Chùm Ruột: Đặc điểm, công dụng và cách dùng hiệu quả
Chùm ruột hay còn được gọi là Tầm Duột, Chùm Giuột, Tầm Ruộc, thuộc họ Thầu dầu với danh pháp khoa học là Euphorbiaceae. Chùm ruột là loài cây quen thuộc với người dân Việt Nam để tạo bóng mát, làm thức ăn. Mứt chùm ruột là một loại đặc sản nổi tiếng. Trong y học, Chùm ruột được dùng để chữa hen suyễn, lành vết thương, ung nhọt, giang mai, ghẻ lở, đau răng, đau mắt, đau yết hầu, tiêu đờm (lá, quả, vỏ).
Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước, tuy nhiên, việc dùng Chùm ruột sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Chùm ruột cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.
Tên tiếng Việt: Chùm ruột, Tầm ruột, Mác nhôm (Tày).
Tên khoa học:Phyllanthus acidus (L.) Skeels, Averrhoa acida L.
Họ: Euphorbiaceae (Thầu dầu).
Công dụng: Chữa hen suyễn, lành vết thương, ung nhọt, giang mai, ghẻ lở, đau răng, đau mắt, đau yết hầu, tiêu đờm (Lá, quả, vỏ).
Mô tả cây Chùm ruột
Cây nhỏ, cao 3 – 5 m, có thân nhẵn. Cành non màu lục nhạt, cành già màu xám mang nhiều vết sẹo do lá rụng để lại. Lá kép mọc so le, có cuống dài, lá chét mỏng, gốc tròn, chóp nhọn. Hoa nhỏ mọc thành xim, dài 4 - 7 cm. Hoa màu đỏ ở nách lá đã rụng. Quả mọng có khía, khi chín màu vàng nhạt, vị chua, ngọt nhạt. Mùa hoa tháng 3 - 5, mùa quả tháng 6 - 8.
Phân bố, thu hoạch và chế biến
Phân bố: Chùm ruột là cây mọc hoang và thường được trồng tại Lào và nhiều nơi thuộc vùng nhiệt đới châu Á như Malaysia, Indonesia, Philippines, Ấn Độ và đảo Mangat. Tại Việt Nam, loài thực vật này được một vài nhà trồng làm cảnh hay trồng để ăn quả, làm mứt.
Thu hoạch: Có thể thu hái lá, vỏ thân, vỏ rễ của Chùm ruột quanh năm. Ra hoa vào tháng 3 – 5, ra quả vào tháng 6 – 8.
Chế biến: Quả thường dùng ăn tươi hoặc nấu canh ăn. Vỏ phơi khô tán nhỏ ngâm rượu trắng. Bột vỏ Chùm ruột ngâm giấm.
Bộ phận sử dụng của Chùm ruột
Lá, quả, vỏ thân và rễ.
Thành phần hóa học
Trong quả có nước, chất proitid, lipid, glucid, acid acetic và Vitamin C. Vỏ rễ chứa tanin, saponin, acid gallic và một chất kết tinh.
Tác dụng của Chùm ruột
Theo y học cổ truyền
Quả có tác dụng giải nhiệt và làm se. Rễ và hạt có tính tẩy. Lá và rễ dùng như chất chống độc đối với nọc rắn độc. Lá và rễ có tính nóng, làm tan huyết ứ, tiêu độc tiêu đờm và sát trùng.
Theo y học hiện đại
Quả thường dùng ăn giải nhiệt, chữa tụ máu gây sưng tấy, đau ở hông, ở háng. Vỏ thân được dùng tiêu hạch độc ung nhọt, đơn độc, giang mai, bị thương sứt da chảy máu, ghẻ lở, đau răng, đau mắt, đau tai có mủ, tiêu đờm, trừ tích ở phổi, đau yết hầu, song dao, độc dao.
Liều lượng và cách dùng Chùm ruột
Quả thường dùng ăn tươi hoặc nấu canh ăn cho mát. Lá giã nhỏ với Hồ tiêu để đắp trị các chỗ đau. Vỏ phơi khô tán nhỏ ngâm rượu trắng (200g trong 1 lít) trong 10 ngày đem lọc lấy rượu, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 thìa canh. Rượu này nhỏ vào tai hôi thối làm hết mủ; thấm bông bôi ghẻ, loét, vết thương mau lành.
Bột vỏ Chùm ruột ngâm giấm uống hết bệnh trĩ. Còn có thể nấu cao uống mỗi lần 1/2 thìa cà phê với nước chín trị họng sưng, họng mọc nấm, lỗ mũi lồi thịt. Phối hợp với vỏ Vông đồng lượng gấp đôi, rồi hoà rượu trắng uống mỗi ngày 2 thìa cà phê, trị các bệnh về tim. Rễ và vỏ rễ có độc, chỉ nên dùng ngoài, không được uống.
Bài thuốc chữa bệnh từ Chùm ruột
Chữa đau nhức (đau lưng, chân, háng)
Lá Chùm ruột tươi giã nát cùng hồ tiêu, đắp vào chỗ đau.
Vỏ thân cây phơi khô, tán bột, chưng với dầu dừa, dùng để bôi. Bôi ngoài da đều đặn mỗi ngày đến khi tình trạng mề đay, ghẻ loét lở ngứa cải thiện.
Ngâm rượu Chùm ruột
Lấy vỏ chùm ruột phơi khô, tán thành bột mịn, ngâm với rượu trắng nồng độ cao
Cứ 200g bột Chùm ruột ngâm với 1 lít rượu, để trong 10 ngày là sử dụng được.
Cách sử dụng:
Đau răng, đau họng thì ngậm trong 5 – 10 phút thì nhổ ra, súc lại bằng nước
Vết thương, lở loét ngoài da thì dùng rượu này để bôi.
Lưu ý khi sử dụng Chùm ruột
Vỏ và rễ chùm ruột chứa nhiều độc tố nên tuyệt đối không được uống hay tiếp xúc bằng đường miệng.
Nếu uống nước sắc hoặc rượu ngâm từ vỏ rễ cây nhẹ thì nhức đầu, nặng thì đau bụng dữ dội thậm chí gây tử vong.
Người mắc bệnh gout và sỏi thận cũng không được ăn quả vì chúng rất giàu acid oxalic.
Bảo quản Chùm ruột
Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.
Chùm ruột không chỉ là loài cây quen thuộc mà còn là một vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà dược liệu này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp ích cho việc tham khảo của bạn đọc.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.