Sen
Sen còn được gọi là liên, quỳ, ngậu (Tày), bó bua (Thái), thuộc họ Sen (Nelumbonaceae) và có danh pháp khoa học là Nelumbo nucifera Gaertn. Không chỉ là loại cây thân thuộc, gần gũi với đời sống hàng ngày mà sen còn được sử dụng như một vị thuốc quý với nhiều công dụng tuyệt vời: Chữa mất ngủ, thuốc cầm máu, điều trị suy nhược cơ thể, chữa tiêu chảy mãn tính, trị béo phì, điều hòa huyết áp… Cả y học cổ truyền và y học hiện đại đều thừa nhận những lợi ích mà sen đem lại cho sức khỏe.
Đến nay, đã có rất nhiều bài thuốc dân gian và thuốc đông tây y có chứa thành phần từ sen. Tuy nhiên việc sử dụng ra sao, liều lượng thế nào còn tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Cùng Medigo tìm hiểu rõ hơn trong bài viết sau đây.
Thông tin chung
- Tên tiếng Việt: liên, quỳ, ngậu (Tày), bó bua (Thái).
- Tên khoa học: Nelumbo nucifera Gaertn.
- Họ: Sen - Nelumbonaceae.
- Công dụng: Chữa mất ngủ, suy nhược cơ thể, thuốc cầm máu, đại tiện ra máu.
Mô tả cây Sen
Cây sen là một cây thuốc quý, một loại cây mọc dưới nước.
Thân rễ hình trụ mọc ở trong bùn thường gọi là ngó sen hay ngẫu tiết, ăn được.
Lá mọc lên khỏi mặt nước, cuống lá dài, có gai nhỏ, phiến lá hình khiên, to, đường kính 60-70cm có gân tỏa tròn.
Hoa to màu trắng hay đỏ hồng, đều lưỡng tính. Đài 3-5, màu lục, tràng gồm nhiều cánh màu hồng hay trắng một phần, những cánh ngoài còn có màu lục như lá đài. Nhị nhiều, bao phấn 2 ô, nứt theo một kẽ dọc. Trung đới mọc dài ra thành một phần hình trắng thường gọi là gạo sen dùng để ướp chè. Nhiều lá noãn rời nhau đựng trong một đế hoa loe ra thành hình nón ngược gọi là gương sen hay liên phòng. Mỗi lá noãn có 1-3 tiểu noãn.
Quả chứa hạt gọi là liên nhục không nội nhũ. Hai lá mầm dày. Chồi mầm còn gọi là liên tâm gồm 4 lá non gập vào phía trong.
Phân bố, thu hoạch và chế biến
Phân bố: Hoa sen là cây thủy sinh sống lâu năm, chủ yếu phân bố ở châu Á và phía bắc của châu Đại Dương, trong khi hoa sen Mỹ chủ yếu xuất hiện ở phần phía đông và phía nam của Bắc Mỹ, cũng như phía bắc của Nam Mỹ. Bị ngăn cách bởi Thái Bình Dương, hai loài này khác nhau về hình thái bên ngoài, chẳng hạn như màu sắc và hình dạng cánh hoa, hình dạng lá và kích thước thực vật.
Thu hoạch: Mùa thu hái vào các tháng 7-9. Nhổ sen để lấy củ đòi hỏi tốn nhiều công lao động, trong quá trình nhổ, khó tránh làm củ không bị gãy, tổn thương. Bình thường, thu hoạch Củ sen khi nhiệt độ thấp, ngày ngắn, lúc đó thân sen khô, cho phép Cây sen hấp thu tối đa các chất dinh dưỡng để tập trung nuôi củ. Ngoài ra có thể kích thích tạo củ bằng cách rút khô nước. Để thu hoạch Củ sen, trước tiên cần tháo cạn nước ra, sau đó nhổ Củ sen bằng tay hoặc dùng đinh ba nạy gốc.
Chế biến: Sen sau khi nhổ về nên làm sạch rồi ngâm với muối. Sau đó rửa lại bằng nước sạch.
Bộ phận sử dụng của Sen
Toàn cây: đều có thể dùng làm thuốc
- Hạt Sen – Semen Nelumbinis, thường gọi là Liên tử là phần màu trắng bên trong vỏ cứng của quả Sen, sau khi đã bỏ cả chồi mầm
- Tâm Sen – Plumu Nelumbinis, thường gọi Liên tử tâm là mầm xanh ở chính giữa hạt Sen
- Gương Sen -Receptaculum Nelumbinis, thường gọi Liên phòng là đế của hoa đã lấy hết quả, phơi khô
- Tua nhị Sen – Stamen Nelumbinis, thường gọi Liên tu là chỉ nhị của hoa Sen đã bỏ gạo Sen
- Lá sen – Folium nelumbinis thường gọi là Hà Diệp
- Mấu ngó Sen – Nodus Nelumbinis Rhizomatis, thường gọi Ngẫu tiết
- Đế của hoa sen gọi là liên phòng
Thành phần hóa học
- Hạt Sen chứa nhiều tinh bột (60%), đường raffinose, 1% chất đạm, 2% chất béo và có một số chất khác như canxi 0,089%, phosphor 0,285%, sắt 0,0064%, với các chất lotusine, demethyl coclaurine, liensinine, isoliensinine.
- Tâm Sen có 5 alcaloid, tỷ lệ toàn phần là 0,89% – 1,06%, như liensinine, isoliensinine, neferine; lotusine, motylcon, paline; còn có nuciferin, bisclaurin (alcaloid) và betus (base hữu cơ).
- Gương Sen có 4,9% chất đạm, 0,6% chất béo, 9% carbohydrat và một lượng nhỏ vitamin C 0,017%.
- Tua nhị Sen có tanin.
- Lá Sen có tỷ lệ alcaloid toàn phần là 0,21-0,51%, có tới 15 alcaloid, trong đó chất chính là nuciferin 0,15%; còn roemerin coclaurin, dl-armepavin, O-nornuciferin liriodnin, anonain, pronuciferin, còn các acid hữu cơ, tan vitamin C.
- Ngó Sen chứa 70% tinh bột, 8% asparagin, arginin, trigonellin, tyrosinglucose, vitamin C, A, B, PP, tinh bột và một ít tanin.
Tác dụng của Sen
Theo y học cổ truyền
Tính vị, quy kinh
Củ sen có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ phế, bổ tỳ, cầm máu, tráng dương và an thần cho người sử dụng.
Công năng, chủ trị
Hầu hết tất cả các bộ phận của cây sen đã được sử dụng làm thực phẩm và làm thuốc từ hơn 2000 năm nay, đặc biệt hạt sen và Củ sen được sử dụng rộng rãi hơn do hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng lớn. Trong Y học cổ truyền, Củ sen có chức năng:
- Cầm máu, điều trị thiếu máu.
- Cải thiện chức năng miễn dịch cơ thể.
- Hỗ trợ hệ tiêu hóa như điều trị táo bón hoặc tiêu chảy.
- Kiểm soát thần kinh.
- Điều hòa chỉ số huyết áp.
- Cung cấp nguồn năng lượng sạch cho cơ thể.
Theo y học hiện đại
Hỗ trợ chức năng miễn dịch của cơ thể
Hệ thống miễn dịch là một cơ chế bảo vệ của cơ thể để bảo vệ cơ thể khỏi các mầm bệnh có hại. Nó tạo ra phản ứng tức thì bằng cách sử dụng các thụ thể cụ thể kích hoạt các tế bào miễn dịch, chemokine, cytokine và giải phóng các chất trung gian gây viêm.
Củ sen chứa nhiều khoáng chất quan trọng như sắt, đồng, kẽm, mangan, magiê. Các khoáng chất này có vai trò quan trọng trong hoạt động của enzim, tạo cho cơ thể một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Ngoài ra sắt giúp tái sinh các tế bào máu.
Củ sen giúp hỗ trợ giảm cân
Củ sen là loại thực phẩm có năng lượng thấp, giàu chất xơ và chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết. Vì vậy, khi cơ thể bạn nhận được tất cả các dưỡng chất mà nó cần, bạn sẽ cảm thấy no lâu hơn và tránh được tình trạng ăn quá nhiều, do đó kiểm soát cân nặng dễ dàng hơn, hỗ trợ việc giảm cân.
Hỗ trợ tiêu hóa
Củ sen là cung cấp chất xơ tự nhiên góp phần làm chậm quá trình tiêu hóa các tinh bột phức tạp, từ đó giúp giảm lượng cholesterol trong máu và giúp giảm cân hiệu quả.
Bảo vệ hệ tim mạch
Trong Củ sen chứa thành phần natri và kali góp phần điều hòa huyết áp cơ thể. Natri kiểm soát sự tiết mồ hôi của cơ thể còn kali là chất làm giãn mạch có vai trò điều hòa nhịp tim và huyết áp ở mức ổn định.
Ngoài ra trong Củ sen còn có nhiều chất xơ giúp làm giảm bớt cholesterol trong cơ thể.
Củ sen còn cung cấp các vitamin nhóm B như vitamin B6, niacin, acid pantothenic, riboflavin và thiamin...Từ đó giúp kiểm soát cường độ homocysteine trong máu giúp bảo vệ tim tránh các cơn đau.
Điều hòa nhiệt độ cơ thể
Nước ép Củ sen có tác dụng hạ sốt. Trà Củ sen điều trị cảm lạnh hoặc ăn củ sen hầm thịt gà khi còn ấm là bài thuốc vừa ngon vừa hữu hiệu để chữa bệnh cảm lạnh, sốt.
Hoạt động chống oxy hóa
Củ sen cung cấp nhu cầu Vitamin C cho cơ thể bạn mỗi ngày. Vitamin C là một chất chống oxy hóa rất quan trọng duy trì sức mạnh và tính toàn vẹn trong các cơ quan, mạch và da, góp phần hình thành collagen. Nó tăng cường các chức năng miễn dịch.
Ngoài ra, Vitamin C loại bỏ các gốc tự do khỏi cơ thể, chống oxy hóa dẫn đến các tình trạng sức khỏe như bệnh tim và ung thư.
Liều lượng và cách dùng Sen
Liều dùng của sen có thể khác nhau đối với những bệnh nhân. Liều lượng dựa trên tuổi, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Bạn hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp.
Bài thuốc chữa bệnh từ Sen
Chữa tiêu chảy mãn tính: Liên nhục 12g, đảng sâm 12g, hoàng liên 5g. Các vị sắc uống hoặc tán bột uống mỗi ngày 10g.
Chữa mất ngủ do tâm hỏa vượng: Bài Táo nhân thang, gồm táo nhân 10g, viễn trí 10g, liên tử 10g, phục thần 10g, phục linh 10g, hoàng kỳ 10g, đảng sâm 10g, trần bì 5g, cam thảo 4g. Tất cả sắc uống ngày 1 thang.
Chán ăn do suy nhược: Hạt sen 100g, bao tử heo một cái. Bao tử rửa sạch, thái lát, thêm nước vừa đủ, tiềm cách thủy với hạt sen, dùng trong ngày.
Chữa sốt cao nôn ra máu, chảy máu cam: Tứ sinh thang, gồm sinh địa tươi 24g, trắc bá diệp tươi 12g, lá sen tươi 12g, ngải cứu tươi 8g. Các vị nấu lấy nước uống nhiều lần trong ngày.
Trị béo phì, hạ cholesterol máu cao: Đây là công dụng mới được phát hiện của lá sen. Trên thị trường hiện có bán nhiều loại trà giảm béo có lá sen, song có thể tự dùng bằng cách nấu lá sen tươi uống thay nước hàng ngày, mỗi ngày 1 lá.
Chữa mất ngủ do tâm hỏa vượng: Táo nhân 10g, viễn trí 10g, liên tử 10g, phục thần 10g, phục linh 10g. Hoàng kỳ 10g, đảng sâm 10g, trần bì 5g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.
Trị chứng hồi hộp, mất ngủ, đau tim (canh hạt sen, tim heo):
Thành phần: 60g hạt sen, 1 cái tim heo, 40g phòng đảng sâm.
Cách chế biến: thái mỏng tim heo. Hạt sen đem bóc bỏ vỏ ngoài và tim bên trong. Dùng rượu rửa sạch phòng đản sâm, rồi thái khúc. Cho tất cả vào nồi cùng với 6 chén nước, nấu với lửa lớn đến khi sôi, để sôi trong 10 phút, hạ lửa nhỏ, nấu tiếp 2 giờ nữa thì dùng được
Khó ngủ, hay hồi hộp, huyết áp cao: Lấy từ 1,5 – 3g tâm sen pha trà uống. Cách khác, lấy lá sen, hoa hòe mỗi vị 10g; cúc hoa vàng 4g, sắc uống hoặc lá sen loại bánh tẻ 30g rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, sắc hoặc hãm uống.
Người nóng, nổi nhọt: Hoa sen tươi 50g hoặc 30g loại khô, đường phèn 20g đem sắc uống thay trà thường xuyên, hoặc dùng hoa sen đã sắc đắp tại chỗ.
Tuổi già hay uể oải trong người: Củ sen tươi 100g nấu chín, mỗi ngày ăn vào buổi sáng và chiều.
Băng huyết, chảy máu cam, tiêu tiểu ra máu: Lá sen tươi 40g, rau má 12g. Sao vàng, thái nhỏ hai vị này, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày. Cách khác, lấy 10 ngó sen, giã nát lấy nước, thêm ít đường đỏ, đun lên uống ngày hai lần sáng và tối. Trường hợp xuất huyết đường tiêu hóa có thể lấy nước ngó sen và nước ép củ cải, mỗi thứ 20ml, trộn đều uống ngày hai lần, liên tục trong nhiều ngày.
Rôm sảy, ghẻ lở: Lá sen tươi băm nhỏ nấu với hạt đậu xanh (để nguyên vỏ) làm canh ăn.
Sốt xuất huyết: Lá sen 40g, ngó sen hoặc cỏ nhọ nồi 40g, rau má 30g, hạt mã đề 20g, sắc uống ngày một thang. Nếu xuất huyết nhiều, có thể tăng liều của lá và ngó sen lên 50 – 60g.
Chữa ho ra máu: Ngó sen 20g, bách hợp hoặc lá trắc bá 20g, cỏ nhọ nồi 10g, thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.
Chữa băng huyết: Ngó sen sao, tam lăng, nga truật, huyết dụ, bồ hoàng, mỗi vị 8g; bách thảo sương 6g. Sắc uống ngày một thang.
Trị chảy máu cam: Ngó sen rửa sạch, giã vắt nước cốt uống, nhỏ vài giọt vào mũi.
Trị trẻ biếng ăn, người lớn suy nhược, ăn kém: Hạt sen 100g, đậu ván trắng 10g, trần bì 12g, mầm lúa 30g. Tất cả sao qua, tán mịn, ngày uống 3 lần mỗi lần 100g, uống với nước cơm.
Chữa mất ngủ: Lá sen sắc đặc pha chút đường, uống trước khi đi ngủ khoảng 2 giờ sẽ ngủ ngon.
Trị đau lưng, mệt mỏi: Nhụy sen 4g, cam thảo 6g. Tất cả cho vào nồi, đổ 3 bát nước sắc còn 1 bát, uống trước khi đi ngủ.
Chữa đái tháo đường: Tâm sen 8g; thạch cao 20g; sa sâm, thiên môn, mạch môn, hoài sơn, bạch biển đậu, ý dĩ, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Lưu ý khi sử dụng Sen
- Phụ nữ khi đang trong thời kỳ hành kinh, phụ nữ khi đang mang thai hoặc cho con bú không nên dùng lá sen.
- Trường hợp người thể hàn uống vào cũng ngủ được nhưng về lâu dài sẽ bị mệt mỏi, mất trí nhớ, tim đập thất thường.
Bảo quản Sen
Để Sen ở nơi khô, tránh ẩm ướt và mốc mọt.
Trên đây là một số kiến thức về công dụng, thành phần, lưu ý sử dụng sen… Hy vọng rằng bài viết của Medigo đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích về sen – một loại dược liệu quý nhưng lại rất dễ mua, dễ tìm.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm