Hoa hoè
Hoa Hòe có tên khoa học là Styphnolobium japonicum (L.) Schott – Sophora japonica L. thuộc họ Fabaceae. Hoa hoè có công dụng chữa cao huyết áp, phòng ngừa chứng đứt mạch máu não, ho ra máu, đái ra máu, đau mắt; còn chữa chảy máu cam, băng huyết, trĩ chảy máu, xích bạch lỵ.
Mô tả Hoa hoè
Cây nhỡ thường xanh cao 5-7m, có khi đến 10m. Thân có vỏ hơi nứt nẻ và cành nằm ngang. Cành hình trụ, nhẵn, màu xanh lục nhạt, có những chấm trắng.
Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, 11-17 lá chét mọc đối, hình bầu dục – thuôn, gốc tròn, đầu hơi nhọn, dài 3-4cm, rộng 1,2-2cm, màu lục nhạt, nhất là ở mặt dưới, hơi có lông.
Cụm hoa mọc ở đầu cành thành chum dài 20cm, phân nhánh nhiều; hoa nhỏ màu trắng hoặc vàng nhạt; đài hình chuông, gần như nhẵn; cánh hoa có móng ngắn, cánh cờ rộng, hình tim cụt ở gốc, mép cong lên; nhị 10 rời nhau; bao phấn hình bầu dục.
Quả đậu, hình tràng hạt, thắt lại không đều giữa các hạt, nhẵn, không mở, đều có mũi nhọn ngắn; hạt 2-5, hình bầu dục, hơi dẹt, màu đen bóng.
Mùa hoa: tháng 5-8. Mùa quả tháng 9-11.
Phân bố, thu hái và chế biến
Phân bố: Cây hoè mọc hoang và được trồng khắp nơi ở nước ta, vì trước đây người ta dùng để uống nước cho mát và dùng để nhuộm màu vàng. Hàng năm khả năng ta có thể thu mua rất nhiều, thừa dùng trong nước. Nhưng gần đây nhu cầu xuất khẩu lớn nên ta đang phát triển trồng. Trồng bằng hạt hoặc dâm cành. Sau 3- 4 năm bắt đầu thu hoạch.
Thu hái: Cây sống lâu, càng những năm sau thu hoạch càng cao. Hoa phải hái lúc còn nụ mới chứa nhiều hoạt chất.
Chế biến: Phơi hay sấy khô.
Thành phần hoá học
Nụ hòa là nguyên liệu giàu rutin so với các nguyên liệu khác (theo Dược điển Việt Nam tập 2) quy định hàm lượng rutin phải đạt 20%. Với nụ hòe Việt Nam, hiệu suất chiết xuất có thể đạt tới 34%.
- Rutin còn có ở bộ phận khác của cây: 4-11% ở vỏ quả, 0,5-2% ở hạt, 5-6% ở lá chét và 0,5-2% ở cành non.
- Qua chế biến, hàm lượng rutin có thể thay đổi, đạt 34,7% ở dạng sống; 28,9% ở dạng sao vàng và 18,5% ở dạng sao cháy (theo Phạm Xuân Sinh và cs.1997).
Ngoài các chất rutin và quercetin, quả còn chứa genistein, sophoricoside.
Hạt hòe chứa 1,75% flavonoid toàn phần, trong đó có rutin 0,5%, một số alkaloid 0,035% trong đó có cytisin, sophocarpin.
Tác dụng dược lý của Hoa hoè
1. Tăng cường sức đề kháng, giảm tính thẩm thấu của mao mạch
- Rutin và quercetin đều có tác dụng tăng cường sức đề kháng, giảm tính thẩm thấu của mao mạch, phục hồi tính đàn hồi của mao mạch đã bị tổn thương.
- Rutin có khả năng làm giảm tính thẩm thấu mao mạch thông qua ảnh hưởng của rutin với quercetin đối với sự chuyển hóa adrenalin.
2. Tác dụng chống viêm
Thí nghiệm trên chuột cống, rutin và quercetin có tác dụng ức chế phù bàn chân chuột do albumin, histamine, serotonin gây nên cũng như sưng khớp do men hyaluronidase tạo nên.
3. Tác dụng bảo vệ cơ thể chống chiếu xạ
Trên chuột nhắt trắng, rutin tiêm dưới da với liều 2mg/kg có tác dụng làm giảm tỉ lệ tử vong của súc vật bị chiếu xạ với liều lượng lớn.
4. Tác dụng hạ huyết áp, hạ cholesterol máu
Dịch chiết từ hoa hòe tiêm vào tĩnh mạch trên chó đã gây mê có tác dụng hạ huyết áp rõ rệt. Trên chuột cống trắng cao huyết áp di truyền, rutin tiêm tĩnh mạch với liều 1mg/kg cũng có tác dụng hạ huyết áp.
- Trên chuột cống trắng gây cholesterol máu tăng cao, quercetin tiêm dưới da với liều 10mg/kg có tác dụng hạ cholesterol máu đồng thời có tác dụng điều trị và ngăn ngừa bệnh xơ vữa động mạch thực nghiệm.
5. Tác dụng cầm máu
Nước sắc nụ hòe sao cháy liều 9g/kg, tiêm xoang bụng cho chuột cống trắng có tác dụng rút ngắn thời gian chảy máu.
Tính vị, công dụng của Hoè
Hoa hòe có vị đắng, tính mát, vào 2 kinh can và đại tràng, có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết. Quả hòe có vị đắng, tình hàn.
Công dụng và liều dùng của Hoè
Tính chất hoa hoè theo tài liệu cổ: hoa vị đắng, tính bình, quả vị đắng tính hàn. Hoa vào 2 kinh can và đại tràng. Quả và kinh can. Có tác dụng lương huyết, thanh nhiệt, chỉ huyết (hoa). Quả tính chất gần như hoa nhưng có thể gây ra thai. Dùng chữa xích bạch lỵ, trĩ ra máu, thổ huyết, máu cam, phụ nữ băng huyết.
Hiện nay nhân dân dùng hoa hoè làm thuốc cầm máu, dùng trong những bệnh ho ra máu. Đổ máu cam, tiểu tiện ra huyết, ruột chảy máu. Ngày uống 5-20g dưới dạng thuốc sắc.
Rutin thường dùng cho bệnh nhân bị cao huyết áp mà mao mạch dễ vỡ, đứt, để đề phòng đứt mạch máu ở não, xuất huyết cấp tính do viêm thận, xuất huyết ở phổi mà không rõ nguyên nhân, còn có tác dụng đối với bệnh cao huyết áp. Rutin thường được chế thành thuốc viên, mỗi viên có 0,02g. ngày uống 3 lần, mỗi lần 1-2 viên (0,06 – 0,12g/ngày).
Bài thuốc từ Hoa hòe
1. Chữa đi ngoài ra máu:
Nụ hòe (sao) 20g, lá trác bá (sao) 20g, chỉ xác 12g, hoàng liên 8g, kinh giới 8g. Thái nhỏ sắc với 400ml nước còn 100ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày.
2. Chữa tăng huyết áp, đau đầu choáng váng, đầu óc căng thẳng, kho ngủ:
Nụ hòe (sao vàng), hạt muồng (sao); hai vị bằng nhau, tán bột, mỗi lần uống 5g. Ngày dùng 10-20g.
3. Chữa tăng huyết áp, đau mắt:
Nụ hòe 10g, lá sen hoặc ngó sen 10g, cúc hoa vàng 4g. Sắc uống.
Một số sản phẩm có chứa thành phần Rutin trên thị trường hiện nay
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm