lcp

Đăng tâm thảo là gì? Tác dụng chữa bệnh của Đăng tâm thảo


Đăng tâm thảo còn có rất nhiều cái tên khác như cây bấc, Đăng tâm, Tịch thảo... được biết đến với công dụng trị mất ngủ, giảm lo âu và an thần. Ngày nay, nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh những công dụng tuyệt vời khác của loại cây này như kháng khuẩn, kháng viêm, hạ sốt, giảm ho. Để hiểu hơn về đặc điểm, tác dụng và cách sử dụng dược liệu Đăng tâm thảo, cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết trong nội dung bài viết này.

Đăng tâm thảo là gì?

Đăng tâm thảo là ruột phơi khô của thân cây Bấc đèn, cây có rất nhiều tên gọi khác như: Đăng thảo, Hổ tu thảo, Bích ngọc thảo, Tịch thảo, Xích tu, Cổ ất tâm, Đăng thị, Thần đăng nhị, Bấc, Cây Bấc, cỏ Bấc, cỏ Bấc đèn, Tâm Bấc, Tim bấc, Bấc đèn dầu lạc. Loại cây này có tên khoa học là Juncus effusus Linn. (Juncus fujusus Lin. var. Decipens Buch; Juncus prismatocarpus R. Br).

Đăng tâm thảo

Đặc điểm cây

Đăng tâm thảo là một loại cỏ sống lâu năm, mọc thành đám dày khoảng 35-100cm. Thân cây tròn cứng có đường kính khoảng 1-2mm, bên ngoài thân có màu xanh nhạt và có các vạch dọc. Đăng tâm thảo chính là ruột phơi khô của cây Bấc. Ruột cây Bấc cấu tạo bởi những tế bào hình ngôi sao với nhiều lỗ khuyết lớn. Lá bị giảm đi rất nhiều, chỉ còn lại bẹ ở gốc cây.

Hoa lưỡng tính, mọc đều thành vòng, cây ra hoa vào đầu mùa hạ. Bao hoa khô xác không phân hóa. Nhị thường là 3, ít khi 4 hoặc 6. Bao phấn hình chỉ. Bầu có vòi rất ngắn, đầu nhụy to. Quả cây Bấc là quả nang, hạt nhỏ.

Đặng tâm thảo là loại cây mọc hoang khá nhiều ở những nơi ẩm ướt, đặc biệt ở các tỉnh Nam Định, Hà Nam. Người ta thu hoạch cây vào mùa thu, cây được cắt về toàn bộ và rạch dọc để lấy lõi ra, bó thành từng bó.

Nếu dùng cho các thang thuốc, Đặng tâm thảo (phần ruột lõi) sẽ được ngắt ngắn, làm sạch rồi cho vào thuốc sắc. Lấy một ống tre có hai đầu mắt tre, đâm xuyên thủng một lỗ, nhét đăng tâm đầy vào ống, đốt nóng cho ống tre khô đi là được.

Đăng tâm rất khó nghiền, muốn tán thành bột, người ta lấy bột gạo nấu hồ hoặc nước cơm hòa với đăng tâm rồi phơi cho khô, sau đó nghiền nhỏ bỏ vào trong chậu nước, khuấy đều, phần nổi lên mặt nước là Đăng tâm thảo sẽ lấy phơi khô để dùng.

cây Đăng tâm thảo

Bộ phận dùng, Thu hái, Chế biến

Bộ phận dùng làm thuốc của Đăng tâm thảo là phần ruột lõi (Medulla Junci caulis).

Phần ruột (đăng tâm) có hình trụ thuôn dài, thường được cắt khúc khoảng 10-12cm, dày khoảng 1,5 - 3,2mm, có màu trắng ngả vàng, không vị, rất nhẹ và mềm, có thể nở trở lại sau khi bị đè bẹp.

Thành phần hoá học

Trong Đăng tâm thảo chứa các thành phần hóa học như: Effusus A 9,10-dihydrophenanthrene, dehydroeffusol, effusol, dehydrojuncusol, juncusol, juncuenin B, juncuenin D, dehydrojuncuenin B, luteolin 5-methyl ete, luteolin, và phenanthrenes, 4-hydroxy-2, 3-dimethyl-2-nonen-4-olid.

Tác dụng của Đăng tâm thảo

Theo y học cổ truyền, đăng tâm thảo có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng hạ hỏa, thanh nhiệt, lợi tiểu. Vì vậy được dùng để chữa chứng khó ngủ, tiểu tiện khó, dùng bôi ngoài da để chữa mụn nhọt. Ngoài ra dân gian còn dùng loại dược liệu này làm thuốc hạ sốt, an hần, chữa ho, viêm họng.

Theo y học hiện đại, nhiều nghiên cứu chứng minh, Đăng tâm thảo có tác dụng an thần, có thể điều trị lâm sàng chứng lo âu và mất ngủ. Ngoài ra còn có công dụng chống viêm, giảm phù nề, kháng khuẩn hiệu quả.

tác dụng Đăng tâm thảo

10 Bài thuốc từ Đăng tâm thảo

Chữa tiểu tiện ít, khó đái, phù thũng: Cho 8g đăng tâm thảo vào bình sắc với 150ml nước trong 15 phút, chia làm 3 lần uống trong ngày. Hoặc chuẩn bị 8g tâm thảo, mộc thông, mã đề và cỏ xước mỗi vị 12g, tất cả đem đi sắc rồi chia làm 3 lần uống trong ngày.

Chữa đái buốt, đái đục, đái ra máu: 8g đăng tâm thảo và 8g rễ cỏ tranh đem sắc uống trong ngày.

Chữa tim hồi hộp, khó ngủ, miệng khát: 4g đăng tâm thảo, lá tre, mạch môn mỗi vị 12g, tất cả đem sắc lấy nước uống

Chữa viêm họng, lở loét miệng: đốt tồn tính đăng tâm thảo rồi lấy bột thổi vào họng hoặc bôi vào vết thương bị lở loét.

Chữa vết thương chảy máu: đăng tâm thảo lấy nhau nhỏ rồi đắp vào vết thương cần cầm máu.

Chữa chảy máu cam không cầm: 40g đăng tâm thảo đem đi tán bột rồi trộn với 4g đơn sa, uống với nước cơm, lần uống 8g

Chữa họng nghẹt do viêm: chuẩn bị 1 năm đăng tâm thảo, 2 tầm ngói dùng đốt tồn tính đăng tâm. Tiếp theo sao một muỗng muối, trộn lại với bột thuốc rồi thổi vào miệng họng nhiều lần.

Chữa đậu sang cho người suyễn, tiểu tiện không thông: chuẩn bị 1 năm đăng tâm, 8g miếp giáp, nước 1 thang rưỡi, đem sắc thành 6 chén uống 2 lần.

Chữa khó ngủ: có thể dùng đăng tâm thảo sắc uống thay trà để chữa khó ngủ.

Trị vàng da do thấp nhiệt: Dùng 120g rễ đăng tâm thảo, rượu và nước mỗi thứ 1 nửa cho vào bình sứ rồi sắc nửa ngày, phơi sương một đêm, uống nóng.

Đăng tâm thảo có tác dụng gì

Lưu ý khi sử dụng Đăng tâm thảo

Không nên dùng đăng tâm thảo cho người thể trạng có tính hàn, trúng hàn tiểu tiện nhiều, không cầm được.

Trên đây là những thông tin về đăng tâm thảo - loại cỏ mọc hoang mang nhiều công dụng quý với sức khỏe con người. Hy vọng có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về tác dụng và các bài thuốc từ loại cây này. Để sử dụng các bài thuốc từ đăng tâm một cách hiệu quả, bạn hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia để được hướng dẫn cách dùng và lưu ý liều lượng.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Lê Thu Hà

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tôi là Lê Thu Hà, hiện đang là dược sĩ tư vấn sử dụng thuốc và biên soạn nội dung cho MEDIGO. Với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược, tôi mong muốn mang đến những kiến thức sức khỏe tốt nhất cho khách hàng.