Cây chiêu liêu là cây gì? Các bài thuốc từ vị thuốc Kha tử (quả chiêu liêu)
Cây chiêu liêu có lẽ còn xa lạ với nhiều người. Nhưng đây là loài cây đã mang đến một vị thuốc tốt trong Đông y. Vậy cây chiêu liêu là cây gì? Nguồn gốc, đặc điểm, tác dụng của quả chiêu liêu như thế nào? Các bài thuốc có quả chiêu liêu trị bệnh gì? Trong bài viết dưới đây sẽ có đầy đủ thông tin giúp bạn hiểu rõ hơn về loài cây cũng như vị thuốc này.
Cây chiêu liêu là cây gì?
Cây chiêu liêu còn có tên gọi khác là Kha Tử, cây Sàng, Cà Lích, Cây Tiếu,.. Đây là loại cây thuộc họ Bàng nên có đặc điểm khá giống cây bàng. Loài cây này có nguồn gốc từ Singapore và Indonesia.
Cây chiêu liêu hay còn được gọi là cây Kha tử
Đặc điểm, phân bố cây chiêu liêu
Đặc điểm hình thái
Cây chiêu liêu là loài cây thân gỗ. Cây có chiều cao trung bình từ 10 đến 15m ở giai đoạn trưởng thành. Đường kính thân cây chiêu liêu có thể lớn đến 1m. Vỏ thân cây có màu xám tro với nhiều vết nứt theo dạng hình chữ nhật nhưng không đều nhau. Lớp vỏ này có thể dày lên đến 2cm với nhiều tầng lớp có màu đỏ hoặc nâu xen kẽ nhau.
Cây chiêu liêu có tán lá rất rộng với nhiều tầng lớp và tỏa tròn xung quanh thân. Lá cây chiêu liêu mọc đối xứng nhau. Thoạt nhìn thì lá cây chiêu liêu khá giống với lá cây sung. Nhưng đầu lá sẽ nhọn hơn lá sung, đuôi lá rộng. Cuống lá ngắn, độ dài trung bình của lá khoảng 7 đến 10cm. Lá chiêu liêu rộng khoảng 4.5 – 8cm.
Hoa chiêu liêu mọc thành chùm ở các nách lá hoặc đầu cành cây như hoa bàng. Độ dài của hoa từ 5.5 đến 10cm. Loài hoa này có màu trắng được phủ lên một một lông nhỏ màu vàng. Hoa có mùi hương thơm. Là loài hoa lưỡng tính, có khoảng 10 nhị, không có tràng, vòi nhụy nhô cao, bầu hoa thấp có chứa một ô noãn. Hoa chiêu liêu nở vào mùa hè.
Quả chiêu liêu có hình trứng, thon dài khoảng 3 - 4cm. Bề rộng của quả khoảng 2cm. Trong quả có chứa 5 múi, khi còn non có màu xanh, khi chín quả có màu vàng có vị chua và chát. Sau cùng là quả chuyển sang màu hơi nâu, thịt trong quả có màu đen nhạt, cứng và chắc. Mùa quả rơi vào khoảng tháng 8 đến tháng 9.
Quả chiêu liêu khi còn non có màu xanh
Đặc điểm sinh trưởng của cây chiêu liêu
Cây chiêu liêu là loài cây loại ưa bóng râm khi còn nhỏ nhưng lại ưa sáng khi đã trưởng thành. Cây có tốc độ sinh trưởng chậm nhưng có khả năng tái sinh bằng chồi cực mạnh. Cây có khả năng chịu lạnh hay khô hạn khá tốt cho nên có thể trồng trên mọi loại đất.
Bộ phận sử dụng dược liệu
Bộ phận được sử dụng để làm dược liệu của cây chiêu liêu là quả. Trong Đông y, loại dược liệu này được gọi là Kha tử.
Phân bố
Cây chiêu liêu được tìm thấy nhiều ở các nước Campuchia, Lào, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và miền Nam Việt Nam.
Thu hái và sơ chế
Quả chiêu liêu được thu hái vào khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11. Khi thu hái thì nên chọn quả già, vỏ ngoài có màu vàng ngà thịt chắc. Không thu hái những quả non hay quả lép.
Sau khi thu hái thì chúng được đem về phơi khô, sau đó bảo quản dược liệu cẩn thận để dùng dần. Khi cần sử dụng thì đem quả đã phơi khô đi rửa sạch, để ráo nước rồi đem đi sao với lửa. Sau đó đem quả chiêu liêu đi giã dập phần hạt.
Bảo quản dược liệu
Kha tử được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh những nơi có độ ẩm cao.
Thành phần hóa học
Thịt quả chiêu liêu hay quả Kha tử có chứa các hoạt chất như Tanin, Egalic, Galic, Chebulinic, Luteolic. Những hoạt chất này có tác dụng như kháng sinh giúp điều trị nhiễm khuẩn, chống ho, chống co thắt cơ trơn, trợ tim và chống lại các cơn co thắt ở dạ dày và ruột.
Ngoài ra, trong quả chiêu liêu có chứa khoảng 30% các chất làm săn da như:
- Axit Chebulinic
- Axit Elagic
- Men Polyphenol Oxidase
- Arabinose
- Fructose
- Chebulagic
Trong nhân quả chiêu liêu có chứa từ 3 – 7% chất dầu bán khô, có màu vàng với thành phần chính là Oleic, Acid Palmatic và Linoleic. Đây là những hoạt chất tốt có tác dụng hỗ trợ phòng chống ung thư.
Quả chiêu liêu có chứa nhiều hoạt chất giúp điều trị nhiễm khuẩn
Quả chiêu liêu - vị thuốc Kha tử
Tính vị, quy kinh
Kha tử có tính ôn, vị cay, đắng, quy về kinh Phế và Đại tràng.
Tính chất dược lý
Theo y học hiện đại
Theo các nghiên cứu trong y học hiện đại thì quả chiêu liêu có một số tính chất dược lý như sau:
- Các hoạt chất Polysaccharid trong quả cây chiêu liêu có tác dụng điều trị viêm họng, khản tiếng, làm giảm ho rõ rệt trong thời gian chỉ 30 phút.
- Có chứa chất Alloyl có khả năng kháng virus, giúp ức chế sự phát triển của một số loại virus làm suy giảm hệ thống miễn dịch của con người.
- Là chất kháng sinh tự nhiên với khả năng diệt khuẩn mạnh mẽ nhờ có chứa hàm lượng tamin dồi dào.
- Có khả năng ức chế sự phát triển của các loại trực khuẩn bạch hầu, trực khuẩn mủ xanh, liên cầu khuẩn tán huyết, tụ cầu vàng, Pseudomonas Aeruginosa, Salmonella Typhi.
- Có khả năng ức chế và tiêu diệt các loại virus gây ra bệnh viêm họng như virus cúm A, cúm B, vi khuẩn như tụ cầu, Herpes Simplex (HPV), liên cầu.
Theo y học cổ truyền
- Giúp trừ ho, chữa tình trạng khàn tiếng, ra mồ hôi trộm
- Sát trùng dạ dày và đường ruột
- Phòng chống tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng
- Giúp hỗ trợ để làm săn chắc lớp niêm mạc dạ dày
- Chữa bệnh trĩ nội, bệnh kiết lỵ kinh niên
Quả chiêu liêu được dùng để trị ho trong Đông y
Cách dùng và liều lượng
Vị thuốc Kha tử có thể dùng tươi hoặc dùng khô. Khi dùng có thể sắc thành nước để uống hoặc dùng để tán thành bột mịn, đem đi nấu cao hoặc ngâm rượu đều được.
Liều lượng sử dụng khoảng 3 – 10g trong một ngày. Tuy nhiên, liều lượng có thể thay đổi theo từng bệnh, từng đối tượng cho nên cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng.
Một số bài thuốc sử dụng vị thuốc Kha tử - quả chiêu liêu
Bài thuốc chữa phong hàn cảm mạo, khản tiếng do viêm họng
Chuẩn bị các vị thuốc bao gồm: Cam thảo 6g, Kha tử 4 quả, Cát cánh 10g. Đem tất cả đi sắc cùng 150ml nước lọc cũng 150ml Đồng tiện (nước tiểu đồng tử). Sắc thuốc trên lửa nhỏ cho đến khi còn 150ml. Dùng thuốc để uống khi còn ấm. Mỗi ngày uống 1 thang và dùng liên tục trong 10 ngày.
Bài thuốc chữa ho hen do hư phế hoặc ho kéo dài làm khàn giọng
Chuẩn bị các vị thuốc bao gồm 10g Kha tử, 5g mỗi loại Cam thảo và Hạnh nhân. Đem tất cả đi sắc cùng 600ml nước lọc. Đun thuốc sắc trên nhỏ lửa trong vòng 20 phút đến khi còn 300ml. Thuốc đã sắc chia 3 lần trong ngày, liên tục trong 7 – 10 ngày.
Bài thuốc chữa ho do phế hư
Chuẩn bị 8g Kha tử đã giã dập, bỏ hạt, 10g Cát cánh và 6g Cam thảo. Đem tất cả đi sắc cùng 3 bát nước đến khi còn 200ml. Dùng thuốc đã sắc chia thành 4 lần uống trong ngày. Dùng mỗi ngày một thang cho đến khi các triệu chứng ho đã khỏi hẳn.
Bài thuốc trị viêm họng, đau rát họng
Chuẩn bị 1 – 2 quả Kha tử đem đi rửa sạch, để ráo. Cắt lấy phần vỏ quả rồi nhai kỹ, nuốt nước. Dùng bài thuốc 2 – 3 lần mỗi ngày và dùng liên tục trong vòng 10 ngày.
Bài thuốc chữa trẻ em ho có đờm
Đem nướng 1 – 2 quả cây chiêu liêu đến khi có mùi thơm là được. Sau đó cho vào ly có đựng 100ml nước ấm. Bỏ thêm vào một lượng nhỏ muối và khuấy đều. Dùng dung dịch này để ngậm và nuốt từ từ mỗi ngày 1 lần cho đến khi các triệu chứng ho của trẻ thuyên giảm.
Bài thuốc chữa tiêu chảy mãn tính, trĩ nội, lỵ do nhiệt
Đem 10g quả Kha tử, 5g mỗi loại Mộc hương và Hoàng liên. Đem tất cả đi rửa sạch với nước muối. Sau đó phơi khô dưới bóng râm, đem đi tán thành bột mịn. Mỗi lần người bệnh dùng 3 – 6g bột này để uống với nước sôi để nguội, mỗi ngày 3 lần.
Kha tử được dùng trong nhiều bài thuốc trị ho và các bệnh đường tiêu hóa
Một số kiêng kỵ khi sử dụng Kha tử
- Nếu dùng quá liều sẽ gây ra tiêu chảy nặng.
- Người cảm ngoại, táo bón không được dùng.
- Những người tích nhiệt thấp hoặc đang mắc hội chứng ngoại cảnh không được dùng.
Quả chiêu liêu hay vị thuốc Kha tử là dược liệu thường được sử dụng để điều trị ho và các bệnh lý về đường tiêu hóa. Mặc dù vị thuốc này không có độc nhưng người bệnh nên trao đổi với thầy thuốc để sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm