lcp

Thạch hộc là gì? Tác dụng và vị thuốc từ cây Thạch hộc


Thạch hộc là loài cây cảnh thuộc họ Lan, tuy nhiên đây cũng là vị thuốc quý được dùng từ ít nhất 2000 năm về trước để điều trị bệnh. Trên thực tế, nó đã được tìm thấy trong Thần Nông Bản Thảo Dược được ghi chép từ thời Chiến Quốc từ 2300 – 2780 năm về trước. Vậy tác dụng của thạch hộc là gì? Cùng Medigo tìm hiểu ngay sau đây nhé.

Mô tả dược liệu Thạch hộc

Thạch hộc còn có nhiều tên gọi khác như kim thạch hộc, hoàng thảo cẳng gà, kép thảo, co vàng sao, hoàng thảo dẹt, kim thoa hoàng thảo, lan phi điệp, phi điệp kép, huỳnh thảo… Danh pháp khoa học của loài cây này là Herba Dendrobii (Dendrobium nobile Lindl. Orchidaceae). Thạch hộc thuộc chi lan hoàng thảo, là dược liệu quý hiếm với khoảng 1.000 loài khác nhau trên thế giới.

Đặc điểm sinh thái

Thạch hộc là loài cây thảo dược lâu năm, thân cây có chiều cao từ 10 – 60cm, chia thành nhiều đốt, đốt càng về phía ngọn thì càng gần nhau, độ dày khoảng 1,3cm, bề mặt có rãnh dọc, gốc hẹp và núm hơi dày.

Lá cây mọc ra từ các đốt ở thân, không có cuống mọc thành hai hàng song song, hình dạng elip hoặc thuôn dài, chiều rộng từ 1 – 3cm, chiều dài từ 6 – 12cm, nhẵn bóng ở hai mặt. Hoa mọc thành cụm từ 1 – 4 hoa, đường kính lên đến 8cm, cánh hoa có đỉnh màu tím, với lớp màng màu trắng và pha chút màu tím nhạt, hoa to gồm 3 cánh hoa, 3 lá đài. Quả thuôn dài hình thoi. Mùa hoa nở từ tháng 3 – 4, mùa quả từ tháng 5 – 6.

Lan phi điệp ưa các khu vực đỉnh vách đá dựng đứng, trong các khu rừng kín thường xanh và trên núi đá vôi của những rừng cây lá rộng ẩm. Vì vậy mà cây cũng thường xuyên đón nhận ánh sáng mặt trời, mưa, hơi ẩm từ sương quanh năm. Nguồn gốc của cây là ở các đảo Thái Bình Dương, châu Á, Úc. Tại Việt Nam, cây thường được trồng ở những tỉnh miền núi phía bắc, còn ở phía nam thì người ta tìm thấy thạch hộc ở các vùng núi có độ cao từ 1.000m trở lên.

cây Thạch hộc

Thạch hộc là loài cây thảo dược lâu năm, thân cây có chiều cao từ 10 – 60cm

1.2 Bộ phận sử dụng

Thân cây là bộ phận chính được dùng làm vị thuốc của thạch hộc.

1.3 Thu hái, sơ chế, bảo quản

Cây được thu hái quanh năm, đặc biệt là từ tháng 6 – 10. Sau khi thu hoạch, người ta bỏ hết lá, gốc rễ và rửa sạch, mang đi đồ qua hơi nước rồi tiếp tục sấy hoặc phơi khô dưới ánh nắng mặt trời hay bằng lửa. Có thể chế biến dược liệu theo 3 cách là phong đấu, chế biến khô và chế biến tươi.

Thạch hộc sau khi chế biến sẽ được bảo quản ở nơi thoáng mát khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp và tránh ẩm mốc.

Thành phần hóa học

  • Trong cây thuốc thạch hộc người ta tìm thấy các thành phần hóa học gồm alkaloid 0,3% cùng với các thành phần được phân lập là 3-hydroxy-2-oxydendrobine, 4-hydroxydendroxine, dendrine, dendrobine, nobilonine, 6-hydroxydendrobine, dendramine, dendroxine, 6-hydroxydendroxine.
  • Ngoài ra một số tài liệu nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng dược liệu có chứa thành phần gồm 5 gốc amoni bậc bốn, gồm có N-methyldendrobinium, N-isopentenyldendrobinium, dendrobine N-oxide, và N-isopentenyl-6-hydroxydendroxinium.
  • Bên cạnh đó, cây cũng chứa các thành phần khác như daucosterol, β-sitosterol, denbinobin, nobilomethylene.

Tác dụng của Thạch hộc

Theo y học cổ truyền

Thạch hộc có vị mặn, hơi ngọt, tính hơi lạnh, quy vào 3 kinh là phế, vị và thận. Dược liệu có nhiều công dụng như hỗ trợ tiêu hóa, chỉ khát, sinh tân dịch, ích vị, thanh nhiệt, bổ âm.

Ngoài ra, theo Đông y thì dược liệu này còn có nhiều tác dụng khác như tăng cường sức lực, bổ dạ dày, bổ thận sinh tinh, bổ gan và mật, cải thiện thị lực, phòng tránh đục thủy tinh thể, giảm cân, kéo dài tuổi thọ.

Thạch hộc

Công dụng của thạch hộc theo y học cổ truyền

Theo y học hiện đại

  • Ức chế hô hấp, tăng đường huyết, hạ nhiệt, giảm đau: Trong dược liệu có chứa thành phần dendrobin. Khi được thử nghiệm trên thỏ cô lập cho thấy khả năng ức chế nhu động ruột, ức chế hô hấp, tăng đường huyết nhẹ, hạ nhiệt, giảm đau.
  • Ảnh hưởng đến thần kinh: 2 hoạt chất có trong dược liệu là nobulin và dendrobin có tác dụng khử cực thần kinh, gây ra hiện tượng co giật mạnh giống với strychnin.
  • Tăng cường hệ miễn dịch: Hàm lượng dồi dào polysaccarite có trong thạch hộc giúp nâng cao sức khỏe hệ miễn dịch.
  • Bổ tỳ và dạ dày: Một số tài liệu đã cho rằng lan phi điệp có công dụng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori gây viêm loét dạ dày.
  • Giảm lượng đường trong máu: Qua các nghiên cứu lâm sàng, thảo dược được cho là có khả năng thúc đẩy hoạt động của insulin, kiểm soát lượng đường trong máu ở mức bình thường.

Một số vị thuốc từ Thạch hộc

  • Trị viêm dạ dày: Giá đậu tươi, bắc sa sâm lông mỗi vị 16g; trúc nhự tươi, bạch biển đậu, hoa phấn, mạch môn, thạch hộc mỗi loại 12g. Dùng mỗi ngày 1 thang.
  • Trị suy nhược cơ thể sau khi sốt cao do nhiễm khuẩn: Sa sâm, tang diệp, mạch môn, thạch hộc mỗi vị 12g, ma hoàng 4g, ô mai 6g, ngọc trúc 8g, bạch truật 10g. Dùng mỗi ngày 1 thang.
  • Trị chóng mặt, hoa mắt, ù tai, đau lưng gối: Ngưu bàng tử, bạc hà, hạt tía tô, a giao mỗi loại 8g, kỷ tử 12g, thục địa 12g, thiên môn 12g, mạch môn 12g, thạch hộc 12g. Uống mỗi ngày 1 thang.
  • Trị chứng hay quên, ù tai, khó ngủ, hoa mắt chóng mặt, suy nhược thần kinh: 8g táo nhân, 8g cúc hoa, 8g địa cốt bì, 8g trạch tả, 12g mẫu lệ, 12g hạ khô thảo, 12g mạch môn, 12g sa sâm, 12g kỷ tử, 16g long cốt, 16g câu đằng, 12g thạch hộc. Dùng mỗi ngày 1 thang.
  • Trị thổ huyết, khô khát, người gầy sạm đen, âm hư hỏa bốc: Ngũ vị tử 3g, ngưu tất, thiên môn, sa sâm, đan sâm, thục địa, sinh địa, thạch hộc mỗi loại 16g. Sắc lấy nước uống 1 thang/ngày.
  • Điều trị người gầy mòn, chữa hư lao: Đỗ trọng, ngưu tất, kỷ tử, chích cam thảo, ngũ vị tử, mạch môn mỗi loại 4g; đảng sâm, thạch hộc mỗi loại 6g.
tác dụng của Thạch hộc

Một số vị thuốc từ thạch hộc

Lưu ý khi sử dụng Thạch hộc

  • Vị thuốc thạch hộc có độc tính rất thấp, dùng với liều thông thường có thể xem là không độc. Tuy nhiên có thể gây co giật nếu dùng quá liều. Một số nghiên cứu lâm sàng đã cho thấy nguy cơ gây viêm da dị ứng.
  • Theo y học cổ truyền của Trung Hoa thì có một số trường hợp không nên dùng là tỳ vị hư hàn, cảm mạo giai đoạn đầu.
  • Liều lượng sử dụng tham khảo là từ 8 – 16g dạng hoàn viên hoặc thuốc sắc.
  • Thường được kết hợp với ngưu tất, câu kỷ tử, sa sâm, đảng sâm để trị đau nhức xương; dùng với tỳ bà diệp, thiên môn, trần bì để trị ho.

Trên đây là một số thông tin về dược liệu thạch hộc mà Medigo tổng hợp được. Mong rằng bài viết này đã cung cấp cho bạn kiến thức hữu ích và đừng quên chia sẻ bài viết chia sẻ cho nhiều người cùng biết nhé. 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Ngô Ngọc Cẩm Tú

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Dược sĩ chuyên môn

Dược sĩ Ngô Ngọc Cẩm Tú có hơn 8 năm kinh nghiệm Dược, có chuyên môn sâu về tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc cho người bệnh, đánh giá chất lượng sản phẩm qua phản hồi của khách hàng, xây dựng và cập nhật các tài liệu nghiệp vụ của bộ phận.