Nấm mối: Loại nấm có hàm lượng dinh dưỡng cao lại "hiếm có khó tìm"
Nấm mối có lẽ là một cái tên khá quen thuộc với người dân ở các vùng nông thôn, vùng có nhiều loại cây trồng nhưng còn khá xa lại với nhiều người dân lớn lên và sinh sống ở thành thị. Tuy có giá thành khá đắt đỏ nhưng loại nấm này lại được rất nhiều người sẵn sàng mua về để thưởng thức. Vậy nấm mối là gì? Cùng Medigo tìm hiểu thêm về loại nấm này nhé!
1. Nấm mối là gì? Tổng quan về nấm mối
Nấm mối thường mọc ở đâu?
Đúng với tên gọi của chúng, nấm mối thường mọc ở nơi có nhiều mối đất, bởi vì chúng sinh trưởng được nhờ vào một loại men mà mối tiết ra, thường nấm mối tự nhiên sẽ có màu trắng. Tuy nhiên, với thời tiết không mấy thuận lợi cùng với việc sử dụng nhiều hóa chất vào nông nghiệp nên nấm mối tự nhiên không còn nhiều. Hiện nay, nhiều nơi đã nghiên cứu và tìm ra được môi trường phù hợp để nuôi trồng nấm mối nhân tạo.
Nấm mối có mặt ở nhiều nơi tại Việt Nam như Gia Lai, Đắk Lắk,… và nhiều nhất ở các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long như Cà Mau, Kiên Giang,... Nấm mối còn xuất hiện nhiều ở các tỉnh Trung Quốc.
Nấm mối phát triển nhờ một loại men tạo ra do mối trong lòng đất
Nấm mối có tên tiếng Anh là gì?
Nấm mối có tên khoa học là Termitomyces albuminosus thuộc họ Lyophyllaceae hoặc tên gọi khác là Collybia albuminosa, thân cây hình tròn, cao khoảng từ 4 đến 10cm tùy thuộc vào vùng sinh trưởng. Nấm mối chỉ có 1 mùa trong năm và thường xuất hiện từ cuối tháng 6 cho đến đầu tháng 8, thường xuất hiện sau khi có những cơn mưa đầu mùa.
Hình dạng nấm mối
Người dân có thể tìm được nấm mối dưới nhiều hình dạng khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của nấm, nấm còn non mới có hiện tượng nứt đất trồi lên còn khá nhỏ và chưa bung tán, có màu hơi nâu. Khi nấm trồi hẳn lên trên mặt đất thành nấm búp có dạng như cây dù. Sau đó nấm xòe tán, thành nấm nở có màu trắng ngà. Cuối cùng nếu không được thu hoạch, nấm sẽ héo và hư dần rồi bị phân hủy.
Nấm mối có nhiều hình dạng khác nhau tùy theo giai đoạn phát triển
Các loại nấm mối
Trên thị trường mọi người có thể bắt gặp 2 loại nấm mối phổ biến đó là nấm mối trắng và nấm mối đen.
Nấm mối trắng là nấm tự nhiên xuất hiện những nơi có tổ mối phát triển, có màu trắng ngà.
Nấm mối đen được nuôi trồng trong môi trường được nghiên cứu kỹ lưỡng sao cho nấm nhân tạo đảm bảo được giá trị dinh dưỡng gần giống nấm tự nhiên.
2. Công dụng của nấm mối đối với sức khỏe
Lợi ích của nấm mối với sức khỏe
Nấm mối là một loại nguyên liệu làm thuốc dân gian giúp cải thiện một số vấn đề sức khỏe như:
- Bồi bổ khí huyết
- Điều hòa kinh nguyệt
- An dạ
- Cải thiện bệnh trĩ
- Tăng cường chức năng lá lách
- Điều trị chứng kém ăn
- Ngừa tiêu chảy
- Khả năng chống viêm
- Hạ mỡ máu, giúp hạn chế các bệnh tim mạch
- Hỗ trợ cải thiện tình trạng tiểu đường
- Giúp bảo vệ gan
- Kích thích thần kinh
Đã có nhiều nghiên cứu phân tích về thành phần dinh dưỡng có trong loài nấm mối. Trong đó, người ta phát hiện loài nấm mối có chứa tới 31% protein, 32% carbohydrate và acid ascorbic. Ngoài ra, trong loài nấm mối còn được phát hiện chứa rất nhiều acid amin cần thiết cho cơ thể người và khoáng chất với hàm lượng cao như calci, magie, kali, kẽm, sắt cùng nhiều chất có hoạt tính.
Một số nghiên cứu còn chỉ ra tiềm năng chiết xuất các hợp chất trong nấm mối để phát triển thành liệu pháp bổ trợ trong các căn bệnh ung thư, bệnh ác tính.
Nấm mối có nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe
Do có nhiều công dụng như vậy nên dù giá thành của loại nấm mối khá là đắt đỏ nhưng vẫn luôn trong tình trạng “cháy hàng”.
Nấm mối ăn được không?
Nấm mối là một loại thực phẩm có hương vị rất hấp dẫn. Thịt nấm mối khi ăn cảm giác giòn, ngọt, sợi thịt có màu trắng và vị rất thơm, thường được chế biến cùng nhiều nguyên liệu khác để tăng hương vị cho món ăn.
3. Nấm mối làm món gì ngon?
Cách sơ chế nấm mối
Nấm mối khi mua về cần cắt bỏ phần gốc, sau đó, đem nấm ngâm trong nước muối loãng khoảng 3 phút rồi vớt ra để sạch.
Nấm mối có thể phối hợp với rất nhiều nguyên liệu để tạo thành các món ăn hấp dẫn.
Vì vậy, bạn cần biết cách sơ chế nấm mối để chế biến món ngon bổ dưỡng, hợp vệ sinh.
Nấm mối nấu canh gì ngon?
Hãy thử công thức nấu canh rau lang với nấm mối đơn giản sau nhé!
Chuẩn bị: khoảng 1 - 2 lạng nấm mối đã sơ chế, 1 bó rau lang, hành tím và các loại gia vị nấu ăn.
Sơ chế: Rau lang đem nhặt hoặc cắt khúc vừa ăn, rửa sạch để ráo.
Chế biến: Phi thơm hành tím đã thái nhỏ với dầu sau đó thêm lượng nước vừa đủ ăn, cho rau lang và nấm đã làm sạch vào nồi, nêm nếm gia vị đun sôi khoảng 5 phút cho chín rồi cho ra tô thưởng thức.
Nồi canh rau lang nấm mối chay mặn đều dùng được
Nấm mối xào thịt bò
Chuẩn bị: khoảng 2 lạng thịt bò và 2 - 3 lạng nấm mối, hành ngò cũng gia vị.
Sơ chế: Nấm mối rửa sạch rồi sơ chế. Thịt bò thái lát mỏng vừa ăn, ướp với 1 chút dầu ăn cho mềm.
Chế biến: Cho chút dầu ăn vào chảo, phi hành cho đến thơm rồi cho nấm vào xào qua. Sau đó cho thịt bò vào, nêm thêm gia vị và xào cho chín đến. Cuối cùng thêm hành ngò và bày ra đĩa để thưởng thức.
Thành quả dĩa nấm mối xào thịt bò đưa cơm hấp dẫn
Nấm mối trắng tự nhiên vì số lượng có hạn và chỉ có theo mùa nên giá thành có thể lên tới 1 triệu đồng 1 kg. Thay vào đó, mọi người có thể mua nấm mối đen nhân tạo giá thành vừa phải từ 300.000 - 400.000 đồng/kg với hàm lượng dinh dưỡng tương đương.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thưởng thức những món ngon từ nấm mối như sò dương bi sốt nấm mối hay tôm hấp nấm mối tại hệ thống nhà hàng hấp thủy nhiệt Chang Kang Kung.
Hãy cùng chăm sóc sức khỏe của cả gia đình bằng việc bổ sung những thực phẩm tươi ngon và nhiều công dụng như nấm mối vào chế độ ăn hằng ngày các bạn nhé!
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm