lcp

Quả khế


Quả khế là một loại trái cây dân gian quen thuộc với người Việt Nam với nhiều cái tên khác như Khế, Khế chua, Ngũ liễm, Kế Giang, Co má phương (Thái), Mạy phường (Tày), Mộc lóc liằng (Dao) và có tên khoa học là Averrhoa carambola L. thuộc họ Oxalidaceae (Chua me đất). Không chỉ là một loại cây ăn quả dùng để chế biến thức ăn, khế còn được biết đến như một “thần dược” với công dụng chữa mụn, bệnh đái vàng, chó dại cắn, ho suyễn trẻ em, dị ứng, giúp lợi tiểu. 

Khế dễ trồng và có thể dễ dàng tìm thấy trong các mảnh vườn, sân nhà ở. Người ta thường dùng khế để chế biến các món ăn như canh chua, cá rô khô, ốc xào… vừa thơm ngon vừa có giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên việc sử dụng khế không đúng cách và khoa học có thể gây ra nhiều vấn đề với sức khỏe. Vậy hãy cùng Medigo tìm hiểu chi tiết về quả khế, công dụng với sức khỏe cũng như cách sử dụng khoa học trong nội dung sau.

Thông tin chung

Tên Tiếng Việt: Khế (Lá và Quả)

Tên gọi khác: Khế Chua, Ngũ Liêm Tử, Dương Đào, Khế Giang.,

Tên khoa học: Averrhoa carambola L.

Mô tả cây khế

Khế là loại cây thân gỗ với chiều cao khoảng tầm 4 đến 6m. Lá Khế loại lá kép lông chim, dìa lẻ, mọc so le với chiều dài khoảng 11 - 17cm, lá chét gồm 3 - 5 đôi, hình trứng nhọn, nguyên, mềm. Phần lá chét ở phía trên lớn hơn có thể đạt chiều dài tới 8,5cm, chiều rộng hơn 3,5cm.

Hoa có màu hồng hay tím nhạt, mọc chùm xim ở kẽ lá với chiều dài khoảng 3 - 7cm. Hoa Khế có 5 nhị thoái hóa xen lẫn với năm nhị hữu thụ. Lá noãn 5 họp với bầu thượng 5 ô, mỗi ô chứa 4 noãn. Quả khế thuộc loại quả mọng có 5 cạnh và vị chua.

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Cây Khế xuất xứ từ vùng Malaysia và Ấn Độ. Ngày nay cây khế đã được trồng ở nhiều nơi nước ta. Hai giống Khế phổ biến hay gặp là cây Khế ngọt và cây Khế chua.

Bộ phận sử dụng của quả khế

Lá và quả. Lá thường được hái vào mùa hạ, phơi nắng cho tái rồi phơi và ủ trong râm

Thành phần hóa học của quả khế

Trong Khế sẽ có các thành phần sau: Đường, vitamin B1, vitamin C2, kali oxalat axit. Các thành phần khác trong khế hiện nay chưa rõ.

Tác dụng của quả khế

Theo y học cổ truyền

Trong y học cổ truyền, Khế có vị chua ngọt, tính sáp bình, không độc dùng để chủ trị phong, nhiệt, chữa khát, sinh tân dịch.

Dân gian dùng lá Khế giã nhỏ và đắp lên nơi bị lở sơn, bị mẩn ngứa, lở loét sưng đau do dị ứng. Lấy quả giã nát rồi chắt lấy nước đắp lên vùng da cần điều trị.

Theo y học hiện đại

Trong Khế chứa hợp chất beta-carotene giúp tăng cường sức đề kháng, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, cải thiện thị lực, kích thích vị giác.

Ngoài ra, Khế chứa nhiều Vitamin C và hàm lượng flavonoid cao, giúp loại bỏ các gốc tự do, giúp tăng tổng hợp collagen, bảo vệ thành mạch máu bền vững, duy trì xương khớp chắc khỏe.

Trong quả Khế còn chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa giúp hỗ trợ quá trình thải độc tố, tăng cường hệ miễn dịch đề kháng cho cơ thể và phòng ngừa tế bào ung thư.

Hàm lượng chất xơ cao trong Khế giúp hỗ trợ cải thiện nhu động ruột, ngừa táo bón, giảm men gan, điều hòa đường huyết.

Trong quả Khế còn có peptin có tác dụng giảm bảo vệ tế bào gan, giảm cholesterol trong cơ thể và kiểm soát cân nặng.

Nếu bạn sử dụng nước ép Khế mỗi ngày thì có thể ngừa loãng xương, bệnh xương khớp vì trong Khế chứa hàm lượng canxi cao.

Trong quả Khế có khả năng kháng khuẩn với việc ức chế một số vi khuẩn thường thấy như Microbial bacillus cereus,E. coli, Salmonella typhi…Trong quả Khế còn chứa nhiều vitamin như Vitamin B9, B5 và vitamin A giúp hỗ trợ làm sạch mạch máu, phòng ngừa các bệnh lý về tim, bảo vệ thành mạch.

Lá Khế còn có tính sát trùng, chữa ung nhọt, giảm dị ứng, trị bệnh chàm, rôm sảy ở trẻ nhỏ.

Liều lượng và cách dùng của Khế (Lá và Quả)

Quả Khế đem ép lấy nước uống cho mát, giúp trị bệnh scorbut. Nhân dân Campuchua lấy rễ cây Khế kết hợp với vỏ cây Khleng pear hay Khleny kraham (Bauhiniabassaceusis Pierre), vỏ cây Lagerstrocmin floribunda với gạo được hái dại.

Tất cả các thành phần nguyên liệu đem sắc với nước, đến khi cô đặc còn ⅓ thì ngưng, có thể cho thêm ít đường vào uống cho ngọt để trị ngộ độc mã tiền. Quả Khế còn được dùng làm nước giặt để tẩy những vết gỉ sắt trên quần áo do chất kali oxalat axit bám vào.

Bài thuốc chữa bệnh từ khế (Lá và Quả)

Kinh nghiệm trong dân gian hay dùng lá Khế để trị sơn lở, lở loét, dị ứng. Lá Khế lấy cả cành non và hoa với khối lượng khoảng 100 - 150g. Đem khế đun sôi khoảng 15 phút với 5 - 6 lít nước được dùng để xông tắm. Lá đã nấu đem sát lên nơi bị lở loét, dùng trong 3 - 4 ngày sẽ thấy hiệu quả.

Lưu ý khi sử dụng khế (Lá và Quả)

Trong quả Khế chứa nhiều axit oxalic có thể khiến cản trở hấp thu canxi từ các thực phẩm khác. Vì vậy, lưu ý đối với đối với trẻ trong giai đoạn phát triển, người bị bệnh thận, người có nguy cơ loãng xương nên thận trọng không nên dùng quá nhiều khế.

Đối với những người mắc các bệnh lý về dạ dày thì không nên ăn nhiều Khế và tránh dùng Khế lúc đói vì trong Khế chứa nhiều axit dễ gây xót dạ dày.

Qua tìm hiểu có thể thấy, tuy là một loại cây gần gũi nhưng quả khế lại chứa rất nhiều tác dụng dược lý, được sử dụng trong nhiều bài thuốc để điều trị mẩn ngứa, cải thiện thị lực, giúp giảm đau, kháng khuẩn, ngăn ngừa bệnh tim mạch và bổ sung nguồn dinh dưỡng dồi dào cho cơ thể. Tuy nhiên loại quả này cũng có chỉ định, không nên sử dụng tùy tiện hoặc quá nhiều. Nếu muốn sử dụng quả và lá khế làm bài thuốc điều trị cần hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.