lcp

Khúc Khắc


Khúc khắc hay còn gọi là Dây kim cang, Dây nâu,... thuộc họ Khúc khắc (Smilacaceae) có danh pháp khoa học là Heterosmilax gaudichaudiana (Kunth) Maxim.. Trong y học, Khúc khắc được dùng để chữa chứng phong tê thấp, bạch đới, giang mai, dị ứng, mụn nhọt sưng lở, viêm bàng quang và chứng lao hạch lở loét…

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền, song việc dùng Khúc khắc sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Khúc khắc cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo tham khảo thêm trong bài viết dưới đây.

Khúc Khắc

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Dây kim cang, Củ cun, Dây nâu, Kim cang mỡ.
  • Tên khoa học: Heterosmilax gaudichaudiana (Kunth) Maxim.
  • Họ:  họ Khúc khắc (Smilacaceae).
  • Công dụng: Chữa viêm khớp, mụn nhọt, lở ngứa, giang mai, tràng nhạc, ngộ độc thuỷ ngân (Thân rễ).

Mô tả cây Khúc khắc

Dây leo có thân nhẵn, không có gai.

Lá mọc so le, hình trứng, đôi khi gần tròn, gốc tròn hay hơi hình tim, có 6 gân gốc, cuống dài mang tua cuốn.

Cụm hoa hình tán đơn, mọc ở nách lá, có cuống dài. Hoa màu hồng hoặc có điểm chấm đỏ, hoa đực có bao hoa với 3 răng tù, 3 nhị có chỉ nhị ngắn. Hoa cái có bầu hình trứng với vòi ngắn mang 3 đầu nhụy rẽ ra.

Quả mọng hình cầu hoặc có bốn góc, khi chín màu đen, chứa 2-4 hạt màu đỏ nâu.

Mùa hoa: tháng 5-6

Mùa quả: tháng 8-12.

Khúc Khắc

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Cây mọc nhiều ở vùng rừng núi các tỉnh như Quảng Ninh, Nam Hà, Ninh Bình và một số tỉnh ven biển miền Trung, thường gặp ở ven đường trong các bờ bụi, trên các đồi trọc.

Thu hoạch: Có thể thu hái củ khúc khắc quanh năm nhưng thời điểm tốt nhất là vào mùa hè, vì lúc này rễ mập, chắc và có phẩm chất tốt.

Chế biến: Sau khi đào rễ về, đem cắt bỏ các rễ con và rửa sạch đất cát, cuối cùng dùng sấy/phơi khô để dùng dần. 

Bộ phận sử dụng của Khúc khắc

Thân rễ (Củ) của cây khúc khắc được dùng để làm thuốc.

Khúc Khắc

Thành phần hóa học

Củ khúc khắc chứa chất nhựa, tanin và saponin.

Tác dụng của Khúc khắc

Theo y học cổ truyền

1. Tính vị

Vị ngọt, nhạt, tính bình.

2. Quy kinh

Quy vào kinh Can và Vị.

3. Tác dụng 

Công dụng: Chống dị ứng, tiêu độc, chống viêm, khử phong thấp, lợi gân cốt, thanh nhiệt.

Chủ trị: Giải độc do thủy ngân, ung thũng, đau nhức xương, ác sang, thấp khớp, tràng nhạc, lở ngứa, giang mai.

Theo y học hiện đại

Tác dụng chống viêm cấp: Trên mô hình gây phù thực nghiệm bằng kaolin ở chân chuột cống trắng, khúc khắc có tác dụng chống viêm cấp yếu.

Tác dụng chống viêm mạn: Trên mô hình gây u hạt thực nghiệm bằng amian ở chuột cống trắng, khúc khắc có tác dụng chống viêm mạn tính vào loại trung bình yếu.

Liều lượng và cách dùng Khúc khắc

Dùng chữa thấp khớp đau lưng, đau xương, đau khớp. Cũng dùng chữa mụn nhọt, tràng nhạc, lở ngứa, giang mai, ngộ độc thủy ngân. Ngày dùng 15-30g, dạng thuốc sắc, cao nước hoặc thuốc bột, thuốc viên.

Trong thực tế, các lương y ở Việt Nam vẫn cho rằng tác dụng của khúc khắc tương tự như tác dụng của thổ phục linh nên thường dùng để thay thế.

Bài thuốc chữa bệnh từ Khúc khắc

1. Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường

Chuẩn bị: Lá lách lợn 1 cái, khúc khắc khô 60g.

Thực hiện: Đem chưng lấy nước uống. Sau đó dùng thêm khúc khắc 15g sắc dùng thay cho nước trà. Thực hiện 15 ngày là kết thúc 1 liệu trình, lặp lại liệu trình từ 3 – 5 lần để nhận thấy cải thiện.

2. Bài thuốc giúp hỗ trợ ổn định đường huyết

Bài thuốc 1: Chuẩn bị râu ngô, mạch môn và lá khúc khắc mỗi vị 15g. Đem các vị sắc lấy nước uống.

Bài thuốc 2: Dùng lá khúc khắc tươi 60g, đem sắc uống thay nước trà.

3. Bài thuốc điều trị gân xương đau buốt và tê nhức do bệnh phong thấp

Chuẩn bị: Cốt toái bổ 10g, bạch chỉ 6g, củ khúc khắc 20g, đương quy, thiên niên kiện mỗi vị 8g, dây đau xương 20g.

Thực hiện: Đem các vị sắc uống, ngày dùng 1 thang. Liệu trình kéo dài 10 ngày, thực hiện từ 3 – 5 liệu trình.

4. Bài thuốc hỗ trợ điều trị đau thần kinh tọa

Chuẩn bị: Cốt toái bổ 10g, tang ký sinh, cỏ xước và dây đau xương mỗi vị 20g, củ khúc khắc 30g.

Thực hiện: Sắc uống ngày dùng 1 thang. Liệu trình kéo dài 10 ngày, thực hiện vài liệu trình cho đến khi triệu chứng thuyên giảm rõ rệt.

5. Bài thuốc chữa chứng rôm sảy

Chuẩn bị: Củ khúc khắc 30g.

Thực hiện: Đem cắt nhỏ và sắc lấy nước ngâm rửa vùng da cần điều trị. Thực hiện từ 3 – 5 lần/ ngày trong vài ngày liên tục sẽ thấy triệu chứng trên da thuyên giảm rõ rệt.

6. Bài thuốc chữa nước ăn chân

Chuẩn bị: Rễ cỏ xước 16g, lá lốt và củ khúc khắc mỗi vị 20g.

Thực hiện: Đem rửa sạch dược liệu và sắc lấy nước, sau đó dùng ngâm rửa chân hằng ngày.

7. Bài thuốc trị chứng viêm da có mủ

Chuẩn bị: Cam thảo 12g, kim ngân hoa và khúc khắc mỗi vị 40g.

Thực hiện: Đem các vị sắc uống.

8. Cháo khúc khắc trị chứng lao hạch lở loét

Chuẩn bị: Củ khúc khắc.

Thực hiện: Đem tán bột mịn và nấu với gạo thành cháo, dùng ăn hàng ngày.

Lưu ý khi sử dụng Khúc khắc

Củ khúc khắc có thể gây rụng tóc nếu dùng đồng thời với nước chè xanh.

Nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có ý định dùng cho phụ nữ mang thai.

Bảo quản Khúc khắc

Dược liệu dễ ẩm mốc và hư hại, vì vậy nên bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Khúc khắc. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm