lcp

Đại Táo


Đại táo hay còn được gọi là Táo tàu, Hồng táo thuộc họ Rhamnaceae (Táo ta) với danh pháp khoa học là Zizyphus sativa Mill. Trong y học, Đại táo thường được sử dụng làm thuốc bổ, kích thích tiêu hoá, an thần, ho (Quả).

Mặc dù là một loại quả rất tốt cho sức khỏe, song việc dùng Đại táo sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để hiểu rõ hơn về những đặc tính của Đại táo cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo tham khảo thêm trong bài viết dưới đây.

đại táo

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Đại táo, Táo tàu, Táo đen
  • Tên khoa học: Zizyphus sativa Mill
  • Họ: Rhamnaceae (Táo ta)
  • Công dụng: an thần, bổ tỳ vị, lợi huyết, sinh tân dịch

Mô tả cây Đại táo

Đại táo là một cấy nhỡ hay cây to. Lá mọc so le, lá kèm thường có dạng thành gai. Cuống lá ngắn 0,5-lcm, phiến lá hình trứng, đầu hẹp lại, dài 3-7cm, rộng 2-3,5cm, mép có răng cưa thô, trên mặt rõ 3 gân chính, gân phụ cũng nổi rõ. Hoa nhỏ, mọc thành tán ở kẽ lá, mỗi tán gồm 7-8 hoa. Cánh hoa màu vàng xanh nhạt. Đài, tràng và nhị đều 5. Quả hạch hình cầu hay hình trứng, khi non có màu nâu hoặc xanh nhạt, khi chín có màu dỏ sẫm. Vỏ quả mẫm vị ngọt. Mùa hoa tháng 4-5, mùa quả tháng 7-9.

đại táo

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Cây táo tàu được trồng nhiều ở Trung Quốc và dược liệu được sử dụng tại Việt Nam cũng chủ yếu nhập từ nguồn này. Tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng, loài cây này có nguồn gốc ở Bắc Phi và Syria. Sau đó di thực qua Ấn Độ trước khi tới Trung Quốc. 
Thu hoạch: Vào tháng 9, quả chín hái về phơi hay sấy khô. Thường chọn những quả mẫm, hạch nhỏ, vị ngọt, màu đỏ được coi là tốt.

Chế biến: Quả táo tàu tươi chín vàng hái về đem phơi cho lớp vỏ bên ngoài hơi nhăn lại

Bộ phận sử dụng của Đại táo

Phần sử dụng làm thuốc lá quả khô của cây táo tàu. Đôi khi hạt và lá cũng có thể được dùng. 

Thành phần hóa học

Trong đại táo có 3,3% protid, 0,4% chất béo, 73% hyđrat cacbon, 0,061% canxi, 0,055% photpho, 0,0016% sắt, 0,00015% caroten,0,012% vitamin C.

Tác dụng của Đại táo

Theo y học cổ truyền

Tính vị:

Theo sách Thiên Kim Phương – Thực trị: Táo tàu vị ngọt, hơi cay, tính nóng, không chứa độc

Công dụng:

Táo tàu khô có tác dụng bổ tỳ vị, lợi khí, sinh tân dịch, cường lực, chỉ thấu, bổ huyết, an thần, giải độc dược, điều hòa các loại thuốc.

Chủ trị tỳ vị hư nhược, tiêu chảy, kém ăn, hồi hộp, suy nhược cơ thể, bồn chồn khó ngủ, lở loét ngoài da, táo bón, nghẹt mũi…

Theo y học hiện đại

Ngăn ngừa, hỗ trợ điều trị ung thư: Thành phần vitamin C, axit triterpenic và polysacarit trong táo tàu có thể giúp ức chế, tiêu diệt các tế bào ác tính, ngăn chặn không cho ung thư lan rộng.

Tác dụng trên hệ tim mạch: Táo tàu cung cấp nhiều kali giúp ổn định huyết áp, phòng chống các bệnh lý về tim mạch.

Đối với hệ tiêu hóa: Saponin, tritrerpernoid và chất xơ có tác dụng ổn định chuyển động ruột, ngăn ngừa táo bón, tăng cường hấp thu các chất dinh dưỡng và cải thiện sức khỏe đường ruột.

Trên hệ tuần hoàn: Chất sắt và photpho trong táo tàu làm tăng sản xuất tế bào hồng cầu, kích thích lưu thông tuần hoàn máu trong toàn bộ cơ thể. Ngoài ra, các chất alkaloid và triterpenoid còn giúp loại bỏ độc tố trong máu, thanh lọc máu.

Kháng khuẩn, chống virus: Flavornoid và vitamin C trong dược liệu có đặc tính kháng khuẩn, chống lại sự xâm nhập của vi trùng, virus cảm cúm xâm nhập vào cơ thể.

Công dụng của táo tàu với hệ miễn dịch: Chất polysacarit có khả năng trung hòa các gốc tự do, làm chậm tiến trình oxy hóa trong cơ thể, qua đó cải thiện chức năng hoạt động của hệ miễn dịch.

Ngoài quả, hạt táo tàu cũng có nhiều tác dụng tốt như an thần, chữa mất ngủ, chống co giật, bảo vệ tế bào não, kích thích mọc tóc. Lá táo tàu chữa bệnh trĩ, cải thiện sức khỏe xương khớp.

Liều lượng và cách dùng Đại táo

Mỗi ngày cho uống từ 5 đến 10 quả làm thuốc bổ tỳ vị, nhuận phế, chữa ho, điều hòa khí huyết.

Dùng cả quả táo tàu khô sắc uống, chưng nhừ hoặc bỏ hột và vỏ lấy phần thịt quả trộn với các dược liệu khác làm hoàn.

Bài thuốc chữa bệnh từ Đại táo

1. Chữa sau khi sốt khỏi, miệng khô, cổ đau, hay ngủ: Đại táo 20 quả, ô mai 10 quả, hai thứ giã nát, nhào mật mà ngậm trong nhiều ngày.

2. Phụ nữ có thai hay đau bụng: Đại táo 14 quả đốt ra than cho uống.

3. Trẻ con cam tẩu mã: Đại táo 1 quả, hoàng bá 6g. Hai vị đốt ra than. Tán nhỏ. Sát vào răng.

4. Điều trị bệnh viêm gan vàng da: Dùng 60g hoắc hương núi, 200g táo tàu, 30g tiêu chi sơn. Sắc mỗi ngày 1 thang chia uống vào buổi sáng và buổi chiều.

5. Điều trị giảm tiểu cầu trong máu: Dùng 40g táo tàu đen, kết hợp với 20g nam bạc hà. Sắc uống hàng ngày để tăng lượng tiễu cầu trong máu.

6. Ngăn ngừa và loại bỏ mùi xú uế trên cơ thể: Kết hợp táo tàu đen ( lấy thịt quả ), quế thông ( gọt bỏ lớp vỏ thô bên ngoài ), hạt ngân hạnh, tùng thụ bì. Tất cả giã nát làm thành viên hoàn uống.

7. Chữa chứng bế khí do ăn nhiều hạt tiêu: Theo sách Bách Nhất Tuyển Phương, ăn vài quả táo tàu sẽ giúp hóa giải các triệu chứng.

8. Điều trị bệnh tả lỵ lâu ngày: Lấy 50g táo tàu đỏ sắc với 300ml nước. Đun sôi khoảng 15 phút rồi cho đường đỏ vào nấu chung thêm 5 phút nữa. Uống nước, ăn cả cái.

Lưu ý khi sử dụng Đại táo

Quả Đại táo hay còn gọi là Táo tàu, ít calo, giàu chất xơ và các chất dinh dưỡng khác. Do hàm lượng chất chống oxy hóa tự nhiên, táo tàu có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe, nhưng vẫn cần thêm nghiên cứu trên con người. Vì vậy nên tránh loại trái cây này nếu đang dùng venlafaxine hoặc một số loại thuốc chống động kinh. Mặc dù cả nước ép trái cây tươi và khô đều có giá trị dinh dưỡng cao, nhưng loại khô có hàm lượng đường và calo cao hơn trong mỗi khẩu phần, vì vậy tốt nhất nên sử dụng ở mức vừa phải.

 

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Đại táo. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn cũng như có cách sử dụng loại dược liệu này hợp lí và an toàn hơn cho sức khỏe của bạn.

 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm