lcp

Táo ta có tác dụng gì? Món ngon và vị thuốc từ táo ta


Táo chua hay táo ta là một loại cây ăn quả không còn xa lạ gì đối với người dân Việt Nam. Trong quả táo có chứa nhiều vitamin C bổ sung cho cơ thể. Tuy nhiên có lẽ nhiều người không biết táo ta cũng là một vị thuốc có tác dụng điều trị bệnh. Để người dùng hiểu rõ hơn về cây táo ta và tác dụng điều trị bệnh của nó, mời bạn đọc tham khảo thông tin trong bài viết dưới đây. 

Tìm hiểu về cây táo ta

Táo ta hay táo chua là loại cây ăn quả của vùng nhiệt đới, thuộc về họ Táo với tên khoa học là Ziziphus mauritiana Lamk Rhamnaceace. Tại Trung Quốc, nó được gọi là táo chua, táo Ấn Độ hay táo Điền, táo gai Vân Nam.

Táo chua thường sống ở vùng nhiệt đới. Loại táo này có nguồn gốc bắt nguồn từ Châu Phi. Sau này, táo ta phát triển rộng ra các nước nhiệt đới khác. Tại Việt Nam, cây táo được trồng và mọc hoang ở khắp mọi nơi, trừ ở khu vực vùng núi cao có khí hậu cận nhiệt đới.

Mô tả cây táo ta

Cây táo là một loại cây nhỏ, có gai. Cây táo ta cao từ 6-8m. Đây là một cây ưa ẩm và ưa sáng. Cây phát triển mạnh vào mùa mùa. Đối với những cây mọc hoang, nó có thể sống và phát triển trong điều kiện khô hạn. 

táo ta

Táo ta là một loại trái cây quen thuộc

Vỏ của thân cây táo thường nứt nẻ. Cành cây táo thường phát triển theo hướng nằm ngang, buông thõng xuống. Trên bề mặt cành non thường có một lớp lông mềm, nhưng nhẵn bóng khi cành già. 

Lá cây táo ta có hình bầu dục hoặc hình trái xoan. Lá có chiều dài từ 2.5-7cm, rộng từ 1.5-5.5cm. Mặt trên của lá có màu xanh đậm và nhẵn. Mặt dưới của lá có màu xanh nhạt hơn, có lông. Mép lá có răng cưa, gân lá nổi rõ ở mặt dưới. Lá mọc so le nhau, cuống của lá dài từ 7-10mm. 

Hoa táo màu trắng, mọc thành xim ở các kẽ lá. Quả có màu xanh, khi táo chín quả có màu vàng đến nâu. Vỏ ngoài nhẵn, cùi quả dày, có vị ngọt. Hạt có bề mặt xù xì và rất cứng. Trong hạt táo có nhân hạt. Mùa hoa táo là từ tháng 6 đến tháng 8.

Thu hái, chế biến và bảo quản táo chua

Táo ta có nguồn gốc Châu Phi, sau phát triển rộng ra các nước nhiệt đới khác. Ở Việt Nam, táo ta được trồng ở khắp mọi nơi, trừ vùng núi cao có khí hậu cận nhiệt đới.

Quả táo bắt đầu chín vào tháng 11, 12. Khi vỏ quả chuyển sang màu vàng là có thể thu hoạch được. Nếu thu hoạch quá sớm khi quả còn non thì khi ăn sẽ còn vị đắng, nhớt, còn quả già sẽ có vị chua nhiều do lên men.

Quả được thu hái bằng tay, trung bình một cây có thể thu được 50 đến 200 kg.

Quả táo có thể ăn lúc xanh hoặc chín, hoặc có thể dùng sau khi phơi sấy khô. Muốn thu hoạch toan táo nhân (phần thịt bên trong hạt táo) thì đập vỡ vỏ hạt để lấy nhân rồi phơi khô.

Bộ phận dùng của táo ta

Bộ phận dùng của táo ta là vỏ cây, lá cây, quả và hạt táo.

Giá trị dinh dưỡng của táo ta

Trong quả táo ta có chứa rất nhiều vitamin. Cứ 1 lạng táo ta sẽ có chứa từ 400 – 600 vitamin C. Hàm lượng này cao hơn 7 đến 10 lần lượng vitamin C có trong quả cam, quýt. Lượng vitamin C có trong táo ta còn cao hơn 100 lần so với táo tàu đỏ.

tác dụng của táo ta

Quả táo có chứa nhiều vitamin C

Tác dụng của táo ta

Tốt cho da : Vitamin C có trong táo có tác dụng làm tăng sức đề kháng, chống oxy hóa tốt cho sức khỏe và làn da. Người ta đã dùng chiết xuất của nước ép táo để chăm sóc da với các công dụng: làm giảm nếp nhăn, khô, đỏ, sưng, khắc phục làn da bị cháy nắng và giúp da luôn khỏe đẹp.

Chữa chứng thiếu máu: Táo ta rất tốt cho những người bị thiếu máu, bị thiếu các vitamin và giảm mức hemoglobin. 

Chữa chứng trầm cảm

Nhân táo đem đi sao đen được dùng để làm thuốc an thần, có tác dụng chữa suy nhược thần kinh, tim hồi hộp, trẻ em hay đổ mồ hôi trộm hoặc người lớn đổ nhiều mồ hôi. Đặc biệt, táo ta được xem như thuốc bổ não, có nhiều dược tính tốt. Tuy nhiên không nên sử dụng hạt sống, vừa không có tác dụng, vừa gây thêm chứng đầy trướng tỳ vị.

Tốt cho xương khớp: Trong táo có chứa  canxi, magiê và phốt pho giúp cho xương và răng của bạn chắc khỏe hơn.

Ngăn ngừa táo bón: Trong quả táo có chứa axit chlorogenic có khả năng loại bỏ axit oxalic ra khỏi cơ thể. Nhờ đó, ăn táo giúp làm tăng cảm giác ngon miệng và ngăn ngừa chứng táo bón, bình thường hóa hoạt động của gan, dạ dày, ruột và tuyến tiêu hóa. 

Tăng cường hệ miễn dịch: Táo có chứa từ 18-24 axit amin thiết yếu cùng nhiều vitamin A, C và carotene, kali giúp củng cố hệ miễn dịch của cơ thể. Ăn nhiều táo giúp tránh cảm lạnh và ho. Chất nhầy có trong táo có tác dụng trị những cơn đau họng.

tác dụng của táo chua

Táo ta có tác dụng trong điều trị nhiều loại bệnh khác nhau

Một số món ăn và vị thuốc từ táo ta

Món ăn ngon từ táo ta

  • Táo nhúng caramen: Đem táo rửa sạch, cắt bỏ cuống, dùng que tre ngắn cắm vào giữa lõi táo. Sau đó đun nóng đường với nước lọc cho đến khi chuyển màu cánh gián để làm caramen. Cuối cùng nhúng táo vào sốt caramen và cho ra đĩa.
  • Salad táo thịt gà: Ức gà cắt miếng rồi đem ướp với muối, tiêu và hạt nêm rồi chiên vàng. 200gr táo cắt thành múi cau mỏng, 50gr cần tây cắt khúc, 50gr cà chua bi cắt đôi, 2 muỗng canh sữa chua không đường, 2 muỗng canh dầu ô-liu, 2 muỗng canh dầu giấm. Sau đó, nêm thêm ít muối và tiêu. Tất cả trộn đều và thưởng thức là được. 
  • Thịt ba chỉ cuộn táo: Thịt ba chỉ cắt thành từng miếng mỏng dài. Đem ướp thịt với hạt nêm, tiêu, ít đường. Táo đem rửa sạch, cắt thành múi cau. Cuộn chặt miếng ba chỉ xung quanh từng miếng táo. Dùng tăm que xiên để giữ chặt. Sau đó đem đi nướng chín hoặc chiên bằng bơ. 
  • Sườn heo nấu táo: Ướp sườn đã cắt khúc với muối, hạt nêm, đường. Xào sơ sườn và cho nước vào hầm. Sườn gần mềm thì cho táo nguyên trái và bắp non vào hầm cùng. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Chú ý thêm chút tiêu, ngò cho thơm và đẹp mắt.
  • Tôm sú chiên giòn sốt táo: Tôm đem đi sơ chế rồi đem chiên. Táo đem đi ép lấy nước. Sau đó đun nóng chút bơ, cho nước ép táo vào nêm muối, đường vừa ăn và thêm 1 muỗng canh bột bắp tạo độ sánh. Rưới phần sốt lên trên tôm chiên và thưởng thức.
món ăn từ táo ta

Món táo nhúng caramen ngon tuyệt

Vị thuốc từ táo ta

  • Chữa mất ngủ, thần kinh suy nhược: Chuẩn bị 6g Toan táo nhân đã sao đen, 5g phục linh, 3g xuyên khung, 4g tri mẫu, 2g cam thảo. Đem tất cả sắc với 600ml nước cho đến khi còn 200ml. Lấy nước sắc chia uống 3 lần trong ngày.
  • Chữa đổ mồ hôi trộm: Lấy toan táo nhân, nhân sâm, phục linh với liều lượng bằng nhau. Đem đi nghiền thành bột mịn. Mỗi lần uống nửa chén nhỏ thuốc với nước cháo.
  • Chữa hồi hộp, bồn chồn, hay hoảng hốt, ngủ mê sảng: Dùng toan táo nhân (sao đen) 12g, long nhãn, mạch môn, hạt sen, sinh địa và thảo quyết minh mỗi thứ 12g. Tất cả đem đi sắc nước hoặc làm viên để uống trong ngày. 
  • Chữa hen: Lấy 200 đến 300g lá táo đem sao vàng rồi sắc uống. 3 bát nước sắc còn 1 bát. Chia thuốc đã sắc làm 2 lần uống trước bữa ăn 1 giờ. Uống liên tục trong vòng 1 tuần đến 2 tháng.
  • Viên ngậm chữa hen: Trong một viên có 20mg cao lá táo, 1mg cao cà độc dược, 0.5mg cao gừng, 2mg cao trần bì và tá dược vừa đủ. Mỗi ngày ngậm từ 1-5 viên.
  • Chữa ho gà: Lấy 300g lá táo, 300g lá chanh và 200g lá dâu. Tất cả đem đi phơi khô, tán thành bột mịn. Sau đó đem luyện với mật ong thành viên nhỏ như hạt đậu. Mỗi ngày uống khoảng 40 đến 60 viên, thuốc chia thành 2 lần uống. 

Trên đây là những thông tin về cây táo chua (táo ta) và tác dụng chữa bệnh của nó để bạn đọc tham khảo. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bài thuốc nào thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Tránh sử dụng thuốc bừa bãi gây ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của bản thân. 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Nguyên Đan

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Tôi là Nguyễn Hoàng Nguyên Đan, hiện đang là dược sĩ nhập liệu, quản lý lưu kho sản phẩm và biên soạn nội dung THUỐC tại ứng dụng MEDIGO. Với kiến thức đã học tại Đại học Y Dược TPHCM và hơn 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y dược, tôi mong muốn mang đến cho cộng đồng những kiến thức về thuốc và sức khỏe hữu ích nhất.