lcp

Magnesi gluconat


Magnesium gluconate là một loại muối magiê của axit gluconic và làmột chất rất quan trọng đối với hoạt động sinh lý bình thường của tế bào, dây thần kinh, cơ, xương và tim. Song song đó Magnesium gluconat đã được nghiên cứu trong việc ngăn ngừa chứng tăng huyết áp do mang thai, và đã cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn. Ngoài ra,  magnesium gluconat còn được nghiên cứu về tác dụng đối với các cơn co thắt tử cung sớm. 

Chỉ định của Magnesi gluconat

Magnesium Gluconate chỉ định dùng trong phòng và điều trị thiếu magnesi máu.

Chống chỉ định Magnesi gluconat

Magnesium Gluconate chống chỉ định trong các trường hợp sau:

Quá mẫn với magnesi hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Bệnh nhân tăng magnesi máu.

Thận trọng khi dùng Magnesi gluconat

Việc đạt được mức magnesi tối ưu bằng đường uống có thể khó khăn do magnesi thường gây tiêu chảy. Cân nhắc thay thế bằng đường tiêm tĩnh mạch khi cần thiết, đặc biệt khi thiếu hụt magnesi nghiêm trọng.

Ngoài việc sử dụng thuốc, nên phối hợp việc bổ sung thêm qua thức ăn bằng cách ăn nhiều các loại thực phẩm giàu magnesi như ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và rau lá xanh đậm. Tránh các thức ăn nhiều chất béo, tránh nấu thức ăn quá lâu, quá chín.

Sử dụng thận trọng ở bệnh nhân bị nhược cơ hoặc các bệnh lý về thần kinh cơ khác.

Magnesium Gluconate đôi khi có thể sử dụng để điều trị táo bón nhưng không nên sử dụng kéo dài do có thể dẫn đến tác dụng phụ nghiêm trọng.

Thai kỳ

Thời kỳ mang thai

Chưa có dữ liệu về việc sử dụng ở phụ nữ mang thai. Magnesi qua nhau thai, nồng độ huyết thanh ở thai nhi tương tự như ở huyết thanh của mẹ. Magnesi có thể liên quan hội chứng tiền sản giật và sản giật. Thuốc chỉ được sử dụng trong thời kỳ mang thai khi thật sự cần thiết.

Chế độ ăn uống được khuyến nghị của Hoa Kỳ cho phép magnesi trong thai kỳ được tăng lên so với phụ nữ không mang thai.

Thời kỳ cho con bú

Cân nhắc giữa lợi ích phát triển và sức khỏe của việc cho con bú cùng với nhu cầu lâm sàng của người mẹ đối với thuốc này cũng như bất kỳ tác dụng phụ tiềm ẩn nào từ thuốc này hoặc tình trạng cơ bản của người mẹ.

Chế độ ăn được khuyến nghị của Hoa Kỳ về magnesi trong thời kỳ cho con bú cũng giống như đối với phụ nữ không cho con bú.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Hạ huyết áp nghiêm trọng, loạn nhịp tim, ngừng tim, tiêu chảy, đau bụng, co thắt dạ dày, nôn, buồn nôn, tắc ruộtchóng mặttrầm cảm, hôn mê, yếu cơ, khó thở, đỏ bừng da, đỏ bừng mặt, bí tiểu, phản ứng dị ứng (phát ban, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi, cổ họng).

Liều lượng và cách dùng Magnesium gluconat

Người lớn

Lượng magnesi được khuyến nghị trong khẩu phần ăn (liều dùng) mỗi ngày (RDA):

Bệnh nhân nam: Dùng liều 400 - 420 mg.

Bệnh nhân nữ tuổi từ 18 - 30:

  • Bệnh nhân nữ: Dùng liều 310 mg.
  • Bệnh nhân nữ mang thai: Dùng liều 350 mg.
  • Phụ nữ cho con bú: Dùng liều 310 mg.

Bệnh nhân nữ > 30 tuổi:

  • Bệnh nhân nữ: Dùng liều 320mg.
  • Bệnh nhân nữ mang thai: Dùng liều 360 mg.
  • Phụ nữ cho con bú: Dùng liều 320 mg.

Trẻ em

Lượng magnesi được khuyến nghị trong khẩu phần ăn (liều dùng) mỗi ngày (RDA):

  • Trẻ sơ sinh đến 6 tháng: Dùng liều 30 mg (lượng đủ).
  • Trẻ em 7 - 12 tháng: Dùng liều 75 mg (lượng vừa đủ).
  • Trẻ em 1 - 3 tuổi: Dùng liều 80 mg.
  • Trẻ em 4 - 8 tuổi: Dùng liều 130 mg.
  • Trẻ em 9 - 13 tuổi: Dùng liều 240 mg.
  • Trẻ em 14 - 18 tuổi: Dùng liều cho nam 410 mg và nữ 360 mg.

Ngưỡng trên của khoảng tiêu thụ an toàn để bổ sung magnesi mỗi ngày (UL):

  • Trẻ em 1 - 3 tuổi: Dùng liều 65 mg.
  • Trẻ em 4 - 8 tuổi: Dùng liều 110 mg.
  • Trẻ em 9 - 18 tuổi: Dùng liều 350 mg.

Liều thông thường sử dụng điều trị hạ magnesi máu cho trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên (được biểu thị bằng magnesi nguyên tố): Uống 10 - 20 mg/kg /liều tối đa 4 lần mỗi ngày.

Quá liều và xử trí quá liều

Các triệu chứng của quá liều Magnesium Gluconate có thể bao gồm đỏ bừng, nhịp tim chậm, buồn ngủ nghiêm trọng, lú lẫn, yếu cơ, cảm thấy choáng váng, ngất xỉu

Tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu sử dụng quá nhiều thuốc này

Tương tác với các thuốc khác

Alfacalcidol: Có thể làm tăng nồng độ trong huyết thanh của magnesi. Tránh sử dụng đồng thời, nếu cần thiết phải sử dụng đồng thời, nồng độ magnesi trong huyết thanh cần được theo dõi chặt chẽ.

Acid alpha – lipoic: Dùng đồng thời có thể làm giảm hấp thu lẫn nhau.

Baloxavir marboxil: Magnesium Gluconate có thể làm giảm nồng độ huyết thanh của baloxavir marboxil, tránh kết hợp.

Bictegravir: Magnesium Gluconate làm giảm nồng độ trong huyết thanh của bictegravir. Dùng bictegravir ít nhất 2 giờ trước hoặc 6 giờ sau khi dùng Magnesium Gluconate.

Các dẫn xuất bisphosphonate: Magnesium Gluconate làm giảm hấp thu của các dẫn xuất Bisphosphonate.

Tránh sử dụng Magnesium Gluconate trong vòng 2 giờ trước hoặc sau khi dùng các chế phẩm tiludronate hay clodronate hoặc etidronate 60 phút sau khi uống Ibandronate hoặc 30 phút sau Alendronate hoặc Risedronate.

Calcitriol (dùng đường toàn thân): Có thể làm tăng nồng độ trong huyết thanh của muối magnesium. Nếu cần thiết phải dùng phối hợp thì cần theo dõi chặt chẽ nồng độ magnesi trong máu.

Thuốc chẹn kênh canxi: Có thể làm tăng tác dụng phụ hay độc tính của magnesi. Muối magnesi có thể tăng cường tác dụng hạ huyết áp của thuốc chẹn kênh canxi. Cần theo dõi cẩn thận bệnh nhân nếu dùng phối hợp.

Deferiprone: Magnesium Gluconate có thể làm giảm nồng độ trong huyết thanh của Deferiprone.

Doxercalciferol: Có thể tăng cường tác dụng của Magnesium Gluconate.

Eltrombopag: Magnesium Gluconate có thể làm giảm nồng độ Eltrombopag trong huyết thanh. Nên uống cách xa ít nhất 4 giờ.

Elvitegravir, Dolutegravir: Sản phẩm chứa cation đa hóa trị có thể làm giảm nồng độ trong huyết thanh của các thuốc này, nên uống cách xa nhau.

Levothyroxine: Magnesium Gluconate có thể làm giảm nồng độ Levothyroxine trong máu.

Tác nhân ức chế thần kinh cơ: Magnesium Gluconate có thể tăng cường tác dụng ức chế thần kinh cơ. Cần theo dõi kỹ nếu dùng đồng thời.

Penicillamine: Magnesium Gluconate có thể làm giảm nồng độ trong huyết thanh của penicillamine. Nên sử dụng cách xa nhau ít nhất 1 giờ

Chế phẩm bổ sung phosphate: Magnesium Gluconate có thể làm giảm nồng độ trong huyết thanh của các chế phẩm bổ sung phosphate, nên sử dụng cách xa nhau.

Quinolones, Tetracyclines: Magnesium Gluconate có thể làm giảm nồng độ trong huyết thanh của Quinolones, Tetracyclines, nên sử dụng cách xa nhau

Trientine: Magnesium Gluconate có thể làm giảm nồng độ trong huyết thanh của trientine, nên sử dụng cách xa nhau.

Dược lý

Dược lực học

Magnesi quan trọng như một đồng yếu tố (cofactor) trong nhiều phản ứng enzym trong cơ thể liên quan đến tổng hợp protein và chuyển hóa carbohydrate (ít nhất 300 phản ứng enzym cần magnesi).

Các hoạt động trên lipoprotein lipase quan trọng trong việc giảm cholesterol huyết thanh và Natri hay Kali - ATPase trong việc thúc đẩy sự phân cực (ví dụ như hoạt động thần kinh cơ).

Dược động học

Hấp thu

Khoảng 15 – 30% thuốc hấp thu qua đường uống, khoảng 1/3 lượng magnesi hấp thu tại ruột non.

Thức ăn, đặc biệt là chế độ ăn nhiều chất béo có thể làm giảm hấp thu thuốc. Thực phẩm nấu quá chín cũng có thể làm giảm lượng magnesi.

Phân bố

Khoảng 60% trong xương, trong đó 30% có thể trao đổi và có chức năng như một bể chứa để ổn định nồng độ trong huyết thanh. Khoảng 20% ​​được tìm thấy trong cơ xương, 19% trong các mô mềm khác và ít hơn 1% trong dịch ngoại bào. Tổng lượng magnesi huyết thanh khoảng 0,70 - 1,10 mmol / L, trong đó 20% ​​ liên kết với protein, 65% được ion hóa và phần còn lại được kết hợp với các anion khác như phosphate và citrate

Gắn kết với protein: Khoảng 25 - 30%, trong đó 60 – 70% gắn kết với albumin.

Thải trừ

Thải trừ qua nước tiểu (phần hấp thu) và phân (phần không hấp thu).

Các thuốc lợi tiểu có khả năng làm tăng bài tiết magnesi.

Bảo quản

Bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và tránh ánh sáng.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Mai Thị Thanh Huyền

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Quản lý chuyên môn. Cửa hàng trưởng tại Nhà Thuốc 247 - Hàng Bông, Hà Nội

Dược sĩ Mai Thị Thanh Huyền có hơn 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược lâm sàng. Hiện là cửa hàng trưởng chịu trách nhiệm quản lý nhà thuốc, chuyên môn sâu tư vấn về thuốc và hướng dẫn sử dụng thuốc cho bệnh nhân, cung cấp thông tin và đào tạo kiến thức về thuốc cho Dược sĩ tư vấn.