lcp

Dành dành


Dành dành hay còn gọi là Chi tử, Mác làng cương (Tày), thuộc họ Cà phê với danh pháp khoa học là Rubiaceae. Cây dành dành là một vị thuốc nam quý hiếm, có tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm, hạ sốt, thanh nhiệt,… Những bộ phận của cây dành dành được dùng làm dược liệu điều trị bệnh đau nhức, đau mắt, bí tiểu, viêm gan.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước. Tuy nhiên, việc dùng Dành dành sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Dành dành cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Dành dành, Chi tử, Mác làng cương (Tày).
  • Tên khoa học: Gardenia augusta (L.) Merr.
  • Họ: Rubiaceae (Cà phê).
  • Công dụng: Chữa sốt vàng da, cầm máu (Quả, hạt). Đau mắt đỏ (Lá tươi).

Mô tả cây Dành dành

Cây nhỏ, cao chừng 1-2m thường xanh tốt quanh năm, thân thẳng nhẵn. lá mọc đối, có lá kèm to, mặt trên màu sẫm bóng.

Hoa mọc đơn độc, cánh hoa màu trắng, không cuống, có mùi thơm.

Quả hình chén với 6-9 góc, có 2-5 ngăn, khi chín có màu vàng đỏ, chứa rất nhi u hạt, mùi thơm vị đắng

Mùa ra hoa: mùa hè.

Dành dành

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Cây dành dành ưa mọc ở những nơi ẩm ướt, gần rạch nước. Tại Việt Nam, cây mọc hoang ở nhiều nơi và còn được trồng làm cảnh, làm thuốc.

Cây dành dành mọc chủ yếu ở khu vực Nam bộ.

Dành dành

Thu hái và sơ chế:

Thu hái lá, rễ cây và thân cây dành dành quanh năm. Hái hoa và quả chín vào mùa hè và mùa thu.

Sau khi thu hái, sơ chế các bộ phận của cây dành dành như sau:

Quả: Giữ nguyên hoặc mang đi sấy khô, phơi khô;

Lá, thân cây, rễ cây: Rửa sạch, sau đó phơi khô để dành sử dụng dần.

Bộ phận sử dụng của Dành dành

Lá, thân cây, rễ cây và hoa của cây dành dành đều sử dụng được.

Dành dành

Thành phần hóa học

Trong Dành dành có một loại glucozit màu vàng gọi là gacdenin. Khi thuỷ phân cho phần không đường gọi là gacdenidin tương tự với chất α-croxetin Choạt chất của vị hồng hoa

Ngoài ra trong Dành dành còn có tannin, tinh dầu, chất pectin

α-croxetin là một sắc tố màu vàng, độ chảy 273oC, không tan trong phần lớn dung môi hữu cơ, tác dụng với natri, canxi và ammoniac cho muối có tinh thể. Cấu tạo của gacdenidin hay α-croxetin đã được xác định như sau: trong dành dành có chứa 10-20% manit.

Tác dụng của Dành dành

Theo y học cổ truyền

Theo các tài liệu ghi chép, quả dành dành có vị đắng, tính hàn, vào ba kinh tâm, phế và tam tiêu có tác dụng thân nhiệt (chữa sốt), tả hỏa, lợi tiểu, cầm máu, dùng trong bệnh sốt, người bồn chồn, khó ngủ, miệng khát, họng đau, mắt đỏ, da vàng, tiểu tiện khó khăn, thông huyết, máu cam, lỵ ra máu tiểu tiện ra máu. Ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc. Còn dùng làm thuốc đắp lên những nơi sưng đau do đòn, do bị tổn thương: giã nát, thêm nước rồi đắp lên nơi sưng đau.

Lá dành dành được nhân dân ta hay dùng giã nát đắp lên mắt đỏ đau. Màu vàng của dành dành không độc, nhân dân ta vẫn dùng nhuộm thức ăn như bánh xu xê, thạch.

Theo y học hiện đại

Đối với lượng sắc tố mật năm 1951, Lý Hy Thần (Trung hoa tân y học báo, 2(9): 660:669) báo cáo, nếu buộc chặt ống mật của thỏ rồi cho thỏ uống cao nước dành dành, thì lượng sắc tố mật trong máu sẽ giảm xuống. lượng cao dành dành càng tăng thì lượng sắc tố mật trong máu càng giảm nhiều. Nếu cho uống dành dành liên tục với liều ca vừa đúng rồi mới thắt chặt ống mật thì sẽ thấy kết quả rõ rệt hơn. Cao rượu dành dành cũng cho kết quả tương tự nhưng so với cao nước thì hơi kém hơn. Đối với lượng phân tiết nước mật của thỏ, cao nước dành dành cũng có tác dụng như cao rượu.

Năm 1954 (Nhật bản dược lý học tạp chí, 5 (1): 25-26) một tác giả Nhật bản nghiên cứu tác dụng muối natri trong dành dành trên chuột bạch nhỏ và thỏ đã chứng minh những chất có tác dụng làm tăng lượng mật phân tiết và ức chế sắc tố mật xuất hiện trong máu. Tác dụng kháng sinh. Một số tác giả khác (Trung hoa y học tạp chí 1952, 38, 4 và Trung hoa bì phụ khoa tạp chí 1957,4) có nghiên cứu và thấy nước sắc chi tử có tác dụng kháng sinh đối với một số vi trùng.

Liều lượng và cách dùng Dành dành

Cây dành dành có thể dùng tươi hoặc dùng khô. Có thể kết hợp cây dành dành với những vị thuốc khác để chữa bệnh. Về cách thực hiện, có thể giã nát, dùng tươi sống hoặc sắc, hãm với nước sôi.

Ngoài việc dùng làm thuốc, cây dành dành còn được dùng để làm gia vị và màu nhuộm.

Về liều dùng, mỗi ngày người bệnh nên dùng từ 6 – 12g. Tuy nhiên, liều dùng này chỉ có tính tương đối. Mỗi bài thuốc sẽ có liều dùng khác nhau. Bạn nên tuân thủ theo công thức liều lượng của mỗi bài thuốc, không nên lạm dụng, dùng quá liều.

Bài thuốc chữa bệnh từ Dành dành

1. Bài thuốc chữa bệnh viêm gan, vàng da, vàng mắt

Chuẩn bị: 12g dành dành, 24g nhân trần, đường kính.

Cách thực hiện: Sắc các nguyên liệu với 600ml nước. Sắc thuốc còn 100ml thì ngưng. Cho thêm đường vào, khuấy đều. Mỗi ngày dùng một tháng thuốc, chia ra thành 3 lần uống trong ngày.

2. Bài thuốc chữa bỏng

Lấy nhân của quả dành dành rửa sạch, để ráo nước. Đốt phần nhân dành dành. Sau đó, tán mịn thành bột. Trộn bột dành dành với dầu mè.

Đắp hỗn hợp bột dành dành và dầu mè lên vùng da bị bỏng. Sử dụng băng gạc để băng vết thương lại.

3. Bài thuốc chữa bong gân, đau nhức

Chuẩn bị một vài quả dành dành, rửa sạch trước khi chế biến. Giã nát quả dành dành, tán thành bột mịn. Cho thêm một ít nước sạch vào, trộn đều để cho ra hỗn hợp sền sệt. Sau cùng rót thêm một ít rượu trắng vào hỗn hợp.

Đắp hỗn hợp quả dành dành và rượu trắng lên vùng da bị bong gân, đau nhức. Đắp thuốc 1 lần trong ngày.

4. Bài thuốc chữa bệnh bí tiểu, sỏi đường tiết niệu

Chuẩn bị: 12g rễ dành dành, 12g kim tiền thảo và 12g lá mã đề.

Cách thực hiện: Rửa sạch và để ráo nước các nguyên liệu trước chế biến. Sắc các nguyên liệu, lấy nước thuốc uống hàng ngày. Mỗi ngày dùng 1 thang thuốc, uống trong vòng 10 ngày.

5. Bài thuốc chữa đau nóng vùng dạ dày

Chuẩn bị: 7 – 9 quả dành dành.

Cách thực hiện: Rửa sạch những quả dành dành đã chuẩn bị. Sao đen, sau đó mang đi sắc với một bát nước. Khi lượng nước chỉ còn lại phân nửa thì tắt lửa. Uống nước quả dành dành với nước gừng sống để trị cơn nóng ran ở vùng dạ dày.

6. Bài thuốc chữa đau mắt đỏ

Chuẩn bị một ít lá dành dành tươi.

Cách thực hiện: Rửa lá dành dành thật sạch. Dùng nước sôi để tráng qua. Sau đó giã nát lá dành dành. Cho phần lá nát vào miếng gạc mỏng, đắp lên mắt.

Lưu ý khi sử dụng Dành dành

Không tự ý bỏ thuốc Tây khi dùng các bài thuốc nam chế biến từ cây dành dành. Các bài thuốc ấy chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, do đó, chỉ được phép bỏ thuốc Tây khi có sự đồng ý của bác sĩ.

Trước khi dùng các bài thuốc từ cây dành dành để điều trị, người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ.

Các bài thuốc nam nói chung và bài thuốc từ cây dành dành nói riêng thường có hiệu quả chậm hơn so với thuốc Tây. Bên cạnh đó, nếu không tương thích với cơ địa, những bài thuốc từ cây dành dành có thể gây ra dị ứng, không có hiệu quả hoặc khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Trường hợp người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ đang mang thai cần thận trọng khi sử dụng các bài thuốc từ dành dành. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Bảo quản Dành dành

Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ Dành dành. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm