lcp

Cây hy thiêm (cây cỏ đĩ) có tác dụng gì?


Cây hy thiêm thường được gọi trong dân gian là cây cỏ đĩ. Đây là một vị thuốc nổi tiếng trong Đông y có tác dụng chữa đau nhức xương khớp. Từ lâu đời, vị thuốc này đã được kết hợp với nhiều vị thuốc khác nhau để điều trị bệnh đau lưng, mỏi gối và tăng cường hoạt huyết. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về cây hy thiêm và công dụng của loại thảo dược này. 

Tìm hiểu cây hy thiêm (cây cỏ đĩ)

Hy thiêm hay Cỏ đĩ thực chất là cây Chó đẻ hoa vàng có tên khoa học là Sigesbeckia Orientalis, thuộc Họ Cúc – Asteraceae. Ngoài tên gọi là Hy Thiêm hay Cỏ đĩ, cây còn được gọi với cái tên khác như Cứt lợn hoa vàng, Hy tiên, Cỏ đĩ, Chó đẻ, Hy kiểm thảo, Nụ áo rìa, Lưỡi đồng, Chó đẻ hoa vàng, Hỏa hiêm thảo.

Đặc điểm sinh thái

Hy thiêm là loài cây thân thảo cao khoảng từ 30cm đến 1m. Cây có nhiều cành và trên thân cây, cành cây đều có lông tuyến. Lá dài 4 - 10cm, rộng 3 - 6cm, có cuống ngắn, mọc đối nhau, mép lá có răng cưa không đều nhau. Đầu lá nhọn, phía cuống lá nhỏ hơn, mặt dưới lá có lông. Hoa cây hy thiêm có màu vàng, cuống hoa có lông. Quả mọc thành hình sao. Quả bế đen hình trứng, có 4 - 5 cạnh dài 3mm và rộng 1mm. Thân cây rỗng ở giữa, có đường kính khoảng 0.2 - 0.5 cm. Mặt ngoài thân cây có màu nâu nhạt hoặc hơi sẫm. Trên thân có nhiều rãnh dọc chạy song song có nhiều lông ngắn xếp sát nhau.

Mùa ra hoa của cây hy thiêm là từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm. Mùa ra quả là từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Cây mọc hoang ở nhiều nơi ở nước ta. 

Cây Cỏ đĩ thường mọc ở vùng đất tương đối ẩm và màu mờ, trên các nương rẫy, đồng ruộng, bãi bồi, thung lũng. Cây thường được tìm thấy đầu tiên ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Nhật Bản, Philippin, các nước châu Úc và nhiều nước khác cũng có sự xuất hiện của Cỏ đĩ.

Tại Việt Nam, Cỏ đĩ thường được tìm thấy ở các tỉnh như Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình.

cây cỏ đĩ

Hoa của cây hy thiêm có màu vàng

Thu hái, sơ chế và bảo quản

Thời điểm thu hái cây hy thiêm là lúc cây sắp ra hoa hoặc mới ra một số ít hoa. Thời gian này thường rơi vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 6 hoặc có thể thay đổi tùy vào từng địa phương. 

Sau khi thu hái, cây được cắt ngắn để phơi trong mát hoặc ngoài nắng. Hoặc cũng có thể đem sấy khô ở nhiệt độ 50 đến 60 độ để bảo quản lâu hơn. 

Loại dược liệu hy thiêm này sau khi được phơi sấy cần được đựng trong bao nilon để bảo quản. Loại dược liệu này dễ bị hút ẩm, bị mốc, mục, mọt cho nên cần được bảo quản ở nơi khô ráo và thường xuyên xem lại.

Bộ phận dùng, mô tả dược liệu

Bộ phận dùng làm thuốc của cây hy thiêm là toàn bộ cây chỉ trừ gốc rễ.

Thành phần hóa học của Hy thiêm

Theo Wehmer (1931, Die Pflanzenstoffe Bd., II: 1224), trong cây hy thiêm có chất đằng là darutin. Người ta cho đó là một loại dẫn xuất của axit salixylic.

Tác dụng của cây hy thiêm

Y học cổ truyền

Theo tài liệu cổ, dược liệu hy thiêm có vị đắng, tính hàn, hơi có độc. Dược liệu này có tác dụng khử phong thấp, lợi gân cốt. Cây được dùng chữa chân tay tê dại, đau lưng, mỏi gối và bệnh phong thấp. Những nguời bị tê đau do tê thấp, nhức xương, yếu chân, bán thân bất toại, gân cốt nhức lạnh, lưng gối tê dại. Cây còn được dùng để giã đắp tại chỗ để chữa ong đốt, rắn cắn và nhọt độc.

tác dụng của cây hy thiêm

Hy thiêm có vị đắng, tính hàn

Y học hiện đại

Theo nghiên cứu dược lý của các giảng viên Cao đẳng Dược tại trường Cao đẳng Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, cây hy thiêm có chứa chất darutin thuộc dẫn chất của axit salicylic và các chất đắng daturosid, orientin. Các chất có trong cây có khả năng kháng viêm, làm hạ huyết áp và giãn cơ tốt. 

Loại dược liệu này được dùng để điều trị các bệnh xương khớp bao gồm bệnh gút, viêm khớp, thoái hóa cột sống, đau lưng, mỏi vai gáy và gối.

Tác dụng khác

Bên cạnh những tác dụng trên thì cây hy thiêm còn được dùng để:

  • Hỗ trợ điều trị tình trạng bị mất tiếng do cảm gió.
  • Chữa cảm cúm, đau nhức đầu, mất ngủ
  • Hỗ trợ trong điều trị tăng huyết áp.

Một số vị thuốc từ cây hy thiêm

Chữa bán thân bất toại (tai biến mạch máu não):

Lá và cành non của hy thiêm được hái trước khi ra hoa dùng để sao vào rồi đem đi tán bột. Sau đó thêm mật vào rồi viên thành từng viên to bằng hạt ngô. Mỗi ngày, người bệnh uống 3-6g. Nếu biết uống rượu thì nên dùng rượu để uống thuốc. Uống thuốc là sau bữa ăn. Đơn thuốc theo kinh nghiệm cổ truyền này dùng để chữa bán thân bất toại, miệng mắt méo do cảm gió, mất tiếng.

cỏ đĩ có tác dụng gì

Cây hy thiêm được dùng trong nhiều bài thuốc

Chữa mọc mụn đầu đinh ở sau lưng:

Chuẩn bị hy thiêm, ngũ trảo long, tiểu kế, đại toán, các vị bằng nhau. Mỗi thứ lấy 4g đem đi giã nát, đổ chén rượu nóng vào rồi vắt lấy nước để uống. 

Chữa phong thể thấp nhiệt, đau nhức xương khớp:

Để chữa phong thấp và đau nhức xương khớp thì có hai bài thuốc sau:

Hy thiêm đã được rửa sạch, phơi khô rồi tưới rượu và mật vào. Sau đó đem đồ lên rồi phơi lại. Việc tẩm đồ, đem phơi được thực hiện tất cả 9 lần sau đó đem đi sấy khô, tán nhỏ, viên với mật thành viên nặng 9g. Mỗi ngày uống 2 đến 3 lần, mỗi lần uống một viên.

Chữa viêm đa khớp dạng thấp, đau nhức khớp:

Đem sắc hy thiêm ngưu tất 16g mỗi vị 16g, thổ phục linh, ké đầu ngựa, cành dâu, cà gai leo, tỳ giải mỗi vị 12g, lá lốt 10g. Mỗi ngày uống một thang thuốc.

Chữa tăng huyết áp: Mỗi ngày uống một thang thuốc sắc bao gồm: 8g hy thiêm, ngưu tất, thảo quyết minh, hoàng cầm, trạch tả mỗi vị 6g chi tử và long đờm thảo mỗi vị 4g.

Lưu ý khi sử dụng hy thiêm

Để sử dụng có hiệu quả loại dược liệu này, cần lưu ý một số vấn đề sau:

Cây này phải nấu và phơi 9 lần mới tốt, nếu dùng tươi có thể gây ra tình trạng nôn mửa. ( Theo bản thảo cương mục).

Cẩn thận kẻo nhầm với cây cứt lợn (Ageratum conyzoides L.) - một loại cây thường được dùng nấu với bồ kết để gội đầu hoặc dùng lá tươi để vò uống chữa bệnh đẻ xong máu chảy không ngừng hay bệnh rong kinh.

Hy vọng những thông tin trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về cây hy thiêm cũng như tác dụng chữa bệnh của loại dược liệu này. Tuy nhiên, khi dùng cây để chữa bệnh thì bạn cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.