Cam thảo: Tác dụng, tác hại và vị thuốc hiệu quả
Cam thảo là một vị thuốc Đông Y quen thuộc và là thành phần của một số loại đồ uống tốt cho sức khỏe bởi nó có rất nhiều lợi ích. Cam thảo có tác dụng bồi bổ cơ thể, chữa ho và đau họng, thanh nhiệt, điều trị viêm gan, viêm loét dạ dày hiệu quả. Tuy nhiên không phải ai cũng nên sử dụng cam thảo và càng không nên lạm dụng vị thuốc này. Vậy tác dụng của cam thảo là gì? Cách dùng như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu về vị thuốc quý này trong nội dung bài viết dưới đây.
Tìm hiểu về dược liệu cam thảo
Tên gọi, phân nhóm
- Tên Tiếng Việt: Cam thảo
- Tên khoa học: Glycyrrhiza uralensis
- Họ: Họ Đậu hay còn gọi là họ Cánh Bướm (Danh pháp khoa học: Fabacease)
- Phân nhóm: Cam thảo bắc, Cam thảo nam (Cam thảo đất) và Cam thảo dây (Cườm thảo đỏ)
Đặc điểm sinh thái của cam thảo
Cam thảo là loài cây sống lâu năm và được sử dụng để làm dược liệu chữa bệnh. Thân cây có chiều cao khoảng 1 – 1.5m. Xung quanh thân cây có các lông tơ nhỏ, lá kép, dài từ 2 – 5.5cm. Cam thảo nở hoa vào mùa hè và mùa thu, hoa có màu tím nhạt và có hình dáng giống như cánh bướm.
Quả cam thảo có hình cong lưỡi liềm với chiều dài khoảng 3 – 4cm, rộng khoảng 6 – 8 cm. Bề mặt quả màu nâu đen và có nhiều lông, mỗi quả có từ 2 – 8 hạt hình dẹt có thể có màu nâu xám hoặc xanh đen.
Cam thảo có nguồn gốc từ Tây Á và Nam Âu, sau đó được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước để điều trị nhiều bệnh khác nhau. Cây cam thảo phân bố chủ yếu ở các tỉnh thành của Trung Quốc, gồm Khánh Dương, Ôn Minh tỉnh Sơn Tây, Triệu Châu, An Đạt tỉnh Hắc Long Giang, Dân Biên tỉnh Thiểm Tây, Kiến Bình, Phú Tân tỉnh Liêu Ninh,… Hiện nay, cây cam thảo được trồng ở rất nhiều nơi với mục đích làm thuốc.
Bộ phận sử dụng, thu hái, chế biến và bảo quản
Rễ và thân cam thảo là bộ phận được sử dụng trong những bài thuốc thảo dược dân gian lâu đời nhất trên thế giới.
Cam thảo còn được sử dụng để tạo hương vị cho bánh kẹo, đồ uống và cả thuốc. Việc sử dụng cam thảo làm thuốc bắt nguồn từ thời Ai Cập cổ đại, người ta chế biến rễ thành thức uống ngọt ngào cho các Pharaoh.
Cam thảo được thu hái và chế biến như sau:
- Thu hái: Rễ và thân cam thảo được thu hái từ tháng 2 đến tháng 8 hằng năm. Người ta đào rễ và thu hái thân cây, sau đó xếp thành đống để hơi men làm rễ có màu vàng sẫm
- Chế biến: Sau khi rửa sạch, rễ và thân Cam thảo được xắt mỏng thành lát khoảng 2mm. Sau đó đem đi sấy và phơi khô.
- Bảo quản: Bảo quản cam thảo ở nơi khô thoáng và kín gió.
Thành phần hóa học của cam thảo
Cam thảo có chứa các thành phần hóa học như Glycyrrhetinic acid Glycyrrhizin, Neoliquiritin, Uralenic acid, 18b-Glycyrrhetic acid, Glycyrrhizic acid, Isoliquitigrenin, Liquiritin, Liquiritigenin, Neoisoliquiritin,…
Tác dụng của cam thảo
Các hợp chất thực vật trong Cam thảo mang lại khả năng chống oxy hóa, chống viêm và điều trị nhiều loại bệnh về hô hấp và tiêu hóa. Cụ thể, Cam thảo có những công dụng chính sau:
Hỗ trợ các tình trạng da: Cam thảo được dùng để kháng khuẩn và chống viêm cho cả da bị mụn và mắc bệnh chàm.
Làm giảm trào ngược axit và chứng khó tiêu: chiết xuất từ rễ Cam thảo có tác dụng giảm các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản gồm chứng ợ nóng và trào ngược axit
Giúp điều trị viêm loét dạ dày tá tràng: Chiết xuất rễ cam thảo chứa glycyrrhizin có khả năng làm giảm đáng kể vi khuẩn H. pylori là nguyên nhân của chứng viêm loét dạ dày.
Có đặc tính chống ung thư: Chiết xuất cam thảo giúp làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư da, ung thư vú và ung thư trực tràng, tuyến tiền liệt. Đồng thời giúp điều trị viêm niêm mạc miệng và vết loét miệng đang đau rát.
Làm dịu các tình trạng hô hấp trên: glycyrrhizin trong rễ cam thảo giúp làm dịu cơn hen suyễn.
Bảo vệ khỏi sâu răng: Rễ cam thảo giúp ngăn ngừa vi khuẩn gây sâu răng.
Liều dùng và cách dùng cam thảo hiệu quả
Có thể sử dụng cam thảo bằng nhiều cách khác nhau như nhai trực tiếp, sắc uống, dùng cao lỏng hoặc các chế phẩm, bài thuốc có chứa thảo dược này.
Liều dùng cam thảo thông thường: Khoảng 4 – 80g cam thảo/ ngày
Những bài thuốc chữa bệnh từ cam thảo
Bạn có thể tham khảo một số bài thuốc chữa bệnh từ Cam thảo:
- Bài thuốc điều trị bệnh Addison: Sắc cam thảo lấy nước uống 3 lần/ ngày, mỗi lần uống từ 5 – 10ml. Uống trong 25 – 40 ngày và điều trị kết hợp với corticoid.
- Bài thuốc điều trị loét dạ dày tá tràng: Uống cao lỏng có chiết xuất từ cam thảo, mỗi lần dùng 15ml. Sử dụng 4 lần/ ngày và duy trì bài thuốc trong 6 tuần.
- Bài thuốc điều trị lao phổi: Dùng 18g cam thảo sống sắc với 500ml nước đến khi còn 150ml, chia thành 3 lần uống. Duy trì uống trong 30 – 90 ngày và kết hợp với thuốc chống lao.
- Bài thuốc điều trị rối loạn nhịp tim: Lấy 30g cam thảo sống và 30g chích cam thảo, sắc lấy nước uống, chia thành 2 lần uống (sáng – tối).
- Bài thuốc trị run giật chân: Dùng cao lỏng từ cam thảo, mỗi lần dùng 10 – 15ml. Sử dụng 3 lần/ ngày và duy trì trong 3 – 6 ngày.
- Bài thuốc trị xuất huyết tiểu cầu: Sắc 30g cam thảo lấy nước uống và chia thành 3 lần uống. Duy trì bài thuốc trong 2 – 3 tuần
- Bài thuốc điều trị ngộ độc thực phẩm: Dùng 9 – 15g sinh cam thảo sắc lấy nước uống, chia thành 3 – 4 lần uống trong 2 giờ. Trong trường hợp nhiễm độc nặng: Dùng 30g cam thảo sắc với 500ml nước đến khi còn 300ml, xông thụt dạ dày 100ml/ lần trong 3 – 4 giờ.
- Bài thuốc điều trị nước tiểu nhạt màu: Sử dụng bột cam thảo hòa uống với nước, mỗi ngày uống 4 lần.
- Bài thuốc điều trị viêm tuyến vú: Lấy 30g cam thảo và 30g xích thược, mỗi ngày sắc một thang và dùng trong 1 – 3 tháng
- Bài thuốc điều trị viêm họng mạn: Dùng 10g cam thảo sống hãm với nước sôi. Uống liên tục cho đến khi triệu chứng dứt điểm.
- Bài thuốc điều trị viêm tắc tĩnh mạch: Sử dụng 50g cam thảo sắc lấy nước và chia thành 3 lần uống. Nên uống trước bữa ăn.
Tác dụng phụ khi sử dụng cam thảo sai cách
Cam thảo có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Nhưng dùng cam thảo sai cách sẽ gây hại cho cơ thể và gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn.
Không nên sử dụng cam thảo liên tục trong nhiều ngày, vì trong cam thảo chứa 6-14%, thậm chí đến 23% glycyrizin - là một chất ngọt gấp 50 lần đường saccaroza, khi qua đường miệng có độc tố yếu. Vì vậy khi dùng quá nhiều nước cam thảo sẽ gây tăng huyết áp, giảm kali trong máu.
Thói quen dùng nhân trần và cam thảo sắc để làm nước uống giải nhiệt mùa hè là sai lầm. Hai loại thuốc này mang đến những tác dụng không tốt khi kết hợp với nhau có thể gây hại cho cơ thể.
Lưu ý khi sử dụng cam thảo
Không nên sử dụng Cam thảo kết hợp nhân trần cho phụ nữ có thai vì có thể gây ít sữa hoặc mất sữa. Ngoài ra nhân trần có tính lợi tiểu khiến cơ thể thải ra quá nhiều chất thải lẫn chất dinh dưỡng gây mất dinh dưỡng nuôi thai nhi. Hậu quả có thể khiến thai bị suy dinh dưỡng, bị đẻ non hoặc thậm chí dị tật.
Dùng cam thảo với lượng 8g/ngày trong thời gian dài có thể gây viêm loét dạ dày, tăng huyết áp và gây bất lực ở nam giới.
Những người bị viêm thận, huyết áp cao huyết áp không ổn định, bị táo bón, người cao tuổi, người bị khó thở cũng không nên dùng cam thảo.
Như vậy có thể thấy, Cam thảo có rất nhiều tác dụng dược lý và là bài thuốc chữa bệnh phổ biến, hiệu quả. Tuy nhiên bài thuốc này cũng kén người dùng và dễ gây ra các tác hại không mong muốn khi lạm dụng. Vì vậy bạn nên tìm hiểu thông tin cũng như hỏi ý kiến bác sĩ trước khi có ý định dùng Cam thảo liên tục hoặc dùng lúc đang điều trị các bệnh lý.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm