lcp

La Bặc Tử


La bặc tử hay còn gọi là La phục tử, Hạt củ cải,... thuộc họ Cải (Brasicaceae) có danh pháp khoa học là Raphanus sativus L.. Trong y học, La bặc tử có tác dụng trị đàm, ho thông thường, trị các bệnh về đường tiêu hóa cho trẻ em và người lớn…

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền, song việc dùng La bặc tử sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của La bặc tử cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo tham khảo thêm trong bài viết dưới đây.

la bặc tử

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Cải củ, Rau lú bú, Bặc căn, La Bặc Tử, Lô Bặc Tử, Tử Hoa Tòng (Bản Thảo Cương Mục) , Thổ Tô Tử (Nhĩ Nhã), Lai Bặc Tử (Hòa Hán Dược Khảo), Sở Tùng Tử (Bản Thảo Đồ Kinh), Phá Địa Chùy (Quảng Vận), Hạ Sinh ( Vương Trinh Nông Thư)
  • Tên khoa học: Raphanus sativus L.
  • Họ: họ Cải (Brassicaceae).
  • Công dụng: long đờm, trừ viêm, lợi tiểu, làm ăn ngon miệng, chống hoại huyết, chống còi xương, sát khuẩn, chữa tiểu đường.

Mô tả La bặc tử

La bặc tử là hạt già của cây củi cải trắng. Cây củ cải là cây thảo, sống lâu năm. Lá hình mũi mác, chụm ở đất. Hoa chùm có màu hơi tím hoặc trắng. Hạt có hình tròn dẹp, dài có màu nâu đỏ hoặc nâu đen, xếp thành cuối tràng hạt. Rễ củ phình to, có màu trắng, có hình trụ tròn dài hoặc hình cầu tròn.

la bặc tử

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Cây củ cải được trồng khá nhiều ở nước ta để làm thực phẩm và bào chế để làm thuốc.

Thu hoạch: Đến mùa quả già (mùa hè, thu) hái cả cây.

Chế biến: phơi khô, đập lấy hạt, bỏ vỏ, loại bỏ tạp chất. 

Bộ phận sử dụng của La bặc tử

Dùng phần hạt già của cây củ cải để làm thuốc.

la bặc tử

Thành phần hóa học

Trong Lai Phục Tử có: Erucic acid, Oleic acid, Linolenic acid, Linoleic acid, Glycerol sinapate, Raphanin.

Củ tươi chứa Glucose, Pentosan, Adenin, Arginin, Histidin, Cholin, Trigonellin, Diastase, Glucosidase, Oxidase catalase, Allyl isothiocyanate, Oxalic acid, Vitamin A,B, C.

Tác dụng của La bặc tử

Theo y học cổ truyền

Tính vị: Vị ngọt, cay, tính bình.

Quy kinh: Vào kinh Phế, Vị, Tỳ.

Tác dụng:

Thổ phong đờm, tiêu thũng độc (Nhật Hoa Tử Bản Thảo).

Hạ khí, định suyễn, trừ đờm, tiêu thực, trừ đầy trướng, lợi đại tiểu tiện, chỉ khí thống (Bản Thảo Cương Mục).

Dùng sống có tác dụng thổ phong đờm, khoan hung cách, thác sang chẩn.

Dùng chín có tác dụng hạ khí, tiêu đờm, công kiên tích, lỵ ( Y Lâm Soạn Yếu Thám Nguyên).

Chủ Trị:

Trị hạ lợi hậu trọng (lỵ) lở ngứa, ban sởi (Bản Thảo Cương Mục).

Trị ngực đầy, bụng chướng, khí trệ gây đau, lỵ, ho suyễn có đờm (Đông Dược Học Thiết Yếu).

Theo y học hiện đại

Giảm tiêu chảy và lỵ, tăng co bóp cơ trơn tiêu hóa.

Kháng viêm, chống oxy hóa.

Hạ huyết áp từ từ, chậm nhịp tim.

Gây ức chế nhiều loại nấm gây bệnh. Chất raphanin có khả năng ức chế sự phát triển của staphylococci và Escherichia coli.

Chất erucic acid, thành phần acid béo chính trong La bạc tử cho thấy làm tăng độc tính của thuốc doxorubicin.

Thành phần oleic acid có trong cây có hiệu quả kháng ung thư thông qua tác động trên ức chế telomerase. Linolenic acid, linoleic acid có hiệu quả trong xơ vữa động mạch, kiểm soát mỡ máu trên nhân rối loạn lipid máu.

Liều lượng và cách dùng La bặc tử

Dùng 4 – 12g La bặc tử mỗi ngày, dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.

Đối với dùng dạng sắc: Đem La bặc tử sao hoặc không sao, có thể kết hợp với các vị thuốc khác (tùy vào từng bệnh tình), sắc cùng với 5 phần nước cô đặc còn 2 phần. Dùng thuốc khi còn nóng, nếu nguội có thể hâm nóng lại trước khi dùng.

Đối với dùng dạng bột: Đem La bặc tử tán thành bột mịn, có thể hòa cùng với một ít mật rồi hoàn thành viên.

Bài thuốc chữa bệnh từ La bặc tử

Bài thuốc chữa sởi:

Dùng La bạc tử (còn tươi) đem nghiền nát. Mỗi lần sử dụng 6g cùng với nước cơm hoặc nước hồ, sử dụng mỗi ngày 3 lần sau mỗi bữa ăn.

Bài thuốc chữa ho di khí đàm nhiều, kích thích tiêu hóa:

Dùng La bạc tử và Tô tử mỗi vị 10g cùng với 3g Bạch giới tử. Đem các vị thuốc trên sao vàng rồi tán thành bột mịn, sắc củng với 5 phần nước còn 2 phần nước, chia làm 3 phần uống sau bữa cơm mỗi ngày.

Bài thuốc chữa đầy bụng, ăn không tiêu, ợ chua:

Dùng 40g La bạc tử, 40g Liên kiều, 80g Thần khúc, 240g Sơn trà cùng với Bán hạ, Trần bì và Phục linh mỗi vị 120g. Đem các vị thuốc trên tán thành bột mịn rồi hoàn thành bột mịn và sử dụng 20 – 30g mỗi ngày. Hoặc có thể đem các vị thuốc trên làm thành một thang thuốc, sắc lấy nước dùng.

Bài thuốc chữa trướng bụng, tiêu hóa kém, tức ngực, hơi không lưu thông:

Bài thuốc số 1: Dùng 12g La bạc tử, 16g Thần khúc (sao) cùng với 8g Chỉ xác. Đem các vị thuốc trên sắc lấy nước dùng.

Bài thuốc số 2: Dùng 12g La bạc tử và 1 củ tỏi. Đem La bạc tử tán thành bột mịn, củ tỏi đem giã nát hòa với một ít nước lọc, chắt bỏ cặn. Đem hai vị thuốc trên nấu sôi để lấy nước dùng.

Bài thuốc chữa phản vị, ăn vào ói:

Dùng 12g La bạc tử tẩm với một ít mật, đem chưng cách thủy rồi dùng để ăn mỗi ngày.

Lưu ý khi sử dụng La bặc tử

La bạc tử làm hao khí, vì vậy người vốn khí bị hư, không có thực tích, đàm trệ không nên dùng.

Bảo quản La bặc tử

Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng gió. Cần đóng kín bao bì sau mỗi lần sử dụng để tránh ẩm mốc.
 

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây La bặc tử. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm