Tetracosactid
Tên chung quốc tế: Tetracosactide.
Mã ATC: H01A A02.
Loại thuốc: Thuốc chẩn đoán suy tuyến vỏ thượng thận.
Dạng thuốc và hàm lượng
Lọ 0,25 mg thuốc bột đông khô, màu trắng hoặc trắng ngà, kèm ống 1 ml dung môi, thường là dung dịch tiêm natri clorid 0,9% để pha tiêm.
0,25 mg tetracosactid tương ứng với 25 đơn vị corticotropin.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Tetracosactid là một polypeptid tổng hợp gồm có 24 acid amin đầu tiên trong số 39 acid amin của corticotropin. Tetracosactid có tác dụng dược lý tương tự như corticotropin, nhưng tính kháng nguyên (gây dị ứng) ít hơn, vì hoạt tính kháng nguyên của corticotropin là do các acid amin 25 -39, không có trong tetracosactid. Ở người có chức năng tuyến vỏ thượng thận bình thường, tetracosactid kết hợp với một thụ thể đặc hiệu trên màng tương của tế bào tuyến vỏ thượng thận, kích thích tổng hợp các steroid tuyến vỏ thượng thận (như cortisol, cortison, các androgen, và một lượng nhỏ aldosteron) từ cholesterol, do làm tăng hàm lượng cholesterol trong ty thể. Tăng liều tetracosactid khi tiêm bắp hoặc tĩnh mạch sẽ làm tăng thời gian tiết cortisol. Tiêm truyền tĩnh mạch trong thời gian dài (4 – 8 giờ) vào những ngày sau khi đã tiêm bắp hoặc tĩnh mạch, sẽ làm tăng đáp ứng của tuyến vỏ thượng thận với tetracosactid. Tetracosactid không làm tăng có ý nghĩa nồng độ cortisol trong huyết tương ở người bị suy tuyến vỏ thượng thận tiên phát hoặc thứ phát.
Để chẩn đoán suy tuyến vỏ thượng thận, định lượng nồng độ cortisol trong huyết tương trước và sau khi tiêm bắp hoặc tĩnh mạch tetracosactid 30 - 60 phút. Nếu nồng độ cortisol trong huyết tương sau khi tiêm tetracosactid tăng không có ý nghĩa so với trước khi tiêm, thì bệnh nhân bị suy tuyến vỏ thượng thận (ví dụ, bệnh Addison).
Dược động học
Khi uống, tetracosactid bị các enzym thuỷ phân protein ở đường tiêu hoá làm mất hoạt tính. Tetracosactid hấp thu nhanh khi tiêm bắp. Sau khi tiêm bắp hoặc tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch (thời gian tiêm khoảng 2 phút), nồng độ cortisol trong huyết tương bắt đầu tăng lên sau 5 phút và tăng lên gấp đôi sau 15 – 30 phút. Nồng độ đỉnh cortisol trong huyết tương đạt được sau 1 giờ và bắt đầu giảm sau 2 – 4 giờ.
Sự phân bố và chuyển hoá của tetracosactid còn chưa rõ, nhưng đã biết, thuốc chuyển từ huyết tương vào các mô khá nhanh. Tetracosactid không qua được hàng rào nhau thai.
Chỉ định của Tetracosactid
Tetracosactid được dùng để chẩn đoán suy tuyến vỏ thượng thận. Thuốc dùng tốt hơn ACTH, vì ít gây dị ứng hơn và dung nạp tốt hơn. Nhiều người bệnh dị ứng với ACTH, hoặc đã có tiền sử dị ứng với ACTH, lại có thể dung nạp được tetracosactid.
Chống chỉ định của Tetracosactid
Không dùng tetracosactid để điều trị theo kiểu corticosteroid.
Người dị ứng với tetracosactid hoặc các thành phần khác có trong thuốc.
Các trạng thái nhiễm khuẩn, nhiễm vi rút, tiêm chủng vacxin sống.
Thận trọng khi dùng Tetracosactid
Hầu hết bệnh nhân dị ứng với corticotropin lại không dị ứng với tetracosactid. Tuy nhiên, đã thấy có phản ứng chéo giữa corticotropin và tetracosactid. Vì vậy, những trường hợp đã dị ứng với corticotropin, khi dùng tetracosactid phải rất thận trọng.
Chưa có đủ số liệu về sử dụng tetracosactid cho trẻ em. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa thấy có phản ánh về những tai biến đặc biệt khi dùng cho trẻ em. Khi điều trị lâu dài đối với trẻ, cần phải theo dõi siêu âm tim đều đặn vì có thể xảy ra (tuy ít) phì đại cơ tim có khả năng hồi phục, cần phải theo dõi phát triển thể lực của trẻ. Trong khi điều trị cần tránh tiếp xúc với người bị thuỷ đậu, sởi và những bệnh khác do virut.
Thời kỳ mang thai
Chưa có đủ số liệu nghiên cứu ở người mang thai; vì vậy không nên sử dụng cho người mang thai.
Thời kỳ cho con bú
Còn chưa xác định được xem thuốc có tiết vào sữa hay không.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Nếu dùng tetracosactid để điều trị, thuốc có thể gây ra các tác dụng không mong muốn (ADR) giống như trong liệu pháp corticosteroid, cùng một số phản ứng dị ứng đặc thù. Nếu dùng để chẩn đoán, các ADR có thể như sau:
Ít gặp, 1/1000<ADR<1/100
Dị ứng: Mẩn đỏ và đau ở chỗ tiêm, sốt nhẹ, ngứa.
Tiêu hoá: Buồn nôn, nôn.
Hiếm gặp, ADR<1/1000
Phản ứng phản vệ: Hoa mắt, chóng mặt, bứt rứt, trằn trọc, cơn co giật, mạch đập yếu, thở khò khè, rối loạn hô hấp, sốc phản vệ.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Phải chuẩn bị sẵn các thuốc và các trang bị hồi sức cấp cứu, hô hấp nhân tạo như epinephrin, corticosteroid, dịch truyền, oxygen... để xử trí kịp thời khi xảy ra phản ứng quá mẫn.
Liều lượng và cách dùng của Tetracosactid
Liều dùng: Người lớn và trẻ em trên 2 tuổi dùng 0,25 mg. Trẻ em dưới 2 tuổi dùng 0,125 mg.Trong một nghiên cứu ở trẻ sơ sinh đã dùng đến liều 0,015 mg/kg, tiêm bắp.
Cách dùng:
Cách pha chế: Để tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch trực tiếp, lấy 1 ml trong ống dung môi kèm theo, cho vào lọ có 0,25 mg thuốc bột, lắc nhẹ cho đến tan hoàn toàn, rồi tiêm. Để tiêm truyền tĩnh mạch, sau khi pha thành dung dịch 0,25 mg thuốc trong 1 ml dung môi, cho thuốc vào dung dịch tiêm glucose 5% hoặc dung dịch natri clorid 0,9%.
Đường dùng: Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch trực tiếp. Nếu tiêm tĩnh mạch, phải tiêm chậm trong thời gian 2 phút.
Truyền tĩnh mạch trong thời gian 4 – 8 giờ. Cách làm thông thường là truyền 0,04 mg trong 1 giờ, và khoảng 6 giờ thì truyền xong.
Các thông số về nồng độ cortisol trong huyết tương người bình thường
Nồng độ cortisol vào buổi sáng là trên 5 microgam/100 ml.
Nồng độ cortisol sau khi tiêm tetracosactid 30 phút tăng ít nhất 7 microgam /100 ml so với trước khi tiêm.
Nồng độ cortisol sau khi tiêm tetracosactid 30 phút là trên 18 microgam /100 ml.
Nồng độ cortisol sau khi tiêm tetracosactid 60 phút phải lớn hơn 2 lần và thường tăng 11 microgam /100 ml cao hơn trị số cortisol trước khi tiêm.
Đánh giá kết quả
Chẩn đoán nhanh suy tuyến vỏ thượng thận: Định lượng cortisol trong huyết tương trước và lúc 30 phút hoặc 60 phút sau khi tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch tetracosactid. Nếu nồng độ cortisol thấp hơn có ý nghĩa so với các thông số đã ghi ở trên, thì có thể kết luận là bị suy tuyến vỏ thượng thận.
Nếu còn nghi ngờ, nên tiến hành thêm cách chẩn đoán chậm suy tuyến vỏ thượng thận như sau: Định lượng cortisol trong huyết tương trước và sau khi truyền tĩnh mạch xong tetracosactid. Nếu nồng độ cortisol dưới mức bình thường, thì có thể kết luận là bị suy tuyến vỏ thượng thận.
Đánh giá bệnh căn của suy tuyến vỏ thượng thận (đánh giá suy tuyến vỏ thượng thận tiên phát hoặc thứ phát): Sau khi đã tiêm tetracosactid lần thứ nhất, thấy bệnh nhân bị suy tuyến vỏ thượng thận, tiến hành tiếp một trong 2 cách như sau:
Tiêm bắp 40 đvqt corticotropin cho bệnh nhân, ngày 2 lần, trong 4 ngày; hoặc 60 đvqt, ngày 2 lần, trong 3 ngày; sau đó, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch một liều tetracosactid thứ 2. Định lượng cortisol, nếu nồng độ cortisol sau lần tiêm thứ 2 không tăng hoặc tăng ít, thì bệnh nhân bị suy tuyến vỏ thượng thận tiên phát; nếu nồng độ cortisol tăng cao hơn có ý nghĩa hoặc thậm chí bình thường, thì người bệnh bị suy tuyến vỏ thượng thận thứ phát.
Cách thứ hai là truyền tĩnh mạch liều corticotropin của một ngày trong 8 giờ, liền trong 4 – 5 ngày; sau đó, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch một liều tetracosactid thứ 2. Định lượng cortisol và đánh giá như trên.
Tương tác thuốc
Với corticosteroid, glucocorticoid (trừ dexamethason, betamethason, prednison) đặc biệt là cortison, hydrocortison sẽ gây tăng nồng độ cortisol làm sai kết quả xét nghiệm; vì vậy, không được dùng trong những ngày thử nghiệm.
Estrogen có thể làm tăng nồng độ cortisol trong huyết tương; do đó, không được dùng trong ngày thử nghiệm.
Chất chuyển hoá của spironolacton cũng có huỳnh quang. Vì vậy, nếu định lượng cortisol bằng phép đo huỳnh quang thì không được dùng spironolacton. Còn nếu định lượng bằng phương pháp miễn dịch phóng xạ, thì dùng được.
Nếu nồng độ bilirubin trong huyết tương tăng hoặc có hemoglobin tự do, sẽ cho kết quả sai, khi định lượng cortisol bằng phương pháp huỳnh quang.
Độ ổn định và bảo quản
Lọ thuốc bột chưa dùng được bảo quản ở 15 – 30oC (có tài liệu ghi ở 2 – 8oC), tránh ánh sáng, trừ khi có hướng dẫn thêm của nhà sản xuất. Sau khi pha 0,25 mg với 1 ml dung môi kèm theo, dung dịch thuốc ổn định trong 24 giờ ở nhiệt độ trong phòng, hoặc trong 21 ngày ở tủ lạnh 2 – 8oC, nếu pH 5,5 – 7,5. Trường hợp pha loãng hơn, dung dịch thuốc ổn định trong 12 giờ ở nhiệt độ phòng, nếu pH 5,5 – 7,5.
Tương kỵ
Thuốc mất hoạt tính, nếu có enzym, máu hoặc huyết tương. Vì vậy, không được cho thuốc vào dịch có thành phần trên để tiêm hoặc truyền.
Quá liều và xử trí
Khi quá liều, có thể có hiện tượng giữ nước và muối, kèm theo tăng natri huyết và giảm kali huyết.
Ngộ độc cấp không mấy khi xảy ra vì thuốc ở dạng tiêm. Nhưng nếu xảy ra, phải cho nhập viện ngay. Không có thuốc điều trị đặc hiệu. Điều trị theo triệu chứng.
Nguồn tài liệu tham khảo: Dược thư quốc gia 2018
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm