lcp

Vai trò của kẽm đối với cơ thể người và cách bổ sung kẽm đúng cách


Kẽm là một loại khoáng chất vi lượng cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Vậy thực sự kẽm có vai trò gì đối với cơ thể người? Làm sao để nhận biết được trẻ đang bị thiếu kẽm? Và có cách bổ sung kẽm nào đúng chuẩn khoa học? Mời bạn đọc tham khảo những thông tin trong bài viết dưới đây để có lời giải đáp.

Kẽm là gì?

Kẽm là một nguyên tố vi lượng vô cùng cần thiết cho cơ thể con người nói chung và cho sự phát triển của trẻ nói riêng. Mặc dù cơ thể chúng ta chỉ cần một lượng nhỏ kẽm. Nhưng khi thiếu loại khoáng chất vi lượng này thì con người sẽ mắc một số bệnh nguy hiểm.

Kẽm không tự sinh ra trong cơ thể người cho nên cần được bổ sung từ bên ngoài. Cũng giống như một số vitamin, khoáng chất khác, kẽm được bổ sung dưới dạng thực phẩm. Hoặc kẽm cũng có thể được bổ sung theo dạng thuốc uống. Loại thuốc này có thể dưới dạng kẽm sunfat, kẽm axetat hoặc kẽm gluconat.

Vai trò của kẽm trong cơ thể người

Kẽm đóng vai trò quan trọng trong quá trình bảo vệ sức khỏe. Chất này không những có vai trò quan trọng đối với thần kinh, xương khớp, sự tăng trưởng của trẻ mà nó còn là một nguyên tố quan trọng trong việc làm đẹp của phái đẹp. 

Tăng cường sức khỏe thần kinh

Kẽm có vai trò rất lớn trong việc tăng cường sức khỏe của não bộ con người. Kẽm và vitamin B6 là hai chất có tác dụng cải thiện hoạt động của các chất dẫn truyền trong não. Kẽm có xuất hiện nhiều trong não ở vùng hippocampus, vỏ não và bó sợi rêu. Chất này sẽ giúp cho đầu óc hoạt động tốt hơn, xử lý thông tin nhanh hơn. Nếu thiếu kẽm sẽ dẫn tới rối loạn thần kinh, thậm chí gây ra bệnh tâm thần phân liệt.

Kẽm có chức năng vận chuyển canxi vào não. Nếu thiếu kẽm khiến sự vận chuyển này bị trở ngại, dễ sinh cáu gắt.

Cải thiện sức khỏe xương khớp

Xương khớp của con người được cấu tạo chủ yếu từ canxi. Kẽm vô cùng cần thiết cho quá trình hình thành và phát triển khung xương nhờ chức năng vận chuyển canxi. Do đó, kẽm sẽ giúp tăng cường chắc khỏe của xương khớp. Tuy nhiên, khi bổ sung canxi và kẽm không được thực hiện đồng thời vì chúng có sự hấp thụ cạnh tranh nhau.

Giúp cơ bắp khỏe mạnh

Kẽm còn có tác dụng giúp tăng cường sức khỏe và làm săn chắc cơ bắp. Không những thế, kẽm còn có tác dụng phục hồi cơ bắp sau khi tập luyện. Hỗ trợ cơ bắp giúp phục hồi nhanh chóng và nâng cao hiệu quả làm việc.

Hỗ trợ tăng trưởng ở nam giới

Kẽm có vai trò quan trọng cho vấn đề sinh sản của nam giới. Kẽm sẽ điều hòa các chức năng nội tiết tố của tuyến yên, tuyến sinh dục, giáp trạng và vùng thượng thận. Chất này kết hợp với hệ thần kinh nội tiết tố điều hòa hoạt động sống. 

Nếu thiếu kẽm sẽ xảy ra một số vấn đề ở tuyến tiền liệt của nam giới. Con người sẽ kém thích nghi với các biến đổi bên ngoài môi trường. Do đó, cần bổ sung kẽm đầy đủ nhưng không được dùng quá liều vì nó có thể gây ra một số tác dụng phụ. 

Giúp tóc chắc khỏe, da trắng sáng khỏe mạnh

Kẽm phân bổ vào da, tóc và móng của con người. Có tác dụng giúp các bộ phận này phát triển bình thường. Nếu thiếu kẽm, tóc sẽ bị xơ, chẻ ngọn, dễ bị hư tổn và chuyển màu vàng. Móng tay dễ bị gãy, mọc chậm hơn. Da thiếu kẽm sẽ bị khô, sạm và xuất hiện bớt trắng trên da, dễ bị mụn. 

Bảo vệ mắt

Kẽm là nguyên tố quan trọng đưa vitamin A vào võng mạc. Nếu thiếu kẽm sẽ khiến cho mắt bị suy giảm thị lực, thoái hóa điểm vàng ở người lớn tuổi. Do đó, kẽm vô cùng quan trọng cho sức khỏe của đôi mắt. 

Giúp cân bằng nội tiết tố nữ

Kẽm có vai trò quan trọng trong việc cân bằng nội tiết tố. Chất này sẽ giúp sản sinh các hormone giúp điều hòa cơ thể. Kẽm còn tham gia vào quá trình sản sinh insulin giúp điều hòa lượng máu đường trong máu. 

Ngoài ra kẽm còn có một số công dụng quan trọng khác như hỗ trợ chức năng tiêu hóa, hỗ trợ phòng bệnh ung thư, bệnh tiểu đường và các bệnh mạn tính.

Các dấu hiệu nhận biết trẻ bị thiếu kẽm

Một số dấu hiệu lâm sàng khi trẻ bị thiếu kẽm:

  • Trẻ bị biếng ăn, nôn không rõ nguyên nhân
  • Rối loạn giấc ngủ như khó ngủ, trằn trọc, thức giấc, ngủ ít.
  • Trẻ chậm lớn, chậm phát triển thể lực.
  • Suy giảm trí nhớ.
  • Dễ mắc các bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp và các bệnh nhiễm khuẩn khác.
  • Trẻ gặp tình trạng tổn thương da, chậm lành vết thương, tổn thương niêm mạc, loét, viêm lưỡi, rụng tóc, rụng lông.

Tuy nhiên, để biết chắc chắn trẻ có thực sự thiếu kẽm hay không thì cần thực hiện xét nghiệm kẽm huyết thanh.

Nhu cầu bổ sung kẽm ở từng đối tượng

Nhu cầu bổ sung kẽm ở từng đối tượng khác nhau là khác nhau. Cụ thể:

  • Đối với trẻ từ 7 tháng đến 3 tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày
  • Đối với trẻ từ 4-13 tuổi cần 10mg kẽm nguyên tố/ngày
  • Đối với người lớn cần 15mg kẽm nguyên tố/ngày
  • Đối với phụ nữ có thai cần có 15 - 25mg kẽm nguyên tố/ngày.

Bổ sung kẽm bằng cách nào?

Để phòng ngừa thiếu kẽm ở trẻ, cần bổ sung kẽm theo một số cách sau đây:

Bổ sung qua chế độ ăn uống

  • Chọn một chế độ ăn uống đa dạng thực phẩm. Trong đó nên có những thực phẩm giàu kẽm. Chẳng hạn như các loại thức ăn từ động vật như cua bể, thịt bò, tôm, thịt, cá...
  • Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng, sau đó cho trẻ bú đến 24 tháng. 
  • Bổ sung các thực phẩm giúp tăng khả năng hấp thụ kẽm. Đặc biệt là những thực phẩm có chứa nhiều Vitamin C là rau xanh, hoa quả, giá đỗ, dưa chua.

Các sản phẩm chuyên dùng để bổ sung kẽm

  • Đối với trẻ em có thể sử dụng một số thực phẩm bổ sung kẽm như hạt nêm, bánh quy, bột dinh dưỡng, sữa, cốm trong các bữa ăn. 
  • Đối với trẻ biếng ăn chậm lớn, phụ nữ có thai, cho con bú nên bổ sung thuốc có chứa kẽm. Uống sau ăn 30 phút, bổ sung trong thời gian 2-3 tháng.

Một số lưu ý khi bổ sung kẽm

  • Trị các bệnh gây thiếu kẽm như rối loạn tiêu hóa trước khi bổ sung kẽm.
  • Nên bổ sung vitamin A, B6, C và photpho cùng với kẽm để tăng sự hấp thu kẽm. 
  • Nếu bổ sung cả sắt và kẽm thì hãy dùng kẽm trước, sắt sau. Bởi vị sắt sẽ cản trở sự hấp thu kẽm.
  • Tránh bổ sung kẽm quá liều vì có thể gây giảm khả năng miễn dịch.
  • Tiêm phòng cho bé đung lịch các bệnh nhiễm khuẩn như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, lao, bại liệt, viêm gan B, viêm não nhật bản B.
  • Cần tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần cho trẻ từ 2 tuổi trở lên.

Trên đây là một số thông tin về kẽm để bạn đọc hiểu rõ hơn về vai trò của nó với cơ thể con người và cách bổ sung kẽm đúng cách. Nếu bạn cần bổ sung kẽm thì hãy đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể. Không được tự ý sử dụng các sản phẩm bổ sung kẽm một cách bừa bãi.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Ngô Ngọc Cẩm Tú

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Dược sĩ Ngô Ngọc Cẩm Tú có hơn 8 năm kinh nghiệm Dược, có chuyên môn sâu về tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc cho người bệnh, đánh giá chất lượng sản phẩm qua phản hồi của khách hàng, xây dựng và cập nhật các tài liệu nghiệp vụ của bộ phận.