Củ gấu tàu
Củ gấu tàu hay còn gọi là cố y, xuyên ô, phụ tử, thiên hùng, trắc tử, o uế, thuộc họ Hoàng liên với danh pháp khoa học là Ranunculaceae. Củ gấu tàu là một loài dược thảo đã được sử dụng làm thuốc từ rất lâu trong dân gian, là một trong bốn loại dược liệu quý "Sâm nhung quế phụ". Trong y học, Củ gấu tàu có tác dụng hồi dương cứu nghịch, bổ hỏa, trợ dương, trục phong hàn, thấp tà; ô đầu sưu phong, táo thấp khứ hàn; phụ tử dùng chữa mồ hối toát ra nhiều quá, vong dương.
Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước. Tuy nhiên, việc dùng Củ gấu tàu sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Củ gấu tàu cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.
Thông tin chung
- Tên tiếng Việt: Củ gấu tàu, cố y, xuyên ô, phụ tử, thiên hùng, trắc tử, o uế
- Tên khoa học: Aconitum fortunei Hemsl.
- Họ: Hoàng liên (Ranunculaceae).
- Công dụng: Củ gấu tàu có tác dụng hồi dương cứu nghịch, bổ hỏa, trợ dương, trục phong hàn, thấp tà; ô đầu sưu phong, táo thấp khứ hàn; phụ tử dùng chữa mồ hối toát ra nhiều quá, vong dương.
Mô tả cây Củ gấu tàu
Củ gấu tàu là bộ phận rễ của cây Ô đầu có tên khoa học Aconitum fortunei Hemsl, thuộc họ Hoàng liên (Ranunculaceae).
Củ gấu tàu có hai loại:
Ô đầu (Radix Aconiti): Rễ củ chính đã phơi hoặc sấy khô.
Phụ tử (Radix Aconiti lateralis): Rễ củ nhánh đã phơi hoặc sấy khô.
Phân bố, thu hoạch và chế biến
Phân bố:
Thế giới: Chi Aconitum L có khoảng 110 loài, phân bố rải rác khắp vùng ôn đới ấm Bắc bán cầu. Ở Ấn Độ có 25 loài, Trung Quốc hơn 20 loài, ở Việt Nam chỉ có một loài Ô đầu là cây trồng nhập nội.
Việt Nam: Cây mọc hoang ở các vùng núi cao biên giới nước ta: Lào Cai (Sapa), Hà Giang, Khu Tây Bắc (Nghĩa Lộ). Thường thấy tại các savan cỏ.
Thu hái: Từ tháng 6 đến tháng 8 trước khi hoa nở là lúc củ có kích thước to nhất, đào lấy rễ củ, bỏ rễ con, rễ tua, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô.
Chế biến: Tùy theo cách chế mà có các vị khác nhau.
Diêm phụ tử (còn gọi là Sinh phụ tử): Rễ củ con loại to, rửa sạch bỏ vào vại, thêm magnesi clorid, muối ăn và nước (cứ 100 kg Phụ tử dùng 40 kg magnesi clorid, 30 kg muối ăn, 60 L nước), ngâm 10 ngày, lấy ra phơi khô rồi lại cho vào vại. Cứ thế, ngày phơi, tối ngâm (nước ngâm phải sâm sấp trên củ) cho đến khi muối thấm tới phần giữa củ và củ trở nên cứng chắc, mặt ngoài củ thấy muối kết tinh trắng là được. Trong quá trình ngâm thỉnh thoảng thêm magnesi clorid, muối ăn, nước để đảm bảo nồng độ ban đầu. Trước khi dùng thái lát mỏng 5 mm, rửa nước đến hết vị cay tê, đem phơi hoặc sấy khô. Dược liệu chưa thái lát có hình nón, dài 3,5 cm đến 5 cm, đường kính 1,5 cm đến 2,5 cm. Bên ngoài màu xám đen được phủ một lớp bột muối nhỏ, đỉnh có vết sẹo lõm, bao quanh là các rễ con ngắn hoặc các vết sẹo của rễ con. Chất chắc. Mặt cắt ngang có màu nâu xám, viền ngoài có các đường nứt chứa đầy bột muối nhỏ và vòng phát sinh libe-gỗ nhiều cạnh, trong vòng phát sinh libe-gỗ có các bó mạch gỗ tập hợp thành đám không đều. Mùi nhẹ, vị mặn, cay, tê.
Đạm phụ phiến: Lấy Diêm phụ tử, ngâm nước, mỗi ngày thay nước 2 – 3 lần để tẩy hết muối, nấu kỹ cùng với Cam thảo, Đậu đen và nước cho đến khi không còn lõi trắng và bổ ra nếm không thấy tê cay thì thôi. Lấy dược liệu ra, loại bỏ Cam thảo, Đậu đen, thái lát, phơi khô ( 100 kg Diêm phụ tử dùng 5 kg Cam thảo, 10 kg Đậu đen).
Hắc phụ tử: Rễ củ con loại trung bình, rửa sạch, cho vào vại, thêm magnesi clorid, nước ngâm vài ngày (100 kg Phụ tử dùng 40 kg magnesi clorid, 20 L nước). Sau đó luộc chín không còn lõi trắng, lấy ra rửa sạch, để cả vò, thái lát mỏng theo chiều dọc, dày khoảng 5 mm. Lại ngâm với magnesi clorid và rửa bằng nước một lần nữa. Cuối cùng thêm đường đỏ và dầu hạt cải để tẩm đến khi lát mỏng có màu nước chè đặc. Sau đó rửa bằng nước đến hết vị cay, phơi hoặc sấy khô. Dược liệu là các lát cắt dọc rộng ở phía trên, hẹp dần về phía dưới, dài 1,7 cm đến 5 cm, rộng 0,9 cm đến 3 cm, dày 0,2 cm đến 0,5 cm. Vỏ ngoài màu nâu đen, mặt cắt màu vàng sẫm, có dầu và bóng láng, trong mờ và có các bó mạch chiều dọc. Chất cứng và dễ gãy. Mặt gãy như sừng, mùi nhẹ, vị nhạt.
Bạch phụ tử: Rễ củ con loại nhỏ, rửa sạch cho vào vại, ngâm trong nước magnesi clorid (pha như trên) vài ngày. Sau đó đun tới chín đến giữa củ, lẩy ra bóc vỏ bỏ. Thái lát mỏng theo chiều dọc, dày khoảng 3 mm, rửa hết vị cay tê. hấp chín, phơi khô, xông hơi diêm sinh, rồi phơi đến khô. Dược liệu là các lát dày khoảng 3 mm, không có vỏ ngoài, màu trắng vàng, trong mờ. D. Phụ phiến sao: Lấy cát rang nóng, cho Hắc phụ tử và Bạch phụ tử vào sao cho đến khi phồng lên và hơi biến màu. Lấy ra sàng bỏ cát, để nguội.
Bộ phận sử dụng của Củ gấu tàu
Củ mẹ (ô đầu) và củ con (phụ tử).
Thành phần hóa học
Alcaloid toàn phần ở củ mẹ: 0,36-0,80%, củ con: 0,78-1,17%. Cây trồng ở Hà Giang, có alcaloid toàn phần ở củ con là 0,36%. Trong đó Ô đầu Việt Nam có aconitin, hypaconitin và còn ít nhất là 8 vết hiện màu với thuốc thử dragendorff trên sắc ký lơp mỏng nhưng chưa phân lập đươc đẻ xác định cấu trúc hóa học.
Aconitin dễ bị thủy phân thành acid acetic và benzoylaconitin. Độ độc của benzoylaconitin chỉ bằng 1/400 – 1/500 aconitin. Thủy phân tiếp benzoylaconitin sẽ giải phóng ra một phân tử acid benzoic và chuyển thành aconin. Độ độc của aconin giảm đi chỉ còn khoảng 1/10 benzoylaconitin.
Aconitin là chất độc nhất và có tác dụng sinh học mạnh nhất, hàm lượng dao động khoảng 13 – 90% alcaloid toàn phần. Bị thủy phân, dễ dàng biến đổi aconitin thành những chất ít độc hơn khiến người ta phải quan tâm đến việc chế biến và thời gian bảo quản cũng như định lượng riêng aconitin trong chế phẩm.
Ngoài alcaloid trong Ô đầu và Phụ tử còn có acid hữu cơ (acid aconitic, citric, malic…), tinh bột, chất đường, muối vô cơ.
Tác dụng của Củ gấu tàu
Theo y học cổ truyền
Theo Đông y, Ô đầu có tính tán, vị khổ, nhiệt, rất độc và quy vào 12 kinh, chủ yếu các kinh tâm can, thận tỳ.
Tác dụng: Khu phong, trừ thấp tý, ôn kinh chỉ thống.
Chủ trị: Dùng trị đau khớp, tê mỏi cơ.
Phụ tử có tính tân, cam, đại nhiệt, có độc, quy vào các kinh tâm, thận, tỳ.
Tác dụng: Hồi dương cứu nghịch, bổ hỏa trợ dương, tán hàn, chỉ thống.
Chủ trị: Chứng vong dương, thoát dương; chân tay lạnh, đau nhức xương khớp, lưng gối đau lạnh, chân tay phù nề.
Theo y học hiện đại
Tác dụng đối với tim
Aconitin rất độc đối với tim, chủ yếu tác dụng trực tiếp lên tế bào cơ tim, thúc đẩy màng tế bào khử cực hóa, tăng nhanh nhịp đập, rút ngắn giai đoạn trơ. Trên cơ thể động vật bị ngộ độc aconitin, còn có sự tham gia của thần kinh thực vật. Ngộ độc aconitin biểu hiện trên điện tâm đồ là đầu tiên làm giảm nhịp tim, sau đó dẫn truyền nhĩ thất bị phong bế, xuất hiện ngoại tâm thu, nhịp nhanh thất, rung thất, cuối cùng tim ngừng đập.
Người ta cho rằng cơ chế tác dụng của ngộ độc là do tính hưng phấn của cơ tim tăng cao. Do đó hiện nay, aconitin là thuốc công cụ để gây mô hình loạn nhịp tim thực nghiệm, phục vụ cho công tác nghiên cứu các thuốc chống loạn nhịp tim, aconitin không có giá trị sử dụng trong điều trị trên lâm sàng.
Aconitin không có tác dụng cường tim, trái lại rất độc với tim như đã đề cập. Tuy nhiên, có người cho rằng sản phẩm thủy phân của aconitin là chất aconin lại có tác dụng cường tim mà độc tính lại thấp chỉ bằng 1/2000 - 1/4000 độc tính của aconitin.
Các tác giả Nhật Bản cho rằng hoạt chất cường tim có trong phụ tử là higenamine. Higenamine là một chất chủ vận đối với hệ β-adrenergic chứ không phải là một thành phần có tác dụng cường tim thực thụ của phụ tử
Tác dụng đối với huyết áp
Aconitin có tác dụng làm hạ huyết áp. Tác dụng này bị Atropin đối kháng. Bài cấp cứu hồi dương thang gồm: Phụ tử, long não, nhân sâm, xả hương có tác dụng nâng cao huyết áp đã bị tụt thấp còn bài quế phụ thang trên chuột cống trắng có tác dụng gây cao huyết áp thực nghiệm lại có tác dụng hạ huyết áp.
Ngoài ra trong phụ tử còn có các thành phần este có tác dụng tăng cường chuyển hóa các lipid no và cholesterol, giảm hiện tượng lipid bám vào thành mạch, giảm lượng cholesterol, lipid trong máu dùng điều trị xơ vữa động mạch thực nghiệm trên thỏ có kết quả.
Tác dụng giảm đau
Tác dụng giảm đau có tính chất thuộc trung ương, liên quan mật thiết với những đáp ứng của hệ thống các chất catecholamin trung ương, đặc biệt với hệ thống adrenergic mà không thông qua trung gian là các thụ thể opiat nên levallorphan không làm ảnh hưởng đến tác dụng giảm đau của mesaconitin. Ngoài ra aconitin còn có tác dụng ức chế dẫn truyền các xung thần kinh làm cho dây thần kinh tê liệt mất khả năng dẫn truyền.
Tác dụng với hệ thần kinh
Đối với các tận cùng của dây thần kinh cảm giác trong da và niêm mạc, aconitin ở giai đoạn đầu có tác dụng kích thích gây ngứa, có cảm giác nóng bỏng, sau đó mất cảm giác tê dại. Aconitin còn có tác dụng ức chế trung khu hô hấp, tăng cường tiết nước bọt hạ thân nhiệt ở động vật bình thường cũng như động vật gây sốt.
Tác dụng chống viêm
Alcaloid Ô đầu có tác dụng ức chế hiện tượng tăng thẩm thấu của thành mạch do tiêm xoang bụng acid acetic gây nên đồng thời ức chế phù bàn chân chuột cống trắng do tiêm carageenin, phòng ngừa viêm. Nước sắc phụ tử có tác dụng chống viêm khớp cổ chân chuột do formaldehyde gây nên.
Tác dụng khác
Alcaloid Ô đầu có tác dụng đối kháng với co thắt hồi tràng chuột lang cô lập do histamin và acetylcholin gây nên, thúc đẩy qua trình sinh tổng hợp RNA polymerase.
Độc tính: Ô đầu rất độc độc tính thay dổi theo loài, địa điểm cây sinh trưởng, thời gian thu hái, cách bào chế, thời gian đun nấu. Trong quá trình bào chế hàm lượng alcaloid giảm tới 81,3% nên phụ tử ít độc hơn. Phụ tử chế từ cây mọc ở các vùng khác nhau có độ độc chênh lệch nhau 8 lần. Aconitin và các Alcaloid khác cũng rất độc.
Triệu chứng ngộ độc biểu hiện ở: Lưỡi tê, chảy nước bọt, nôn mửa, đi ngoài, đau đầu, chóng mặt, môi và chân tay tím tái, mạch chậm yếu, hô hấp khó khăn…
Liều lượng và cách dùng Củ gấu tàu
Bột củ ô đầu tán vừa mịn, qua mắt rây 24 là 100g, cồn 90o vừa đủ ngâm kiệt để có được 950g cồn ô đầu.
Rượu thuốc ô đầu dùng ngoài để xoa bóp với liều 10 đến 50 giọt mỗi ngày. Trẻ em từ 30 tháng đến 15 tuổi dùng với liều 5 đến 10 giọt một ngày. Do aconitin dễ bị thuỷ phân cho nên hằng năm phải thay thuốc một lần.
Ngày dùng 4g đến 12g dược liệu đã bào chế đạt tiêu chuẩn giới hạn aconitin, dạng thuốc sắc.
Bài thuốc chữa bệnh từ Củ gấu tàu
Chữa bệnh khớp
Nhiều khớp sưng to đau kéo dài, co duỗi khó, tại khớp không đỏ nóng rõ nhưng đau nhiều, dị dạng kèm theo tê dại, da tím sạm đen, chườm nóng dễ chịu, co duỗi khó khăn, xuất hiện nốt u cục quanh khớp, lâu ngày gây tổn thương thận (viêm thận kẽ, sạn tiết niệu, tiểu ra máu, suy thận cấp, mạn), mạch trầm huyền hoặc khẩn, lưỡi nhợt, rêu trắng là triệu chứng của hàn thấp ứ trệ.
Ô Đầu Tế Tân Thang (Hiện Đại Trung Y Nội Khoa Học): Ô đầu 5g (sắc trước), tế tân 5g, đương quy 12g, xích thược 12g, uy linh tiên 10g, thổ phục 16g, tỳ giải 12g, ý dĩ 20g, mộc thông 10g, quế chi 4 - 6 g.
Chữa đau xương, sai khớp
Ô đầu, nghệ rừng, nhân hạt gấc, mật gấu, mật trăn, huyết lình, tất cả ngâm rượu dùng xoa bóp ngày 2 lần. Không được uống
Chữa trúng hàn, hôm mê, ngộ lạnh nôn tháo
Phụ tử sống (sinh phụ tử) và gừng lùi chín, mỗi vị 20g, sắc uống làm nhiều lần (hành giản trân nhu)
Lưu ý khi sử dụng Củ gấu tàu
Vì aconitin dễ bị thủy phân nên hàng năm phải thay cồn aconit một lần.
Trúng phong hàn và phụ nữ có thai thì không nên dùng.
Ô đầu, phụ tử là thuốc độc bảng A nên dùng trong phải hết sức thận trọng.
Bảo quản Củ gấu tàu
Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.
Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ Củ gấu tàu. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm