lcp

Cây Dạ cẩm là gì? Tác dụng và vị thuốc từ cây Dạ cẩm


Cây Dạ cẩm, hay còn gọi là cây loét mồm, là vị thuốc quý được dùng để làm thuốc điều trị đau dạ dày, lở loét ở miệng. Ngoài ra, với tính bình, vị ngọt hơi đắng, dược liệu này còn giúp thanh nhiệt, giải độc và làm dịu cơn đau hiệu quả. Vậy tác dụng dược lý của Dạ cẩm do đâu? Các trường hợp nào có thể sử dụng dược liệu này và các bài thuốc chữa bệnh là gì? Cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết trong nội dung bài viết sau.

Tìm hiểu về cây Dạ cẩm

Cây Dạ cẩm còn được biết đến với nhiều cái tên khác như cây loét mồm, đất lượt, đứt lướt, chạm khẩu cắm,... Cây thuộc họ cà phê (Rubiaceae), có tên khoa học là Hedyotis capitellata Wall.

Dạ cẩm hiện vẫn được tìm thấy nhiều là mọc hoang, chưa thấy trồng theo quy mô. Cây phân bố ở một số tỉnh trung du và miền núi phía Bắc như ở Cao Bằng, Lạng Sơn. Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Hà Giang...

cây Dạ cẩm

Đặc điểm sinh thái

Dạ cẩm là loại cây thảo dược thuộc thân thảo, mọc trườn theo từng bụi và bám vào các cây khác. Cây cao khoảng 1-4m, thân cây lúc non sẽ có màu xanh hay tím và có lông đứng, khi trưởng thành có màu xám mốc, sần sùi và không có lông. Thân gồm nhiều đốt cách nhau khoảng 5-6cm, mấu to.

cây Dạ cẩm là lá đơn, mọc đối nhau. Mặt trên lá màu xanh thẫm, có nhiều nốt sần sùi nhỏ, có lông ngắn. Mặt sau lá màu xanh lục nhạt, có lông dài và dày hơn. Phiến lá dày với cuống dài 3-4mm.

Hoa Dạ cẩm có hình sim, hoa gồm 6 đến 12 hoa tụ lại tạo thành chùm hình cầu ở đầu cành hoặc kẽ lá. Hoa thường có màu trắng hoặc vàng, ống tràng có nhiều lông nhỏ màu trắng bên trong, cánh hoa hình giáo cuộc ra phía ngoài. Quả cây Dạ cẩm là dạng quả nang, tròn, vỏ có nốt sần nhỏ, cuống ngắn dưới 1mm. Khi khô, quả nứt vách tạo thành các ô có thể thấy các hạt nhỏ nâu đen bên trong.

Mùa hoa Dạ cẩm thường rơi vào tháng 4 đến tháng 11, mùa quả từ tháng 11-12.

Người ta thường nhầm lẫn cây Dạ cẩm có 2 loại là thân tím và thân xanh. Nhưng thực tế đây là cùng 1 cây, chỉ có màu sắc thân sẽ thay đổi theo mùa trong năm. Cụ thể, từ tháng 4 đến tháng 9 thân cây sẽ có màu xanh, từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau sẽ có màu tím.

cây Dạ cẩm

Bộ phận dùng của cây Dạ cẩm

Bộ phận của cây Dạ cẩm được dùng để làm thuốc là lá và ngọn non, có thể dùng toàn thân nhưng dược tính sẽ yếu hơn. 

Thu hái, sơ chế và bảo quản

Dược liệu Dạ cẩm gần như có thể thu hái quanh năm. 

Dược liệu sau khi hái về sẽ được sơ chế và rửa sạch, đem phơi khô và bảo quản để dùng dần, hoặc có thể đem nấu cao. Thuốc được bảo quản nơi sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát, tránh những nơi ẩm thấp dễ có côn trùng, mối mọt gây hư hại thuốc.

tác dụng của cây Dạ cẩm

Thành phần hóa học

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra trong thân, lá và rễ cây Dược cẩm chứa Alkaloid, Saponin, Iridoid, Tanin, riêng ở rễ có thêm Anthranoid. Trong đó, Alkaloid toàn phần trong thân, lá có hàm lượng là 0,14%, rễ là 1,98%. Saponin ở thân, lá chiếm là 0,658% và ở rễ chiếm 0,511%. Còn phần đường của Saponin là Glucose và Galactose.

Tác dụng của cây Dạ cẩm

Theo đông y,  Dạ cẩm có tính bình, vị ngọt hơi đắng, có  tác dụng thanh nhiệt, giải độc và làm dịu các cơn đau, kháng viêm, lợi tiểu. Vì vậy dược liệu thường được dùng trong các trường hợp bệnh lý:

  • Trị các cơn đau do viêm loét dạ dày, bao gồm các triệu chứng như ợ nóng, ợ hơi, khó tiêu, đầy bụng...
  • Chữa lở lưỡi, loét miệng, giúp các vết thương nhanh lành
  • Trị đau mắt khi kết hợp với cỏ bạc đầu
  • Trị bong gân khi kết hợp với vỏ Đỗ trọng nam

Một số vị thuốc từ cây Dạ cẩm

Dưới đây là một số bài thuốc phổ biến từ cây Dạ cẩm:

Trị lở loét miệng/lưỡi, nhiệt miệng, viêm loét họng: chuẩn bị 12-25g lá và ngọn Dạ cẩm, đem rửa sạch và giã nát dược liệu, lấy nước cốt để uống hoặc bôi lên vùng bị loét. Hoặc bạn cũng có thể đem dược liệu sắc lấy thuốc uống hàng ngày, ngày dùng 2-3 lần trước bữa ăn

Bài thuốc trị đau tá tràng, ợ chua: Dùng khoảng 10-25g dược liệu Dạ cẩm đem cao lỏng hoặc cao đặc, sau đó thêm một ít mật ong rồi chia dung dịch thành 2-3 phần, dùng sau bữa ăn.

Bài thuốc điều trị các bệnh lý liên quan đến đau dạ dày: chuẩn bị 5kg lá Dạ cẩm, 1 lít mật ong nguyên chất và 2kg đường phèn. Tiến hành cho lá Dạ cẩm vào nồi, đun trong nhiều giờ cho đến khi cô đặc lại. Lại cho thêm đường phèn vào trộn đều và cho mật ong vào. Khuấy đều đến khi dung dịch dệt lại thì đổ ra từng khuôn, chờ cho thuốc nguội. Tiếp đến dùng 20ml Dạ cẩm trong khuôn hòa với 200ml nước ấm, dùng uống trước bữa ăn, mỗi ngày dùng 2-3 lần.

vị thuốc từ cây Dạ cẩm

Lưu ý khi sử dụng cây Dạ cẩm

  • Nên dùng cây Dạ cẩm với liều lượng vừa đủ, không nên lạm dụng hay sử dụng quá nhiều vì có thể gây ra các tác dụng phụ
  • Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú cần tham khảo ý kiến và có sự đồng ý từ bác sĩ trước khi sử dụng thuốc
  • Nếu dùng dược liệu Dạ cẩm dạng khô, bạn nên chọn mua thuốc tại những địa điểm uy tín, đảm bảo chất lượng thật, không bị nấm mốc hay trộn lẫn các loại cây cỏ khác
  • Nếu sử dụng cây Dạ cẩm giã nát lấy nước cốt để uống hay đắp lên vết thương, cần ngâm muối loãng và làm sạch dược liệu để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn trên lá

Do có nhiều công dụng dược lý nên hiện nay đã có rất nhiều loại thuốc và bài thuốc gia truyền từ cây Dạ cẩm. Tuy nhiên bạn không nên tự ý sử dụng các bài thuốc trị bệnh từ loại cây này mà nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước, đảm bảo dùng đúng thuốc, đúng bệnh và đúng cách. 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.