lcp

Cốc tinh thảo


Cốc tinh thảo hay còn gọi là Cỏ dùi trống, cây cốc tinh, cỏ đuôi công,  thuộc họ Cốc tinh thảo với danh pháp khoa học là Eriocaulaceae. Trong những năm gần đây, Cốc tinh thảo ngày càng trở nên quen thuộc trên thị trường thực phẩm nước ta. Cốc tinh thảo là tên gọi trong y học của cụm hoa còn nguyên cuống ở cây cỏ dùi trống. Loại thảo dược này có công dụng làm mạnh xương khớp, chữa đau lưng, bổ thận, chảy máu răng, trị đau lưng, mỏi gối, tình trạng tiêu chảy kéo dài.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước. Tuy nhiên, việc dùng Cốc tinh thảo sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Cốc tinh thảo cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Cốc tinh thảo, Cỏ dùi trống, Cây cốc tinh, Cỏ đuôi công.
  • Tên khoa học: Eriocaulon sexangulare L.
  • Họ: Cốc tinh thảo - Eriocaulaceae.
  • Công dụng: trị nhức đầu, đau mắt, quáng gà, đau răng.

Mô tả cây Cốc tinh thảo

Cây thảo nhỏ, sống hằng năm, thân rất ngắn mang một chùm.

Lá mọc vòng, rộng và hình dải, nhẵn, có nhiều gân dọc.

Cán hoa dài 10-55cm, có cạnh sắc và vặn nhiều hay ít. Đầu hình trứng hay hình trụ, có lông rải rác, lá bắc của tổng bao nhẵn cứng, màu vàng ra, lợp lên nhau và che các hoa vào phía trong.

Hoa đực có 2 lá đài dính thành ống, 2 cánh hoa dính thành ống và bao phân màu đen. Hoa cái có 3 lá đài rời, 3 cánh hoa ngắn hơn lá đài và có lông rải rác.

Cây có hoa mùa hạ và mùa thu.

Cốc tinh thảo

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Cỏ dùi trống thường mọc hoang trên những vùng đất ẩm ướt như bãi lầy, ruộng thấp, vùng ven sông, ven biển ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam của nước ta.

Thời gian thu hái: Vào mùa thu

Cách chế biến: Đem hái cụm hoa và cuống hoa về để phơi hoặc sấy ở nhiệt độ 50 – 60°C cho đến khi khô sẽ tạo thành dược liệu cốc tinh thảo.

Cốc tinh thảo

Bộ phận sử dụng của Cốc tinh thảo

Cụm hoa có lẫn cuống của cây cỏ dùi trống.

Cốc tinh thảo

Thành phần hóa học

Cốc tinh thảo chứa Carbohydrat. Lá có flavonoid (quercetagetin).

Tác dụng của Cốc tinh thảo

Theo y học cổ truyền

Tính vị: Vị ngọt, hơi cay, tính bình có hơi lạnh không độc.

Công dụng: Sơ tán phong nhiệt, sáng mắt tan màng mộng.

Chủ trị: Trị mắt có màng mộng (mục ế), Viêm kết mạc, Nhức răng, Cảm mạo phong nhiệt.

Liều lượng và cách dùng Cốc tinh thảo

Liều dùng thông thường của dược liệu cỏ dùi trống được khuyến cáo là 9 – 13g mỗi ngày. Có thể dùng theo các dạng:

  • Sắc uống
  • Tán bột làm cao dán hoặc pha nước uống

Bài thuốc chữa bệnh từ Cốc tinh thảo

Trị nhức đầu, đau vùng mi mắt, thiên đầu thống: Cốc tinh thảo 6g, Địa long 9g, Nhũ hương 3g, tán bột mỗi lần dùng nửa chỉ đốt cháy vào ống ngức bên nào ngửi bên lỗi mũi ấy (Thánh Tế Tổng Lục).

Trị nhức đầu một bên hoặc chính giữa đầu: Cốc tinh thảo 30g tán bột hồ với bột miến trắng Phết lên giấy dán vào chỗ đau, khô thay miếng khác (Tập Nghiệm Phương). Lại dùng Cốc tinh thảo tán bột, Đồng lục mỗi thứ 3g, Tiêu thạch nửa phân tùy theo đau bên phải hoặc trái mà thổi vào mũi (Thánh Tế Tổng Lục).

Trị chảy máu cam không cầm: Cốc tinh thảo tán bột uống với nước miến sắc lần 6g (Thánh Huệ Phương).

Trị mắt có màng mộng: Cốc tinh thảo, Phòng phong, 2 vị bằng nhau tán bột uống với nước cơm (Minh Mục Phương).

Trị trẻ nhỏ bị quáng gà: Phổi dê đã thiến rồi 1 cặp đừng rửa nước lấy dao tre xẻ bỏ vào một nắm Cốc tinh thảo vào nồi sành nấu chín ăn hằng ngày. Có thể nướng sao tán làm viên bằng hạt đậu xanh, lần uống 3 viên với nước trà (Vệ Sinh Gia Bảo).

Trị trẻ nhỏ bị trúng nắng, trên mửa dưới ỉa, khát nước bồn chồn khí chịu: Cốc tinh thảo đốt tồn tính, xong hạ khử thổ cho người mới tán bột, uống với nước cơm nguội lần nửa chỉ (Bảo Ấu Đại Toàn).

Trị trẻ nhỏ bị cam tích, nhìn không rõ, mắt đỏ sợ ánh sáng: Cốc tinh thảo 1-60g, gan heo 60g sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Học).

Trị lợi răng sưng đau: Cốc tinh thảo 15g-30g sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Học).

Lưu ý khi sử dụng Cốc tinh thảo

  • Không sử dụng những bài thuốc từ Cốc tinh thảo cho các đối tượng dị ứng hoặc quá mẫn cảm với một số thành phần cho trong chúng hoặc một số dược liệu khác trong bài thuốc.
  • Thận trọng khi sử dụng bài thuốc từ dược liệu cỏ dùi trống cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Hỏi ý kiến thầy thuốc để biết cụ thể liều dùng cho phù hợp.
  • Không nên xông hơi hoặc nhỏ trực tiếp các nước sắc từ cây cỏ dùi trống vào mắt.
  • Các đối tượng có phong nhiệt không được sử dụng các bài thuốc từ dược liệu cỏ dùi trống.
  • Dược liệu kỵ sắt.

Bảo quản Cốc tinh thảo

Cỏ dùi trống nếu bảo quản không tốt sẽ dễ bị vỡ vụn, nấm mốc làm ảnh hưởng đến tác dụng của dược liệu. Vì vậy cần chú ý bảo quản thuốc nơi khô ráo, mát mẻ, có nhiệt độ tương tương với nhiệt độ phòng. Để dùng được lâu ngày thì nên cất trữ trong hộp có nắp đậy hoặc đóng gói trong túi ni lông.

Tuyệt đối không bảo quản dược liệu ở nơi có độ ẩm không khí cao, trong nhà tắm hoặc gần bồn rửa. Khi thấy có dùi trống có biểu hiện mốc trắng, đổi màu hoặc vụn nát thì tốt nhất không nên dùng.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ Cốc tinh thảo. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm