Lô Hội (Nha Đam): Đặc điểm, tác dụng và bài thuốc trị bệnh
Lô hội (còn gọi là nha đam) là một loại cây ‘ma thuật’ thường được nhắc đến trong chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp và được mệnh danh là một kỳ quan y học được sử dụng trên toàn thế giới. Để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Lô hội cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng đọc thêm trong bài viết dưới đây.
Thông tin chung
- Tên tiếng Việt: Cây Lô hội, Chân Lô Hội, Dương Lô Hội, Lô Khoái, Nội Hội, Nột Hôi, Quỷ Đan, Tượng Hội, Tượng Đởm (Bản Thảo Thập Di), Lưỡi Hổ, Hổ Thiệt, Nha Đam.
- Tên khoa học: Aloe ferox Mill, và Aloe vera L.
- Họ: họ Lô hội (Asphodelaceae)
- Công dụng: Cây giúp hỗ trợ điều trị chứng táo bón, tiểu đường, bảo vệ gan và giảm viêm xương khớp.
Mô tả cây Lô hội
Lô hội là cây sống nhiều năm, thân có thể hóa gỗ, phần trên mang lá tập trung thành hình hoa thị. Lá hình mũi mác dày, mọng nước, mép lá dày có răng cưa thô, có nhiều chất nhầy nên giữ nhiều nước làm cho cây thích ứng được nơi khô hạn. Khi ra hoa thì trục hoa nhô lên ở giữa bó lá, mang chùm hoa màu vàng hoặc đỏ, mọc thành từng chùm dài, thường nở vào mùa hè và thu. Quả Lô hội nang, hình trứng thuôn, lúc đầu xanh sau chuyển thành màu nâu và dai.
Phân bố, thu hoạch và chế biến
Phân bố: Cây lô hội có nguồn gốc từ Bắc Phi. Sau đó, du nhập vào nước ta và được trồng nhiều ở các vùng Phan Thiết, Phan Rang và Phan Rí thuộc tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Thu hái: Hái lá quanh năm, cắt nhỏ lá, giã và ép lấy nước. Để lắng 24 giờ, gạn nước thu được đem cô ở ngoài nắng hoặc đun cho đặc.
Chế biến: Sử dụng nha đam tươi, gọt bỏ phần vỏ, làm sạch lớp nhựa mủ màu vàng rồi cắt thành khúc.
Bộ phận sử dụng của Lô hội
Phần gel và lớp thịt dày bên trong lá lô hội. Khối nhựa Lô hội màu nâu đen bóng, có kích thước không đồng đều, mùi hơi khó chịu, vị đắng nồng, dễ vỡ vụn và chỗ vỡ óng ánh như thuỷ tinh. Loại của cây Aloe vera L. gọi là Lão Lô hội, loại của cây Aloe ferox Mill. Gọi là Tân Lô hội.
Thành phần hóa học
Hoạt chất chủ yếu của lô hội là aloin bao gồm nhiều anthraglycosid dưới dạng tinh thể, vị đắng và có tác dụng nhuận tẩy, chiếm tỷ lệ 16-20%. Cụ thể các thành phần như sau:
- Các Monosaccharide và Polysaccharide bao gồm glucose, aldopentose, xylose, rhamnose, arabinose, cellulose, acemannan và mannose.
- Axit béo chưa bão hoà và prostaglandin như acid gama linolenic
- Enzym: Amilaza, oxydaza, lipaza, Allnilaza và Catalaza
- Nhóm anthraglycoside như barbaloin, aloe Emodin, Aloinosit A, Aloezin, Aloectin, Aloinosit B, Anthranol, aloin, axit cinnami và hysophani
Tác dụng của Lô hội
Theo y học cổ truyền
- Lô hội có vị đắng, tính hàn, quy vào 4 kinh: Can tỳ, vị đại tràng.
- Tác dụng thanh nhiệt, thông đại tiện, làm mát gan, nhuận tràng và tẩy. Lô hội được dùng để chữa cam tích ở trẻ em, táo bón, kinh giản.
Theo y học hiện đại:
- Chống oxy hóa, kháng khuẩn: Gel Lô hội chứa chất chống oxy hóa mạnh, bao gồm alkaloid, glycoside, hợp chất phenolic, flavonoid và saponin.
- Chữa lành vết bỏng: Một đánh giá của 4 nghiên cứu thực nghiệm cho thấy Lô hội có thể làm giảm thời gian lành vết bỏng khoảng 9 ngày so với thuốc thông thường.
- Phòng ngừa sỏi niệu: Hoạt chất anthraquinon có trong lô hội có tác dụng kết hợp với các ion canxi trong đường tiểu, giúp chuyển hóa thành các hợp chất tan đường và tống khứ ra ngoài theo đường tiểu.
- Làm sạch và bảo vệ da: Lô hội giàu hàm lượng vitamin và hoạt chất chống oxy hóa. Chính vì vậy, chúng có tác dụng rất tốt trong việc bảo vệ, cung cấp độ ẩm và giúp nuôi dưỡng da.
- Giảm táo bón: Lô hội thường được sử dụng để điều trị táo bón. Ngoài tác dụng nhuận tràng, nó còn giúp giảm đau, giảm xuất huyết sau khi đi tiêu.
- Chữa viêm loét dạ dày: Nhờ thành phần aloectin B, nhựa tươi cây lô hội có tác dụng làm lành vết loét dạ dày. Người bệnh cứ vài giờ chỉ cần uống một muỗng canh nhựa tươi trong lúc bụng rỗng, giúp cải thiện bệnh.
- Hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường: ào năm 2006, các nhà khoa học đã nghiên cứu và công bố trên tờ Biological and Pharmaceutical Bulletin về tác dụng điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 của gel nha đam nhờ hoạt chất phytosterol chứa trong nó.
Lưu ý khi sử dụng Lô hội
- Vì Lô hội có tác dụng tẩy xổ mạnh nên cần phải giảm liều hoặc ngưng thuốc nếu bệnh nhân bị tiêu chảy. Đồng thời, người đang bị tiêu chảy cũng không nên dùng.
- Thận trọng khi dùng Lô hội cho người cao tuổi.
- Không được dùng thuốc này cho phụ nữ có thai và người tỳ vị hư nhược.
Lô hội là loài thảo dược mọc ở khắp nơi trên Việt Nam và được dùng làm thuốc từ lâu đời. Mặc dù lô hội có rất nhiều tác dụng tố, tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, bệnh nhân nên sử dụng đúng cách và đúng liều lượng quy định, tránh tình trạng lạm dụng gây tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm