Phytosterols là gì? Lợi ích sức khỏe của Phytosterols
Phytosterols với nguồn gốc từ thực vật là một hợp chất vừa giúp giảm cholesterols vừa tăng cường khả năng bảo vệ hệ tim mạch. Cách sử dụng cũng như liều dùng đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy tối đa công dụng của chúng. Cùng Medigo tìm hiểu về cách tiêu thụ Phytosterols hiệu quả qua bài viết sau đây nhé.
Phytosterols là gì?
Phytosterols là một nhóm hợp chất có nguồn gốc từ thực vật với cấu trúc tương tự như cholesterol trong cơ thể người. Ta có thể tìm thấy chúng chủ yếu trong các loại trái cây, rau, dầu thực vật, ngũ cốc nguyên hạt, đậu nành, nấm, đậu lăng và các loại hạt.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng bổ sung phytosterols sẽ giúp giảm cholesterol trong máu, đặc biệt là cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL) hay còn được biết đến là "cholesterol xấu". LDL có thể tạo cặn bám trong các mạch máu và gây tắc nghẽn động mạch, đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vấn đề về tim mạch.
Lợi ích sức khỏe của Phytosterols
Đã biết được phytosterols là gì rồi thì ta cùng điểm qua một vài công dụng tuyệt vời của nó cho sức khỏe nhé.
Giảm mỡ trong máu
Với khoảng 2g Phytosterols mỗi ngày, bạn đã có thể giảm lượng cholesterol xấu trong có thể từ 8 đến 10%. Phytosterols sẽ cạnh tranh với cholesterol xấu từ mỡ động vật trong quá trình hấp thu qua đường tiêu hóa, giúp hạn chế việc hấp thu cholesterol xấu vào cơ thể.
Phytosterols giúp giảm cholesterol xấu trong cơ thể
Đối với những người có mức cholesterol trong máu cao, áp dụng chế độ ăn giàu Phytosterols có thể giúp kiểm soát mức độ tăng mỡ trong máu hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mỡ trong máu, có thể từ chế độ ăn hoặc từ di truyền. Một nghiên cứu vào năm 2017 tại Brazil đã chỉ ra rằng sử dụng 2g Phytosterols mỗi ngày có thể giảm mức LDL từ 2,7% cho những người có chế độ ăn uống gây tăng cholesterol và từ 4,3% đến 9,2% đối với những người bị cholesterol cao do yếu tố di truyền.
Bảo vệ hệ tim mạch
Từ những năm 1950 đến nay, đã có khoảng 17 thử nghiệm lâm sàng để chứng minh về tác dụng của Phytosterols đối với hệ tim mạch. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa tìm thấy mối liên quan rõ ràng giữa việc tăng nồng độ Phytosterols trong máu và nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Các nhà khoa học cho rằng nồng độ Phytosterols trong máu chỉ là một dấu hiệu chứng minh cho sự hấp thụ cholesterol và hiện chưa rõ liệu Phytosterols có ảnh hưởng thế nào đến hệ tim mạch, đặc biệt là khả năng ngăn ngừa xơ vữa động mạch.
Vào năm 2013, một nghiên cứu từ Phần Lan đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ 3g Phytosterols hàng ngày có khả năng giảm độ cứng của động mạch, đặc biệt là ở nam giới.
Phytosterols giúp giảm xơ cứng động mạch
Mặc dù mối liên hệ giữa Phytosterols và bệnh tim mạch chưa được xác định chính xác, hầu hết các chuyên gia y tế đều đồng ý rằng việc giảm hàm lượng cholesterol xấu trong máu thông qua tiêu thụ Phytosterols có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch hiệu quả. Để tìm hiểu thêm về tác động của Phytosterols đối với sức khỏe tim mạch, hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế và duy trì lối sống lành mạnh, cân bằng.
Các tác dụng khác
Giảm nguy cơ ung thư trực tràng và ruột kết: Một chế độ ăn uống giàu Phytosterols giúp giảm nguy cơ mắc ung thư ruột kết và trực tràng một cách đáng kể. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người tiêu thụ nhiều Phytosterols hơn có nguy cơ ung thư ruột kết thấp hơn so với những người ít dùng loại chất này. Bổ sung Phytosterols vào các khẩu phần ăn sẽ giúp nữ giới giảm nguy cơ ung thư ruột kết trong khi đó nó có thể giúp giảm nguy cơ ung thư trực tràng ở nam giới.
Giảm nguy cơ ung thư dạ dày: Sử dụng ít nhất 82,5 mg Phytosterols hàng ngày có thể giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày so với những người dùng ít hơn 45,5 mg mỗi ngày.
Sử dụng với liều lượng thích hợp sẽ phát huy tối đa công dụng của chúng
Hạn chế hội ứng chuyển hóa: Cholesterol cao, huyết áp cao, lượng đường và lượng mỡ trong máu cao là một tập hợp các tình trạng tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng sử dụng 2 gram Phytosterols hai lần mỗi ngày có thể giảm mức cholesterol hiệu quả ở những người mắc hội chứng chuyển hóa.
Đau tim: Nam giới tiêu thụ nhiều Phytosterol giảm nguy cơ đau tim lên đến 29% so với những người sử dụng ít hợp chất này.
Để tận dụng tối đa lợi ích của Phytosterols đối với cơ thể, hãy bổ sung các thực phẩm giàu Phytosterols vào chế độ ăn như trái cây, rau, dầu thực vật, ngũ cốc nguyên hạt, đậu nành, nấm và hạt. Và cũng đừng quên duy trì lối sống lành mạnh để cơ thể luôn ở tình trạng tốt nhất.
Tác dụng phụ
Là chất bổ sung an toàn và có khả năng dung nạp tốt cho cơ thể, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng Phytosterols không gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Một số tác dụng phụ nhẹ có thể xuất hiện bao gồm táo bón, buồn nôn, đau bụng, ợ chua, đầy hơi và sự thay đổi màu sắc của phân. Tuy nhiên, hầu hết các triệu chứng này thường chỉ xuất hiện ở thời gian đầu và sẽ tự giảm sau khi cơ thể đã quen dần với sự bổ sung Phytosterols.
Thường tác dụng phụ chỉ xảy ra trong thời gian đầu quá trình bổ sung Phytosterols
Thận trọng
Là một hợp chất bổ sung cho cơ thể, tuy nhiên Phytosterols cũng được chống chỉ định cho một vài trường hợp đặc biệt sau đây:
- Rối loạn di truyền phytosterolemia: Những người mắc hội chứng di truyền hiếm gặp không nên sử dụng Phytosterols. Đây là một loại bệnh thiếu máu bẩm sinh liên quan đến sự tích tụ quá mức của Phytosterols trong cơ thể.
- Trẻ em: Trừ khi đã có chẩn đoán chính xác về việc cholesterol cao trong máu di truyền thì không nên sử dụng các chất bổ sung Phytosterols cho trẻ.
- Phụ nữ mang thai và cho con bú: Hiện tại, chưa có đủ nghiên cứu về tính an toàn và tác động của việc sử dụng Phytosterols cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú. Do đó, việc bổ sung này không được khuyến nghị trong trường hợp này.
Tương tác và liều dùng
Tương tác với thuốc
Nên lưu ý về tương tác của một số loại thuốc khi bổ sung Phytosterols cho cơ thể, chẳng hạn như khi dùng cùng với thuốc cholestyramine nó có thể làm giảm hiệu quả của thuốc. Để tránh tình trạng này xảy ra, bạn nên dùng Phytosterol vài giờ trước hoặc sau khi sử dụng cholestyramine.
Một nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra rằng bổ sung Phytosterols có thể làm giảm sự hấp thụ beta-carotene, một chất cần thiết trong quá trình hình thành vitamin A. Vậy nên nếu bạn đang muốn bổ sung Phytosterols, hãy cân nhắc tăng cường Vitamin A cho cơ thể từ các nguồn khác.
Lưu ý khi dùng Phytosterols với một vài loại thuốc khác
Liều dùng
Thông thường các chất bổ sung Phytosterols được khuyến nghị sử dụng với liều lượng từ 2 đến 3g mỗi ngày. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho cơ thể, tốt nhất là bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y tế trước khi bắt đầu sử dụng. Bởi vì họ có thể kiểm tra và đánh giá mức cholesterol trong cơ thể và đưa ra hướng dẫn cụ thể về liều lượng bổ sung Phytosterol phù hợp. Sau khoảng 4-6 tháng, hãy kiểm tra máu lại lần nữa để đánh giá tác động của quá trình bổ sung. Việc này không chỉ giúp bạn theo dõi tình trạng cơ thể mà còn có thể điều chỉnh liệu pháp bổ sung phù hợp.
Ứng dụng
Phytosterols đậu nành được sử dụng rộng rãi như một nguyên liệu an toàn trong sản xuất mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Chúng có thể được tìm thấy trong nhiều loại sản phẩm như kem chống lão hóa, kem chống nắng, son môi, dầu gội, dầu xả và nhiều sản phẩm khác.
Các nhà sản xuất thực phẩm cũng bổ sung Phytosterols thực vật vào một số sản phẩm như sữa, sữa chua, nước cam, ngũ cốc và các sản phẩm khác. Việc này nhằm cung cấp lượng Phytosterols hữu ích cho người tiêu dùng thông qua khẩu phần ăn hàng ngày.
Phytosterols thường được bổ sung vào các loại thực phẩm quen thuộc
Lưu ý
Là một thành phần được sử dụng phổ biến trong sản xuất mỹ phẩm, cho đến hiện tại vẫn chưa có báo cáo nào nói về tác dụng gây hại của Phytosterol cho làn da hay sức khỏe người dùng. Tuy nhiên, để đảm bảo tính an toàn và tráng mọi phản ứng không mong muốn, bạn nên thử sản phẩm chứa Phytosterols lên cổ tay hoặc da ở cổ để kiểm nghiệm trước khi thoa lên toàn bộ khuôn mặt.
Phytosterols có mặt trong các nguồn thực phẩm tự nhiên có thể giúp cân bằng mức cholesterol trong cơ thể và bảo vệ hệ tim mạch khỏe mạnh. Hãy cân nhắc đến việc bổ sung Phytosterols vào chế độ ăn uống hàng ngày với liều lượng phù hợp để phát huy tối đa công dụng của chúng dành cho sức khỏe nhé.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm