Trần bì là gì? Tác dụng chữa bệnh của Quýt trần bì
Trần bì có khả năng điều trị nhiều triệu chứng bệnh lý như nôn mửa, tiêu chảy, đầy bụng, tiêu đờm, điều hòa khí huyết… Mặc dù vậy loại dược liệu này vô cùng dễ kiếm và có thể được chế biến ngay tại nhà. Sau đây Medigo sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin hữu ích về trần bì.
Trần bì là cây gì?
Quýt trần bì còn gọi là quyết, hoàng quyết, trần bì, thanh bì, mandarinier (Pháp), là một loại dược liệu được chế biến từ vỏ cam quýt, không phải tên của một loại cây thuốc. Như vậy không tồn tại thuật ngữ “cây trần bì”. Trần bì còn được gọi với nhiều cái tên khác như hoàng quyết, quýt, quyết. Danh pháp khoa học của dược liệu này là Pericarpium Citri Reticulatae. Ngoài trần bì (làm từ vỏ quýt chín) còn có thanh bì (làm vỏ quýt xanh) với nhiều công dụng khác so với trần bì.
Về đặc điểm nhận dạng, trần bì thường có dạng quăn hoặc được cuốn lại, độ dày từ 0,1 – 0,15cm. Vỏ có mặt ngoài màu vàng nâu hoặc nâu nhạt, bề mặt có nhiều vết lõm xuống hoặc các chấm sẫm. Mặt trong màu trắng ngà hoặc hồng nhạt. Mùi vị vỏ cay, đắng, giòn và nhẹ, hương thơm, có tính ấm.
Về thành phần hóa học, trần bì có chứa từ 1,5 – 2% tinh dầu với các thành phần hóa học chính như Anpha-humulenol acetate, Copaneme, Caroten, Beta-sesqui-phellandrene, Iopropenyl-toluene, Hesperidin, Elemene, Vitamine B1 và C, Limolene, Cryptoxanthin.
Trần bì là một loại dược liệu được chế biến từ vỏ cam quýt
Cách làm Quýt trần bì
Trần bì được bào chế bằng cách rửa sạch rồi phơi khô, có thể sao vàng hoặc dùng sống đều được. Cách chế biến trần bì sẽ tùy theo từng loại bệnh và từng bài thuốc. Để bào chế trần bì, người ta áp dụng các cách sau đây:
- Rửa sơ qua, lau và cạo sạch phần bên trong rồi thái thành từng sợi nhỏ, phơi nắng đến khi khô.
- Muối hoặc tẩm mật ong rồi sao qua.
Trần bì được bảo quản trong nhiệt độ phòng, ở nơi thoáng mát khô ráo, tránh ánh sáng chiếu trực tiếp.
Tác dụng của Trần bì
Hàng ngàn năm qua, người Trung Quốc đã biết cách sử dụng trần bì để điều trị nhiều triệu chứng bệnh lý. Sau đây là một số công dụng chính quan trọng nhất của trần bì:
Tốt cho hô hấp và hệ tiêu hóa
Nếu để nguyên cùi trắng, trần bì giúp điều hòa trung tiêu, lý khí, bổ tỳ vị. Nếu loại bỏ phần cùi trắng thì trần bì dùng để trị ho, tiêu đờm.
Trong trần bì có chứa synephrine, hesperidin và chiết xuất ethyl acetate có chứa polymethoxy flavones. Vì vậy mà dược liệu này còn có công dụng tăng cường nhu động đường tiêu hóa, ức chế tình trạng co thắt cơ trơn đường ruột. Từ đó tác động đến hoạt động bài tiết của các cơ quan tiêu hóa và cơ trơn của ruột để làm thay đổi chức năng của đường tiêu hóa.
Trần bì dùng để điều trị nhiều căn bệnh về đường tiêu hóa
Điều trị bệnh về tim mạch
Đại học Y Nam Kinh vào năm 2020 đã công bố kết quả nghiên cứu về công dụng của trần bì trong việc hỗ trợ điều trị bệnh lý cơ tim phì đại. Cụ thể thông qua nghiên cứu trên chuột, trần bì có khả năng cải thiện tình trạng rối loạn chức năng tim, ức chế phì đại cơ tim, làm chậm quá trình apoptosis và xơ hóa cơ tim.
Cũng trong năm 2020, Đại học Y khoa Bắc Kinh đã thực hiện nghiên cứu liên quan đến khả năng ngăn chặn phì đại tim bệnh lý gây ra do thuốc Angiotensin II. Kết quả cho thấy trần bì giúp giảm thiểu xơ hóa cơ tim, ngăn ngừa phì đại tiến triển và cải thiện chức năng tim.
Có công dụng với bệnh béo phì và rối loạn chuyển hóa
Một trong những phương pháp điều trị các chứng rối loạn chuyển hóa và béo phì là ức chế lipase. Năm 2018, Đại học Dược Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu cho thấy trong trần bì có chất ức chế lipase vô cùng tiềm năng là Nobiletin.
Kháng khuẩn
Ngoài công dụng chống oxy hóa thì kháng khuẩn cũng là một trong những công dụng quan trọng của trần bì. Nghiên cứu của Đại học y học cổ truyền Quảng Châu thực hiện trên 6 chủng vi sinh vật khác nhau đã chứng minh phổ kháng khuẩn rộng của trần bì nhờ vào các hoạt chất Hesperidin, Tangeretin và Nobiletin.
Chống viêm thần kinh
Trần bì được đánh giá là loại dược liệu có công dụng chống viêm thần kinh vô cùng mạnh mẽ. Công dụng này đến từ các flavonoid có trong trần bì gồm hesperidin, nobiletin và tangeretin. Kết luận này được đưa ra vào năm 2013 bởi Đại học công nghệ y dược Nguyên Bội.
Trần bì có công dụng chống viêm thần kinh
Bài thuốc trị bệnh từ Trần bì
- Bài 1 – Điều trị chứng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa: 10g trần bì, 10g sinh khương, 3 quả đại táo, 10g hậu phác, 4g cam khảo và 6g thảo quả nướng. Sắc thuốc và uống trong 5 ngày liên tục.
- Bài 2 – Trị chứng đầy bụng khó tiêu: Xé nhỏ vài miếng trần bì và rửa qua bằng nước ấm. Bỏ vào cốc nước sôi, hãm lấy nước từ 10 – 15 phút rồi bỏ phần bã và uống. Uống trong vài ngày liên tiếp đến khi chứng khó chịu giảm.
- Bài 3 – Trị bệnh viêm phế quản nhẹ và ho do viêm họng: 6g trần bì, 4g cam thảo và 6g tô diệp, sắc lấy nước uống trong ngày.
- Bài 4 – Trị viêm loét dạ dày, tá tràng:
- Cách 1: Sắc chung 20g trần bì với 15g hương phụ sao giấm, lọc lấy nước và kho cùng 100g thịt gà. Kho đến khi cạn nước rồi thêm gia vị, gừng, nêm nếm vừa miệng thì tắt bếp.
- Cách 2: Sắc 15 – 20g trần bì và lọc lấy nước, nấu cùng 150g gạo tẻ. Nêm nếm muối và đường vừa miệng. Cháo dùng cho bệnh nhân đau thượng vị, buồn nôn, viêm loét dạ dày – tá tràng, chướng bụng.
- Bài 5 – Trị chứng suy nhược cơ thể, kém ăn: Chuẩn bị 1 con gà trống 1kg chặt miếng nhỏ, 3g trần bì và 3g hồ tiêu. Hầm lửa nhỏ gà và các vị thuốc nói trên, chia làm 2 – 3 phần ăn trong ngày. Ăn từ 2 – 3 lần liên tục sẽ trị chứng cơ thể suy nhược.
- Bài 6 – Trị chứng ho có đờm do cảm hàn: Sắc chung 6g trần bì, 12g bạch linh, 4g cam thảo, 6g bán hạ và 2 lát gừng tươi. Uống 1 thang/ngày đến khi triệu chứng bệnh thuyên giảm.
- Bài 7 – Trị ho mất tiếng: Sắc 12g trần bì cùng 200ml nước đến khi còn 100ml, lọc lấy nước thuốc và uống làm nhiều lần trong ngày.
Lưu ý khi sử dụng trần bì
- Không dùng cho trường hợp ho khan do âm hư, thực nhiệt, thổ huyết, khí hư
- Không dùng cho trường hợp không có thấp, không có đờm, không ứ trệ
Một số bài thuốc từ trần bì và lưu ý sử dụng
Có thể thấy trần bì là vị thuốc đơn giản nhưng có nhiều công dụng rất tốt cho sức khỏe. Mặc dù vậy Medigo khuyên bạn đọc nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn để việc điều trị bệnh đạt kết quả tốt nhất.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm