Dầu Lưu ly có tính chống oxy, chống viêm mạnh mẽ nhờ hàm lượng cao axit gamma-linolenic. Vì vậy đây được xem là thành phần tiềm năng trong điều trị các bệnh lý về viêm khớp, tim mạch cũng như chăm sóc da. Nếu bạn đang quan tâm đến dầu Lưu ly, tham khảo ngay bài viết này để biết thêm nhiều những thông tin hữu ích về loại dầu này.
Cây Lưu ly là một loài thảo mộc vùng khí hậu lành, được tìm thấy nhiều ở khu vực Địa Trung Hải. Ngoài ra, lá Lưu ly là một thành phần phổ biến trong món salad.
Dầu lưu ly, hay dầu hạt hoa Lưu ly, được ép lạnh từ hạt của cây Lưu ly. Dầu có dạng lỏng, màu vàng và mùi thơm đặc trưng. Dầu Lưu ly chứa nhiều axit béo Gamma Linolenic Acid (GLA) – Omega-6 với hàm lượng chiếm 16-27%. Ngoài ra còn có acid ferulic và các khoáng chất tự nhiên khác.
Tác dụng của dầu Lưu ly
Tác dụng chống viêm, diệt khuẩn
GLA trong dầu Lưu ly có tính kháng viêm, diệt khuẩn và cải thiện hệ miễn dịch. Từ đó hỗ trợ điều trị các tình trạng viêm nhẹ trên da như mụn trứng cá, viêm da, vẩy nến. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, dầu Lưu ly có thể thay thế thuốc chống viêm không steroid (NSAID) nhưng an toàn hơn.
Ngoài ra còn có thể dùng để điều trị các bệnh viêm khớp, viêm khớp dạng thấp, sưng nướu răng, các bệnh về tim, tuyến vú và giảm sự tăng trưởng một số tế bào ung thư tuyến tụy.
Điều trị tiền mãn kinh
Dầu hạt hoa Lưu ly có thể giúp giảm các triệu chứng khó chịu trong thời kỳ mãn kinh và tiền mãn kinh một cách hiệu quả. Đặc biệt là các triệu chứng như đau ngực, bốc hỏa, tâm trạng thất thường.
Tác dụng với da
Dầu Lưu ly được biết đến là một thần dược với làn da nhờ nhiều tác dụng tuyệt vời như:
Điều trị các vấn đề khó chịu về da do thay đổi kích thích tố nữ, điều trị các bệnh da liễu như eczema.
Tham gia vào cấu trúc và chức năng hàng rào bảo vệ da: Dầu Lưu ly chứa hàm lượng lớn axit béo omega 6 góp phần quan trọng trong cấu trúc và chức năng của da. Thoa dầu lưu ly trên bề mặt da có công dụng giảm mất nước qua lớp biểu bì, giữ ẩm và làm mềm da. Nhờ đó cũng giúp điều trị tình trạng viêm da dị ứng
Chữa lành vết thương: nhờ tính kháng viêm tốt nên dầu Lưu ly giúp kiểm soát quá trình viêm, thúc đẩy quá trình lành vết thương
Chống tăng sinh gây nên tình trạng vẩy nến ở da nhờ thành phần axit linoleic
Nhờ chứa acid ferulic và các khoáng chất tự nhiên nên dầu lưu ly còn giúp chống lão hóa và chống viêm, cân bằng nội tiết tố một cách tự nhiên nhất, từ đó giúp làn da sáng mịn tươi trẻ hơn.
Cách dùng và liều dùng dầu Lưu ly cho da và tóc
Dầu Lưu ly phải được pha loãng với một số loại dầu khác trước khi thoa lên da. Bạn có thể trộn tối đa 12 giọt mỗi một ounce dầu Hạnh nhân, dầu Jojoba hay dầu Ô liu trước khi dùng. Thoa dầu một lớp mỏng dầu vào vùng da muốn cải thiện, thực hiện hai lần một ngày.
Dựa trên các nghiên cứu lâm sàng, cần kiên trì sử dụng vài tuần hoặc vài tháng để dầu Lưu ly phát huy tác dụng như mong đợi.
Trong một nghiên cứu năm 2000, 40 người phụ nữ cho con bú được cho sử dụng 230 - 460mg GLA hàng ngày. Một nghiên cứu khác cùng năm đã nâng liều lượng lên 360mg đến 720mg. Cả 2 nghiên cứu đều cho thấy làn da được cải thiện. Nếu bạn muốn dùng dầu Lưu ly, nên hỏi ý kiến và làm theo chỉ định của bác sĩ hay nhà sản xuất vì có thể không có tiêu chuẩn chung về liều lượng.
Lưu ý khi sử dụng dầu Lưu ly
Dù mang lại nhiều tác dụng tuyệt vời nhưng dầu Lưu ly không an toàn nếu có chứa chất hóa học nguy hiểm là pyrrolizidine alkaloids (PAs). Vì vậy bạn chỉ nên sử dụng dầu lưu ly được chứng nhận và dán nhãn không có PAs và được chỉ định từ người có chuyên môn
Trên đây là những thông tin cần biết về dầu Lưu ly - một loại thảo dược có nhiều công dụng tuyệt vời với làm đẹp và sức khỏe. Hy vọng bài viết giúp bạn có thêm nhiều thông tin thú vị về loại dầu này và biết cách sử dụng hợp lý cho quá trình chăm sóc da, kháng viêm của mình.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm