Binh Lang
Binh lang (Hạt cau) là một loại dược liệu với nhiều công dụng cho sức khỏe như giúp hạ khí, hành thủy và thường được dùng trong sát trùng, chữa các bệnh về đường tiêu hóa. Để sử dụng loại dược liệu này hiệu quả, hãy cùng MEDIGO tham khảo những thông tin dưới đây nhé.
1. Mô tả dược liệu binh lang
Binh lang hay hạt cau khô được lấy từ quả của cây cau, là một loại thảo dược được sử dụng từ rất lâu đời. Quả hạch có hình tròn như trái trứng gà, vỏ nhẵn bóng, có màu xanh và dần chuyển sang màu vàng đỏ khi già. Quả bì sẽ nhiều sợi và có hạt với nội nhũ cuốn bên trong.
Trong số các bộ phận của cây cau thì Hạt câu là thành phần được sử dụng nhiều nhất để làm thuốc chữa bệnh. Mỗi hạt chỉ có đường kính khoảng 1-3cm và có dạng hình trứng hoặc hình nón cụt, hạt cứng, màu nâu hoặc vàng, đáy lõm nhưng đầu tròn, có nếp nhăn như lưới ở bề mặt, có vị chát.
Bộ phận dùng: Cây cau có nhiều công dụng trong cuộc sống và mỗi bộ phận đều có công dụng riêng. Tuy nhiên để sử dụng làm thuốc thì người ta thường dùng hạt cau nhiều nhất.
Thu hái – sơ chế: Người ta sẽ thường thu hoạch quả cau thật già và đem về bóc bỏ lớp vỏ già bên ngoài, bổ lấy hạt. Hạt cau sau đó được bổ đôi hoặc thái lát thành từng miếng mỏng, sau đó được phơi khô hoặc sấy khô. Bảo quản và dùng dần.
Bảo quản: Vì hạt rất dễ bị mốc và mối mọt nên cần được bảo quản trong bình đậy kín nắp, để nơi khô ráo và thoáng mát. Nếu thấy bị mọt cần xử lý bằng cách sấy hơi diêm sinh.
Thành phần hóa học: Thành phần dược học chủ yếu của binh lang chính là chất Tannin chiếm tới 70% ở hạt non và tới 20% ở hạt chín. Bên cạnh đó sẽ có các hoạt chất khác như glucid, muối vô cơ, dầu béo, myristin, olein, laurin, protid, saccarozo, nanman và các alcaloid.
Thu hoạch hạt cây cau để sử dụng làm vị thuốc binh lang
2. Tác dụng của dược liệu binh lang
Binh lang (hạt cau) là một vị thuốc quý, có tác dụng hành thủy, hạ khí, sát trùng và phá tích. Dược liệu này thường được sử dụng để trị các chứng bệnh về đường tiêu hóa như ăn không tiêu, bụng đầy trướng, táo bón, tiêu chảy, nhiễm giun sán. Tác dụng chính của binh lang:
- Hành thủy, hạ khí: Bình lang có tác dụng kích thích nhu động ruột, giúp cho dạ dày và ruột co bóp tốt hơn, từ đó giúp cho việc tiêu hóa thức ăn được dễ dàng hơn. Ngoài ra, binh lang còn có tác dụng giảm khí trướng, giúp bụng đỡ đầy chướng.
- Sát trùng: Bình lang có tác dụng diệt khuẩn, giúp tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa, từ đó giúp ngăn ngừa và điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa như tiêu chảy, lỵ, kiết lỵ.
- Phá tích: Bình lang có tác dụng phá các khối u, cục tích trong đường tiêu hóa, từ đó giúp điều trị các bệnh như táo bón, giun sán.
3. Một số bài thuốc trị bệnh từ binh lang
Binh lang là vị thuốc có tính ôn, không độc, có vị cay chát và đắng. Người ta thường dùng binh lang với mục đích kháng khuẩn, sát trùng, hạ khí, phá tích, kích thích tiêu hóa, loại bỏ ký sinh trùng đường ruột và nhiều công dụng khác với sức khỏe. Sau đây là một số bài thuốc từ binh lang có thể tham khảo:
Bài thuốc trị sán từ binh lang
Bài thuốc trị sán: Chuẩn bị 30g binh lang thái lát mỏng, 30g nam qua tử nghiền nhỏ. Sắc các nguyên liệu với nước rồi uống hàng ngày. Hoặc có thể thay thế bằng cách ăn hạt bí ngô và kết hợp uống nước sắc từ binh lang.
Bài thuốc trị sán lá: Chuẩn bị 15g binh lang, 5g cam thảo, 10g ô mai. Đem tất cả nguyên liệu đi sắc thành thuốc uống vào mỗi buổi sáng sớm lúc bụng đói.
Binh lang là vị thuốc trị sán, sán lá, trị giun kim hiệu quả
Bài thuốc trị giun kim: Dùng 15g binh lang, 10g thạch lựu bì và 10g nam qua tử. Đem sắc các nguyên liệu và lấy nước uống trong lúc đói, tốt nhất là uống trước khi đi ngủ.
Bài thuốc trị táo bón, bụng đầy do thực tích khí trệ từ binh lang
Bài thuốc 1: Chuẩn bị các nguyên liệu sau: Hương phụ sao và khiên ngưa mỗi loại 120g, hoàng bá và đại hoàng 100g mỗi loại, 30g mỗi vị binh lang, nga truật, trần bì, mộc hương, thanh bì, hoàng liên. Đem các nguyên liệu đi nghiền thành bột mịn và bảo quản trong hũ kín. Mỗi lần dùng chỉ pha 6-10g bột với nước ấm, uống 2-3 lần mỗi ngày cho tới khi triệu chứng thuyên giảm.
Bài thuốc 2: Dùng 10g binh lang và 10g sơn tra, đem nguyên liệu vào ấm sắc thành thuốc uống như nước hàng ngày. Dùng liên tục vài ngày cho tới khi giảm tình trạng.
Bài thuốc chữa trẻ con chốc đầu từ hạt cau khô
Sử dụng bột binh lang tán mịn, trộn với dầu và thoa lên vùng da bị chốc của trẻ.
Bài thuốc trị chứng ợ hơi và ợ chua, chán ăn từ binh lang
Cách 1: Chuẩn bị 8g hạt cau khô, 16g táo mèo. Sắc các nguyên liệu với 1 lít nước cho tới khi cạn một nửa. Chia thành nhiều lần uống trong ngày, uống liên tục từ 7-9 ngày và xem kết quả.
Cách thứ 2: Dùng 12g hạt cau khô, với 6g trần bì, các nguyên liệu được tán thành bột mịn. Sau đó trộn vào đó một chút mật để có thể vo thành viên nhỏ như hạt đậu xanh. Mỗi lần dùng chỉ cần ăn một vài hạt với lượng vừa phải.
Sử dụng binh lang để trị các chứng đầy hơi, khó tiêu
Cách thứ 3: Chuẩn bị binh lang, lai phục tử mỗi vị 10g, 5g trần bì. Sơ chế trần bì rửa sạch và thái nhỏ, binh lang đem giã nhỏ và lai phục tử thì cần được sao lên cho nóng. Đem tất cả nguyên liệu vào ấm sắc lấy nước. Uống mỗi ngày và có thể thêm đường cho dễ uống.
Trị tức ngực buồn nôn, chân đùi sưng đau do hàn thấp cước khí
Bài thuốc dùng binh lang và trần bì mỗi vị 16h, gừng tươi và cát cánh mỗi loại 8g, chuẩn bị thêm tía tô và ngô thù 4g mỗi vị, 12g mộc qua. Tất cả nguyên liệu được cho vào ấm và sắc lấy nước uống, mỗi ngày uống 1 thang thuốc và dùng liên tục cho tới khi triệu chứng thuyên giảm.
4. Hướng dẫn cách dùng và liều dùng binh lang
Với mỗi bài thuốc và mục đích sử dụng mà sẽ có liều lượng binh lang cũng như cách chế biến thuốc khác nhau. Tuy nhiên đa số đều dùng binh lang theo dạng thuốc sắc để uống, thuốc bột, nấu nước ngâm tắm hoặc là thuốc hòa tán.
Liều lượng được khuyên dùng là từ 6-15g binh lang mỗi ngày, không nên dùng quá nhiều để phòng những tác dụng phụ. Tuy nhiên trong điều trị nhiễm sán lá thì có thể sử dụng liều cao hơn khoảng 60-100g một ngày.
5. Những lưu ý khi sử dụng binh lang trị bệnh
Mặc dù là vị thuốc có nhiều tác dụng tuyệt vời, thế nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng loại thuốc này. Trước khi chọn dùng binh lang, cần lưu ý những điều sau:
- Không dùng cho những người bị khí hư hạ hãm, thoát vị cơ quan tiêu hóa, sa dạ dày, không có tích trệ.
- Không dùng với trẻ em và phụ nữ mang thai.
- Binh lang kỵ lửa nên hạn chế sao chín vì sẽ làm giảm khả năng tác dụng của dược liệu.
- Phân biệt hạt cau với vỏ quả cau vì mỗi loại đều có tính chất và công dụng riêng không giống nhau.
Hạt cau khô hay Binh lang là một vị thuốc phổ biến được sử dụng nhiều trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên trước khi dùng vị thuốc này, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước để đảm bảo an toàn và hạn chế tác dụng không mong muốn.
Bài viết trên được Medigo tổng hợp, biên soạn lại không thể thay thế các tư vấn y khoa từ bác sĩ. Liên hệ ngay với MEDIGO để được tư vấn chi tiết hơn về các vấn đề sức khỏe.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm