Lá thường xuân có công dụng gì đối với sức khỏe
Lá thường xuân là thảo dược được nhiều người biết đến nhờ tác dụng giảm ho hiệu quả. Loại thảo dược này đã được sử dụng từ lâu trong y học cổ truyền. Hiện nay, nó có trong nhiều loại siro điều trị ho. Để biết lá thường xuân có những đặc điểm gì và những lợi ích của loại lá này đối với sức khỏe của chúng ta thì mời bạn đọc theo dõi thêm những thông tin trong bài viết dưới đây.
Tổng quan về cây thường xuân
Cây thường xuân có tên khoa học là Hedera helix, là một loại cây thuộc họ Ngũ gia bì Araliaceae. Loại cây này còn có một số tên gọi khác như dây nguyệt quế, dây lá nho, cây vạn niên và có tên tiếng anh là Ivy.
Lá thường xuân là một loại thảo dược
Mô tả cây thường xuân
Cây thường xuân là một loại cây dây leo để làm cảnh rất quen thuộc với chúng ta. Cây có thể leo cao tới 20 – 30m. Nó thường mọc ở những nơi có bề mặt thích hợp để leo như cây cối, vách đá, bờ tường. Cây thường xuân có các rễ con bám chặt vào giá thể để leo lên cao.
Lá thường xuân mọc so le nhau. Lá có chiều dài từ 50 – 100mm. Cuống lá dài khoảng 15 – 20mm. Ở giai đoạn cây non thì lá nhỏ, có lông và được chia thùy. Gân lá có hình chân vịt. Đây là giai đoạn cây leo nhanh và phát triển rễ từ thân để bám vào giá đỡ. Còn giai đoạn cây trưởng thành thì lá có hình bầu dục, to hơn và mọc thành bụi.
Cây thường xuân ra hoa từ cuối mùa hè cho đến hết mùa thu. Hoa có đường kính 3 – 5cm, màu vàng lục. Loài hoa này rất giàu mật hoa, là một nguồn thực phẩm cho các loại ong và các loài côn trùng khác.
Quả cây thường xuân có màu tím đen đến màu vàng cam. Có đường kính quả từ 6 – 8mm. Quả thường chín vào cuối mùa đông.
Phân bố, sinh thái
Cây thường xuân ưa mọc ở những nơi ẩm ướt, râm mát. Cây xanh tốt quanh năm và thường được trồng để làm lớp phủ bề mặt đẹp mắt cho các khu vườn trang trí.
Loài cây này ban đầu có nguồn gốc từ Châu Âu và Tây Á. Hiện có thể dễ dàng được thấy trên khắp thế giới. Ở nước ta cây mọc nhiều ở Lào Cai (Sapa) và Lai Châu.
Nó thường phát triển mạnh ở những khu vực râm mát như trong rừng, các vách đá và sườn dốc nơi đất màu mỡ và ẩm. Nó có thể sống tốt ở trong nhà và cả ngoài trời. Nhưng cây không chịu được ánh nắng quá gay gắt. Là loại cây có sức sống mạnh và tốc độ trưởng thành cực nhanh.
Cây thường xuân nơi ẩm ướt, râm mát
Bộ phận sử dụng
Bộ phận sử dụng để làm thuốc là lá hoặc quả đã phơi khô.
Thành phần hóa học
Thành phần hóa học chính trong lá thường xuân là Saponin 4 – 5%. Trong đó có 3 loại saponin chính như hederasaponin B, hederasaponin C, hederasaponin D. Ngoài ra, sẽ có một lượng nhỏ saponin α-hederin có tác dụng long đờm. Ngoài saponin, là thường xuân còn chứa một số thành phần khác như flavonoid, alkaloid, chất béo và các dẫn xuất của acid phenilic.
Cây thường xuân có tác dụng gì đối với sức khỏe?
Theo y học cổ truyền
Trong y học cổ truyền, lá thường xuân một số tác dụng như khu phong, trừ thấp, bổ phế, mát gan, giải độc, chỉ khái, bình suyễn, hoạt huyết.
Theo y học hiện đại
Theo y học hiện đại, lá thường xuân có các công dụng như:
Kháng viêm và chống oxy hóa
Trong lá thường xuân giàu polyphenol và các hợp chất thực vật như saponin và flavonoid. Đây là những chất mang đến nhiều lợi ích trong điều trị bệnh. Đặc biệt là khả năng chống viêm và chống oxy hóa mạnh.
Theo kết quả một nghiên cứu trên động vật, chiết xuất lá thường xuân có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh đái tháo đường. Bởi vì nó có tác dụng chống oxy hóa, từ đó giúp ngăn ngừa tổn thương oxy hóa đối với các tế bào trong đái tháo đường.
Trong một nghiên cứu khác cho thấy chiết xuất lá thường xuân có tác dụng chống viêm trong tế bào phổi người. Ngoài ra, chiết xuất của lá còn có tác dụng ức chế sự giải phóng các yếu tố viêm như interleukin-6 trong các tế bào miễn dịch chuột.
Lá thường xuân có khả năng kháng viêm và chống oxy hóa
Tác dụng giảm ho
Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh tác dụng của lá thường xuân ở đường hô hấp. Nó được công nhận là có hiệu quả cho việc điều trị bệnh hen suyễn, viêm phế quản, ho ở trẻ em và bệnh COPD.
Lá thường xuân khi sử dụng riêng hoặc kết hợp với các loại thảo dược khác như anh thảo, cỏ xạ hương thì sẽ có tác dụng giảm ho ở người bị nhiễm trùng đường hô hấp trên và cảm lạnh.
Đây là loại lá cây trị ho tốt và an toàn cho trẻ em. Hiệu quả của nó tương đương với acetylcysteine – một loại thuốc có tác dụng giảm ho, long đờm.
Hỗ trợ trong việc chăm sóc da
Có lẽ nhiều người chưa biết lá thường xuân còn được dùng để giảm đau mà chống nhiễm trùng các vết bỏng trên da. Bởi vì loại lá này có tác dụng kháng khuẩn. Nó sẽ làm giảm bớt sự khó chịu và kích ứng ở những người bị vẩy nến, chàm da, mụn trứng cá và các tình trạng liên quan đến da khác.
Tiềm năng chống ung thư
Mặc dù chưa có nghiên cứu hoàn chỉnh nhưng lá thường xuân có đặc tính chống oxy hóa đáng kể. Do đó, nó có khả năng ngăn ngừa sự lây lan và phát triển của bệnh ung thư. Khả năng chống oxy hóa sẽ giúp loại bỏ các gốc tự do, ngăn ngừa đột biến và quá trình chết theo chu trình. Nhờ đó, lá thường xuân sẽ giúp bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh mãn tính, bao gồm cả bệnh ung thư.
Tác dụng giải độc
Có một số nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ lá thường xuân giúp các cơ quan thải độc như gan mật hoạt động tốt hơn. Nhờ đó, cơ thể sẽ thải độc tố hiệu quả, thanh lọc máu và giảm căng thẳng cho các hệ thống quan trọng này.
Một số lưu ý khi sử dụng lá thường xuân
Cây thường xuân gây ra phát ban trên da
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng lá thường xuân để điều trị bệnh, bạn cần chú ý những vấn đề sau đây:
- Cây thường xuân có thể gây viêm da tiếp xúc, làm phát ban dị ứng trên da. Bởi vì, đã có một số trường hợp gặp tình trạng này khi cắt tỉa cây thường xuân tại nhà hoặc trong vườn.
- Có thể gặp phải một số tác dụng phụ như buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy khi dùng lá thường xuân. Tuy nhiên các nghiên cứu về tác dụng phụ còn thưa thớt và chưa được đào sâu.
- Đối với phụ nữ đang có thai hoặc đang cho con bú thì cần phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Tóm lại, lá thường xuân là một loại thảo dược mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Đặc biệt nó có hiệu quả trong việc điều trị ho. Hy vọng những thông tin trong bài viết này đã giúp bạn có thêm những thông tin bổ ích về cây thường xuân, tác dụng và những lưu ý khi sử dụng.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm