lcp

Bạch mao căn là gì? Tác dụng và vị thuốc từ Bạch mao căn


Bạch mao căn, hay còn gọi là Vạn căn thảo, là một loại cỏ dại chứa nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe. Đây là một vị thuốc đa công dụng được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền giúp chữa nhiều bệnh như cầm máu, lợi tiểu, chữa tiểu tiện khó, chảy máu cam, phù viêm thận cấp, hen suyễn và chống viêm hiệu quả. Bài viết này sẽ trình bày chi tiết về đặc điểm, thành phần, công dụng và các bài thuốc từ loại dược liệu này.

Tìm hiểu về Bạch mao căn

Bạch mao căn còn có tên gọi khác như rễ cỏ tranh, Vạn căn thảo và có tên khoa học là Imperata cylindrica Beauv, thuộc họ lúa (Poaceae). Qua nhiều nghiên cứu, loài cỏ hoang mang nhiều công dụng dược lý này đã trở thành một bài thuốc dân gian được nhiều người sử dụng hiệu quả trong điều trị các bệnh lý thường gặp.

Cây Bạch mao căn được phân bố rộng rãi tại các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới ở Châu Á, Châu Mỹ, Châu Phi, Châu Đại Dương và một số khu vực ở Nam Âu. Ở châu Á, cỏ tranh phân bố ở hầu hết các nước ở Nam Á, Trung Á, Đông Nam Á, Đông Dương và các tỉnh miền Nam Trung Quốc, bao gồm cả đảo Hải Nam.

Ở Việt Nam, cây cỏ tranh được tìm thấy mọc hoang ở nhiều nơi, từ vùng núi đến đồng bằng và trung du. 

Bạch mao căn

Đặc điểm sinh thái

Bạch mao căn là loại dược liệu ưa sáng, có thể sống trên nhiều loại đất khác nhau với khả năng chịu hạn cao nhờ bộ rễ phát triển mạnh. 

Cây sống dai với chiều cao thân khoảng 30 - 90cm, lá hẹp 3-6mm, dài khoảng 15-30cm, gân lá ở giữa phát triển, mép lá sắc, mặt trên lá ráp còn mặt dưới nhẵn. Thân rễ hình trụ, có nhiều vảy. phát triển chắc khỏe với đường kính khoảng 0.2 - 0.4cm. Bên ngoài có màu từ trắng ngà đến vàng nhạt, có nhiều đốt với nhiều nắp nhăn, mỗi đốt thân dài 1-3.5cm. Chồi non có dạng như mũi giáo dài.

Cụm hoa của cây có màu trắng, hình chùy, dài khoảng 5-20cm, bông nhỏ phủ đầy lông nhỏ, mềm và rất dai. Bạch mao căn có nhiều chủng loại. Loại hoa nở vào màu xuân gọi là mao nhưng hoa nở vào mùa thu lại được gọi là gian, chúng đều có vị ngọt như nhau. 

Bạch mao căn

Bộ phận dùng của Bạch mao căn

Bộ phận dùng làm thuốc của cây rễ cỏ tranh là phần thân rễ (gọi là Bạch mao căn) được phơi khô hoặc sấy khô.

Thu hái, sơ chế và bảo quản

Dược liệu Bạch mao căn được thu hoạch vào mùa xuân và mùa thu. Khi trời khô ráo, người ta tiến hành đào lấy thân rễ dưới đất, bỏ phần rễ nổi trên mặt đất. Sau đó rửa sạch, sơ chế (tuốt bỏ hết bẹ, lông rễ con) và đem sấy khô hoặc phơi khô. Ngoài ra, mao căn còn có thể dùng tươi hoặc sao cháy lên.

thu hái Bạch mao căn

Thành phần hóa học

Rễ cỏ tranh non chứa 6,56% protein; 0,22% P; 0,39% Ca; 1,05% N; 10,7% tinh bột, vitamin A và Vitamin C.

Thân rễ chứa 22,05% đường toàn phần, 9,2% đường khử và 12,45% là đường chuyển hóa (cụ thể là fructose, glucose). Theo một số tài liệu, mao căn còn chứa 0,001% fernero, 0,1% arundoin, cancium, mannitol và các axit đơn: acid citric, acid oxalic và malic acid. 

Tác dụng của Bạch mao căn

Theo y học cổ truyền, mao căn có tính hàn, vị ngọt, có tác dụng trừ phục nhiệt, tiêu ứ huyết, lợi tiểu, chữa tiểu tiện khó, tiểu ra máu, nội nhiệt phiền khái và thổ huyết, chảy máu cam

Theo y học hiện đại đã nghiên cứu và chứng minh các tác dụng của Bạch mao căn gồm:

  • Lợi tiểu: Thành phần chứa nhiều muối kali nên thuốc có tác dụng đào thải lượng lớn nước ở thận theo gradient nồng độ.
  • Chống oxy hóa: do chứa lượng lớn polyphenol có khả năng chống oxy hóa tốt nên mao căn giúp ích trong việc ngăn ngừa các bệnh rối loạn tim mạch và thoái hóa thần kinh
  • Ngăn chảy máu: mao căn giúp rút ngắn đáng kể thời gian chảy máu và đông máu nhờ thành phần calcium. Vì vậy nó được dùng trong các bài thuốc trị chứng chảy máu cam và dùng để cầm máu.
  • Giảm viêm nướu: với tác dụng cầm máu, người ta thêm chiết xuất mao căn vào các sản phẩm chăm sóc răng miệng và thu được hiệu quả tuyệt vời trong việc giảm chảy máu nướu.
  • Tác dụng kháng khuẩn: nước sắc rễ cỏ tranh có tác dụng ức chế trực khuẩn Shigella.

Ngoài ra, vị thuốc mao căn còn có hiệu quả hỗ trợ điều trị bệnh thận, giải nhiệt, giảm đau, tăng miễn dịch và an thần

tác dụng của Bạch mao căn

Một số vị thuốc từ Bạch mao căn

Bạn có thể tham khảo một số bài thuốc có Bạch mao căn sau:

Bài thuốc lợi tiểu: chuẩn bị 40g râu ngô, 25g Xa tiền, 30g bạch mao căn, 5g hoa cúc. Tất cả đem thái nhỏ, trộn đều và bảo quản trong bình. Mỗi lần lấy 50g hỗn hợp thuốc đem pha thành 0.75 lít trà uống trong ngày. Đối với trẻ em, lấy 25g hỗn hợp thuốc pha với 350ml nước dùng uống trong ngày.

Bài thuốc chữa tiểu ra máu: Mao căn và Khương thán đem sắc cùng nước, cho thêm một ít mật ong vào, dùng uống.

Chữa chảy máu mũi: Lấy 15g Bạch mao căn, 15g Ngẫu tiết đem sắc với nước, để nguội uống

Chữa ợ hơi, nôn khi ăn: Chuẩn bị 28g rễ cỏ tranh và 28g Lô căn, đem cắt nhỏ rồi đun với 800ml nước cho đến khi còn 400ml, dùng uống nhiều lần trong ngày.

vị thuốc từ Bạch mao căn

Lưu ý khi sử dụng Bạch mao căn

Một vài lưu ý khi sử dụng rễ cỏ tranh: 

  • Người hư hỏa, không thực nhiệt không nên dùng Bạch mao căn
  • Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng
  • Người có triệu chứng lạnh bụng, cảm lạnh, buồn nôn thì không nên dùng mao căn uống hàng ngày
  • Sử dụng lượng lớn dược liệu này trong thời gian dài có thể gây tình trạng chóng mặt, buồn nôn thoáng qua

Bạch mao căn là một loại cỏ gần gũi có nhiều tác dụng đối với sức khỏe và được dùng để chữa các bệnh như tiểu tiện khó khăn, tiểu ra máu, chảy máu cam. Tuy là nguồn dược liệu thiên nhiên an toàn và dễ tìm, dễ dùng nhưng bạn vẫn nên cẩn trọng với liều lượng và cách dùng thuốc. Đặc biệt là nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi muốn dùng mao căn làm thuốc chữa bệnh.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyễn Lâm Ngọc Tiên

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Dược sĩ Nguyễn Lâm Ngọc Tiên đã có hơn 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược, chịu trách nhiệm cung ứng thuốc đảm bảo về số lượng và chất lượng và phát triển thị trường Dược tỉnh. Dược sĩ Ngọc Tiên cũng có chuyên môn tư vấn và hướng dẫn sử dụng thuốc cho bệnh nhân.