lcp

Mã Đề


Mã đề hay còn gọi là Xa tiền, Xu ma thuộc họ Mã đề (Plantaginaceae) có danh pháp khoa học là Plantago major L.. Trong y học, Mã đề dùng chữa ho lâu ngày, viêm khí quản, viêm thận và bàng quang,... Ngoài tác dụng trên đường hô hấp và tiết niệu, Mã đề còn rất hiệu quả trong điều trị đau mắt sung đỏ, tiêu chảy, lỵ, chảy máu cam, ra nhiều mồ hôi…

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền, song việc dùng Mã đề sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Mã đề cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo tham khảo thêm trong bài viết dưới đây.

Mã Đề

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Mã đề, Xa tiền, Xu ma, Nhã én dứt (Thái), Su mà (Tày), Nằng chấy mía (Dao)
  • Tên khoa học: Plantago major L.
  • Họ:  họ Mã đề (Plantaginaceae).
  • Công dụng: Lợi tiểu, mát gan, chữa ho (cả cây sắc uống). Bỏng (cả cây nấu cao bôi). ỉa chảy, ho có đờm (Hạt sắc uống).

Mô tả cây Mã đề

Cây thân thảo, sống hằng năm.

Lá mọc thành hình hoa thị, hình trứng, dài 5-12cm, rộng 3,5-8cm, đầu tù hơn có mũi nhọn, gân lá hình cung, mép uốn lượn, nguyên hoặc có răng cưa nhỏ không đều; cuống lá dài 5-10cm.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành bông có cán dài hơn lá, hoa nhỏ có lá bắc hình trứng, ngắn hơn đài; đài 4 thùy hơi có gờ, đính nhau ở gốc; tràng hoa mỏng; 4 thùy hình tam giác nhọn, xếp xen kẽ với các lá đài; nhị 4, chỉ nhị mảnh, bầu hình cầu có 2 ô.

Quả nang, hình chóp thuôn, dài 3,5-4mm, mở bằng một nắp nứt ngang trên các lá đài, hạt hơi dẹt, màu nâu hoặc đen bóng.

Mã Đề

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Cây mã đề thường được dùng làm thuốc nên được trồng ở hầu hết mọi nơi trên nước ta.

Thu hoạch: Lá có thể được thu hoạch sau khi trồng hạt khoảng 7 – 8 tháng. Còn hạt, thường thu hái sau khi quả đã chín.

Chế biến: Quả sau thu hoạch đem phơi khô, đập lấy hạt và tiếp tục phơi khô 

Bộ phận sử dụng của Mã đề

Lá và hạt. Lá mọc ở dưới gốc và có cuống ngắn. Phiến lá có gân dọc sống, hình thìa hoặc trứng. Quả hộp chứa hạt màu nâu đen bóng. Thông thường, mỗi quả mã đề có khoảng 8 – 20 hạt

Mã Đề

Thành phần hóa học

Lá mã đề chứa iridoid (aucubosid, catalpol), acid phenolic và ester phenylpropanoic của glycoside majorosid.

Lá non chứa chất nhầy với hàm lượng là 20%.

Hạt chứa chất nhầy giàu D-galactose, L-arabinose và có khoảng 40% acid uronic, dầu béo.

Ngoài ra mã đề còn chứa nhiều flavonoid, quercetin, scutelarein, baicalein,hispidulin,..

Mã đề còn chứa nhiều chất khác như acid cinnamic, acid p.coumaric, acid ferulic, acid cafeic, carotene, vitamin K, vitamin C

Tác dụng của Mã đề

Theo y học cổ truyền

Lá mã đề có vị nhạt, tính mát.

Hạt có vị ngọt nhạt, nhớt, tính mát vào 4 kinh: can, phế, thận, tiểu tràng, có tác dụng thanh nhiệt, lợi phế, tiêu thũng, thông tiểu tiện.

Theo y học hiện đại

Mã đề dùng chữa ho lâu ngày, viêm khí quản, viêm thận và bàng quang, bí tiểu trên, tiểu tiện ra máu hoặc ra sỏi, phù thũng, đau mắt sung đỏ, tiêu chảy, lỵ, chảy máu cam, ra nhiều mồ hôi.

Mỗi ngày uống 10-20g toàn cây hoặc 6-12g hạt dưới dạng thuốc sắc.

Khi dùng làm thuốc ho cho trẻ em, mã đề có nhược điểm gây đái dầm.

Dùng ngoài, mã đề tươi giã nát đắp làm mụn nhọt chóng vỡ, mau lành.

Để chữa bỏng, lấy cao đặc mã đề đắp lên vết thương băng lại, mỗi ngày thay 1 lần

Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai nên cẩn trọng. Người già thận kém, đái đêm nhiều không nên dùng.

Liều lượng và cách dùng Mã đề

Có thể dùng mã đề giã hoặc nấu nước uống. Liều dùng còn tùy thuộc vào loại bệnh của từng đối tượng.

Bài thuốc chữa bệnh từ Mã đề

1. Chữa người già đái khó, cơ thể nóng: Hạt mã đề 1 chén (có dung tích 50ml), bỏ vào túi, sắc lấy nước. Dùng nước này nấu cháo lúa kê ăn.

2. Chữa đái ra máu: Lá mã đề, cỏ ích mẫu vắt lấy nước cốt uống

3. Chữa đau mắt: Mã đề giã vắt lấy nước cốt, hòa với măng tre vòi, lọc trong nhỏ mắt.

4. Thuốc lợi tiểu: Hạt mã đề 10g, cam thảo 2g, nước 600ml. Sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.

5. Chữa ho đờm: Mã đề 10g, cam thảo 2g, cát cánh 2g, nước 400ml. Sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. Nếu không có cam thảo, có thể thay bằng đường.

6. Dùng trong bệnh sỏi niệu để thúc đẩy sự bài xuất sỏi: Hạt mã đề 12-40g, kim tiền thảo 40g, thạch vĩ 20-40g, hoạt thạch 20-40g, hải kim sa 12-40g, đông quỳ từ 12-20g, ngưu tất 12g, chỉ xác 12g, hậu phác 12g, vương bất lưu hành 12g. Có tác dụng bài xuất sỏi đường tiết niệu có đường kính 0,5-0,9 cm.

Lưu ý khi sử dụng Mã đề

Những đối tượng sau không nên sử dụng mã đề chữa bệnh, tránh gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe:

Phụ nữ mang thai

Người bị bệnh táo bón

Người có chứng tiểu nhiều

Người thận hư, không có thấp nhiệt, dương khí hạ giáng

Bảo quản Mã đề

Bảo quản nơi khô thoáng.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Mã đề. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này và có cách sử dụng Mã đề một cách hiệu quả và an toàn nhất.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.