lcp

Xuyên tiêu


Xuyên tiêu hay còn gọi là Hạt sẻn, Sâng,... thuộc họ Cam (Rutaceae) có danh pháp khoa học là Zanthoxylum nitidum DC.. Trong y học, Xuyên tiêu có công dụng trị giun, tả, đau bụng, hen, sốt… Ngoài ra, Xuyên tiêu còn rất tốt trong điều trị đau răng, phong thấp.

Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền, song việc dùng Xuyên tiêu sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của Xuyên tiêu cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo tham khảo thêm trong bài viết dưới đây.

xuyên tiêu

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Xuyên tiêu, Sâng, Hạt sẻn, Mác khén (Thái), Hoàng lực, Sưng, Lưỡng diện châm, Chứ xá (Hmông), Sơn tiêu, Sẻng vàng, Chiêu khạt (Tày)
  • Tên khoa học: Zanthoxylum nitidum DC. hay Fagara piperita Lour.
  • Họ:  họ Rutaceae (Cam).
  • Công dụng: Giun, tả, đau bụng, hen, bổ, sốt. Đau răng, phong thấp.

Mô tả cây Xuyên tiêu

Thân cây xuyên tiêu nhỏ và mọc thành bụi cao khoảng 1 – 2m. Thân có màu hơi đen, nhánh có màu đỏ nhạt. Nhánh có thể vươn dài đến 10m. Toàn thân và nhánh có nhiều gai ngắn. Lá kép mọc so le dài khoảng 20cm. Lá chét mọc đối có hình trái xoan và dài trung bình 9cm. Mặt lá chét có gai, màu mặt trên sẫm hơn mặt dưới.

Cây ưa sáng và chịu nhiệt tốt. Nó xanh tốt quanh năm và cho nhiều hoa quả. Quả khi già sẽ khô và tự bong ra để phát tán hạt. Hạt rơi xuống đất sẽ nảy mầm và phát triển thành cây mới. Bên cạnh đó, xuyên tiêu còn thuộc loại cây có khả năng tái sinh tốt sau khi bị chặt đốn. 

Hoa đơn tính, mọc thành chùm ở nách lá và có lông ngắn. Mỗi hoa có từ 4 – 5 cánh. Hoa màu trắng và có mùi thơm. Đài hoa hình chén, tràng hoa hình trái xoan. Mùa hoa thường bắt đầu trong khoảng tháng 3 đến tháng 4 thì dần kết quả. Quả khi sống có màu xanh, chín có màu đỏ nhạt và dễ tách ra. Mỗi quả có từ 1 – 5 hạt, có màu đen bóng và cứng. Hạt có hình trứng và đường kính từ 3 – 5mm. Quả nhiều nhất trong tháng 5 đến tháng 6.

xuyên tiêu

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Mọc hoang khắp nơi ở nước ta, nhiều nhất tại các tỉnh miền núi như Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hoà Bình, Hà Tây. Còn mọc ở Trung Quốc (Hải Nam, Đài Loan, Quảng Đông, Quảng Tây)

Thu hoạch: Rễ, cành và lá thu hái quanh năm. Phần vỏ của thân cây thu hái vào mùa xuân. Quả thu hái khi chưa chín.

Chế biến: Đến mùa thu quả chín hái cả cành về, cắt lấy quả phơi khô. Khi nhấm quả thấy vị đắng, nóng và thơm. Bề ngoài vị thuốc trông rất đặc biệt: quả tách thành 3 mảnh cứng, trong mỗi mảnh có một hạt bóng đen, cứng. nhấm hạt có mùi thơm như chanh. 

Bộ phận sử dụng của Xuyên tiêu

Rễ, cành, lá, vỏ thân và vỏ quả.

xuyên tiêu

Thành phần hóa học

Trong hạt có 1% tinh dầu với thành phần chủ yếu là limonene 044%), geanial (12,14%), neral (10,95%), linalool (6,84%)

Tác dụng của Xuyên tiêu

Theo y học cổ truyền

Tính vị: Xuyên tiêu có vị cay, hơi đắng và có mùi thơm. Bên cạnh đó, nó có tính ấm và hơi độc.

Quy kinh: Vào 3 kinh phế, tỳ và thận.

Tác dụng: Có tác dụng tán hàn, trục thấp, ôn trung, trợ hỏa, sát hồi trùng.

Theo y học hiện đại

Chữa bụng lạnh đau, thổ tả, tẩy giun.

Chữa ho, đau bụng, nôn mửa, ỉa chảy, nhức răng, tê bại.

Chữa sốt, thuốc ra mồ hôi, thuốc sốt rét kinh niên, thuốc tê thấp.

Liều lượng và cách dùng Xuyên tiêu

Theo ghi chép của Đông y

Các thành phần của xuyên tiêu được dùng làm thuốc giảm đau, thuốc gây tê cục bộ, chữa viêm amidan cấp tính, đau bụng, nôn mửa và trị giun sán.

Thuốc giảm đau: Có tác dụng sau 5 – 10 phút tiêm 2ml chiết xuất từ xuyên tiêu vào bắp thịt. Hiệu quả kéo dài trong 4 – 8 giờ.

Thuốc gây tê cục bộ: Ứng dụng trong nhổ răng, rạch áp-xe mủ chân răng, tiểu phẫu thắt ống dẫn trứng và cắt amidan. Kết quả gây tê ổn định và không tác dụng phụ. Thời gian gây tê xuất hiện trong 3 – 6 phút kể từ khi tiêm thuốc.

Chữa viêm amidan cấp tính: Hiệu quả trong 2 – 6 ngày dùng thuốc. Kết quả xét nghiệm máu trở về bình thường.

Theo kinh nghiệm dân gian

Dùng rễ cây xuyên tiêu ở dạng thuốc sắc trị tình trạng đau nhức xương khớp, phong thấp, rắn cắn, đau vùng thượng vị, viêm da và uốn ván. Liều dùng: từ 9 – 15g. Nếu là vỏ rễ thì dùng 1,5 – 3g.

Quả chữa ho, viêm họng, sổ mũi, sốt rét và các tình trạng rối loạn tiêu hóa (đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, giun đũa), đau lưng, tê thấp, đau răng và chảy máu tử cung. Quả dùng dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột. Ngày dùng từ 3 – 5g.

Lá dùng làm gia vị nấu canh hoặc nấu nước tắm cho khỏe người.

Bài thuốc chữa bệnh từ Xuyên tiêu

Bài thuốc chữa liệt dương, chân tay mỏi

Xuyên tiêu, nhục thung dung, phụ tử, tục đoạn, xà sàng tử (mỗi loại 40g); lộc nhung 80g; ngưu tất 60g; quế tâm, viễn chí (mỗi loại 1,2g).

Tán các nguyên liệu thành bột. Sau đó trộn với mật ong để làm thành viên to bằng hạt ngô đồng.

Mỗi lần uống 30 viên và uống với rượu ấm.

Bài thuốc trị tiêu chảy và hàn thấp

Xuyên tiêu 40g và nhục đậu khấu 20g.

Tán các nguyên liệu thành bột. Sau đó trộn bột này với bột gạo hồ làm hoàn (làm ra viên nhỏ và tròn).

Mỗi ngày uống từ 12 – 16g với nước cơm.

Quả kích thích tiêu hóa, chữa ho, đau bụng, nôn mửa, ỉa chảy, nhức răng, tê bại, Thấp khớp, giun đũa: Ngày 3 – 5g dạng sắc, bột.

Chữa sốt, sốt rét, Thấp khớp: Ngày 6 – 12g dạng sắc, ngâm rượu.

Chữa Đau răng: Sắc hoặc ngâm rượu ngậm, và chữa rắn cắn, giã nát bôi.

Lưu ý khi sử dụng Xuyên tiêu

Dùng xuyên tiêu ở dạng chiết xuất có thể gây dị ứng trong khoảng 10 phút sau khi tiêm. Biểu hiện cụ thể gồm xuất hiện mẩn ngứa toàn thân, nôn mửa, thở nhanh và tăng huyết áp. Cách xử lý là uống nước đường. Sau khoảng 1 giờ các triệu chứng dị ứng ngày sẽ hết.

Bảo quản Xuyên tiêu

Các nguyên liệu sau khi phơi khô cần được đậy kín, để nơi khô ráo và tránh ánh nắng trực tiếp.
 

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ Xuyên tiêu. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại dược liệu này.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm