lcp

Chùm Ngây: Đặc điểm, công dụng và cách dùng hiệu quả


Chùm ngây hay còn được gọi là Ba Đậu dại; cây Thần diệu; cây Kỳ quan; cây Vạn năng; cây Độ sinh; cây Cải ngựa; cây Dùi trống; cây Dầu bel; cây Bồn bồn, thuộc họ Chùm ngây với danh pháp khoa học là Moringaceae. Trong y học, Chùm ngây có tác dụng như sau: Lá làm rau ăn giúp tiêu hóa, dầu hạt ăn có tác dụng làm giảm sự thụ thai, rễ làm thuốc chữa động kinh, có tác dụng trợ tim và bổ cho hệ tuần hoàn, dùng chữa choáng ngất, suy nhược thần kinh.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước, tuy nhiên, việc dùng Chùm ngây sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Chùm ngây cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Chùm ngây; Ba Đậu dại; cây Thần diệu; cây Kỳ quan; cây Vạn năng; cây Độ sinh; cây Cải ngựa; cây Dùi trống; cây Dầu bel; cây Bồn bồn.
  • Tên khoa học: Moringa oleifera Lamk.
  • Họ: Chùm ngây (Moringaceae).
  • Công dụng: Lá làm rau ăn giúp tiêu hóa, dầu hạt ăn có tác dụng làm giảm sự thụ thai, rễ làm thuốc chữa động kinh, có tác dụng trợ tim và bổ cho hệ tuần hoàn, dùng chữa choáng ngất, suy nhược thần kinh.

Mô tả cây Chùm ngây

Cây nhỏ hay cây nhỡ, cao 5-10m. Vỏ cây dày, có khía rãnh. Thân non có lông.

Lá kép, mọc so le, 3 lần lông chim, dài 30-60cm, 6-9 đôi lá chét hình trứng, mọc đối.

Cụm hoa mọc thành chùy ở kẽ lá, lá bắc hình chỉ, hoa màu trắng, hơi giống hoa họ Đậu, đài có 5 răng hình thuôn, uốn cong, tràng 5 cánh hình thìa, nhị 5, chỉ nhị có lông ở gốc, bầu thượng, 1 ô, có lông.

Quả có thiết diện tam giác, dài 25-30cm hay hơn, mọc thõng xuống, mở làm 3 mảnh, hạt có 3 cạnh và có cánh màu trắng, dạng màng.

Mùa hoa: tháng 4-6, mùa quả: tháng 7-9.

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Chùm ngây là cây ưa sáng và ưa khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm .Sống và phát triển tốt trên nhiều loại đất .

Ở Việt Nam, Chùm ngây được trồng rải rác ở các tỉnh phía nam từ Quảng Nam trở vào.

Thu hoạch: Thu hoạch quả từ tháng 7 đến tháng 9. Lá có thể thu hái quanh năm. Hoa từ tháng 4 – 6.

Chế biến: Chùm ngây sau khi thu hái, rửa sạch, có thể dùng dạng tươi hoặc phơi khô để dành dùng dần.

Bộ phận sử dụng của Chùm ngây

Bộ phận dùng của Chùm ngây là toàn cây cả rễ.

Thành phần hóa học

Mỗi bộ phận của cây chùm ngây đều chứa các thành phần hóa học khác nhau. Chẳng hạn:

Vỏ cây chùm ngây: Bao gồm các thành phần hóa học như chất gôm (galactose, arabinose và acid glucuronic), -sitosterol và benzylanin.

Rễ cây chùm ngây: Chứa hoạt chất glucosinolate như 4 (-L-rhamnosyloxy)-benzyl glucosinolate)

Lá chùm ngây: Chứa các hoạt chất chống oxy hóa như flavonoid và phenolic (kaempferol, gallic acid, kaempferol 3–O––rhamnoside, rutin, syringic acid và quercetin 3–O– –glucoside). Ngoài ra, lá cây còn chứa các thành phần như chất gôm và 2 alcaloid bao gồm moringinin và moringi.

Hoa chùm cây: Polysaccharide là thành phần hóa học chính được tìm thấy trong hoa cây chùm ngoài.

Hạt chùm ngây: Chứa các hoạt chất như glucosinolate và peptid.

Toàn thân: Chứa thành phần hóa học chính là pterygospermin.

Tác dụng của Chùm ngây

Theo y học cổ truyền

Cành non, lá non hoặc lá bánh tẻ, hoa và quả xanh nấu ăn (luộc) giúp hỗ trợ lưu thông máu huyết, kích thích tiêu hóa, giảm đau.

Lá non dùng để lợi sữa. Lá già có tác dụng lợi tiểu nhẹ. Nhựa làm giảm đau.

Ở Ấn Độ, cây Chùm ngây chính là vị thuốc dân gian thông dụng với các công dụng như:

Vỏ thân: Trị nóng sốt, đau dạ dày, đau bụng kinh, sâu răng, trị hói tóc (thoa ngoài da đầu); trị đau họng; trị kinh phong; trị tiểu máu; trị thổ tả.

Hoa: Thuốc bổ, lợi tiểu.

Quả: Làm thuốc đắp trị gãy xương.

Lá: Trị ốm còi, gây nôn và giảm đau bụng kinh.

Hạt: Dầu từ hạt để trị phong thấp.

Theo y học hiện đại

Kháng nấm

Dịch chiết cồn từ lá và hạt Chùm ngây có hoạt tính diệt nấm Trichophyton rubrum, Trichophyton mentagrophytes, Epidermophyton floccosum và Microsporum canis.

Hỗ trợ điều trị tăng cholesterol và lipid trong máu

Nghiên cứu tại ĐH Baroda, Kalabhavan, Gujarat (Ấn Độ), thử nghiệm trên động vật cho kết quả gây hạ cholesterol, phospholipid, triglyceride, VLDL, LDL hạ tỷ số cholesterol/phospholipid trong máu động vật thí nghiệm. Ngoài ra, Chùm ngây còn có thêm tác dụng làm tăng đào thải cholesterol qua phân.

Chống co giật, kháng viêm, lợi tiểu

Nghiên cứu trên chân chuột bị gây phù bằng carrageenan và tác dụng lợi tiểu bằng lượng nước tiểu thu được khi chuột được nuôi nhốt trong lồng bằng dịch chiết từ hạt Chùm ngây cho thấy tác động ức chế sự co giật rõ rệt gây ra bởi acetylcholine ở liều ED50 = 65.6mg/ml môi trường; tác động ức chế phụ gây ra do carrageenan được định ở 1000mg/kg và hoạt tính lợi tiểu cũng ở 1000mg/kg.

Khả năng ngừa thai của rễ Chùm ngây

Nghiên cứu tại ĐH Jiwaji, Gwalior (Ấn độ) về các hoạt tính estrogen, kháng estrogen, ngừa thai của nước chiết từ rễ Chùm ngây ghi nhận kết quả chuột đã bị cắt buồng trứng, sau khi uống nước chiết rễ Chùm ngây thấy có sự gia tăng trọng lượng của tử cung.

Hoạt tính kháng sinh của hạt Chùm ngây

Cây Chùm ngây có thành phần hoạt chất là 4 (alpha-L-Rhamnosyloxy)benzyl isothiocyanate, chất này có hoạt tính kháng sinh mạnh nhất, sau đó là benzyl isothiocyanate.

Giảm hình thành sỏi thận

Rễ Chùm ngây hạn chế cặn lắng nước tiểu nhờ quá trình tổng hợp oxalate trong cơ thể, vì vậy ngăn ngừa hình thành sỏi thận.

Làm đẹp da

Chùm ngây có tác dụng làm đẹp da. Có thể dùng lá Chùm ngây giã nát đắp mặt hoặc dùng tinh dầu đắp mặt thường xuyên sẽ giúp da căng mịn hơn.

Liều lượng và cách dùng Chùm ngây

Liều khoảng 100 đến 150g cho dạng tươi và khoảng 30g cho dạng khô. Có thể sắc hoặc hãm trà đều dùng được.

Bài thuốc chữa bệnh từ Chùm ngây

Trị tăng cholesterol, tăng lipid máu, tăng triglycerid, làm giảm axit uric, ngăn ngừa sỏi oxalat

Chuẩn bị: Rễ Chùm ngây tươi 100g (30g khô).

Thực hiện: Rửa sạch rễ Chùm ngây và đem nấu với 1 lít nước sôi trong khoảng 15 phút. Uống thay trà trong ngày.

Hỗ trợ ổn định huyết áp và đường huyết, lợi gan mật, trị suy nhược cơ thể

Chuẩn bị: Lá Chùm ngây non 150g.

Thực hiện: Rửa sạch lá Chùm ngây, giã nát và thêm 300ml nước sạch, lọc lấy nước cốt. Thêm mật ong vào nước cốt và chia uống 3 lần trong ngày.

Trị u xơ tiền liệt tuyến

  • Bài 1:
    • Chuẩn bị: Rễ Chùm ngây tươi 100g (khô 30g), lá Trinh nữ hoàng cung tươi 80g (khô 20g).
    • Thực hiện: Nấu các vị thuốc trên với 2 lít nước đến khi còn lại 500ml. Chia làm 3 lần, uống trong ngày.
  • Bài 2:
    • Chuẩn bị: Chùm ngây tươi đã có hạt già.
    • Thực hiện: Lấy hạt Chùm ngây giã nát ngâm với 3 lít nước trong 5 phút. Sau đó để lắng khoảng 2 giờ thì có nước trong dùng được.

Thuốc ngừa thai của dân tộc Raglai

Chuẩn bị: Rễ cây Chùm ngây tươi 150g.

Thực hiện: Băm nhỏ lá cây Chùm ngây và nấu với 2 lít nước, nấu đến khi còn nửa lít, uống 2 lần trong ngày (cứ 5 ngày thì dùng 1 lần).

Lưu ý khi sử dụng Chùm ngây

Cây chùm ngây nếu tiêu thụ với liều lượng lớn có thể gây tác dụng phụ như:

Tiêu chảy nhẹ

Tê liệt

Tổn thương thận và gan

Ngoài ra, nếu sử dụng chùm ngây từ 5-7 ngày có thể gây sảy thai, thậm chí vô sinh. Đây là tác hại nguy hiểm của cây thuốc này. Do đó, chị em mang thai đặc biệt lưu ý, không sử dụng loại thảo dược này bừa bãi.

Bảo quản Chùm ngây

Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.

Theo Y học, các bộ phận của cây chùm ngây như rễ, hạt, quả, hoa và lá đều có công dụng trị bệnh và mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe. Chính vì vậy, loại cây này hiện đang được nhiều quốc gia trên thế giới đưa vào sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực thẩm mỹ, dược phẩm, thực phẩm chức năng và nước giải khát. Tuy nhiên, song hành với lợi ích tích cực, chùm ngây cũng gây ra một vài phản ứng phụ không mong muốn. Để Chùm dây có thể mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp ích cho việc tham khảo của bạn đọc. 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.