lcp

Phòng Phong là gì? Tác dụng và vị thuốc từ Phòng Phong


Phòng phong hay còn được gọi là Bách chi, Lan căn, Bỉnh phong… thuộc họ Hoa tán (Apiaceae) với tên khoa học là Ledebouriella seseloides (Hoffm.) H. Wolff. Trong y học dân gian, rễ Phòng phong được dùng để chữa đau nhức vai gáy, đau cơ xương khớp, đau nửa đầu… Ngoài ra trong y học hiện đại, phòng phong có tác dụng chống dị ứng, chống co thắt cơ trơn và ức chế miễn dịch.

Là một loài thảo dược đã được sử dụng làm bài thuốc trong y học từ rất lâu trong dân gian, tuy nhiên, Phòng phong nếu không dùng đúng cách và đúng liều lượng có thể gây ra những tác dụng không mong muốn. Vì vậy, hãy cùng Medigo tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Phòng phong cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng đọc thêm trong bài viết dưới đây.

Phòng Phong

Thông tin chung

  • Tên Tiếng Việt: Phòng phong.
  • Tên khác: Phòng phong bắc, Bách chi, Lan căn, Bỉnh phong, Thiên phòng phong, Đông phòng phong.
  • Tên khoa học: Ledebouriella seseloides (Hoffm.) H. Wolff.
  • Họ: Hoa tán (Apiaceae).

Mô tả cây Phòng phong

Phòng phong là loài cây thảo, sống lâu năm, chiều cao khoảng 0,5 đến 0,8m.

Lá mọc so le, kiểu lá kép lông chim 2 đến 3 lần, lá xẻ sâu. Phần cuống lá dài, gốc cuống phát triển thành bẹ ôm lấy thân cây. Thân bẹ có vân dọc, nhẵn bóng ở cả 2 mặt.

Hoa mọc thành cụm ở kẽ lá, kiểu tán kép, phân nhánh thành 5 đến 7 tán nhỏ, mỗi tán nhỏ có 4 đến 9 hoa nhỏ màu trắng.

Quả của phòng phong là loại quả kép gồm 2 phần dính nhau, có đường dọc theo sống lưng, phần tiếp xúc giữa 2 phần quả có 1 ống tinh dầu.

Rễ phòng phong là rễ trụ, xơ nhiều ở đầu rễ.

cây Phòng Phong

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phòng phong phân bố chủ yếu ở Trung Quốc (Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam).

Phòng phong thích nghi ở môi trường ẩm, nhiều ánh sáng như vùng ôn đới ẩm hoặc vùng cận nhiệt đới.

Phần trên mặt đất có thể tàn mỗi năm, đặc biệt vào mùa đông. Cây phòng phong ra hoa kết quả nhiều và có thể sinh trưởng từ hạt.

Người ta thu hái rễ phòng phong, rửa sạch và phơi khô rồi cắt thành khúc hoặc lát mỏng dùng dần. Rễ phòng phong thường thu hái vào mùa thu.

Bộ phận sử dụng của Phòng phong

Bộ phận dùng làm vị thuốc của cây Phòng phong là rễ.

rễ Phòng Phong

Thành phần hóa học

Thành phần hóa học của phòng phong là coumarin (gồm 13 chất), chromon, polyacetylen (khellaceton diester). Ngoài ra còn có umbelliferon, silinidin, anomalin, nodakenin, acid ferulic.

Tác dụng của Phòng phong

Theo y học cổ truyền

Tính vị: Vị cay, ngọt, tính ấm. Quy vào 5 kinh: Can, phế, tỳ, vị, bàng quang.

Công năng: Tán phong, trừ thấp.

Từ xa xưa, người dân dùng phòng phong để trị cảm mạo, nhức đầu, choáng váng, mắt mờ, phong thấp, tê bì, đau nhức xương khớp, mụn nhọt lở loét.

Theo y học hiện đại

Hạ thân nhiệt

Dịch chiết phòng phong có tác dụng hạ nhiệt ở thỏ bị sốt trong phòng thí nghiệm (thỏ được tiêm vaccine thương hàn gây sốt).

Tác dụng kháng histamin (chống dị ứng) và acetylcholin

Phòng phong có hoạt tính đối kháng histamin và acetylcholin thể hiện qua tác dụng ức chế co thắt cơ trơn ruột độc lập ở chuột lang (bị kích thích bởi histamin và acetylcholin).

Phòng phong là thành phần trong bài thuốc chống dị ứng (gồm 16 vị dược liệu). Cụ thể, chuột lang sau khi bị kích thích co thắt phế quản bằng cách phun khí dung histamin, kích thích co thắt hồi tràng chuột lang bằng histamin, gây hạ huyết áp trên mèo bằng tiêm tĩnh mạch histamin, đều cho thấy tác dụng kháng histamin của bài thuốc.

Tác dụng ức chế miễn dịch, kháng virus Herpes

Trong thử nghiệm lâm sàng sốc phản vệ ở chuột lang, phòng phong cho thấy tác dụng giảm tỷ lệ tử vong ở chuột lang, từ đó kết luận tác dụng ức chế miễn dịch.

Phòng phong là thành phần của chế phẩm thuốc “Hoàn hỏa long” được chứng minh là có tác dụng kháng virus Herpes in vitro.

Thử nghiệm lâm sàng trên 46 người bị Herpes mạn tính có rối loạn chức năng miễn dịch, uống chế phẩm “Hoàn hỏa long” liên tục trong 10 ngày cho thấy thuốc chữa khỏi giai đoạn cấp tính và rút ngắn thời gian điều trị bệnh, làm giảm tái phát bệnh. Thuốc cho thấy bệnh nhân phục hồi tình trạng suy giảm miễn dịch, tăng các chỉ số miễn dịch tế bào, immunoglobulin, bạch cầu, lympho, CD5 và CD72.

Liều lượng và cách dùng Phòng phong

Liều dùng:

Trị cảm mạo, nhức đầu, choáng váng, mắt mờ, phong thấp, tê bì, đau nhức xương khớp, mụn nhọt lở loét: 6 đến 12g.

Cách dùng:

Dùng dạng thuốc sắc hoặc viên hoàn tán. Có thể phối hợp với các vị thuốc khác.

Bài thuốc chữa bệnh từ Phòng phong

Trị bệnh đau nửa đầu

Chuẩn bị: Phòng phong, Bạch chỉ, lượng bằng nhau.

Thực hiện: Các vị trên đem tán mịn rồi trộn với mật ong, vo thành viên to cỡ quả táo. Mỗi lần dùng 1 viên, ngậm đến tan. Có thể dùng nước ấm để chiêu thuốc.

Chữa triệu chứng mồ hôi trộm khi ngủ

Chuẩn bị: Phòng phong 80g, Xuyên khung 40g, Nhân sâm 20g.

Thực hiện: Các vị trên đem tán mịn rồi trộn đều. Liều uống 10 - 12g bột trước khi ngủ.

Tránh tái phát cơn hen

Chuẩn bị: Phòng phong 8g, Hoàng kỳ 12g, Hạt tía tô 12g, Bạch truật 12g.

Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa đau dây thần kinh bên hông sườn

Chuẩn bị: Phòng phong 8g, Độc hoạt 12g, Tang ký sinh 12g, Ngưu tất 12g, Đảng sâm 12g, Phục linh 12g, Bạch thược 12g, Đương quy 12g, Thục địa 12g, Đại táo 12g, Đỗ trọng 8g, Cam thảo 8g, Tế tân 6g, Quế chi 6g.

Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa đau vai gáy

Chuẩn bị: Phòng phong 8g, Đại táo 12g, Ma hoàng 8g, Quế chi 8g, Bạch chỉ 8g, Cam thảo 6g, Gừng 4g.

Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa đau nhức khớp xương không nóng đỏ

Chuẩn bị: Phòng phong 12g, Khương hoạt 12g, Bạch thược 12g, Đương quy 12g, Tần giao 8g, Quế chi 8g, Phục linh 8g, Ma hoàng 8g, Cam thảo 6g.

Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa viêm khớp dạng thấp có đợt tiến triển cấp

Chuẩn bị: Phòng phong 12g, Kim ngân hoa 16g, Bạch thược 12g, Tri mẫu 12g, Bạch truật 12g, Liên kiều 12g, Quế chi 8g, Ma hoàng 8g, Cam thảo 6g.

Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa cảm mạo phong hàn

Chuẩn bị: Phòng phong 40g, Sài hồ 40g, Tiền hồ 40g, Chỉ xác 40g, Xuyên khung 40g, Khương hoạt 40g, Độc hoạt 40g, Phục linh 40g, Cát cánh 40g, Kinh giới 40g, Cam thảo 20g.

Thực hiện: Tán nhỏ các vị trên thành bột, sắc uống mỗi ngày 12 đến 20g.

Chữa rong huyết do nhiễm khuẩn

Chuẩn bị: Phòng phong 8g, Khương hoạt 8g, Sài hồ 8g, Thương truật 8g, Hoàng kỳ 8g, Thăng ma 6g, Cảo bản 6g, Mạn kinh 6g, Độc hoạt 6g, Đương quy 6g, Cam thảo 4g.

Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang.

Lưu ý khi sử dụng Phòng phong

Không nên dùng cho người có nguyên khí hư yếu, hen suyễn, phế hư, có mồ hôi, nhiệt cực sinh phong, âm hư hỏa vượng và huyết hư sinh phong.

Không dùng bài thuốc từ Phòng phong cho người huyết hư cấp đầu thống (đau đầu do huyết hư kinh giật).

Cấm dùng cho trẻ nhỏ bị tiêu chảy mà tỳ hư, co giật và phụ nữ sau khi sinh. 

Bảo quản Phòng phong

Bảo quản dược liệu ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt và ẩm mốc.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Phòng phong. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Phòng phong thường được dùng để trị cảm mạo và các chứng bệnh do phong hàn gây ra. Tuy nhiên, dược liệu có tính ấm nên cần thận trọng khi sử dụng dài hạn. Để tránh được những tác dụng không mong muốn, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng dược liệu này.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.