Rau má có tác dụng gì? Bài thuốc trị bệnh với Rau má
Rau má là thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền, được trồng nhiều ở nước ta. Rau má được coi là “loại thảo mộc của tuổi thọ”, là một loại chủ yếu trong y học cổ truyền Trung Quốc. Đây là một vị thuốc dân gian có khả năng tăng cường trí não, chữa lành các vấn đề về da, và tăng cường sức khỏe gan và thận. Để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Rau má cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng đọc thêm trong bài viết dưới đây.
Thông tin chung
- Tên tiếng Việt: Cây Rau má, Tích tuyết thảo, Liên tiền thảo.
- Tên khoa học: Centella asiatica (L.) Urban
- Họ: Hoa tán (Apiaceae)
- Công dụng: Rau má trị cảm mạo phong nhiệt, thuỷ đậu sởi, sốt da vàng mặt, viêm họng, sưng amygdal, viêm khí quản, ho, viêm đường tiết niệu, đái dắt đái buốt, còn dùng trị thổ huyết, chảy máu cam
Mô tả cây Rau má
Dạng sống cỏ bò, thân mọc thẳng, thân non màu tía nhạt, thân già màu tía đậm hơn, có lông trắng và khía dọc nhỏ; có nhiều mấu, mỗi mấu phát triển thành một cây. Rễ chùm, màu trắng vàng.
Lá mọc so le, nhưng thường tụ hợp 2-5 lá ở một mấu; có cuống dài, phiến hình thận hay tròn, mép khía tai bèo. Gân lá kiểu chân vịt, 6-8 gân nổi rõ ở mặt dưới. Bẹ lá dài 7-14 mm, có gân dọc màu xanh, mặt trong màu trắng, mặt ngoài hơi tím.
Cụm hoa tán đơn gồm 3 hoa mọc trên trục phát hoa hình trụ, dài 5-13 mm, màu xanh tím, đậm hơn ở gốc, có nhiều lông trắng mịn, mảnh. Tán có 2 lá bắc, màu xanh, có sọc tía, đậm hơn ở gốc lá, có lông mịn và tồn tại cùng quả. Hoa đều, lưỡng tính. Tràng hoa gồm 5 cánh hoa rời, đều, màu tím nhạt, hình trứng, đỉnh cong vào phía trong. Cánh hoa hình tam giác hoặc trái xoan. Nhị có chỉ nhị ngắn, bao phấn hình mắt chim; bầu hình cầu. Bộ nhụy gồm 2 lá noãn, bầu dưới 2 ô, dẹp, đáy hình tim, đầu bằng, màu đỏ tía, có nhiều lông trắng. Quả bế đôi, hình tim, đầu bằng, hai bên bị ép dẹp, dài 3,5-3,7 mm, rộng 3,5-4 mm, màu xanh phớt tía, có gân dọc màu hồng tía và lông mịn; cắt ngang gồm 2 phần quả có hình tam giác, mỗi phần quả có 10-12 cạnh lồi. Hạt màu trắng, hình bán nguyệt, đường kính 1,5-2 mm.
Phân bố, thu hoạch và chế biến
Chi Centella L. có khoảng 40 loài, phân bố ở Nam và Đông Nam châu Á như Ấn Độ, Sri Lanka, Trung Quốc, Indonesia và Malaysia cũng như Nam Phi và Madagascar. Nó có nguồn gốc từ các vùng ấm hơn của cả hai bán cầu. Ở Việt Nam, rau má mọc tự nhiên ở khắp nơi, ưa ẩm. Loại cây này mọc hoang ở những nơi đất ẩm ướt, pha cát hoặc đất sét, thường mọc thành từng đám lớn tạo thành thảm xanh dày đặc hoặc như cỏ dại. Vì vậy rau má có thể được nhìn thấy phổ biến dọc theo bờ sông, suối, ao hồ và các cánh đồng tưới tiêu. Nó cũng mọc dọc theo các bức tường đá hoặc các khu vực đá khác.
Hái toàn cây, rửa sạch, loại bỏ tạp chất, dùng dược liệu tươi hoặc phơi khô, khi dùng cắt đoạn.
Bộ phận sử dụng của Rau má
Toàn cây tươi hoặc phơi khô của cây Rau má. Dược liệu khô thường cuộn lại thành khối. Rễ dài 2 – 4cm, đường kính 1 – 1,5 mm; mặt ngoài màu nâu vàng nhạt hoặc màu vàng xám. Thân dài nhỏ, cong queo, màu vàng nâu, có vân nhăn dọc, trên mấu thường thấy rễ. Phiến lá có nhiều vết nhăn rách, đường kính 1 – 4cm, màu lục xám, cạnh có răng thô. Cuống lá dài 3 – 6cm, cong queo. Mùi nhẹ, vị nhạt.
Thành phần hóa học
Rau má chứa những hợp chất thuộc nhiều nhóm hóa học khác nhau:
- Triterpen: Saponin triterpenic; asiaticosid (madecassol), madecassosid, irahmosid, brahminosid.
- Ngoài ra, còn có thankunisid và isothankunisid. Khi thủy phân, thankunisid cho acid thankunic, glucose và rhamnose.
- Isothankunisid đem thủy phân sẽ cho acid isothankunic, glucose và rhamnose.
- Các acid triterpenic trong rau má là acid asiatic, acid brahmic, acid isobrahmic. (Trung thảo dược học II. 1976).
- Rau má không được chứa dưới 2% triterpen ester glucosid (asiaticosid và madecassosid (WHO monographs on selected medicinal plants, vol. 1, 1999).
- Tinh dầu: Phần trên mặt đất của cây rau má mọc ở Malaysia có 41 thành phần, trong dó 80% là các sesquiterpen (thành phần chính) và 10% germacren – D (thành phần có nhiều).
- Cây rau má mọc ở Srilanca chứa tinh dầu; trong đó có α – copaen 14%, β-caryophylen 12%, trans- β- famesen 53% và α -humulen 9%. (Prosea 12 (1), 1991).
- Các hợp chất polyacetylen: Rau má có 14 chất polyacetylen, trong dó 5 chất đã được nhận dạng là pentadeca -2,9- dien – 4,6 – diyn – 1 -ol acetat; 3, 8 – diacetoxypentadeca – 1,9 – dien – 4, 6 – diyn ; 3 – hydroxy – 8 – acetoxy – pentadeca – 1,9 – dien – 4,6 – diyn ; 3 – hydroxy – 10 – acetoxy – pentadeca – 1,8 – dien – 4,6 – diyn và pentadeca -1,8 – dien – 4,6 – diyn – 3,10 – diol (W. Tang và cs, 1992).
- Flavonoid: Các Flavonoid gồm kaempferol, quercetin, 3 – glucosyl quercetin, 3 – glucosyl – kaempferol (Trung dược từ hải I, 1993 ; vv. Tang và cs, 1992).
- Steroid: Các hợp chất steroid gồm β-sitosterol, stigmasterol và campestrol.
- Dầu béo: Các glycerid của các acid oleic, linoleic, lignoceric, palmitic, stearic, linolenic, elaidic.
- Acid amin: Acid glutamic, serin, alanin.
- Các nhóm thành phần khác: Tanin, carotenoid, vitamin c, alcaloid (hydro cotylin), oligosaccharid (centelose).
Tác dụng của Rau má
Theo y học cổ truyền:
Rau má chữa sốt, đan độc, mụn nhọt, bệnh gan vàng da, thổ huyết, chảy máu cam, táo bón, tả lỵ, tiểu tiện rắt buốt, khí hư bạch đới, mất sữa, sắc với cây mào gà chữa vàng da. Cao rau má điều trị các vết thương nhiễm bẩn, điều trị bỏng.
Theo y học hiện đại:
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những lợi ích sức khỏe quan trọng như chữa lành vết thương, kháng khuẩn, tăng cường trí nhớ, chống oxy hóa và các hoạt động bảo vệ thần kinh.
Lưu ý khi sử dụng Rau má
Phụ nữ có thai không nên dùng. Rau má nói chung hầu như không phải là dược liệu có độc tính, tuy nhiên, trong khi sử dụng, cần phân biệt một số dược liệu mang tên Rau má, sau đây:
- Rau má lông (Glechoma hederacea L.), họ bạc hà (Lamiaceae), mọc hoang ở vùng núi Tam Đảo, Lào Cai, Lạng Sơn... Cây có thân vuông, cao độ 10-30 cm. Lá tròn, có răng cưa giống lá rau má. Khi vò có mùi thơm. Rau má lông được dùng chủ yếu để chữa sỏi niệu quản, sỏi mật, sỏi ống dẫn mật, viêm thận, phù thũng, hoặc các trường hợp khí hư bạch đới, chữa kinh nguyệt không đều, ngày 12- 16g, dưới dạng thuốc sắc
- Rau má lá to (Hydrocotyle nepalensis Hook.). Cây có lá giống lá rau má, cao độ 20-30 cm, hoa nhỏ, màu trắng. Cây dùng làm dược liệu trị ho, hen, khí hư bạch đới, viêm gan.
- Rau má mỡ (Hydrocotyle sibthorpioides Lam.). Lá giống lá rau má, song có kích thước nhỏ hơn. Mặt trên lá nhẵn bóng, giống như láng một lớp mỡ. Hiện được sử dụng toàn cây để trị viêm gan vàng da, viêm gan virut, xơ gan, viêm họng, cảm sốt, ngày 20 - 40g, dưới dạng nước sắc.
Rau má ngoài là dược liệu tốt chữa được nhiều bệnh hàng ngày. Rau má còn là một thực phẩm, một loại rau mát lành có thể dùng làm rau sống, nấu canh ngon mát ngày hè. Sản phẩm từ Rau má dễ dàng tìm thấy trên thị trường của nhiều nhà sản xuất khác nhau.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm