lcp

13 Tác dụng của cây nhọ nồi (cỏ mực) đối với sức khoẻ


Cỏ nhọ nồi là một loại thảo dược rất dễ kiếm, mọc hoang ở nhiều nơi của nước ta nhưng lại mang đến vô vàn công dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Nếu đang băn khoăn cây nhọ nồi có tác dụng gì thì bạn đừng bỏ qua bài viết sau đây của Medigo nhé.

1. Tổng quan về cây nhọ nồi (cỏ mực)

Cỏ nhọ nồi còn có nhiều tên gọi khác như kim lăng thảo, hạn liên thảo, mặc hán liên, cỏ mực… với danh pháp khoa học là Eclipta prostrata L, thuộc họ Cúc (Asteraceae). Cỏ mực có thể có màu xanh hoặc đỏ tía, có lông ở thân và lá, hoa trắng mọc ở đầu cành. Cây cỏ mực có nhiều tác dụng trong y học cổ truyền, như cầm máu, trị rụng tóc, chữa bệnh trĩ, bệnh mắt, bệnh da,…

Mô tả cây nhọ nồi

Cây cỏ mực hay nhọ nồi thuộc loài cây cỏ, chiều cao từ 30 – 40cm. Dựa vào hình ảnh cây nhọ nồi, có thể thấy thân cây thường có màu đỏ tía hoặc màu lục, mọc lông cứng, ở các mấu phình to hơn. Lá nhọ nồi mọc đối, gần như không có cuống lá, có lông bao phủ hai mặt lá và mép lá có khía răng rất nhỏ. Hoa nhọ nồi nhỏ, màu trắng, thường mọc trên ngọn cây hoặc giữa các kẽ lá. Quả của cây nhọ nồi khá nhỏ, từ 2 – 3mm, có 3 cạnh.

cây nhọ nồi

Cây cỏ mực hay nhọ nồi thuộc loài cây cỏ, chiều cao từ 30 – 40cm

Phân bố và cách trồng cây cỏ mực

Cây cỏ mực được phân bố phổ biến ở nhiều nước trên thế giới như Pakistan, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và một số quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, cỏ mực mọc hoang dại rất nhiều ở ven đường tại các vùng nông thôn. Loài cây này ưa sống ở những vùng ẩm ướt, sinh trưởng và phát triển tốt.

Cách trồng cây cỏ mực khá đơn giản. Bạn có thể trồng cây bằng hạt giống hoặc cành cắt. Cây cỏ mực thích hợp với những nơi có đất ẩm, thoát nước tốt, nhiệt độ từ 20-30 độ C. Bạn có thể trồng cây trong chậu hoặc trong vườn2. Cây cỏ mực có thể thu hoạch sau 2-3 tháng trồng.

Bộ phận dùng, thu hái, sơ chế, bảo quản

Toàn bộ các phần mọc trên mặt đất của cây nhọ nồi đều có thể được dùng làm thuốc. Cỏ mực có thể được sử dụng ở dạng tươi hoặc dạng khô đều được. Nếu dùng khô cần thu hoạch trước khi cây ra hoa, lấy toàn bộ các bộ phận của cây mọc lộ thiên trên mặt đất rồi đem phơi khô. Khi cần dùng thì rửa lại với nước và để ráo, cắt thành từng đoạn từ 3 – 5cm và phơi khô. Tùy vào từng bài thuốc mà có thể sao cháy hoặc sao qua để tối ưu công dụng cầm máu của cây nhọ nồi.

cỏ mực

Thành phần hóa học của cỏ mực

Trong cây cỏ mực, người ta tìm thấy nhiều thành phần hóa học có tác dụng dược lý quan trọng như Alcaloid (ecliptin, nicotin và coumartin lacton), caroten và wedelolacton – một chất curmarin lacton từ đó tách ra được một flavonozit và chất demetylwedelacton. Ngoài ra còn có chất đắng, tannin và một ít tinh dầu.

2. 13 tác dụng của cây nhọ nồi đối với sức khỏe

Tác dụng của cây nhọ nồi đối với gan

Tác dụng cây nhọ nồi đối với gan nằm ở hàm lượng flavonoid cao cùng một số hoạt chất sinh học khác, ví dụ như wedelolactone. Nhờ vậy mà từ lâu, cỏ nhọ nồi đã được các bác sĩ y học cổ truyền Ấn Độ dùng để cải thiện chức năng gan và điều trị các bệnh lý về gan như viêm gan vàng da.

Năm 2015, thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ đã công bố nghiên cứu về tác dụng của dịch chiết ethanol có trong cỏ mực. Theo đó, dịch chiết này đã được chứng minh là có khả năng tăng cường hoạt động của các enzyme chống oxy hóa gan, tăng trọng lượng gan. Ngoài ra, cỏ mực còn có công dụng tái tạo tế bào gan, bảo vệ gan trước tác hại của rượu bia, chất độc trong thực phẩm.

Tác dụng kháng khuẩn của cỏ mực

Cây cỏ mực cũng được dùng với mục đích chống nhiễm trùng. Ví dụ như điều trị chứng tưa lưỡi (nấm lưỡi), mụn nhọt đầu đinh, nhiễm trùng đường tiết niệu…

Năm 2011, các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu tìm hiểu về khả năng kháng khuẩn của nhiều loại dược liệu, bao gồm cả cây nhọ nồi. Kết quả cho thấy loại dược liệu này có thể kháng lại 9 loại vi khuẩn khác nhau, đặc biệt là khuẩn E.coli và tụ cầu khuẩn vàng.

tác dụng của cây nhọ nồi

Cây cỏ mực cũng được dùng với mục đích chống nhiễm trùng, kháng khuẩn

Công dụng giảm đau của cây cỏ mực

Một tác dụng của cây nhọ nồi khác cũng rất quan trọng đó là giảm đau. Cỏ nhọ nồi tươi là thành phần quan trọng trong các bài thuốc cổ Ấn Độ điều trị các bệnh như đau lưng, viêm nha chu, đau răng, đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương.

Người ta cũng thực hiện nhiều thí nghiệm trên chuột và nhận thấy khả năng giảm đau của cây nhọ nồi ngang bằng với các loại thuốc giảm đau như aspirin hay codein. Một số nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng, công dụng giảm đau của cây nhọ nồi đến từ hợp chất alkaloid và dịch chiết ethanol của cây.

Điều trị rối loạn tiêu hóa với cỏ mực tươi

Cũng theo y học cổ truyền Ấn Độ, ăn cỏ nhọ nồi tươi là bài thuốc hữu hiệu để trị chứng khó chịu ở dạ dày, khó tiêu, táo bón, rối loạn tiêu hóa. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, trong cây nhọ nồi có hàm lượng dồi dào các hoạt chất có khả năng trung hòa axit. Ví dụ như tannin, vitamin K, flavonozit, carotene…

Điều trị viêm đường hô hấp

Các thành phần có trong cây cỏ mực có khả năng kháng viêm, làm tan đờm. Từ đó giúp điều trị các bệnh như nhiễm trùng đường hô hấp, cúm, ho có đờm do cảm lạnh, ho khan…

Chống nhiễm trùng bàng quang

Có đến 80% các ca nhiễm khuẩn đường tiết niệu gây ra bởi vi khuẩn E.coli. Cỏ mực có công dụng kháng viêm, kháng khuẩn vô cùng tuyệt vời, kể cả E.coli. Đồng thời giúp hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra do nhiễm khuẩn huyết khi mắc viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu.

Tác dụng của cỏ mực đối với tóc

Dịch chiết của cây cỏ mực có chứa methanol – một thành phần có khả năng kích thích các nang tóc, có tiềm năng rất lớn trong việc cải thiện chứng rụng tóc, hói đầu. Ngoài ra, cỏ nhọ nhồi cũng được cho là có công dụng phòng chống tóc bạc sớm.

Để dưỡng tóc với cỏ mực, bạn chỉ cần pha trộn loại thảo dược này với dầu dưỡng tóc, sau đó massage da đầu và tóc để kích thích tóc mọc dày hơn, hạn chế tóc rụng. Nếu muốn ngăn tóc bạc sớm thì dùng kết hợp cây nhọ nồi, rượu gạo và mật ong.

công dụng của cỏ mực

Cỏ mực chứa methanol tốt cho tóc

Cỏ nhọ nồi tốt cho mắt

Trong cây nhọ nồi có hàm lượng dồi dào carotene. Đây là chất chống oxy hóa tuyệt vời, giúp nâng cao sức khỏe đôi mắt. Nhiều người còn cho rằng cây nhọ nồi còn có khả năng ức chế các gốc tự do, ngăn chặn quá trình gây ra bệnh đục thủy tinh thể và thoái hóa mắt.

Cải thiện sức khỏe tim mạch với cỏ mực

Cây nhọ nồi là phương thuốc hỗ trợ kiểm soát huyết áp, giúp làm giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể, từ đó duy trì sức khỏe tim mạch. Theo các nhà khoa học, sở dĩ cỏ mực có công dụng giảm huyết áp là nhờ tính lợi tiểu của dược liệu này.

Một nghiên cứu công bố trên thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ công bố kết quả thử nghiệm dịch chiết ethanol của cây nhọ nồi lên chuột bị tăng mỡ máu. Kết quả cho thấy dịch chiết giúp làm giảm mỡ máu, tăng khối lượng gan và giảm cân ở chuột.

Uống nước cỏ mực giúp phòng chống ung thư

Các nhà khoa học Ấn Độ vào năm 2011 đã phát hiện ra công dụng của cây nhọ nồi trong việc loại bỏ và ức chế sự phát triển tế bào ung thư, giúp ích rất nhiều khi điều trị ung thư gan. Một nghiên cứu cũng cho thấy, cây nhọ nồi chứa các hoạt chất làm mất kết nối giữa các phân đoạn DNA, tiêu diệt các tế bào ung thư.

Cỏ nhọ nồi điều trị sốt

Cỏ nhọ nồi cũng là vị thuốc điều trị sốt hiệu quả theo y học cổ truyền. Bên cạnh đó, loài cây này cũng có công dụng điều trị sốt phát ban, sốt xuất huyết, trúng thử.

Tác dụng của cây nhọ nồi với trẻ sơ sinh

Cây cỏ mực có thể có một số tác dụng với trẻ sơ sinh khi tắm, như:

  • Trị rôm sảy, mẩn ngứa, các bệnh ngoài da nhẹ
  • Tẩy sạch lông tơ
  • Thanh nhiệt, giải độc, làm mát huyết, cầm máu, bổ gan thận

Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý lựa chọn lá nhọ nồi đảm bảo an toàn, tươi xanh, không héo vàng, bị sâu và không tắm quá nhiều cho trẻ để tránh gây kích ứng da.

Lá nhọ nồi có công dụng cầm máu

Cây nhọ nồi được dùng trong nhiều bài thuốc dân gian của Trung Quốc và Việt Nam với công dụng cầm máu. Nhờ vậy mà cây nhọ nồi được dùng để điều trị nhiều chứng bệnh như băng huyết sau sinh, ho ra máu, rong huyết, rong kinh, đại tiểu tiện ra máu, chảy máu cam…

cỏ nhỏ nồi có tác dụng gì

Cỏ nhọ nồi giúp cầm máu, điều trị chảy máu cam

3. 15 vị thuốc trị bệnh từ cây cỏ mực (cây nhọ nồi)

Cây cỏ mực có thể được sử dụng để chữa nhiều bệnh khác nhau, như ho, viêm họng, sốt cao, viêm xoang, bệnh gan, bệnh mắt, bệnh da,…. Tùy theo bệnh cần chữa, có thể sử dụng cỏ mực tươi hoặc khô, nấu nước uống hoặc xay nhuyễn đắp lên vết thương. Có nhiều bài thuốc từ cỏ mực cho các bệnh khác nhau, bạn có thể tham khảo một số bài thuốc trị bệnh từ cây cỏ mực dưới đây:

Vị thuốc hạ sốt

Cam thảo đất 16g, cây cối xay 16g, ké đầu ngựa 12g, sài đất 20g, củ sắn dây 20g, cỏ mực 20g. Sắc lấy nước uống 1 thang/ngày.

Vị thuốc chữa chảy máu cam

16g cam thảo đất, 20g hoa hòe sao đen, 20g cây cỏ mực. Sắc uống 1 thang/ngày.

Vị thuốc chữa bệnh gan

20g nữ trinh tử, 15g đương quy, 15g trạch tả, 30g cây cỏ mực. Nếu mắc gan nhiễm mỡ do uống nhiều rượu bia thì thêm 15g chỉ củ tử, 15g bồ công anh, 30g cát căn. Người mắc gan nhiễm mỡ do béo phì thì thêm 15g lá sen, 6g đại hoàng. Sắc lấy nước uống 1 thang/ngày.

Vị thuốc trị sốt xuất huyết nhẹ

16g cam thảo đất, 20g củ hoặc lá sắn dây, 12g hoa hòe sao đen, 12g lá trắc bá sao đen khô, 20g cỏ mực. Sắc lấy nước uống 1 thang/ngày.

Vị thuốc điều trị viêm mũi dị ứng, táo bón, trị chảy máu cao, cầm máu, thanh nhiệt lương huyết

9g hoàng cầm, 15g rễ cỏ tranh, 12g hỏa ma nhân, 12g tiên hạc thảo, 9g tri mẫu, 12g trắc bách diệp, 12g sinh địa, 9g đan bì, 12g cây nhọ nồi.

Vị thuốc trị viêm họng

Cam thảo 16g, kim ngân hoa 16g, bồ công anh 20g, củ rẻ quạt 12g, cây cỏ mực 20g. Sắc uống 1 thang/ngày, uống trong 3 – 5 ngày.

Vị thuốc trị eczema ở trẻ

50g cỏ nhọ nồi sắc lấy nước cô đặc, thoa trực tiếp vào vết eczema trong 2 – 3 ngày.

Vị thuốc trị tiểu đường

10g nữ trinh tử, 10g nam sa sâm, 10g ngọc trúc, 10g mạch môn đông, 5 quả ô mai, 30g lư căn tươi, 10g cỏ mực. Sắc lấy nước uống 1 thang/ngày.

Vị thuốc trị nhức đầu, mệt mỏi, ngủ không ngon giấc ở phụ nữ mãn kinh

9g nữ trinh tử, 9g ngưu tất, 9g lá dâu, 12g sinh địa, 12g bạch thược, 9g hoa cúc, 6g xuyên khung, 9g đương quy, 6g hồng hoa, 9g hoàng cầm, 9g cỏ mực. Sắc lấy nước uống 1 thang/ngày.

Vị thuốc trị đái dắt, tiểu tiện khó, đau lưng, viêm cầu thận

15g bồ hoàng, 15g xích thược, 15g bạch thược, 10g đương quy, 10g thục địa, 30g tiểu kế, 10g xuyên khung, 30 cỏ mực. Sắc uống 1 thang/ngày.

Vị thuốc bổ âm điều kinh

10g đan sâm, 10 bạch thược, 15g sinh địa, 10g nguyên sâm, 10g thanh hao, 12g cỏ mực. Sắc uống 1 thang/ngày.

Vị thuốc trị viêm tuyến tiền liệt

10g vương bất lưu hành, 6g đương quy, 24g thổ phục linh, 12g nữ trinh tử, 10 tỏa dương, 15g hoàng kỳ, 15g đẳng sâm, 12g thỏ ty tử, 10g ích trí nhân, 15g thục địa, 15g câu kỷ tử, 15g cỏ mực. Sắc uống 1 thang/ngày.

Vị thuốc trị xuất huyết tử cung, ích khí bổ thận

15g phúc bồn tử, 6g thăng ma, 15g nữ trinh tử, 10g kinh giới sao, 15g sinh địa, 15g thục địa, 15g bạch thược, 60g hoàng kỳ, 30g cỏ mực. Sắc uống 1 thang/ngày.

Vị thuốc trị viêm dạ dày

10 quả táo tàu, 12g cỏ mực, sắc uống 1 thang/ngày chia làm 2 lần sáng và tối.

Vị thuốc giảm cân từ cỏ mực

15g cỏ mực, hãm nước sôi và uống thay trà.

4. Uống cỏ mực nhiều có sao không?

Cỏ mực (nhọ nồi) là một loại thảo dược có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, như hạ sốt, giải độc, chống viêm, trị rong kinh, bổ xương khớp, phòng ngừa loãng xương và nhiều bệnh khác. Tuy nhiên, uống cỏ mực nhiều cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn, như:

  • Kích thích dạ dày, gây ợ hơi, đầy bụng, khó tiêu.
  • Làm giảm huyết áp và nhịp tim.
  • Gây tụt huyết áp, rối loạn tuần hoàn máu, sinh non, sảy thai, tiền sản giật cho phụ nữ mang thai
  • Gây kích ứng niêm mạc tử cung, gây ra chảy máu kinh nguyệt.
  • Gây dị ứng ở một số người nhạy cảm.

Vì vậy, bạn nên uống cây cỏ mực với liều lượng và thời gian phù hợp, theo sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế. Bạn cũng nên tránh uống cỏ mực khi đang mang thai, cho con bú hoặc bị bệnh tim mạch

5. Lưu ý khi sử dụng cây nhọ nồi trị bệnh

Không nên dùng cỏ mực cho người bị sôi bụng, đại tiện phân lỏng, viêm đại tràng mãn tính.

Cỏ mực không gây hạ huyết áp, không gây giãn mạch ở phụ nữ có thai nhưng có thể dẫn đến sảy thai.

Trên đây là một số thông tin về vị thuốc cỏ nhọ nồi. Medigo hy vọng rằng bài viết này đã giúp ích cho bạn. Đừng quên tham khảo thêm nhiều loại dược liệu khác trên website nhé. 


Nguồn tham khảo:

1. Thông tin từ Dược sĩ Mai Thị Thanh Huyền

2. Eclipta prostrata (L.) L. (Asteraceae)

3. Eclipta prostrata (L.) L. (Asteraceae): Ethnomedicinal Uses, Chemical Constituents, and Biological Activitie

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.