lcp

Xoài


Xoài hay còn được gọi là Mãng quả, Mác moang (Tày),…thuộc họ Anacardiaceae (Đào lộn hột) với danh pháp khoa học là Mangifera indica L. Theo đông y xoài quả, vỏ, lá có vị chua, ngọt, tính mát; hạch quả có vị chua, chát, tính bình có tác dụng thanh nhiệt, lợi niệu, sát trùng,…. Xoài còn có rất nhiều công dụng tốt cho đời sống tuy nhiên việc dùng Xoài chữa bệnh sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của Xoài cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.

xoài

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Xoài, Mãng quả
  • Tên khoa học: Mangifera indica L.
  • Họ:  Anacardiaceae (Đào lộn hột)
  • Công dụng: Lỵ, tả, táo bón, đau họng, sốt (Vỏ sắc uống). Ho, viêm phế quản mạn tính,thuỷ thũng (Lá). Lá còn là nguyên liệu chiết mangiferin làm thuốc chữa bệnh ngoài da.

Mô tả cây Xoài

  • Cây gỗ lớn, cao 10-20m, có tán rậm. Lá đơn, nguyên, mọc so le, phiến lá hình thuôn mũi mác, nhẵn, thơm.
  • Hoa họp thành chùm kép ở ngọn cành. Hoa nhỏ, màu vàng, có 5 lá đài nhỏ, có lông ở mặt ngoài, 5 cánh hoa có tuyến mật, 5 nhị nhưng chỉ có 1-2 nhị sinh sản. Bầu trên, thường chỉ có một lá noãn chứa 1 noãn.
  • Quả hạch chín màu vàng, thịt vàng, ngọt, thơm, nhân có xơ. Hạt rất to.
xoài

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Gốc ở Ấn Độ, được trồng nhiều ở các xứ nhiệt đới. Ở nước ta, Xoài được trồng ở nhiều nơi. Có nhiều thứ khác nhau như Xoài tượng, Xoài cát, Xoài cơm, Xoài thanh ca, v.v..

Thu hoạch: Có thể thu hái các bộ phận của cây quanh năm

Chế biến: Dùng tươi hoặc phơi khô

Bộ phận sử dụng của cây Xoài

Quả, hạch của quả, lá, vỏ thân - Fructus, Nux, Folium et Cortex Mangiferae Indicae.

xoài

Thành phần hóa học

Quả chứa nhiều caroten và vitamin B1, B2 và C. Hạch quả chứa nhiều tinh bột, dầu và tanin. Lá chứa tanin và một hợp nhất flavonoid là mangiferin. Vỏ thân chứa 3% tanin và mangiferin.

Tác dụng của cây Xoài

Theo y học cổ truyền

Quả, vỏ, lá có vị chua, ngọt, tính mát; hạch quả có vị chua, chát, tính bình. Quả có tác dụng thanh nhiệt tiêu trệ, ích vị, chỉ thổ, giải khát, lợi niệu. Hạt quả có tác dụng chỉ khái, kiện vị. Lá có tác dụng chỉ dương, hành khí sơ trệ, khu sa tích, lợi tiểu và có thể kháng nham. Vỏ thân có tác dụng thu liễm, sát trùng. Nhựa từ vỏ cây rỉ ra không mùi, có ví chát, đắng, hơi cay cũng có tác dụng như vỏ.

Theo y học hiện đại

Quả Xoài và hạch quả dùng trị ho, tiêu hóa không bình thường, sán khí. Thịt quả dùng trị bệnh hoại huyết và loạn óc. 

Hạch quả còn dùng trị giun, kiết lỵ và ỉa chảy. 

Vỏ quả dùng trị kiết lỵ.

Lá dùng trị các bệnh phần trên đường hô hấp như ho, viêm phế quản mạn tính hay cấp tính, thủy thũng và dùng ngoài trị viêm da, ngứa ngáy ngoài da.

Vỏ thân thường được dùng trị ho, đau sưng họng và đau răng. 

Nhựa từ vỏ dùng trị kiết lỵ, ỉa chảy và bệnh ngoài da, cũng dùng trị bạch đới, kinh nguyệt quá nhiều.

Cách dùng của cây Xoài

Ta thường trồng Xoài để lấy quả ăn. 

Bài thuốc chữa bệnh từ cây Xoài

Chữa đau răng Lấy 1 miếng vỏ bằng bàn tay, cạo vỏ ngoài rồi thái mỏng. 

  • Nếu dùng vỏ tươi thì giã nhỏ, vắt lấy nước, thêm tí muối để ngậm rồi nhổ nước, mỗi ngày 4-5 lần. 
  • Nếu dùng vỏ khô thì sắc lấy nước: đổ 2 bát nước đun sôi, giữ nước sôi kỹ trong nửa giờ, gạn lấy nước sắc, thêm vài hạt muối rồi ngậm. Mỗi lần ngậm chừng một chén con. Ngậm trong 10 phút, thỉnh thoảng súc sang hai bên má rồi nhổ đi. Ngậm 3-4 lần trong ngày, liên tiếp vài ba ngày.

Trị ghẻ lỡ: Nhựa cây tươi đem ngâm trong nước Chanh dùng bôi lên vùng bị ghẻ lỡ

Trị kiết lỵ, ỉa chảy: Hạt phơi khô, tán bột, dùng mỗi lần 1,5g trị giun hoặc uống

Các bệnh trong họng: Dùng lá nấu nước xông

 

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Xoài. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm