Bạch Thược là cây gì? Tác dụng của cây Bạch Thược
Bạch thược hay còn được gọi là Dư dung, Kỳ tích, Giải thương, Kim thược dược, Mộc bản thảo, Tương ly, Lê thực, Đỉnh, Ngưu đỉnh, Khởi ly, Thổ cẩm, Quan phương, Cận khách, Diễm hữu, Hắc tân diêng, Điện xuân khách, Cẩm túc căn, Một cốt hoa, Lam vĩ xuân, thuộc họ Mao lương với danh pháp khoa học là Ranuncuaceae. Bạch thược là một loài dược thảo đã được sử dụng làm thuốc từ rất lâu trong dân gian, ngoài dùng làm thuốc cây bạch thược còn là một loài hoa cây cảnh được nhiều người chơi ưa thích, thường trồng trong các vườn hoa cây cảnh quanh nhà. Trong y học, Bạch thược có tác dụng giảm đau, nhuận gan, dưỡng huyết. Vị thuốc này cũng có mặt trong nhiều bài thuốc chữa đau nhức, băng huyết, thống kinh nguyệt.
Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước, tuy nhiên, việc dùng Bạch thược sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của Bạch thược cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.
Thông tin chung
- Tên tiếng Việt: Bạch thược, Dư dung, Kỳ tích, Giải thương, Kim thược dược, Mộc bản thảo, Tương ly, Lê thực, Đỉnh, Ngưu đỉnh, Khởi ly, Thổ cẩm, Quan phương, Cận khách, Diễm hữu, Hắc tân diêng, Điện xuân khách, Cẩm túc căn, Một cốt hoa, Lam vĩ xuân.
- Tên khoa học: Paeonia lactiflora Pall.
- Họ: Mao lương (Ranuncuaceae).
- Công dụng: Bạch thược có tác dụng giảm đau, nhuận gan, dưỡng huyết. Vị thuốc này cũng có mặt trong nhiều bài thuốc chữa đau nhức, băng huyết, thống kinh nguyệt.
Mô tả Bạch thược
Bạch thược là một loại câu thân thảo sống lâu năm có chiều cao trung bình ở vào khoảng 50 – 80cm. Cây mọc thành từng khóm với phần thân nhẵn hoặc có nếp nhăn dọc, thẳng đứng.
Cây có nhiều rễ to, mập, rễ cái có thể dài tới 30cm với đường kính khoảng 1 – 3cm. Rễ cây có màu nâu với phần mặt cắt màu vàng trắng hay hồng nhạt.
Lá mọc so le nhau có cuống dài và chia thành 3 – 7 thùy hình mác thuôn hay hình trứng. Chiều dài lá khoảng 8 – 12cm, rộng khoảng 2 – 4cm với phần đầu nhọn.
Hoa có nhiều cánh màu trắng với phần nhị vàng và mọc to riêng lẻ ở ngọn thân. Mỗi hoa có tới vài chục hạt nhưng nhiều hạt lép. Mùa hoa ở vào khoảng từ tháng 5 – 7, còn mùa quả khoảng tháng 8 – 9.
Phân bố, thu hoạch và chế biến
Phân bố: Dược liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc, mọc tự nhiên ở nhiều tỉnh như Hà Bắc, Sơn Đông, Liêu Ninh, Cát Lâm… Hiện nay, loại cây này đã được di thực vào Việt Nam và được trồng nhiều ở SaPa. Tuy nhiên, nguồn dược liệu dùng trong nước hiện vẫn được nhập khẩu từ Trung Quốc là chủ yếu.
Thu hoạch: Đào lấy rễ, rửa sạch đất cát, cắt bỏ đầu đuôi và rễ con, cạo sạch vỏ ngoài sau đó luộc chín hoặc luộc chín rồi bỏ vỏ, phơi khô hoặc thái lát phơi khô.
Chế biến: Lấy rễ chưa thái lát, làm ẩm, ủ mềm, thái lát phơi khô.
Bộ phận sử dụng của Bạch thược
Rễ thu hái từ cây 3 – 5 tuổi vào hè – thu, rửa sạch đất cát, cắt bỏ đầu đuôi và rễ con, gọt bỏ vỏ ngoài, cho vào nước sôi, đun sơ qua, vớt ra, đảo hoặc lăn tròn, rồi phơi hay sấy khô.
Rễ hình trụ tròn, hai đầu đều nhau hoặc một đầu hơi to hơn, thẳng hoặc hơi cong queo, dài 10 – 20 cm, đường kính 1 – 2 cm. Mặt ngoài màu nâu nhạt hoặc màu phấn trắng, chỗ chưa cạo hết vỏ có màu nâu xám, đôi khi có đường nhăn dọc rõ rệt.
Thành phần hóa học
Rễ bạch thược chứa paconiflorin, oxypaeoniflorin, albiflorin, benzoyl paconiflorin.
Ngoài ra, rễ còn có ít hoặc không có paconol, paeonosid hoac paeonolid, lactiflorin, (Z) – (ISSR) – B – punen – 10 – vl vicianosid, B – sitosterol, B – sitosterol – ca – glucosid, acid benzoic (vào khoảng 1%), acid palmitic, acid cis-9, 2-octadccadienoic, nhiều alkan (C24 – C26), daucosterol, acid galic, methyl galat, d -catechin, myoinositol, sucrose và glucogalin.
Theo Kokei Kamiya và cộng sự, 1997, bạch thược còn chứa các hợp chất triterpen và flavonold Các hợp chất triterpen từ rễ là acid oleanolic, hederagenin, 11, 12 α – cpoxy-3β, 23-dhydrovvolean – 28, 13β – olid: 30 – norhederagenin; acid hetulinic, 3β – hydroxyolean – 12 – en – 28 – al. 11α, 12α – cpoxy – 3β, 23 – dihydroxy – 30 – norolean – 20 (29) – en 28, 13- old.
Các flavonoid từ lá (1.06%) bao gồm kaempferol – 3 = O = β – D-glucosid và kaempferol – 3.7 – di – O – β- glucosid.
Tác dụng của Bạch thược
Theo y học cổ truyền
Theo Đông y, Bạch thược có vị đắng chua, hơi chát, quy vào 3 kinh: Can, tỳ, phế, có tác dụng bình can, chỉ thống, dưỡng huyết, điều kinh, liễm âm, chỉ hàn, tiêu viêm, làm mát, lợi tiểu.
Tác dụng
Bạch thược chữa đau bụng, tả lỵ do ruột co bóp quá mạnh, lưng ngực đau, chân tay nhức mỏi, nhức đầu, hoa mắt, bệnh về mạch như viêm mạch huyết khối, tắc mạch, nghẽn mạch não, kinh nguyệt không đều, bế kinh, xích bạch đới, mồ hôi trộm, tiểu tiện khó. Ngày 6 – 12 g dạng thuốc sắc.
Để thuốc có hiệu quả hơn, tùy theo bệnh mà chế biến thích hợp.
Để sống có tác dụng mát dịu, chữa đau cơ bắp, nhức đầu hoa mắt, trị tả lỵ, cảm mao, giải nhiệt, tiểu tiện khó, mồ hôi trộm.
Sao tẩm chữa kinh nguyệt không đều, xích bạch đới, bế kinh.
Theo y học hiện đại
Trong điều trị nhiễm trùng
Cao nước bạch thược có tác dụng kháng khuẩn trên Shigella, Vibrio cholerae, Staphylococcus, Salmonella, Corynebacterium diphtheriae.
Trong điều trị chống co thắt
Nước sắc bạch thược, ở nồng độ thấp gây ức chế, nồng độ cao, lúc đầu hưng phấn, sau ức chế.
Nước sắc bài "bạch thược cam thảo thang", liều thấp có tác dụng kích thích sự co bóp bình thường, liều cao gây ức chế.
Nếu kích thích ruột thỏ từ trước bằng acetylcholin hoặc histamin, tác dụng ức chế rất rõ.
Trong tác dụng kháng cholin
Cao methanol 50% và hoạt chất paeoniflorin có tác dụng anticholinergic trên chuột cống trắng in vivo mà biểu hiện là tác dụng chống co thắt, chống tiêu chảy. Ngoài ra, còn tác dụng giảm đau.
Liều lượng và cách dùng Bạch thược
Ngày dùng 8 - 12 g, dạng thuốc sắc hoặc thuốc hoàn.
Thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Bài thuốc chữa bệnh từ Bạch thược
1. Bài thuốc thược dược cam thảo thang
Chuẩn bị: 8g bạch thược cùng với 4g cam thảo.
Thực hiện: Cho hai vị thuốc trên vào ấm sắc cùng với 300ml thu 100ml. Chia đều làm 2 lần uống trong ngày với liều lượng 1 thang/ngày. Giúp chữa đau nhức đầu gối kèm cứng khớp không co duỗi được.
2. Bài thuốc quế chi gia linh truật
Chuẩn bị: 6g bạch thược, 6g quế chi, 6g phục linh, 6g đại táo, 6g bạch truật, 4g cam thảo cùng với 6g sinh khương.
Thực hiện: Các vị thuốc trên đem sắc với 600ml nước trên lửa nhỏ để thu lấy 200ml. Chia đều làm 3 lần uống trong ngày với liều lượng 1 thang/ngày. Có thể đáp ứng tốt với triệu chứng nhức đầu hoa mắt.
3. Bài thuốc hỗ trợ điều trị đái tháo đường
Chuẩn bị: 40g bạch thược cùng với khoảng 8g cam thảo.
Thực hiện: Hai dược liệu này đem chế thành dạng cao khô sau đó làm thành viên, mỗi viên chỉ khoảng 0,165g. Mỗi lần lấy uống khoảng 4 – 8 viên với tần suất 3 lần/ngày cùng với nước sôi ấm.
4. Bài thuốc chữa ho gà
Chuẩn bị: 15g bạch thược cùng với 3g cam thảo.
Thực hiện: Cho hai vị thuốc vào ấm để sắc lấy nước uống với liều dùng 1 thang/ngày. Trường hợp ho có đờm thì cho thêm ngô công, địa long và đình lịch vào sắc cùng. Còn trường hợp ho lâu ngày thì cho thêm bách hộ vào uống cùng.
5. Bài thuốc trị bệnh hen suyễn
Chuẩn bị: Bạch thược và cam thảo với lượng tùy ý theo tỷ lệ 2:1.
Thực hiện: Hai vị thuốc trên đem tán thành bột mịn rồi trộn đều lại với nhau. Mỗi lần dùng lấy 30g thuốc bột đem đun sôi với 120ml nước trong khoảng từ 3 – 5 phút. Để lắng cặn rồi lọc lấy nước uống lúc còn ấm.
6. Bài thuốc chữa xương tăng sinh
Chuẩn bị: 30 – 60g bạch thược, 15g uy linh tiên, 15g kê huyết đằng, 12g cam thảo, 12g mộc qua.
Thực hiện: Các vị thuốc trên đem cho vào ấm sắc lấy nước uống. Dùng như nước lọc hằng ngày với liều lượng chỉ 1 thang/ngày.
7. Bài thuốc chữa chứng táo bón mãn tính
Chuẩn bị: 24 – 40g bạch thược cùng với 10 – 15g cam thảo (đều ở dạng tươi).
Thực hiện: Đem hai vị thuốc cho vào ấm sắc lấy nước để uống trong ngày. Dùng với liều 1 thang trên ngày và thường sau 2 – 4 thang sẽ thấy tác dụng.
8. Bài thuốc chữa viêm loét dạ dày
Chuẩn bị: 15 – 20g bạch thược cùng với 12 – 15g cam thảo.
Thực hiện: Đem các vị thuốc đi sắc lấy nước uống trong ngày, dùng đúng 1 thang/ngày. Bài thuốc này phù hợp cả khi cơ thể khí trệ, có huyết ứ.
9. Bài thuốc chữa đau bụng kinh ở phụ nữ
Chuẩn bị: 8g bạch thược, 3g thanh bì, 8g hương phụ, 3g xuyên khung, 3g sinh địa, 3g sài hồ cùng với 2g cam thảo.
Thực hiện: Các vị thuốc trên sắc chung với 600ml nước trên lửa nhỏ để lấy phân nửa. Có thể chia thành nhiều lần uống trong ngày, dùng với liều 1 thang/ngày.
10. Bài thuốc trị chứng đau bụng lâm râm trong thai kỳ
Chuẩn bị: 20g bạch thược, 8g phục linh, 8g bạch truật, 10g trạch tả, 6g xuyên khung, 6g đương quy.
Thực hiện: Các vị thuốc trên đêm sắc để thu nước uống trong ngày khi còn ấm. Hoặc đem tán thành bột mịn rồi trộn cho thật đều. Mỗi lần uống khoảng 8g với 20ml rượu, tần suất 3 lần/ngày.
11. Bài thuốc trị băng huyết, rong kinh
Chuẩn bị: 8g bạch thược, 8g can khương, 8g thục địa, 8g mẫu lệ, 8g long cốt, 8g quế lâm, 8g mộc giác giao cùng với 8g hoàng kỳ.
Thực hiện: Tất cả cac dược liệu trên đêm tán thành bột mịn rồi trộn đều vào nhau. Mỗi lần dùng lấy 8g uống với nước ấm hoặc rượu nóng vào thời điểm trước bữa ăn, tần suất 3 lần/ngày.
12. Bài thuốc chữa chứng đau bụng, tiêu chảy
Chuẩn bị: 8g bạch thược đã sao vàng, 8g phòng phong, 12g bạch truật sao khử thổ, 6g trần bì.
Thực hiện: Các vị thuốc trên đem sắc cùng 1 thăng nước trong 10 phút. Chia thành nhiều lần uống trong ngày với liều 1 thang/ngày.
13. Bài thuốc chữa kiết lỵ
Chuẩn bị: 12g bạch thược, 6g cam thảo cùng với 12g hoàng cầm.
Thực hiện: Đem các vị thuốc sắc chung với 1 thăng nước để lấy 1/2 thăng. Uống trong ngày khi thuốc còn ấm với liều lượng 1 thang/ngày.
14. Bài thuốc chữa lỵ ra máu mủ
Chuẩn bị: 40g bạch thược, 20g đương quy, 40g hoàng cầm, 20g hoàng liên, 8g cam thảo, 12g đại hoàng, 8g binh lang, 8g mộc hương cùng với 6g quan quế.
Thực hiện: Các vị thuốc trên đem tán thành bột mịn và trộn cho đều. Mỗi lần dùng lấy ra 20g sắc cùng với 2 bát nước đến khi còn 1 bát. Uống 1 lần/ngày khi thuốc còn ấm nóng.
15. Bài thuốc chữa chứng hoa mắt, ù tai, chân tay tê mỏi
Chuẩn bị: 20g bạch thược, 16g thục địa, 16g đương quy, 20g toan táo nhân, 12g mạch môn, 8g mộc qua, 8g xuyên khung cùng với 4g cam thảo.
Thực hiện: Các vị thuốc đã chuẩn bị đem cho vào ấm để săc lấy nước uống. Sử dụng đúng theo liều lượng 1 thang/ngày.
Lưu ý khi sử dụng Bạch thược
Bạch thược mặc dù là vị thuốc tốt có mặt trong nhiều bài thuốc chữa bệnh nhưng cần kiêng kỵ trong một số trường hợp:
- Theo Bản Thảo Kinh Tập Chú: Không dùng dược liệu kết hợp với thạch hộc, tiêu thạch, miết giáp, mang tiêu, phản lê lô, tiểu kế.
- Theo Bản Thảo Diễn Nghĩa: Không dùng trong trường hợp huyết hư hàn.
- Theo Dược Phẩm Hóa Nghĩa: Không dùng khi bị mụn đậu.
- Theo Bản Thảo Kinh Sơ: Cấm dùng khi ngực đầy, bao tử lạnh.
- Theo Bản Thảo Chính: Không dùng khi tỳ khí hàn, đầy chướng không tiêu.
- Theo Đông Dược Học Thiết Yếu: Không nên dùng khi đau bụng hay tiêu chảy do hàn tà gây ra, đau do trường vị hư lạnh.
- Theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển: Không dùng khi có cảm giác lạnh bụng, đau bụng do lạnh, trúng hàn gây tiêu chảy.
Bảo quản dược liệu Bạch thược
Để giữ dược liệu được lâu cần đem sấy lưu huỳnh rồi bảo quản ở nơi khô ráo, tránh độ ẩm cao.
Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ Bạch thược cũng như một số lưu ý cần quan tâm. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp ích cho việc tham khảo của bạn đọc.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm