lcp

Đơn Lá Đỏ


Đơn lá đỏ hay còn gọi là Đơn tía, Đơn mặt trời,... thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) có danh pháp khoa học là Excoecaria cochichinensis Lour. Trong y học, Đơn lá đỏ chữa dị ứng, mẩn ngứa, mụn nhọt,...Ngoài ra, Đơn lá đỏ còn chữa trị các bệnh lỵ, đái ra máu hay đại tiện ra máu.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền, song việc dùng Đơn lá đỏ sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Đơn lá đỏ cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo tham khảo thêm trong bài viết dưới đây.

Đơn Lá Đỏ

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Đơn tía, Đơn mặt trời, mặt quỷ, hồng bối quế hoa, đơn mặt trời, cây lá liễu, liễu đỏ, liễu hai da
  • Tên khoa học: Excoecaria cochichinensis Lour
  • Họ:  họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
  • Công dụng: chữa dị ứng, mẩn ngứa, mụn nhọt, đi lỵ, đái ra máu, đại tiện ra máu.

Mô tả cây Đơn lá đỏ

Cây đơn lá đỏ là loài thực vật nhỏ, cao khoảng 80 – 100cm. Thân cây nhỏ, mảnh và có màu xanh lục. Lá mọc đối xứng, phiến lá có hình bầu dục và mép có răng cưa. Mặt trên lá có màu lục, bên dưới có màu đỏ đặc trưng. Hoa mọc ở ngọn hoặc ở nách lá, tạo thành cụm. Hạt nang có 3 mảnh, bên trong chứa hạt màu nâu nhạt, có hình cầu.

Đơn Lá Đỏ

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Cây được trồng ở nhiều địa phương nước ta làm cây cảnh và lấy lá làm thuốc.

Thu hoạch: Có thể thu hái đơn lá đỏ quanh năm để làm thuốc, song chủ yếu từ tháng 4 đến tháng 6, đặc biệt vào tháng 5 âm lịch, khi tiết trời thường xuyên có nắng to, cây phát triển tốt, lá to, dày, nhiều nhựa, màu lá đỏ tía, cũng là lúc cây cho hàm lượng hoạt chất cao.

Chế biến: Thu hái lá đơn đỏ quanh năm. Tuy nhiên nên thu hái vào tháng 5 âm lịch vì lúc này trời nắng, cây phát triển tốt, chứa nhiều nhựa, dày và to nên có phẩm chất tốt. Khi hái lá về, đem thái nhỏ sau đó dùng phơi khô hoặc sao vàng.

Bộ phận sử dụng của Đơn lá đỏ

Lá của cây đơn mặt trời được sử dụng để làm thuốc.

Đơn Lá Đỏ

Thành phần hóa học

Lá chứa flavonoid 1,5%, saponin, coumarin, anthranoid, tanin, đường khử. Sơ bộ xác định flavonoid có 6 chất trong đó có một chất thuốc nhóm flavonol.

Tác dụng của Đơn lá đỏ

Theo y học cổ truyền

1. Tính vị

Vị đắng ngọt, tính mát.

2. Quy kinh

Chưa có nghiên cứu.

3. Tác dụng

Công dụng: Khu phong trừ thấp, chỉ thống, lợi tiểu, thanh nhiệt.

Chủ trị: Lỵ, đại tiện ra máu, tiểu ra máu, mề đay mẩn ngứa, nổi mụn nhọt, tiêu chảy lâu ngày.

Theo y học hiện đại

Chữa mẩn ngứa, mụn ngọt

Liều lượng và cách dùng Đơn lá đỏ

Lá đơn đỏ được sử dụng ở dạng sắc hoặc dùng ngoài, có thể sắc uống độc vị hoặc kết hợp với các dược liệu khác. Ngày dùng 6 – 12g lá khô hoặc 20 – 40g lá tươi.

Bài thuốc chữa bệnh từ Đơn lá đỏ

Chữa mẩn ngứa, mụn nhọt: Dùng 20-30g cành lá Đơn mặt trời, dạng thuốc sắc: Dùng riêng hay phối hợp với lá Thài lài tía, Bầu đất tía, Đậu ván tía.

Chữa đi ỉa lỏng lâu ngày: Lá đơn đỏ sao vàng 15g, gừng nướng 1 miếng; nước 600ml, sắc còn 1 bát (200ml); chia 3 lần uống trong ngày (kinh nghiệm dân gian ở vùng Huế).

Chữa zona và mẩn ngứa, mất ngủ: Lá đơn tía tươi 20-30g, sao vàng, hạ thổ; cho vào nồi, đổ ngập nước, sắc lấy khoảng 400-500ml; chia 2-3 lần uống trong ngày.

Chữa đại tiện ra máu và trẻ em đi lỵ: Lá Đơn mặt trời 1 nắm sắc uống.

Trị nhọt vú,vú sưng tấy, đỏ đau: Lá đơn lá đỏ 15-20g, sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần, tới khi các triệu chứng thuyên giảm. Ngoài ra có thể dùng lá khô, đem vò vụn, sao nóng, bọc vải mỏng chườm nhẹ vào nơi sưng đau.

Chữa dị ứng, mề đay: Khi bị dị ứng bạn có thể dùng 16-20g lá “đơn lá đỏ” sắc lấy nước, chia ra 2-3 lần uống trong ngày. Cũng có thể cho thêm kim ngân, ké đầu ngựa, vỏ núc nác – mỗi thứ 8-10g, cùng sắc uống.

Lưu ý khi sử dụng Đơn lá đỏ

Người bị chứng khó đông máu hoặc hay chảy máu không nên dùng.

Tránh nhầm lẫn cây đơn lá đỏ với đơn hoa đỏ thuộc họ Cà phê và cây đơn tướng quân (khôi tía, cây lá khôi, khôi nhung).

Các bài thuốc đắp, ngâm rửa, tắm từ cây đơn lá đỏ chỉ thích hợp với những trường hợp bệnh nhẹ và chưa có hiện tượng bội nhiễm. Trong trường hợp tổn thương da xảy ra trên diện rộng và có dấu hiệu viêm, sưng nóng, đau nhức, bạn nên phối hợp với các biện pháp điều trị chuyên sâu được bác sĩ chỉ định.

Bảo quản Đơn lá đỏ

Bảo quản ở nơi kín, khô ráo, tránh nhiệt độ cao và nơi ẩm thấp.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Đơn lá đỏ. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này và có cách sử dụng Đơn lá đỏ an toàn và hiệu quả nhất.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.