Sữa ong chúa: Đặc điểm, công dụng và cách dùng hiệu quả
Sữa ong chúa hay còn được gọi là Royal jelly (tiếng Anh), là thức ăn duy nhất của ong chúa và các ấu trùng ong. Sữa ong chúa là một loại thực phẩm quý được sản xuất bởi những chú ong thợ. Trong y học, Sữa ong chúa có tác dụng làm đẹp da, làm chậm quá trình lão hóa, giúp vết thương nhanh lành, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cải thiện khả năng sinh sản,...
Mặc dù là một loại thảo dược có rất nhiều công dụng hữu ích, việc dùng Sữa ong chúa sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của Sữa ong chúa cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.
Thông tin chung
- Tên tiếng Việt: Sữa ong chúa
- Tên tiếng Anh: Royal jelly
- Họ: Ong mật
- Công dụng: làm đẹp da, làm chậm quá trình lão hóa, giúp vết thương nhanh lành, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cải thiện khả năng sinh sản,...
Mô tả tính chất Sữa ong chúa
Sữa ong chúa là một chất lỏng hơi sền sệt tương tự như bơ. Đây là sản phẩm được những con ong thợ trên 7 ngày tuổi sản xuất ra và được chứa trong ổ riêng để làm thức ăn cho ong chúa và những con ấu trùng non được lựa chọn để phát triển thành ong chúa. Chính vì thế mà gây ra sự khác biệt giữa ong chúa và ong thợ: Tuổi thọ của ong chúa khoảng 5-6 năm, gấp 40 lần so với ong thợ là chỉ sống được từ 30-40 ngày.
Vào thời gian sinh sản, ong chúa có thể để lên đến 2000 quả trứng trong 1 ngày (lớn hơn cả trọng lượng cơ thể của nó). Kích thước cơ thể của ong chúa lớn gấp rưỡi ong thợ, không có giỏ phấn hoa trên chân sau của mình và cũng không có tuyến sáp như ong thợ.
Vai trò của ong chúa là duy trì nòi giống và ổn định tổ chức trong tổ do vậy nó có hình dạng cơ thể thích hợp với vai trò đó.
Kết cấu: Chất lỏng, hơi sền sệt, mịn
Màu sắc: Màu trắng ngà, trong hoặc ngả vàng giống như màu bơ
Mùi vị: Sữa ong chúa thường có vị lờ lợ, hơi chua, khi bỏ vào miệng sẽ tan ngay
Phân bố, thu hoạch và chế biến
Phân bố: Những con ong cổ đại này xuất thân từ châu Á khoảng 300.000 năm trước đây sau đó lan rộng sang châu Âu và châu Phi. Cây tiến hóa xây dựng từ trình tự các bộ gene không ủng hộ quan điểm cho rằng ong mật có nguồn gốc từ châu Phi. Số lượng ong mật đã và đang chịu ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu. Ong mật là loài côn trùng thụ phấn hàng đầu, ít nhất một phần ba số lượng thực phẩm con người sử dụng hàng ngày là sản phẩm cây trồng được thụ phấn bởi loài ong.
Thu hoạch và chế biến: Chuẩn bị các khay chứa các mũ chúa giả được làm bằng sáp ong hoặc cao su. Mỗi mũ chúa giả được nhỏ vào một giọt sữa ong chúa pha loãng với nước cất.
Dùng que gắp chuyên dụng, gắp các ấu trùng ong non ở phần đáy của tổ ong và trong mũ chúa giả. Cẩn thận đặt ấu trùng ong nằm lên trên giọt sữa ong chúa đã được đổ vào ở bước trên.
Cẩn thận đặt các khay trên vào trong tổ ong. Khay cần được đặt vào chính giữa tổ ong và tách biệt với các khay chứa mật khác.
Sau thời gian 72 tiếng từ lúc bắt đầu cho khay chứa mũ chúa vào thì nên thu hoạch. Đây là thời điểm lượng sữa trong các mũ là nhiều nhất.
Nhấc các khay chứa mũ ong đã đầy sữa ra để chuẩn bị lấy sữa ong, cạo bỏ lớp sáp bên ngoài.
Gắp ấu trùng ong ra khỏi mũ chúa.
Dùng một chiếc thìa gỗ lấy sữa ong ra khỏi mũ chúa, bỏ vào trong một chiếc hũ và bảo quản ngay trong tủ lạnh.
Thành phần hóa học
Thành phần hoá học trong sữa ong chúa rất phong phú và đa dạng với hàm lượng khác nhau. Bên cạnh đó, sữa ong chúa thu hoạch ở mỗi vùng khác nhau thì tỉ lệ phần trăm các nhóm chất thu được cũng khác nhau, nhưng thành phần chính hầu như không thay đổi.
Nước: hàm lượng nước trong sữa ong chúa khá ổn định với những nguồn thu hoạch ở nhiều nơi khác nhau, nó chiếm khoảng trên 60%.
Protein: Theo một số quan điểm, protein chiếm khoản 27-41% là một trong những phần quan trọng nhất của sữa ong chúa khô. Các axit amin có mặt với hàm lượng phần trăm cao nhất là: prolin, lysin, axit glutamic, p-alanin, phenylalanin, aspartate và serin.
Cacbonhydrat: Chiếm khoảng 30% trong sữa ong chúa khô.
Axit 10-hydroxy-2-decenoic (10-HDA): Đây là thành phần quan trọng nhất của sữa ong chúa, đồng thời cũng là hoạt chất đặc hiệu để phân biệt thật giả và đánh giá chất lượng của sữa ong chúa. Ở một số nước phát triển, người ta quy định sản phẩm sữa ong chúa phải có hàm lượng 10-HDA tối thiểu là 1,4% với sữa ong chúa tươi và 5% với sữa ong chúa đông khô.
Các muối khoáng: chiếm khoảng 0,8-3% trong sữa ong chúa. Các khoáng chất này giảm dần theo thứ tự: K, Ca, Na, Mg, Zn, Fe, Cu và Mn.
Các vitamin: vitamin B1 (thiamin), vitamin B2 (riboflavin), axit pantothenoic, biotin, niacin, axit folic, inositol, axetincolin, một lượng nhỏ vitamin C.
Tác dụng của Sữa ong chúa
Ngăn ngừa ung thư
Hoạt chất kháng sinh tự nhiên cùng với chất chống oxy hóa trong sữa ong chúa kết hợp với nhau giúp bạn sở hữu vũ khí ngăn ngừa ung thư cực kỳ hữu hiệu. Chúng giúp bảo vệ các tế bào khỏe mạnh bằng cách ngăn chặn hoạt động của Bisphenol A – một chất gây ung thư thường được sử dụng sản xuất đồ nhựa.
Sữa ong chúa bồi bổ sức khỏe
Sữa ong chúa chứa nhiều dưỡng chất, đặc biệt là protein và các loại axit béo. Nó giúp bồi bổ sức khỏe cho người có cơ thể gầy yếu, bệnh nhân mới ốm dậy và người cao tuổi. Những đối tượng này sử dụng sữa ong chúa thường xuyên sẽ giúp cơ thể mau chóng bình phục và có được sức khỏe tốt hơn.
Hỗ trợ giảm cân an toàn
Sữa ong chúa chính là một thực phẩm lý tưởng cho người bị béo phì. Nó giúp hỗ trợ giảm cân an toàn bằng cách làm giảm đường huyết và đốt cháy các tế bào mỡ dư thừa trong máu.
Nếu đang trong quá trình ăn kiêng để giảm cân, bạn nên thêm sữa ong chúa vào trong thực đơn.
Làm chậm quá trình lão hóa
Sữa ong chúa cung cấp nguồn chất chống oxy hóa cực mạnh, bao gồm phenolic, các loại axit béo và 20 loại axit amin. Những chất này giúp làm chậm quá trình lão hóa, kéo dài tuổi xuân cho chị em phụ nữ bằng cách tiêu diệt các gốc tự do trong cơ thể. Qua đó, ngăn ngừa sự hình thành của các vết sạm, nám, tàn nhang, đồi mồi hay các nếp nhăn trên da.
Ngoài ra, nhờ có khả năng chống oxy hóa mà sữa ong chúa còn giúp làm giảm nguy cơ bị bệnh thoái hóa điểm vàng, bảo vệ thị lực và sức khỏe cho đôi mắt.
Cải thiện sức khỏe tim mạch
Dùng sữa ong chúa có tác dụng làm giảm cholesterol xấu trong máu nhờ vào một số loại protein được tìm thấy từ loại thực phẩm này. Thực tế, nghiên cứu khoa học cũng đã chỉ ra nếu duy trì ăn 3g sữa ong chúa mỗi ngày trong 60 ngày liên tục có thể giúp giảm 11% lượng cholesterol toàn phần và 4% LDL ( cholesterol xấu ).
Đặc biệt, sữa ong chúa còn giúp làm bền thành mạch, cải thiện độ đàn hồi của các mạch máu, đồng thời tăng cường chức năng co bóp của cơ tim. Điều này có thể giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý về tim mạch, chẳng hạn như đau thắt ngực, cao huyết áp, suy tim, xơ vữa động mạch…
Cải thiện sức khỏe sinh sản
Royalacin là một loại protein được tìm thấy trong sữa ong chúa. Nó giúp làm tăng khả năng thụ thai ở nữ giới và cải thiện sức khỏe sinh sản cho nam giới, đồng thời tăng cường sinh lực cho phái mạnh.
Nam giới sử dụng sữa ong chúa thường xuyên sẽ giúp cải thiện chất lượng tinh trùng, làm tăng khả năng sống sót và hoạt động của các chú tinh binh khi vào trong môi trường âm đạo. Chính vì vậy, các cặp vợ chồng đang bị vô sinh, hiếm muộn không nên bỏ qua thực phẩm quý này.
Ổn định huyết áp
Khi được hấp thu, một số loại protein nhất định trong sữa ong chúa sẻ giúp làm giảm huyết áp bằng cách làm giãn nở các mạch máu và khiến các cơ trơn ở động mạch và tĩnh mạch được thư giãn. Chính vì vậy mà bệnh nhân bị cao huyết áp được khuyên nên sử dụng thực phẩm này điều độ hàng ngày để ổn định huyết áp trong cơ thể, ngăn ngừa nguy cơ bị đột quỵ.
Làm giảm đường huyết
Đây cũng là một trong những công dụng của sữa ong chúa mà người bệnh tiểu đường không nên bỏ qua. Nghiên cứu ở những người khỏe mạnh ăn sữa ong chúa đều đặn đã ghi nhận, lượng đường trong máu họ khi đang đói bụng đã giảm xuống đến 20%. Sữa ong chúa giúp giảm đường huyết bằng cách làm tăng độ nhạy của insulin và cân bằng quá trình oxy hóa trong cơ thể.
Sữa ong chúa giúp chống viêm da, làm vết thương nhanh lành
Sữa ong chúa có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm tự nhiên. Nó giúp chống lại phản ứng viêm nhiễm trên da, đồng thời kích thích sản xuất collagen và các tế bào da mới, tạo điều kiện để tổn thương trên da nhanh được chữa lành mà không để lại sẹo xấu.
Liều lượng và cách dùng Sữa ong chúa
Liều dùng ở người lớn: Người trưởng thành có thể ăn sữa ong chúa 1 – 2 lần/ngày, mỗi lần một thìa cà phê. Bệnh nhân bị suy nhược cơ thể, người gầy yếu nên sử dụng một liệu trình kéo dài liên tục từ 3 – 4 tuần để cải thiện sức khỏe.
Liều dùng ở trẻ em: Do sữa ong chúa có chất kích thích phát dục sớm nên thực phẩm này chỉ được khuyến cáo cho trẻ trên 15 tuổi có biểu hiện bị suy dinh dưỡng, người còi cọc, ốm yếu hoặc biếng ăn. Liều dùng cho bé là 1 thìa mỗi ngày.
Bài thuốc chữa bệnh từ Sữa ong chúa
Dưỡng da mặt: Xoa một lớp mỏng sữa ong chúa lên mặt mỗi ngày sau đó mát xa rồi để khô ít nhất 30 phút rửa sạch. Thực hiện đều đặn hàng ngày có tác dụng hết mụn cám, trứng cá, lỗ chân lông se laị và dùng 1 thời gian sẽ thấy hết tàn nhang.
Làm trẻ hóa làn da: Dùng khoảng sữa ong chúa 5~10g/ ngày, sau đó pha loãng với nước rồi uống, hoặc pha chung với nước mật ong, liên tục trong 40 ngày sẽ giúp thân thể phục hồi được tuổi xuân, da dẻ hồng hào, mịn màng.
Làm đẹp da buổi tối: Sử dụng khoảng 50mg sữa ong chúa, một lòng đỏ trứng gà, một muỗng mật ong tốt hòa tan xoa đều lên da mặt vào buổi tối, làm 7 tối liên tiếp là một liệu trình. Làm 3 liệu trình như vậy da mặt trở nên bóng láng, mịn màng. Sau đó nghỉ một liệu trình (7 ngày) rồi lại làm tiếp tục đến khi da đỏ hồng lên thì nghỉ. Tối nào cũng xoa mặt như trên sẽ ngủ tốt, cảm thấy da mặt nhẹ nhàng. Để cả đêm, sáng dậy sớm lại rửa bằng nước ấm.
Lưu ý khi sử dụng Sữa ong chúa
Không dùng sữa ong chúa trong các trường hợp sau:
Bệnh nhân bị hen suyễn: Những đối tượng này sử dụng sữa ong chúa có thể khiến bệnh tái phát hoặc làm các triệu chứng thêm trầm trọng, nhất là khi ăn sữa ong chúa dạng tươi hoặc nguyên chất.
Phụ nữ bị ung thư vú: Thực phẩm này làm tăng lượng nội tiết tố estrogen trong cơ thể. Điều này có thể tốt cho phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh nhưng lại kích thích khối u ác tính ở vú phát triển nhanh hơn. Vì vậy mà bệnh nhân nữ đang bị ung thư vú không nên dùng sữa ong chúa để tẩm bổ sức khỏe.
Người có tiền sử bị dị ứng với phấn hoa hoặc mật ong: hầu hết các trường hợp bị dị ứng với phấn hoa và mật ong thì các phản ứng dị ứng nghiêm trọng như nổi mề đay ngứa toàn thân, khó thở, sốc phản vệ cũng có thể xảy ra sau khi ăn sữa ong chúa.
Phụ nữ mang thai: Một số chất trong sữa ong chúa có thể kích thích tử cung co lại. Hậu quả là không gian phát triển của em bé trong bụng bị thu hẹp lại và chị em cũng có nguy cơ bị xảy thai, sinh non cao.
Bệnh nhân bị huyết áp thấp: Theo như những công dụng của sữa ong chúa đã được đề cập ở trên thì thực phẩm này có tác dụng làm giảm huyết áp. Do vậy nó không thích hợp cho người bị bệnh huyết áp thấp.
Người đang bị nóng sốt hoặc mắc bệnh truyền nhiễm: Bệnh có thể kéo dài lâu khỏi nếu người bệnh được cho dùng sữa ong chúa.
Người đang bị tiêu chảy, đau bụng đi ngoài: Bên cạnh các dưỡng chất có lợi, sữa ong chúa có thể còn lưu lại một ít chất độc của nọc ong. Người đang bị tiêu chảy, đau bụng đi ngoài khi ăn vào có thể khiến tình trạng rối loạn tiêu hóa thêm nghiêm trọng.
Bảo quản Sữa ong chúa
Sữa ong chúa nguyên chất (dạng tươi) sẽ bị hỏng ở nhiệt độ thường nên chỉ dùng tối đa trong vòng 2 - 5 ngày. Nhiệt độ thích hợp để bảo quản sữa ong chúa nguyên chất là từ 0 - 5 độ C, do đó bạn nên cất sữa ong chúa trong ngăn mát tủ lạnh và dùng trong vòng 6 tháng.
Sữa ong chúa đã được sản xuất dưới dạng biệt dược có tên là Apilat, Apilarnil, Vita – apinol,... Viện Bảo vệ sức khỏe người cao tuổi đã thử nghiệm trên lâm sàng thuốc bổ ” Sữa ong chúa – đinh lăng” thấy có tác dụng tốt làm ăn ngon, dễ ngủ, đỡ mỏi mệt, tăng cân, tăng lực cơ, giảm cholesterol. Sữa ong chúa còn được chế biến thành bột ở dạng đông khô và đóng thành viên. Tuy là loại thuốc bổ dưỡng quý hiếm, nhưng sữa ong chúa lại cung cấp cho cơ thể lượng nhiệt năng rất lớn, nên khi dùng phải tuân thủ nghiêm ngặt liều lượng, thời gian điều trị, nhất là đối với người có bệnh cao huyết áp, bệnh về huyết quản. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp ích cho việc tham khảo của bạn đọc.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm