác dụng phụ khi cơ thể có sự điều chỉnh. Do đó gia đình cần khuyến khích con không bỏ cuộc.

Các đặc điểm di truyền đóng một vai trò quan trọng trong việc gây ra sự khác biệt trong cách tác động của thuốc trầm cảm đối với mỗi người. Trong một số trường hợp, nếu có, kết quả xét nghiệm di truyền (được thực hiện bằng xét nghiệm máu hoặc phết niêm mạc má) có thể cung cấp một số “manh mối” về cách cơ thể có thể sẽ phản ứng với một thuốc chống trầm cảm cụ thể. Tuy nhiên, các biến số khác ngoài di truyền cũng có thể ảnh hưởng đến phản ứng giữa thuốc và cơ thể.

Sử dụng thuốc trong quá trình điều trị

Theo dõi cẩn thận việc sử dụng thuốc của con bạn. Để hoạt động một cách hiểu quả, các thuốc chống trầm cảm cần phải dùng một cách nhất quán với liều lượng đã được quy định. Do việc dùng quá liều có thể là một nguy cơ đối với thanh thiếu niên đang phải đối mặt với trầm cảm, bác sĩ đôi khi chỉ kê một lượng nhỏ thuốc cho mỗi lần dùng, hoặc khuyến nghị người lớn nên kiểm soát số lượng thuốc được kê đơn để đảm bảo rằng người con không có sẵn một lượng lớn thuốc có thể sử dụng cùng một lúc.

Nếu con bạn có những tác dụng phụ gây khó chịu, không ngừng thuốc chống trầm cảm mà chưa thông qua ý kiến của bác sĩ. Một số loại thuốc có thể gây ra các triệu chứng cai nghiện nếu không giảm liều từ từ - và việc bỏ thuốc đột ngột có thể gây ra tình trạng trầm cảm nặng nề hơn.

Tram-cam-o-tuoi-thanh-thieu-nien (1).jpg

Có lẽ rằng các vấn đề về tâm lý ở tuổi thanh thiếu niên hiện nay vẫn chưa thật sự được quan tâm từ gia đình và xã hội. Tuy nhiên, việc xảy ra những hành động “dại dột” theo cách nghĩ của người lớn thật ra lại là kết quả tất yếu của một quá trình dài tâm hồn “bị tổn thương”. Vì vậy, ngoài việc là cha mẹ, chúng ta cũng cần trở thành những “người bạn đồng hành” của con, để kịp phát hiện ra những vấn đề và dùng những kinh nghiệm của mình để dìu dắt con vượt qua độ tuổi “khá nhạy cảm” này.


Dịch thuật: DS. Nguyễn Phạm Quỳnh Hoa

Nguồn: Mayoclinic

Đánh giá bài viết này

(12 lượt đánh giá).
4.7
1 star2 star3 star4 star5 star

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm