Bạch đậu khấu hay còn gọi là Bạch khấu xác, bà khấu, đới xác khấu, xác khấu (Bản thảo cương mục), đông ba khấu. đậu khấu, khấu nhân, bạch khấu nhân, đa khấu, tử đậu khấu (Đông dược học thiết yếu), thuộc họ Gừng với danh pháp khoa học là Zingiberaceae. Bạch đậu khấu có tính ấm vị cay có tác dụng làm ấm dạ dày, hành khí,… thường dùng để điều trị các bệnh lý như chán ăn, cảm lạnh, đau họng, ợ hơi hoặc co thắt bụng, đau họng,… Ngoài ra, thuốc còn dùng để làm tăng hưng phấn khi quan hệ tình dục và cải thiện các vấn đề về mật và thận.
Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước. Tuy nhiên, việc dùng Bạch đậu khấu sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Bạch đậu khấu cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.
Tên tiếng Việt: Bạch đậu khấu, Bạch khấu xác, bà khấu, đới xác khấu, xác khấu (Bản thảo cương mục), đông ba khấu. đậu khấu, khấu nhân, bạch khấu nhân, đa khấu, tử đậu khấu (Đông dược học thiết yếu).
Tên khoa học:Amomum testaceum Ridl.
Họ: Zingiberaceae (Gừng).
Công dụng: Đau bụng do lạnh, bụng đầy trướng, khó tiêu, ỉa chảy, nôn ọe (Quả).
Mô tả cây Bạch đậu khấu
Cây thân thảo, sống lâu năm, cao 2 – 3 m. Thân rễ mọc bò ngang. Lá mọc thành hai dãy, hình dải, dài 20 – 25 cm, rộng 7-10 cm, gốc bằng, đầu thuôn nhọn, hai mặt nhẵn, mép hơi uốn lượn, bẹ lá có khía.
Cụm hoa mọc thành bông dày từ thân rễ, bao bọc bởi nhiều vảy chuyển dần thành lá bắc xếp lợp, rụng sớm; đài hoa hình ống, có 3 răng, màu trắng pha đỏ nhạt; tràng hoa gồm 3 cánh màu trắng, cánh môi hình trứng màu vàng; nhị 1, chỉ nhị ngắn, hơi cong; nhị lép nhỏ; bầu nhẵn, 3 ô chứa nhiều noãn, vòi nhuỵ hình chỉ, đầu nhuỵ nhỏ.
Quả nang hình cầu, nhẩn, có khía dọc, khi chín màu nâu trắng; hạt có tinh dầu thơm.
Mùa hoa quả: tháng 5-8.
Phân bố, thu hoạch và chế biến
Phân bố
Bạch đậu khấu có thể tìm thấy ở Nam Mỹ, Thái Lan, Campuchia, Xri Lanca. Còn ở Việt Nam, cây mọc tự nhiên và được trồng chủ yếu ở các khu vực có khí hậu mát lạnh như Cao Bằng và Lào Cai.
Thu hái
Nên hái quả còn ở giai đoạn màu xanh chuyển sang màu vàng. Thời gian thu hoạch thích hợp thường vào mùa thu
Chế biến
Sau khi thu hái xong đem quả đậu khấu phơi khô trong bóng râm
Bộ phận sử dụng của Bạch đậu khấu
Quả và hoa bạch đậu khấu.
Thành phần hóa học
Quả bạch đậu khấu chứa tinh dầu, 3 – 4 %, trong đó có 60 – 80 % cineol, camphen, p.cymen, α – humulen, limonen, α – pinen, terpinen và terpineol (Prosea 12 (1), 1999).
Hoa chứa tinh dầu với các thành phần: 1,8 – cineol, α – pinen, α – terpineol, α – humulen, caryophylen, myrcen, p.cymen, α – humulen oxyd, Sabinen, limonen, terpinen – 4 – ol, carvon, myrtenal. (Trung dược từ hải II, 1996).
Tác dụng của Bạch đậu khấu
Theo y học cổ truyền
Tính vị
Tính ấm và vị cay theo Đông dược học thiết yếu
Tính nóng và vị cay theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển
Quy kinh
Tác dụng vào kinh Vị, Tỳ và Phế
Theo y học hiện đại
Trị hơi thở hôi và ngăn ngừa bệnh sâu răng: Một nghiên cứu tiến hành bởi Bộ Vi sinh vật tại Đại học Kurukshetra (Ấn Độ) đã cho thấy, cineole có trong bạch đậu khấu có tác dụng kháng khuẩn, chống lại vi khuẩn răng miệng như Candida albicans và Streptococcus mutans. Hơn nữa, hoạt chất này còn có tác dụng khử trùng mạnh giúp tiêu diệt vi khuẩn gây hôi miệng, ngăn ngừa bện sâu răng.
Ngăn ngừa bệnh ung thư: Nghiên cứu công bố trên Tạp chí Dược Thực phẩm vào năm 2012 cho biết, bột bạch đậu khấu có thể sử dụng làm thực phẩm chức năng giúp ngăn ngừa tế bào biến tính thành ung thư. Đồng thời giúp làm chậm quá trình hình thành ung thư ruột kết và ung thư da.
Chữa đái tháo đường: Bạch đậu khấu chứa lượng lớn mangan mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời đối với bệnh nhân đái tháo đường.
Giúp hạ huyết áp an toàn: Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hóa sinh & Sinh học Ấn Độ do các nhà khoa học trường Cao đẳng Y Ấn Độ cho biết, bột đậu khấu có tác dụng làm hạ huyết áp tâm trương và tâm thu một cách an toàn.
Liều lượng và cách dùng Bạch đậu khấu
Dùng dưới dạng thuốc sắc và thuốc bột. Liều dùng tối đa mỗi ngày từ 2 – 6 gram.
Chữa nôn mửa khi thai nghén: Bạch đậu khấu 3g, trúc nhự 9g, đại táo 3 quả, gừng tươi 3g. Gừng tươi giã nát, ép lấy nước. Các vị thuốc còn lại dùng nước sắc còn độ 50 – 60 ml, lọc uống với nước gừng.
Chữa trẻ em hay trớ sữa: Bạch đậu khấu 14 nhân, sa nhân 14 nhân, sinh cam thảo 6g, chích cam thảo 6g. Tán thành bột mịn, xát vào miệng trẻ.
Giải độc rượu khi say rượu không tỉnh: Bạch đậu khấu 5g, cam thảo 5g. sắc nước uống.
Lưu ý khi sử dụng Bạch đậu khấu
Khi sắc thuốc bạch đậu khấu, để hạn chế tình trạng dược liệu sắc lâu làm giảm tác dụng, khi thuốc sắc vừa sôi bệnh nhân hãy cho bạch đậu khấu vào. Ngoài ra, những đối tượng mắc bệnh táo bón hoặc cơ địa nhiệt hay bị thiếu máu, tốt nhất không nên dùng nguyên liệu tự nhiên này điều trị bệnh. Ngoài ra, không nên sử dụng bạch đậu khấu điều trị bệnh ở trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú.
Bảo quản Bạch đậu khấu
Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.
Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ Bạch đậu khấu. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm