Hoa cứt lợn: cây dại dễ tìm có công dụng chữa viêm xoang và rong kinh
Cây hoa cứt lợn hay còn được gọi bởi nhiều tên gọi khác như hoa ngũ vị, cỏ hôi,... là một trong những vị thuốc được sử dụng để chữa rong kinh ở phụ nữ hay cải thiện tình trạng viêm mũi dị ứng hiệu quả. Cùng Medigo tìm hiểu chi tiết về loại thực vật này nhé!
Tìm hiểu về cây cứt lợn
1.1. Các tên gọi khác nhau của hoa cứt lợn
Cây hoa cứt lợn với tên khoa học là Ageratum conyzoides L. thuộc họ Cúc (Asteraceae) có nhiều tên gọi khác như hoa ngũ vị, cỏ hôi, bù xít.
Nhiều nơi thấy cây hoa này có tác dụng tốt nhưng tên không hay nên còn đặt tên khác là cây hoa ngũ sắc. Tuy nhiên, trên thực tế có một loại cây khác là cây hy thiêm cũng được gọi là cây ngũ sắc, do đó cần phân biệt kỹ để tránh nhầm lẫn, gặp tác dụng không mong muốn.
Cây hoa cứt lợn còn có tên gọi khác là hoa ngũ vị dễ nhầm lẫn với tên hoa ngũ sắc
1.2. Đặc điểm cây hoa cứt lợn
Hoa cứt lợn là cây nhỏ, mọc hàng năm, thân cao chừng khoảng 25 - 50 cm, có nhiều lông nhỏ mềm, mọc hoang ở nhiều nơi. Lá hình trứng hoặc có 3 cạnh, mọc đối nhau, dài từ 2 - 6 cm, rộng từ 1 - 3 cm, mép có răng cưa tròn, có lông ở cả 2 mặt lá, mặt lá lưới nhạt hơn.
Hoa có màu tính, xanh, nhỏ. Quả bế màu đen.
Hoa cứt lợn có màu tím thơ mộng, toàn cây có lông, mọc hoang khắp nơi
1.3. Đặc điểm phân bố, cách thu hái, chế biến hoa cứt lợn
Cây hoa cứt lợn mọc hoang ở khắp nơi. Khi thu hái người ta lấy toàn cây cắt bỏ rễ, có thể dùng tươi hoặc phơi khô.
1.4. Thành phần hóa học có trong cây hoa cứt lợn
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi, trong cây có chứa khoảng 0,16% tinh dầu đặc tỷ trọng 1,109. Trong khi đó ở hoa có khoảng 0,2% tinh dầu tỷ trọng 0,9357, mùi hôi nồng gây nôn, một số tinh dầu ở lá như cadinen, caryophyllen, geratocromen, demetoxygeratocromen,...
Hiện nay các nhà khoa học cũng đã phân lập được nhiều hợp chất hóa học trong cây hoa cứt lợn như alkaloid, chromenes, flavonoid, terpenoid, benzofurans,...
1.5. Phân biệt cây hoa cứt lợn và cây hy thiêm
Vì tên gọi dân gian giống nhau đều là cây ngũ sắc nhưng thành phần hóa học và công dụng của cây hoa cứt lợn và cây hy thiêm là khác nhau, do đó người dùng cần phân biệt 2 loại cây này để tránh nhầm lẫn xảy ra. Một số đặc điểm khác biệt giữa cây hy thiêm và cây hoa cứt lợn như:
Phân biệt cây hy thiêm và cây cứt lợn dựa vào sự khác biệt về lá và màu hoa
- Đặc điểm lá: Cây hoa cứt lợn có lá mùi hôi nồng, hình trứng đầu nhọn, cuống lá dài từ 3 - 3,5 cm trong khi đó cây hy thiêm lá có mùi nhẹ, phiến lá hình mác rộng, cuống là ngắn hơn từ 1,5 - 3cm.
- Hoa và cụm hoa: Cây cứt lợn có hoa thành cụm, rất nhiều hoa, chủ yếu màu trắng hoặc tím nhạt. Cụm hoa của cây hy thiêm có khoảng 9 - 13 hoa, màu vàng.
Công dụng cây cứt lợn
Theo Đông Y và kinh nghiệm sử dụng các vị thuốc của ông cha ta thì cây hoa cứt lợn có tác dụng trong việc chữa viêm xoang, mũi dị ứng, cải thiện tình trạng rong kinh, rong huyết sau khi sinh ở phụ nữ. Ngoài ra cây hoa cứt lợn còn là nguyên liệu kết hợp chung với bồ kết giúp làm sạch gàu và thơm tóc.
Theo Tây Y dựa trên các nghiên cứu khoa học và các hợp chất tìm được, người ta nhận thấy các chất được phân lập hoặc được chuyển hóa từ cây có hoạt tính dược lý và có khả năng diệt côn trùng, kháng viêm, kháng nấm, kháng khuẩn, chống dị ứng.
Một số bài thuốc dân gian từ cây hoa cứt lợn
Từ lâu cây hoa cứt lợn đã được ông cha ta áp dụng vào nhiều bài thuốc hữu ích trong cuộc sống như:
Bài thuốc chữa rong huyết sau sinh
Rong huyết sau sinh ở phụ nữ không phải là tình trạng hiếm gặp, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời có thể để lại nhiều hậu quả đáng tiếc. Cách dùng cây hoa cứt lợn chữa rong kinh ở phụ nữ như sau:
- Thu hái khoảng từ 30 - 50g cây tươi, rửa sạch nhiều lần để loại bỏ đất bẩn.
- Sau đó đem giã nát để chắt lấy nước, chia 2 lần uống trước bữa ăn và uống trong ngày.
- Uống 1 đợt khoảng 3 - 4 ngày.
Bài thuốc chữa viêm xoang mũi dị ứng nhẹ
Hoa cứt lợn nổi tiếng với công dụng chữa viêm xoang bằng bài thuốc đơn giản dễ áp dụng
Nhờ thành phần có chứa nhiều hợp chất có hoạt tính khám viêm mà cây hoa cứt lợn được sử dụng trong bài thuốc chữa viêm xoang mũi dị ứng, cụ thể cách làm:
- Thu hái cây hoa cứt lợn tươi, đem về rửa sạch rồi giã nát chắt lấy nước.
- Dùng tăm bông hoặc bông sạch tẩm lấy nước vừa cắt rồi nhét vào lỗ mũi.
- Hoặc bạn cũng có thể nhỏ 2 - 3 giọt nước cốt vào bên mũi, nên nằm ngửa để tránh nước chảy ra bên ngoài.
Tổng kết
Cây hoa cứt lợn là loại cây dễ tìm, dễ sử dụng mà hiệu quả lại không tốn kém nhiều chi phí. Tuy nhiên khi sử dụng các bài thuốc này bạn không nên lạm dụng quá nhiều, chỉ nên sử dụng đúng liều đúng lượng và trong một thời gian nhất định. Ngoài ra bạn cũng cần tìm nơi cung cấp nguyên liệu sạch và chất lượng để đảm bảo sự an toàn khi sử dụng. Hy vọng qua bài viết của MEDIGO bạn đã biết thêm nhiều thông tin bổ ích của vị thuốc này nhé!
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm