Địa Hoàng
Địa hoàng hay còn gọi là Sinh địa, Thục địa thuộc họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae), có danh pháp khoa học là Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch.ex Steud.. Trong y học, Địa hoàng được dùng phổ biến trong các bệnh tiểu đường, thiếu máu (sinh địa) hay tim đập nhanh, rối loạn kinh nguyệt (thục địa) và là một vị thuốc bổ chữa suy nhược cơ thể rất tốt.
Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền, song việc dùng Địa hoàng sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để hiểu rõ hơn về những đặc tính của Địa hoàng cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo tham khảo thêm trong bài viết dưới đây.
Thông tin chung
- Tên tiếng Việt: Sinh địa, Địa hoàng, Thục địa
- Tên khoa học: Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch. ex Steud.
- Họ: Scrophulariaceae (Hoa mõm chó)
- Công dụng: Rễ củ làm thuốc bổ chống suy nhược cơ thể, còn có tác dụng lọc máu, lợi tiểu, chữa ho ra máu, băng huyết, chảy máu cam, kinh nguyệt không đều, động thai, thương hàn và bổ huyết, làm sáng mắt.
Mô tả cây Địa hoàng
Cây thảo sống nhiều năm cao 20-30cm, toàn cây có lông mềm và lông tiết màu tro trắng. Rễ mầm lên thành củ.
Lá mọc vòng ở gốc; phiến lá hình bầu dục, gốc thuôn, đầu tròn, dài 3-15cm, rộng 1,5-6cm, mép khía răng tròn không đều; gân lá hình mạng lưới nổi rất rõ ở mặt dưới làm cho lá như bị rộp, chia lá thành những múi nhỏ.
Hoa mọc thành chùm trên một cuống chung dài ở đầu cành. Đài và tràng đều hình chuông, tràng hơi cong dài 3-4cm, mặt ngoài tím đẫm, mặt trong hơi vàng với những đốm tím 4 nhị, nhị trường.
Quả hình trứng, chứa nhiều hạt nhỏ.
Hoa tháng 4-6, quả tháng 7-8.
Phân bố, thu hoạch và chế biến
Phân bố: Loài cây của Trung Quốc. Từ năm 1958 nhập trồng ở nước ta, hiện nay được phát triển trồng ở nhiều nơi từ Bắc đến Nam.
Địa hoàng có nguồn gốc từ vùng ôn đới ấm của Trung Quốc nên cây trồng ở Việt Nam thường đúng vào thời kỳ nhiệt độ trong năm thấp dưới 30 độ C. Khi thời tiết nắng gắt, mưa nhiều đã có thể thu hoạch. Địa hoàng ra hoa kết quả nhiều nhưng người ta thường tận dụng khả năng tái sinh vô tính – nảy mầm tốt của rễ củ làm cây giống để trồng. Nhân giống bằng những mầm rễ, mỗi mầm dài 1-2cm.
Thu hoạch: Sau khi trồng 6 tháng rưỡi có thể thu hoạch. Mỗi năm có thể thu hoạch hai vụ vào các tháng 2-3 và 8-9. Chọn ngày nắng ráo để đào củ.
Chế biến: Tùy theo cách chế biến, ta có Sinh địa hoàng và Thục địa hoàng.
Sinh địa: Củ Địa hoàng đã được chọn lựa, rồi rải vào lò sấy; sấy trong 6-7 ngày cho khô đều.
Thục địa: Củ Địa hoàng lấy về, ngâm nước, cạo sạch đất. Lấy những củ vụn nát nấu lấy nước, nước đó tẩm những củ đã được chọn rồi đem đồ, đồ xong lại phơi, phơi khô lại tẩm. Tẩm và đồ như vậy được 9 lần, khi màu thục đen nhánh là được.
* Khi nấu không dùng nồi kim loại như đồng, sắt.
Tùy từng nơi, người ta áp dụng cách chế biến có khác nhau, có thể dùng rượu nấu rồi lại dùng nước gừng ngâm, lại nấu tiếp tới khi có thục màu đen. Do cách chế biến mà tính chất của Sinh địa và Thục địa có khác nhau.
Bộ phận sử dụng của Địa hoàng
Rễ củ. Củ Địa hoàng tươi hình thoi hay hình trụ cong queo, dễ bẻ gãy; mặt ngoài màu vàng đỏ, có những vùng thắt lại chia củ thành từng khoanh. Trên các rãnh có vết của mầm.
Thành phần hóa học
Iridoid glycosid (catalpol, rehmaniosid A,B,C,D), acid amin, D-glucosamin, các đường với hàm lượng 48,3% (D-glucose, D-galactose, D-fructose, stachyose), campesterol.
Tác dụng của Địa hoàng
Theo y học cổ truyền
Địa hoàng tươi có vị ngọt, đắng, tính hàn; có tác dụng thanh nhiệt, mát máu. Sinh địa hoàng (Củ địa hoàng khô) có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng tư âm dưỡng huyết. Thục địa hoàng có vị ngọt, mùi thơm, tính hơi ôn; có tác dụng nuôi thận, dưỡng âm, bổ huyết, làm đen râu tóc.
Người ta đã chứng minh được tác dụng chống đường huyết, tác dụng cầm máu, lợi tiểu, kháng sinh của Địa hoàng.
Theo y học hiện đại
Tác dụng kháng viêm: Nước sắc Địa hoàng có tác dụng kháng viêm. Đối với chuột cống thực nghiệm gây viêm bằng Formalin vùng chân đùi, thuốc làm giảm viêm rõ.
Tác dụng đối với đường huyết: Địa hoàng làm hạ đường huyết. Có báo cáo cho rằng Địa hoàng làm tăng cao đường huyết nơi chuột cống hoặc không ảnh hưởng đến đường huyết bình thường nơi thỏ.
Nước sắc Địa hoàng có tác dụng cường tim, hạ áp, cầm máu, bảo vệ gan, lợi tiểu, chống chất phóng xạ, chống nấm.
Đối với hệ miễn dịch: Nước sắc Địa hoàng có tác dụng ức chế miễn dịch kiểu Corticoid nhưng không làm ức chế hoặc teo vỏ tuyến thượng thận. Thực nghiệm cho thấy Sinh địa, Thục địa đều có thể làm giảm tác dụng ức chế chức năng vỏ tuyến thượng thận của Corticoid.
Độc tính:
Tác dụng phụ của Thục địa nhẹ, bao gồm tiêu chảy, bụng đau, chóng mặt thiếu khí, hồi hộp. Những triệu chứng này thường hết khi ngưng uống thuốc.
Liều lượng và cách dùng Địa hoàng
Sinh địa
Dùng chữa bệnh huyết hư phát nóng, thổ huyết, băng huyết, chảy máu cam, kinh nguyệt không đều, động thai; bệnh thương hàn, ôn dịch, phát ban chẩn, cổ họng sưng đau, huyết nhiệt, tân dịch khô.
Ngày dùng 8-16g, có thể dùng đến 40g.
Thục địa
Dùng trị thận âm suy sinh ra các chứng nóng âm ỉ, bệnh tiêu khát (đái đường), đau họng, khí suyễn (khó thở), hư hoả bốc lâm sinh xuất huyết, làm sáng mắt, điều kinh, bổ huyết, sinh tinh, làm cho cơ thể tráng kiện.
Ngày dùng 12-40g.
Kiêng kị: Sắt
Trong y học cổ truyền Trung Quốc, địa hoàng tươi được dùng trị âm suy trong các bệnh sốt có triệu chứng lưỡi đỏ sẫm và khát, ban da, có những vết ở da, khạc ra máu, chảy máu cam, đau họng.
Bài thuốc chữa bệnh từ Địa hoàng
1. Chữa suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, ỉa chảy mạn tính ở người cao tuổi:
Thục địa 16g; sơn thù, hoài sơn mỗi vị 12g; trạch tả, đan bì, phục linh, phụ tử chế mỗi vị 8g; nhục quế 4g.
Tất cả sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.
2. Trị ôn độc phát ban, đại dịch khó cứu:
Sinh địa 240g, Đậu xị 480g, Mỡ heo 960g.
Sau khi nấu sôi 5,6 lượt, còn chừng 3 phần thì thêm Hùng hoàng, Xạ hương, đều to bằng hạt đậu, trộn đều, uống.
Độc xuất ra da là khỏi (Hắc Cao – Trửu Hậu phương).
3. Trị chảy máu cam, vùng trên ngực có nhiều nhiệt:
Can địa hoàng, Long não, Bạc hà. Lượng bằng nhau, uống với nước lạnh (Tôn Đào phương).
4. Trị chảy máu cam, tái đi tái lại không khỏi:
Sinh địa, Thục địa, Câu kỷ tử, Địa cốt bì, đều bằng nhau. Mỗi lần uống 8g uống với mật ong, ngày 3 lần (Địa Hoàng Ẩm – Xích Thủy Huyền Châu).
5. Trị trường phong tạng độc, máu ra hồng tươi:
Sinh địa, Hoàng bá (sao), mỗi thứ 1 cân. Tán bột, trộn với mật ong làm hoàn, to bằng hạt Ngô đồng lớn. Mỗi lần uống 80-90 viên với nước cơm, lúc đói, trước bữa ăn (Bá Hoàng Hoàng – Xích Thủy Huyền Châu).
6. Trị huyết nhiệt, tiểu ra máu:
Sinh địa 8g, Hoàng cầm (sao) 20g, A giao (sao), Trắc bá diệp (sao), đều 4g. Sắc uống sau bữa ăn (SinhĐịa Hoàng Tán – Xích Thủy Huyền Châu).
7. Trị có thai mà bị ra huyết:
Can khương (bào) 40g, Can địa hoàng 240g. tán bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần dùng 1 thìa, uống với rượu (Can Khương Địa Hoàng Tán – Phổ Tế Phương).
8. Trị huyết trưng:
Can địa hoàng 40g, Ô tặc cốt 80g. Tán bột. Chia làm 7 lần uống với rượu (Địa Hoàng Tán – Phổ Tế phương).
Lưu ý khi sử dụng Địa hoàng
Không dùng cho các đối tượng dị ứng hoặc mẫn cảm với các thành phần có trong dược liệu.
Trong quá trình điều trị bệnh, không được sử dụng đồng thời cây địa hoàng với lai phục tử, có thể gây phản tác dụng hoặc gia tăng ảnh hưởng của tác dụng phụ.
Không được sử dụng cho các đối tượng kém ăn, bụng đầy trướng, tỳ hư, đi ngoài lỏng.
Bảo quản Địa hoàng
Đối với rễ củ địa hoàng tươi, sử dụng ngay sau khi thu hoạch, hoặc bỏ ngăn lạnh của tủ lạnh để sử dụng qua ngày.
Đối với rễ củ địa hoàng khô, cần bảo quản trong bọc hoặc hộp kín, đậy kín bao bì, tránh ẩm mốc để sử dụng cho các lần sau.
Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Địa hoàng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn cũng như có cách sử dụng loại dược liệu này hợp lí và an toàn hơn cho sức khỏe của bạn.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm