lcp

Trạch Tả là cây gì? Tác dụng và bài thuốc từ Cây Trạch Tả


Trạch tả là thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền, thường mọc hoang dại ở các vùng nước nông hay khu vực ẩm ướt, nước ngọt, ví dụ như đầm lầy, bờ sông, bờ hồ.. Trạch tả được xếp vào nhóm thuốc ''lợi thủy thẩm thấp'' trong y học cổ truyền, có tác dụng rõ rệt như lợi tiểu, chữa thủy thũng và hỗ trợ trị bệnh gan. Để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Trạch tả cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng đọc thêm trong bài viết dưới đây.

trạch tả

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Cây Thủy tả, Hộc tả, (Bản Kinh), Mang vu, Cập tả (Biệt Lục), Vũ tôn, Lan giang, Trạc chi, Toan ác du, Ngưu nhĩ thái, Du (Hòa Hán Dược Khảo), Như ý thái (Bản Thảo Cương Mục). 
  • Tên khoa học: Alisma plantago aquatica L.
  • Họ: Thuộc họ Trạch tả (Alismataceae).
  • Công dụng: Bổ ngũ tạng, tiêu khát, thông tiểu và lợi nhiệt ở bàng quang, lâm lịch, tam tiêu.

Mô tả cây Trạch tả

Cây thảo cao 0,6 - 1 m. Thân rễ hình cầu hay hình con quay, nạc, màu trắng. Rễ trắng, mảnh, mọc thành cụm phân tán ăn sâu vào đất. Lá mọc thành cụm ở gốc. Phiến lá hình trái xoan hay hình trứng, mép nguyên lượn sóng, gân lá 5-7 hình cung.

Cụm hoa mọc trên một cán thẳng dài có khi đến 1m thành chùy có nhiều vòng hoa xếp thành tầng nhỏ dần về phía ngọn, mỗi tầng lại phân nhánh thành chùy nhỏ, lưỡng tính có 3 lá đài màu lục, 3 cánh hoa trắng hay hơi hồng, nhị nhiều lá noãn rời nhau, xếp xoắn ốc. Bầu nhiều ô xếp thành một vòng, mỗi ô có một noãn, vòi nhụy mảnh dễ rụng.

cây trạch tả

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Trạch tả có nhiều ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Cây này mọc hoang ở những nơi ẩm ướt ở Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn. Hiện được trồng ở nhiều tỉnh như Thái Bình, Hà Nội, Hoà Bình.

Cây không để lấy giống thì bấm bỏ hoa cho to củ. Mỗi năm thu hoạch 2 vụ, vụ tháng 6 và vụ tháng 12. Nhổ cả cây, cắt bỏ thân, lá, gọt sạch rễ con sấy khô. Loại đường kính trên 3 cm, khô, chắc, màu trắng ngà, nhiều bột, không mốc mọt là loại tốt.

Sơ chế Trạch tả: Loại bỏ tạp chất, phân loại to nhỏ, tẩm nước, ủ mềm, thái lát dày, phơi hoặc sấy khô.

Diêm trạch tả (Chế muối): Lấy thân rễ Trạch tả đã thái phiến khô, phun nước muối cho ẩm, ủ kỹ, sao nhỏ lửa đến khi mặt ngoài có màu vàng, lấy ra phơi khô. Cứ 100 kg trạch tả dùng 2 kg muối.

Bộ phận sử dụng của Trạch tả

Thân rễ khô ((Rhizoma Alismatis). Củ trạch tả hình cầu tròn, bầu dục hoặc hình trứng. Đường kính tối đa cỡ 5cm, chiều dài khoảng 6,6cm. Bao bọc bên ngoài củ là một lớp vỏ thô, màu trắng vàng, chứa nhiều vành rãnh nông nằm ngang. Xung quanh củ mọc ra nhiều rễ tơ, nhỏ. Chất bên trong màu trắng vàng, cứng, chứa nhiều tinh bột. Mùi nhẹ, nếm thấy vị hơi đắng.

tác dụng của trạch tả

Thành phần hóa học

Thân rễ trạch tả chứa: Tinh dầu, chất nhựa 7%, protid, tinh bột 23%

Các dẫn chất Triterpenoid: alisol A, Alisol B, alisol A monoacetat, alisol B monoacetat, alisol C, epialisol, 11-deoxyalisol C, alisol D và sitosterol 3-0-6 stearoyl-b-D glucopyranosid. Iod 6,10 mg/kg, Mn 1,2%.

Sesquiterpen: alismol và alismoxid.

Tác dụng của Trạch tả

Trong Đông y, Trạch tả được đùng làm thuốc lợi tiểu trong trường hợp tiểu

tiện ít, nhiễm trùng đường tiết niệu gây đau buốt, chức phận của thận kém mà

gây phù. Trạch tả còn được dùng để làm hạ cholesterol và lipid máu. Ngày dùng 6 - 12 g dưổi dạng thuốc sắc.

Theo nghiên cứu của y học hiện đại, trong trạch tả chủ yếu chứa tinh dầu, chất bột. Các nghiên cứu trong phòng thực nghiệm cho thấy trạch tả có tác dụng lợi tiểu, hỗ trợ ức chế hàm lượng cholesterol và mỡ trong máu tăng cao ở thỏ; có tác dụng chống gan nhiễm mỡ và làm tăng lưu lượng mạch vành trên tim thỏ cô lập.

Cao trạch tả có tác dụng hạ áp đối với chó và tác dụng hạ nhẹ đường huyết đối với thỏ. Trạch tả có thể đề phòng xơ hóa động mạch chủ, cải thiện thay đổi lipid và có tác dụng hỗ trợ chống thiếu máu cơ tim, ngăn ngừa bệnh tim mạch. Trạch tả có tác dụng cải thiện gan nhiễm mỡ và chức năng gan suy giảm.

Lưu ý khi sử dụng Trạch tả

Cây trạch tả là dược liệu lành tính không chứa độc. Các dấu hiệu nhận biết dị ứng cây trạch tả bao gồm:

  • Đau đầu, buồn nôn, chóng mặt;
  • Vấn đề về da: Nổi mẩn, phát ban kèm ngứa ngáy toàn thân;
  • Sưng phù mặt kèm theo sưng miệng;
  • Khó thở, thở rít…
  • Không dùng vị thuốc Trạch tả cho những đối tượng sau đây:
  • Sợ Văn cáp, Hải cáp (theo Bản Thảo Kinh Tập Chú).
  • Thận hư, lâm khát, thủy thũng (theo (Y Học Nhập Môn).
  • Thận hư, tinh thoát, không có thấp nhiệt (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
  • Can thận hư nhiệt nhưng không phải do thấp, không thuộc thùy ẩm (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).

Trạch tả là một cây thuốc quý, cần được nhân giống và bảo vệ ở Việt Nam. Trạch tả thường được bào chế dưới dạng viên nén dễ uống, với chỉ định chữa bệnh gout hiệu quả nhanh chóng. Sản phẩm từ Trạch tả dễ dàng tìm thấy trên thị trường của nhiều nhà sản xuất khác nhau. 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

pharmacist avatar

Dược sĩ Quách Thi Hậu

Đã kiểm duyệt

Chuyên khoa: Quản lý chuyên môn. Cửa hàng trưởng tại Nhà Thuốc 24H

Dược sĩ Quách Thi Hậu có 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược, chuyên môn sâu về tư vấn sử dụng thuốc cho bệnh nhân tại nhà thuốc, cung cấp thông tin và cập nhật kiến thức về thuốc cho nhân viên, dược sĩ bán hàng.