Rau đắng là một loại rau có trong bữa ăn của nhiều gia đình. Đây cũng là một vị thuốc có tác dụng cải thiện khả năng nhận thức, hỗ trợ giảm cân, giảm căng thẳng, ngăn ngừa ung thư, thanh lọc cơ thể. Vậy rau đắng có đặc điểm gì? Sử dụng rau đắng như thế nào mới an toàn và đúng cách?
Rau đắng có tên khoa học là Polygonum aviculare L. Cây thuộc họ rau răm - Polygonaceae. Ngoài ra, loại rau này còn có tên gọi khác như cây xương cá, cây càng tôm hay biển súc.
Tại Việt Nam, cây được phát hiện mọc ở các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang và ngay cả Hà Nội. Hoặc tại những nơi ẩm ướt như ruộng bị bỏ hoang, lòng suối cạn. Có người trồng một ít cây rau đắng quanh nhà để dùng làm thuốc.
Đặc điểm sinh thái
Rau đắng có thân cây nhỏ, mọc bò lan ra. Thân và cành cây mọc tỏa tròn gần sát mặt đất. Màu thân cây là màu đỏ tím, mọc cao khoảng từ 10 đến 30cm. Rau đắng có lá nhỏ, mọc so le nhau và có bẹ chìa ra. Phiến lá rau dài từ 1.5 đến 2cm và rộng 0.4cm.
Hoa rau đắng nhỏ, có màu hồng tím, thường mọc từ 3 đến 4 hoa ở kẽ lá. Quả nang có hình trứng, bề mặt nhẵn. Mỗi quả có chứa một hạt nhỏ đầu đen. Mùa hoa rau đắng thuộc khoảng thời gian tháng 5 đến tháng 6 và kéo dài suốt mùa hè.
Bộ phận dùng của rau đắng
Bộ phận dùng của cây rau đắng là toàn cây rau đắng, bao gồm cả rễ.
Thu hái, sơ chế và bảo quản
Người ta thu hái cây rau đắng bao gồm cả rễ cây vào mùa xuân và mùa hạ. Sơ chế dược liệu rau đắng rất đơn giản. Có thể dùng tươi hoặc rửa sạch rồi đem phơi khô để dùng dần. Bảo quản dược liệu ở nơi khô ráo để tránh ẩm mốc.
Cây rau đắng được phơi khô
Thành phần hóa học
Trong rau đắng có chứa một số thành phần hóa học như:
Tannin
Vitamin C
Carotin
Flavonozit avicularin
Khi thuỷ phân avicularin sẽ được quexetin và l.arabinoza
Anthraglucozit
Ngoài ra còn có đường, tinh dầu, nhựa, sáp
Tác dụng của rau đắng
Cây rau đắng còn được dùng để chế biến món ăn
Rau đắng có vị đắng, tính bình và không có độc. Quy kinh vào kinh bàng quang. Rau đắng có một số tác dụng như:
Trong nhân dân thì rau đắng được dùng để làm thuốc lợi tiểu. Có tác dụng chữa tiểu buốt, sỏi thận, giải độc, chữa rắn cắn, mụn nhọt, vàng da.
Rau đắng có tác dụng làm mát gan do khả năng kích thích tiết mật, thông tiểu, nhuận tràng.
Được dùng trong trường hợp nóng trong người làm xảy ra các vấn đề về răng miệng như lở miệng, viêm nha chu, chảy máu răng.
Lá rau đắng được dùng để xông hơi trị ho cảm và Viêm phổi.
Nước rau đắng nếu uống nhiều lần trong ngày sẽ có công dụng trị ngừa sỏi thận và sỏi mật…
Một số vị thuốc từ rau đắng
Độc vị rau đắng chữa tiểu khó, đái buốt: Mỗi ngày uống 12g rau đắng đã phơi khô hoặc sấy khô dưới dạng thuốc sắc. Bài thuốc này có tác dụng chữa tiểu tiện khó khăn, đái buốt, đái ra sỏi sạn.
Đơn thuốc rau đắng kết hợp với nhiều vị để chữa viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang, chữa đái buốt: Lấy 12g rau đắng khô với 10g hoạt thạch. Đem thang thuốc đi sắc với nước ba bát cho đến khi còn một bát. Chia thuốc đã sắc làm 3 lần uống trong ngày.
Lưu ý khi sử dụng rau đắng
Rau đắng có tác dụng gây co bóp tử cung, tăng thời gian đông máu do đó rất dễ dẫn đến nguy cơ sảy thai, xuất huyết ở phụ nữ mang thai. Cần thận trọng hỏi ý kiến bác sĩ khi sử dụng rau đắng để điều trị bệnh.
Rau đắng là một loại rau xuất hiện trong nhiều món ăn của người Việt. Không những thế nó còn là một thảo dược rất đáng để trồng trong vườn nhà. Tuy nhiên, khi sử dụng loại thảo dược này, cần thận trọng hỏi ý kiến bác sĩ để tránh những rủi ro không đáng có.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.