Liên nhục là gì? Tác dụng và vị thuốc từ Liên nhục
Liên nhục còn được gọi với cái tên dân dã hơn là hạt sen – một nguyên liệu thường dùng để nấu canh, nấu chè. Ngoài ra, hạt sen cũng cũng được dùng trong nhiều bài thuốc Đông y với các công dụng như an thần, dưỡng tâm, dưỡng tỳ, sinh tân… Hãy cùng Medigo tìm hiểu kỹ hơn về loại dược liệu lạ mà quen này nhé.
Mô tả dược liệu Liên nhục
Liên nhục hay liên tử còn gọi là hạt sen, có tên khoa học là Semen Nelumbinis. Hạt sen được sinh ra từ trong hoa của cây sen, mỗi đài sen thường sản sinh ra khoảng 20 hạt sen.
Đặc điểm sinh thái
Cây sen là loài cây sống dưới nước, ưa vùng bùn lầy, thân rễ cây hình trụ và gọi là ngẫu tiết ha ngó sen, lá cây là liên diệp và mọc nổi trên mặt nước, cuống lá dài, bề mặt có nhiều gai nhỏ, phiến lá to hình khiên, có gân tỏa tròn, đường kính từ 60 – 70cm.
Hoa sen to có màu đỏ hồng hoặc màu trắng, là loài hoa lưỡng tính. Đài từ 3 – 5, có màu lục, tràng có nhiều cánh trắng hoặc hồng một phần, các cánh ngoài màu lục giống với lá đài. Nhị hoa nhiều, bao phấn hai ô, nứt theo kẽ dọc. Gương sen là đế hoa có hình nón ngược loe ra, gồm nhiều lá noãn rời nhau. Mỗi lá noãn có từ 1 – 3 tiểu noãn. Quả chứa hạt sen được gọi là liên nhục không nội nhũ. Hạt sen hình dạng bầu dục, vỏ có màu xanh khi còn tươi, bên trong có tâm sen nhỏ màu xanh.
Hạt sen hình dạng bầu dục, vỏ có màu xanh khi còn tươi
Bộ phận sử dụng
Hạt sen.
Thu hái, sơ chế, bảo quản
Mùa hoa sen nở rộ là từ tháng 5 đến tháng 8, sau đó người ta sẽ thu hoạch hạt sen. Sau khi thu hoạch, hạt sen được bóc tách ngay khỏi vỏ bởi lúc này vỏ còn mềm nên dễ bóc, càng để lâu thì vỏ càng cứng sẽ khó bóc hơn. Khi bóc lớp vỏ bên ngoài của hạt sen người ta thường tách luôn cả tâm sen ở bên trong. Đây cũng là một vị thuốc có công dụng trị chứng mất ngủ hiệu quả.
Liên nhục có thể dùng ở dạng tươi và dạng khô với các cách chế biến như sau:
- Dùng trong các món ăn nhẹ
- Chế biến các món hầm, nấu canh, ninh, cháo, chè hạt sen..
- Dùng dưới dạng thuốc tán, thuốc hoàn, thuốc sắc…
Thành phần hóa học
Trong hạt sen thì tinh bột là thành phần chính và chiếm tỷ lệ lớn nhất. Ngoài ra còn có 14,8% protein gồm các acid amin, threonin 2,42%; methionin 0,82%; leucin 3,23%; isoleucin 1,11%; phenylalanin 12,64%. Bên cạnh đó, hạt sen còn chứa 2,11% dầu béo gồm nhiều acid béo.
Một số thành phần hóa học của dược liệu liên nhục
Tác dụng của Liên nhục
Theo y học cổ truyền
Liên nhục có vị ngọt tính bình, quy vào kinh tâm, thận, tỳ. Loại dược liệu này có nhiều công dụng đa dạng như sau:
- Cải thiện sức khỏe cho phụ nữ sau sinh, người cao tuổi
- Điều trị bệnh đau đầu
- Cải thiện sức khỏe răng miệng, điều trị một số bệnh như loét miệng, chảy máu nướu răng…
- Ngăn ngừa lão hóa
- Cung cấp năng lượng cho cơ thể (trong 100g hạt sen khô có đến 372 calo và hạt sen tươi chứa 89 calo)
- Nâng cao sức khỏe hệ tiêu hóa, điều trị chứng khó tiêu, đầy hơi
- Cầm tiêu chảy trong một số trường hợp
- Chữa di tinh, mộng tinh
Liên nhục cũng là vị thuốc rất tốt cho trẻ em với công dung như:
- Bồi bổ sức khỏe
- Thúc đẩy hệ tiêu hóa, tăng cảm giác thèm ăn, tốt cho trẻ bị tiêu chảy lâu ngày, khó tiêu, gầy yếu…
- Trị chứng ra nhiều mồ hôi, mồ hôi trộm ban đêm
- Bổ sung hàm lượng canxi cho cơ thể của trẻ, tốt cho hệ xương và răng
Hạt sen cũng là loại dược liệu tuyệt vời cho phụ nữ có thai:
- Tốt cho tim mạch và đường huyết, kiểm soát cân nặng và lượng đường trong thai kỳ
- An thai, hạn chế sảy thai
- Phòng ngừa các bệnh về đường tiêu hóa
- Mang đến giấc ngủ ngon
- Nâng cao sức đề kháng
- Tốt cho sự phát triển của não bộ và hệ thần kinh của thai nhi
Theo y học hiện đại
- Liên nhục có nhiều thành phần chống oxy hóa, ngăn chặn phát triển của các căn bệnh mãn tính, ngăn ngừa gốc tự do
- Có đặc tính kháng viêm đến từ một loại flavonoid có tên là kaempferol, từ đó giúp hạn chế cơn đau của căn bệnh viêm khớp mãn tính
- An thần, nâng cao chất lượng giấc ngủ nhờ chất glycoside và mùi thơm dịu nhẹ của dược liệu
- Công dụng chống lão hóa, khắc phục các protein hư hỏng nhờ vào Enzyme L-isoaspartyl methyltransferase
- Có nhiều thành phần có khả năng chống lại các hoạt động bất thường của tim, ức chế co thắt, giảm huyết áp, chống thiếu máu cục bộ
- Chứa hàm lượng dồi dào riboflavin (B12) và axit folic (folate), góp phần quan trọng trong việc phân chia tế bào và tổng hợp DNA
Hạt sen được dùng để trị chứng mất ngủ triền miên
Một số vị thuốc từ Liên nhục
- Trị chứng đau đầu triền miên do hư hỏa, cao huyết áp: 2g gừng tươi, 15g cây cối xay, 10g bạc hà, 10g cam thảo nam, 15g cỏ mực, 20g sâm đại hành, 15g lạc tiên, 15g lức cây, 10g kinh giới, 10g hương nhu, 20g hà thủ ô chế, 10g vông nem, 20g liên nhục sao. Sắc lấy nước uống.
- Trị chứng tự ra mồ hôi: 2g gừng tươi, 10g mạch môn, 10g cam thảo nam, 10g trần bì, 10g liên tu, 15g lạc tiên, 20g sâm bổ chính, 20g sâm đại hành, 20g lá dâu tằm, 20g liên nhục. Sắc lấy nước uống.
- Trị chứng đại tiện ra máu do nóng trong người: 2g gừng tươi, 15g dây giác, 11g cam thảo nam, 15g huyết dụ, 15g cỏ mực, 15g ké đầu ngựa sao, 15g đài sen cháy, 15g rau má, 15g cỏ hôi, 20g biển đậu sao, 20g sâm đại hành, 20g xuyên tâm liên, 20g hạt sen sao. Sắc lấy nước uống.
- Chữa mộng tinh: 20g củ súng, 15g lá vông nem, 15g cỏ mực, 15g lạc tiên, 20g sâm đại hành, 20g củ mài sao, 20g yếm rùa chế, 20g hà thủ ô chế, 5g lá dâu tằm, 15g tua sen, 20g ngó sen, 20g hạt sen. Sắc lấy nước uống.
- Trị chứng ra mồ hôi nhiều ở trẻ em: 3g cam thảo nam, 10g sâm bổ chính, 10g sâm đại hành, 10g lá dâu tằm, 10g ngó sen, 10g hạt sen. Sắc lấy nước uống. Ngoài ra dùng kèm thêm nước tắm đun bằng lá dâu tằm.
Lưu ý khi sử dụng Liên nhục
- Liều dùng tham khảo từ 10 – 30g/ngày
- Không dùng cho người bị táo bón
- Nếu dùng quá liều lượng có thể gây khó tiêu, đầy bụng, táo bón
Bài viết trên đây của Medigo chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu sử dụng liên nhục trong điều trị bệnh thì bạn nên thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên môn để đạt kết quả tốt nhất.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm